Dù ở “phe” nào trong chiến tranh, họ vẫn luôn đau đáu một ước vọng đất nước được hòa bình, thống nhất. Sau năm 1975, họ tiếp tục miệt mài cống hiến, đồng thời luôn tranh thủ mọi cơ hội để kết nối các bên vào khối hòa hợp, khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vì sự phát triển của đất nước Việt Nam.
Mặt trận đặc biệt
Hiệp định Paris 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam là thắng lợi lớn về mặt quân sự, chính trị và ngoại giao của Việt Nam. Với riêng ngoại giao, trong cuốn hồi ký Gia đình, bạn bè và đất nước, bà Nguyễn Thị Bình - nguyên Phó chủ tịch nước, nguyên Trưởng phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam dự Hội nghị Paris - đã gọi đây là “một trang rất quan trọng trong cuộc đời hoạt động” của bà.
|
Giáo sư, bác sĩ Trần Đông A (thứ ba từ phải sang) tiếp ông Gilles ANGLES - Tùy viên hợp tác y tế Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam - Ảnh: Bệnh viện Nhi Đồng 2 |
Giữ nhiều ký ức về bà Nguyễn Thị Bình những ngày dự hội nghị đàm phán Hiệp định Paris về Việt Nam, bà Tôn Nữ Thị Ninh - khi đó là phiên dịch viên cho phái đoàn của bà Nguyễn Thị Bình - nhớ lại: “Ấn tượng đầu tiên về hội nghị là sự đông đảo nữ giới trong phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Đó là những gương mặt oanh liệt, xuất sắc, đặc biệt là vị trưởng đoàn Nguyễn Thị Bình”.
Những ngày không diễn ra hội nghị, bà Nguyễn Thị Bình tranh thủ tiếp những nhà báo phản đối chiến tranh, những bà mẹ Mỹ có con tham chiến ở Việt Nam để làm công tác đối ngoại nhân dân. Ngoài bà Nguyễn Thị Bình, bà Nguyễn Thị Chơn - Phó phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris - cũng tranh thủ vận động cộng đồng sinh viên, trí thức Việt Nam ở Pháp.
|
Khách nước ngoài tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh ở TPHCM - nơi đây vừa lọt vào top những điểm đến hấp dẫn nhất thế giới dựa trên dữ liệu tổng hợp từ TripAdvisor, Google Reviews - Ảnh: Nguyễn Văn |
Bản Hiệp định Paris gồm 9 chương, 23 điều, trong đó có 3 điều về hòa hợp, hòa giải dân tộc. Chính phủ ta đã nỗ lực thực thi bằng nhiều cách. Sau ngày đất nước thống nhất, chủ trương hòa hợp, hòa giải dân tộc vẫn tiếp tục được Đảng và Nhà nước quan tâm thực hiện.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh kể rằng, sau năm 1975, mẹ của một phi công Mỹ chết trong chiến tranh được con gái sắp xếp một chuyến thăm Việt Nam, đi từ Bắc vào Nam, nhìn đất nước gánh chịu chiến tranh tàn khốc và gặp một bà mẹ có con liệt sĩ. Trong cuộc gặp đó, 2 bà mẹ đã ôm hôn nhau.
Cũng theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, chính người con gái đó (Gerilyn Brusseau) đã đến tỉnh Quảng Trị - nơi bom đạn dội xuống nhiều nhất trong chiến tranh giữa ta với Mỹ - để thành lập tổ chức Peace Trees (Vườn cây hòa bình), giúp Việt Nam hàn gắn vết thương chiến tranh qua việc tổ chức rà phá bom mìn còn sót lại.
