Những năm tháng không thể nào quên

Bài 1: NSND Trà Giang: Đời làm phim là bức hoạ vô song

29/06/2020 - 07:00

PNO - Dừng diễn xuất ở tuổi 48 khi đam mê vẫn còn, với NSND Trà Giang, đó không hẳn là một lựa chọn mà giống như “duyên nghề đã hết”, có muốn khác cũng không được.

Những năm tháng không thể nào quên

Nghệ thuật điện ảnh cũng như sân khấu Việt Nam từng trải qua nhiều bước thăng trầm, nhưng chính những giai đoạn khó khăn ấy lại là thời hoàng kim của một thế hệ nghệ sĩ vàng. Có lẽ vì thế, những năm tháng vất vả nhưng tràn đầy nhiệt huyết, đam mê lại trở thành ký ức rất đặc biệt với họ, tràn đầy cảm xúc mỗi khi chợt nhớ về.

“Phòng sáng tác tranh” - tôi tạm gọi như thế về nơi NSND Trà Giang thường xuyên lui tới để thoả đam mê hội hoạ - toạ lạc trên tầng 4 của một chung cư cũ. Sau hơn 30 năm dừng nghiệp diễn xuất, NSND Trà Giang có gần 20 năm tung tẩy trong cuộc chơi với sắc màu và đã có 3 triển lãm cá nhân được tổ chức.

Trong căn phòng không hề bừa bộn bởi màu vẽ, khung tranh mà tuyệt nhiên gọn gàng, ấm cúng, NSND Trà Giang duyên dáng với chiếc khăn rằn Nam bộ, say sưa kể lại một thời đẹp nhất trong cuộc đời diễn xuất của mình.

NSND Trà Giang bên những bức tranh được chuẩn bị cho triển lãm cá nhân tiếp theo.
NSND Trà Giang bên những bức tranh được chuẩn bị cho triển lãm cá nhân tiếp theo.

Vĩ tuyến 17 ngày và đêm: Ký ức đậm sâu nhất

Trong sự nghiệp diễn xuất của NSND Trà Giang (tên thật Nguyễn Thị Trà Giang, sinh năm 1942), Vĩ tuyến 17 ngày và đêm là phim mang về giải thưởng cao nhất - giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan phim (LHP) Quốc tế Moskva năm 1973. Thời điểm xuất hiện tại LHP Moskva, theo NSND Trà Giang, ê-kíp thực hiện phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm nhận được “cơn mưa” lời khen. Trong đó, nhiều lời khen dành cho tinh thần lao động quên mình của đoàn phim khi điều kiện làm việc hạn chế về mọi mặt.

Ngày đó, chính ê-kíp cũng không nghĩ sẽ làm được bộ phim giữa thời điểm chiến tranh đang ác liệt. Đi làm phim, hành trang mang theo của từng thành viên trong đoàn ngoài phương tiện kỹ thuật thô sơ là tinh thần trách nhiệm, lòng say mê nghề. “Chúng tôi xác định, làm phim cũng như công việc của người công nhân, nông dân. Nếu họ phải đến nhà máy, ra đồng thì chúng tôi cũng phải đi thực tế, quay phim để phục vụ khán giả. Chẳng có công việc nào vinh dự hay thua kém hơn mà chỉ là ai lao động nghiêm túc, hết mình mới xứng đáng được tôn trọng” - NSND Trà Giang chia sẻ.

Vĩ tuyến 17 ngày và đêm là cột mốc trong sự nghiệp diễn xuất của NSND Trà Giang.
Vĩ tuyến 17 ngày và đêm là cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp diễn xuất của NSND Trà Giang.

Quyết tâm là thế nhưng nhiều lần, nữ nghệ sĩ chột dạ, lo lắng vì chiến tranh ngày ấy đang trong giai đoạn ác liệt. Các cảnh quay ban đầu của phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm dự kiến chỉ quay tại huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị nhưng sau đó, vì đạo diễn Hải Ninh mong muốn trong cảnh quay đoàn người biểu tình đòi hoà bình phải có sự xuất hiện chiếc xe bọc thép mà quân đội Việt Nam đánh phá được từ quân đội Mỹ nên toàn bộ ê-kíp phải di chuyển đến khu vực gần sân bay Hoà Lạc (hiện thuộc Hà Nội).