Kết nối cựu binh Mỹ - Việt
Trên mặt trận ngoại giao nói chung, hòa hợp dân tộc nói riêng, bà Tôn Nữ Thị Ninh cũng là một sứ giả lừng lẫy mà nhà báo Daniel Sneider (Mỹ) nhìn nhận là “một tiếng nói gây ngạc nhiên của Việt Nam mới”. Từ nhỏ đã có cuộc sống yên bình trên đất Pháp, nghe hàng loạt thông tin về cuộc chiến đang diễn ra trên quê hương Việt Nam, xuất phát từ sự vận động của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, bà đã trở về.
|
Ở tuổi 82, giáo sư, bác sĩ Trần Đông A vẫn miệt mài làm việc, cống hiến cho sự phát triển của đất nước (trong ảnh: Giáo sư, bác sĩ Trần Đông A (bìa phải) cùng giáo sư Jean Chung Minh (Trường đại học Grenoble Alpes, Pháp) và bà Tổng lãnh sự Pháp tại TPHCM Emmanuelle PAVILLON-GROSSER trong Hội nghị Pháp Việt về nhi khoa ngày 15/12/2022 tại Bệnh viện Nhi Đồng 2) - Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Bà tâm sự: “Tôi tìm đến nơi mà sự đóng góp, tham gia của tôi có thể tạo nên sự khác biệt nào đó, dù nhỏ. Tôi muốn góp sức vào sự khôi phục hòa bình và thống nhất đất nước. Yêu cầu này rất hiển nhiên. Đó cũng là sự kêu gọi của đất nước và tôi muốn đáp ứng”.
Là một nhà ngoại giao, bà Tôn Nữ Thị Ninh đã có hàng chục cuộc tiếp xúc với người Việt lớn tuổi và người Việt trẻ ở nước ngoài trong tư cách Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội. Đó là giai đoạn sóng gió với bà. Không phải cuộc tiếp xúc nào cũng diễn ra suôn sẻ. Một lần, trong một tình huống, bà đã dõng dạc rằng: “Việt Nam không phải là thiên đường. Nước nào trên thế giới là thiên đường thì tôi không biết. Nhưng chắc chắn Việt Nam không phải là địa ngục mà một số vị đang mô tả”.
“Sau đó, có người nói tôi nên thông cảm cho tâm tư vài người, do họ trải qua mất mát lớn. Tôi đáp lại rằng, nói về đau thương, mất mát, bên nào cũng có. Đã đến lúc nhìn về tương lai. Ở góc độ tâm tư riêng, chính gia đình tôi cũng có, tôi từng học cấp III ở Sài Gòn, người thân sống ở Sài Gòn” - bà nhớ lại.
Tiến sĩ Trần Xuân Thảo - Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TPHCM - nhớ mãi một câu chuyện. Năm 2018, bảo tàng phối hợp Hội Cựu chiến binh Mỹ phản đối chiến tranh trưng bày chuyên đề Làn sóng hòa bình, nhờ sự giúp đỡ của bà Tôn Nữ Thị Ninh.
“Gắn liền sự kiện trưng bày là cuộc đối thoại giữa các cựu chiến binh 2 nước. Trong cuộc đối thoại, bà Tôn Nữ Thị Ninh làm chủ tọa, dẫn dắt câu chuyện hòa giải giữa các cựu chiến binh. Và, tất cả đã cùng gạt quá khứ để trò chuyện, bắt tay, ôm nhau khóc, cam kết rằng sẽ cùng hướng đến tương lai. Nội dung, hình ảnh của chuyên đề này sau đó được đưa đi trưng bày ở các trường đại học của Mỹ” - bà Trần Xuân Thảo kể.
|
Bà Tôn Nữ Thị Ninh (ngoài cùng, bên phải) họp mặt với nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình (thứ hai từ trái qua) và đoàn cán bộ TPHCM năm 1995 - Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Bà Tôn Nữ Thị Ninh là cộng tác viên thân thiết của Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TPHCM trong nhiều hoạt động kết nối cựu binh 2 nước Mỹ - Việt Nam. Theo bà Trần Xuân Thảo, đó là một nhà ngoại giao vô cùng bặt thiệp, giọng nói ấm áp, truyền cảm, phong thái tự tin, kiến thức sâu rộng, luôn có sức cuốn hút trong mọi cuộc gặp gỡ, khiến nhiều người quý mến, ngưỡng mộ.