“Trước đó, Bộ Văn hoá cho đoàn phim mượn chiếc xe bọc thép của Mỹ để quay nhưng khi chuẩn bị quay thì máy bay chiến đấu của Mỹ thả bom. Toàn bộ ê-kíp đang ở làng chài ven biển phải tìm nơi trú ẩn. Chiếc xe bọc thép được di chuyển về lại căn cứ gần sân bay Hoà Lạc. Một cán bộ làm ở Bộ Văn hoá nói rằng có lẽ chỉ nên chạy chú thích trên màn hình thay vì các cảnh quay thực tế để tránh nguy hiểm, nhưng cả đạo diễn Hải Ninh và toàn bộ ê-kíp đều muốn tiếp tục ghi lại những hình ảnh chân thật nhất” - NSND Trà Giang nói thêm.

Hình ảnh NSND Trà Giang trong phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm.
Hình ảnh NSND Trà Giang trong phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm.

Thời điểm đó, sân bay Hoà Lạc là một trong những căn cứ chiến đấu bị quân đội Mỹ nhắm đến nên cả đêm lẫn ngày, nơi đây không an toàn để thực hiện việc quay phim. Nghệ sĩ Trà Giang nhớ lại, một đêm trước ngày bấm máy, máy bay B52 của Mỹ vần vũ trên bầu trời, thả bom xuống Hoà Lạc.

Nữ nghệ sĩ chui vội xuống gầm giường, cố trấn an bản thân và sinh linh bé nhỏ trong bụng mới ở thai kỳ thứ 4. Vừa sợ hãi vì tiếng máy bay gầm rú, vừa nhớ lại những cảnh chết chóc, xóm làng bốc cháy, tan hoang từng chứng kiến khi theo bố đi khắp các chiến trường, người phụ nữ 30 tuổi lúc ấy chỉ mong cầu được bình yên.

Mờ sáng, khi máy bay địch đã bỏ đi, đoàn phim lấy lại tinh thần để tiếp tục thực hiện những cảnh quay còn lại.

“Chúng tôi sinh ra không phải để trở thành người hùng mà thời thế buộc người ta chỉ được chọn cách đối mặt, không thể lùi. Cả đoàn phim ngày ấy đều lo lắng cho bản thân vì phía sau họ còn gia đình nhưng một khi đã tham gia, chúng tôi phải hoàn thành” - nữ nghệ sĩ tâm sự.

Dừng sự nghiệp ở tuổi 48

Sau thành công của Một ngày đầu thu, Chị Tư Hậu, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm... NSND Trà Giang nhận được nhiều lời mời vào các dự án khác. Thành công là thế nhưng sau Dòng sông hoa trắng (năm 1989) của đạo diễn Trần Phương, NSND Trà Giang dừng sự nghiệp diễn xuất dù không tuyên bố chấm dứt. Cũng từ đó, nữ nghệ sĩ không xuất hiện thêm ở tác phẩm nào. 

“Năm đó, tôi 48 tuổi. Độ tuổi mà về ngoại hình hay năng lực, tôi có thể phù hợp với nhiều dạng vai khác nhau nhưng như cơ duyên với nghiệp diễn đã hết, tôi chờ đợi mãi vẫn không thấy kịch bản phù hợp với mình. Tôi không chủ đích dừng lại nhưng sự chờ đợi cứ kéo dài và thấy mình không thể làm gì khác ngoài quyết định đó” - NSND Trà Giang cho biết.

NSND Trà Giang và poster phim Một ngày đầu thu - bộ phim đầu tay nữ diễn viên tham gia.
NSND Trà Giang và poster phim Một ngày đầu thu - bộ phim đầu tay nữ diễn viên tham gia.

Lẫn trong nuối tiếc, thoáng trên gương mặt của nữ nghệ sĩ là sự bồi hồi về giai đoạn chuyển mình của điện ảnh Việt theo cơ chế kinh tế thị trường. Nghệ sĩ Trà Giang kể, nhà phát hành phim khi đó đã bắt đầu quan tâm đến những bộ phim thu hút khách thay vì phim về đề tài thời chiến. Đơn vị phát hành đã từ chối mua một bộ phim có sự tham gia của NSND Trà Giang. Lương bổng cũng sụt giảm khoảng 30% so với trước đó. Điện ảnh bị tác động bởi nền kinh tế thị trường và điều này khiến bản thân nghệ sĩ hụt hẫng. 