Vinh dự được phục vụ đất nước
Gần 50 năm cống hiến cho nền y học nước nhà và cho cả việc hàn gắn vết thương sau chiến tranh, giáo sư, bác sĩ Trần Đông A không ngần ngại nhắc lại 6 năm phục vụ chiến trường trong vai trò bác sĩ quân y của quân đội Việt Nam Cộng hòa: “Có ngày, tôi tiếp nhận một bộ đội bị thương nặng, phải phẫu thuật ngay. Nhưng nếu phẫu thuật thì cần người cho máu, thế là tôi đã nhờ một người lính cộng hòa đi lấy máu. Trên đường đi, người lính này bị trúng bom chết và tôi đã bị rầy”.
|
Cuộc hội ngộ giữa đại sứ Úc, đại sứ Canada, bà Phạm Chi Lan và bà Tôn Nữ Thị Ninh (từ trái qua) tại TP Hà Nội năm 1990 - Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Ông kể, mỗi lần tiếp nhận một thương binh, ông vừa mổ, vừa trò chuyện. Nhưng khi có ai muốn vào để hỏi cung, ông đều không cho, nhằm đảm bảo họ được sống. “Tôi hay trò chuyện, hỏi han cũng vì tôi có đứa em thất lạc ngoài Bắc, không biết sống chết ra sao và đang ở chiến tuyến nào” - ông nói. Chính sự chia cắt, ly tán đó khiến ông luôn khát khao về ngày được sống và hít thở bầu không khí hòa bình, gia đình sum họp. Đó cũng là lý do khiến ngày 28/4/1975, ông quyết định ở lại để đón ngày đất nước thống nhất dù chuyện rời đi đối với ông lúc ấy quá dễ dàng.
Đã có rất nhiều câu hỏi dành cho ông quanh quyết định này và ông luôn sẵn lòng đáp: “Vì trẻ em Việt Nam cần tôi và phẫu thuật nhi khoa là chuyên khoa của tôi”. Trong buổi gặp gỡ trí thức nhân kỷ niệm 46 năm ngày thống nhất đất nước do Thành ủy TPHCM tổ chức, ông khẳng định: “Tôi rất vinh dự được phục vụ đất nước”. Trong cuộc gặp đó, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nói rằng, lựa chọn đó của bác sĩ Trần Đông A là chọn lẽ sống vì nhân dân.
Giữa bộn bề công việc của gần 50 năm qua, bác sĩ Trần Đông A nhiều lần thu xếp sang Mỹ. Ông nhận định: “Việc một thiếu tá thuộc sư đoàn nhảy dù, Quân lực Việt Nam Cộng hòa xuất hiện trong vai trò giáo sư, bác sĩ, đại diện Việt Nam dự hội nghị khoa học quốc tế cũng đã thay đổi phần nào cách nhìn về sự đối đãi của đất nước với trí thức trong nước”.
|
Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TPHCM là nơi lưu giữ nhiều hiện vật trong chiến tranh, được bình chọn là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất thế giới. Riêng tháng 3/2023, bảo tàng này đón gần 12.000 lượt khách đến tham quan - Ảnh: Nguyễn Văn |
Ông cho biết thêm, không ít lần, tôi bị hỏi cắc cớ về việc từng đi cải tạo sau năm 1975, ông trả lời bằng kết quả: chỉ 6 tháng sau cải tạo, ông được bổ nhiệm làm Trưởng khoa, rồi Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 và trở thành đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XI, XII.
Giờ đây, ở tuổi 82, ông vẫn miệt mài và tận tâm cống hiến, ngày ngày đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 làm việc với vai trò cố vấn và sẵn sàng tham gia đóng góp ý kiến đối với những vấn đề mà chính quyền TPHCM cần sự giúp sức của lực lượng trí thức. Bác sĩ Trần Đông A cho chúng tôi xem những dòng chữ của một người cùng chiến tuyến trong những ngày khói lửa: “Em vẫn thán phục quyết định của anh, bởi vì dân tộc mình cần nhiều người có tài như anh”.
Ông chậm rãi: “Sau 48 năm, tôi vẫn nghĩ đất nước hòa bình, thống nhất chính là động lực mạnh mẽ nhất giúp tôi có nghị lực vượt qua bao khó khăn, gian khổ để có được những đóng góp nhất định cho sự nghiệp chung”.
Tuyết Dân - Thu Lê
Kỳ tới: Xóa “khoảng cách còn lại”, cùng hướng tới tương lai