Trong sự nuối tiếc về việc dừng diễn xuất từ hơn 30 năm trước đó, NSND Trà Giang nhắc đến số phận của Xưởng phim Hà Nội (toạ lạc tại số 4 Thuỵ Khuê, Hà Nội; sau này là Hãng phim truyện Việt Nam). Bà buồn lòng bởi Xưởng phim Hà Nội từng là nơi sản xuất ra những bộ phim đầu tiên của điện ảnh Việt, nhưng giờ đây bị “banh da, xẻ thịt” vì những chồng chéo về quyền lợi giữa các bên.

Đâu rồi những đồng nghiệp thương mến?

Trong dòng hồi tưởng về những tháng năm cơ cực nhưng vinh quang, hạnh phúc, NSND Trà Giang bần thần khi nhớ lại từng cái tên, từng gương mặt đã bên cạnh bà ngày ấy, giờ họ nơi đâu? Đó là đạo diễn Phạm Kỳ Nam, quay phim Nguyễn Khánh Dư của phim Chị Tư Hậu; là đạo diễn Hải Ninh, NSND Lâm Tới của Vĩ tuyến 17 ngày và đêm; là NSND Thế Anh của Em bé Hà Nội...

“Tôi sẽ không được nhiều người biết đến, không thể có được vai diễn hay, những giải thưởng cao quý nếu không có những đồng nghiệp giỏi giang, đoàn kết. Chúng tôi bên nhau, cùng đi thực tế, cùng trải qua những kỷ niệm buồn vui trong nghề để đến bây giờ, mọi người ra đi dần. Tôi nhớ từng người một, từ người chỉnh ánh sáng, y tá, phục trang nhưng giờ tuổi cao, nỗi nhớ chỉ khiến người ta rơi nước mắt, đau lòng” - NSND Trà Giang bộc bạch.

NSND Trà Giang bên cạnh cố NSND Thế Anh tại triển lãm cá nhân của cô năm 2018.
NSND Trà Giang bên cạnh cố NSND Thế Anh tại triển lãm cá nhân của bà năm 2018.

Ngoài đồng nghiệp, nữ nghệ sĩ nhớ đến từng nhân vật đã cho bà cảm hứng hoá thân vào các vai diễn. Bà gặp o Thảo (tên thật là Hoàng Thị Thảo) - nguyên mẫu của nhân vật Dịu trong phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm trong đợt đi thực tế trước khi phim bấm máy. 

Ngày gặp o Thảo, năm 1970, NSND Trà Giang như được "vỡ ra" khi nghe người phụ nữ nhỏ nhắn nhưng kiên cường, mới ngoài 20 tuổi đã đảm nhận chức vụ huyện ủy viên, bí thư kiêm xã đội trưởng xã Gio Hà (huyện Gio Linh, Quảng Trị) kể về những đêm vượt sông Hiền Lương để sang Gio Linh làm nhiệm vụ, những trận chiến đẫm máu nhưng luôn tin vào ngày mai hoà bình. Nhờ đó, nữ nghệ sĩ dễ dàng hoá thân vào vai Dịu trong phim.

Sau này, khi dừng sự nghiệp diễn xuất, NSND Trà Giang tìm về nơi chốn xưa với ước mong được một lần nữa gặp lại o Thảo.... Nhưng ước mơ ấy đã không thể và không bao giờ có thể trở thành sự thật: o Thảo đã hy sinh vào năm 1971, chưa đầy 1 năm sau cuộc gặp gỡ đầu tiên nhưng đầy cảm xúc giữa 2 người phụ nữ .

Giờ đây, ở tuổi 78, NSND Trà Giang vẫn luôn xúc động khi kể về những người lính mình đã gặp tại khu vực địa đạo thuộc huyện Vĩnh Linh – nơi đoàn phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm tá túc trong thời gian quay phim. Những cử chỉ ân cần, giúp đỡ đoàn quay, những câu chuyện cảm động từ các chiến sĩ đã theo NSND Trà Giang suốt gần 50 năm từ lúc phim bấm máy đến khi bà dừng diễn xuất. Từng có lúc, những lá thư tay vẫn thường xuyên đi về giữa thủ đô và chiến trường. Nhưng với thời gian mọi thứ phai mờ dần. Chỉ duy ký ức vẫn khiến người đã đi qua mãi khắc khoải mỗi khi chợt nhớ về...

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI