LTS: Phát triển Đảng trong hội viên phụ nữ là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và xây dựng tổ chức hội phụ nữ vững mạnh. Thực tiễn những năm qua tại TPHCM đã cho thấy, các nữ đảng viên trong hội luôn là ngọn cờ đầu trong việc thực hiện các phong trào, góp phần vào việc thúc đẩy bình đẳng giới và xã hội phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc phát triển Đảng ở các cơ sở hội hiện đang gặp nhiều vướng mắc. Loạt bài “Mở cơ chế để phát triển đảng viên nữ ở cơ sở hội” của Báo Phụ nữ TPHCM sẽ phần nào thấy rõ được thực tế này.
Noi theo một tấm gương
Trước đó, Thanh Nhanh có 10 năm làm việc cho một doanh nghiệp nhà nước. Trong môi trường đó, chị đã phấn đấu rất nhiều với mục tiêu được vào Đảng để có cơ hội thăng tiến trong tương lai. Thế nhưng, 10 năm phấn đấu của Nhanh không có kết quả.
Cho đến khi công ty chuyển trụ sở từ quận 7 ra TP Thủ Đức, xa nhà hơn, Nhanh quyết định nghỉ việc để tập trung giúp đỡ công việc kinh doanh của gia đình, lo cho con cái học hành.
|
Phan Dương Thanh Nhanh (thứ hai từ phải sang) trong lễ kết nạp Đảng - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Dịch COVID-19 bùng phát, Nhanh đặt mua thực phẩm chứa đầy 2 tủ lạnh và “trốn kỹ” trong nhà để bảo vệ gia đình. Không may, con hẻm nhà Nhanh bị giăng dây từ rất sớm. Nhà có dãy phòng trọ cho thuê, nhìn ai cũng đối mặt với khó khăn khi mất việc, thiếu lương thực, lại không có người thân chăm sóc, Nhanh cố gắng hỗ trợ trong khả năng của một chủ nhà.
Một ngày, nhìn thấy trên Facebook hình ảnh cô Lê Thị Tuyết - Bí thư Chi bộ khu phố 4 - đi hỗ trợ thực phẩm, rau củ đến từng khu trọ công nhân, Nhanh nhắn tin cho cô rằng, những người đang thuê trọ tại nhà chị cũng đang cần giúp đỡ. “Chỉ 10 phút sau, cô Tuyết lò dò mang thực phẩm qua. Thời điểm đó chưa ai được tiêm ngừa. Nhìn cô, tôi thấy xấu hổ. Cô lớn tuổi mà còn xông pha lo cho mọi người, trong khi tôi còn trẻ, lại chọn cách sống yên phận” - Nhanh kể lại.
Vậy là sau đó Nhanh mở lời với cô Tuyết: “Cần phụ giúp gì thì cô gọi con”. Và thế là chị có mặt nhiều hơn khi những chuyến xe chở rau củ về khu phố để giúp phân chia thực phẩm, đưa đến từng nhà. Nhanh cũng trở thành thành viên tích cực của đội “Đi chợ giúp dân”.
Lòng yêu mến cô bí thư chi bộ khu phố khiến Nhanh không ngần ngại giúp sức khi khu phố có việc cần. Chị cho biết, sau đợt dịch, cô Tuyết mở lời giới thiệu chị làm đối tượng phát triển Đảng. Nghe thế, chị rất bất ngờ, vì trước đó chị từng cố gắng suốt 10 năm nhưng không có kết quả…
Nhanh từ chối vì “vào Đảng bây giờ đâu có ý nghĩa gì”. Thế nhưng, cô Tuyết không bỏ cuộc. Cô cứ miệt mài lấy việc làm của mình để truyền lửa. “Thực sự, động lực không xuất phát từ bản thân tôi mà đến từ cô Tuyết. Tôi học cô cách sống, cách chăm lo cho người khác không vụ lợi. Nhận thức về một đảng viên của tôi hoàn toàn khác lúc còn làm ở công ty - nơi tôi nghĩ rằng, vào Đảng chỉ để cơ cấu chức vụ” - Nhanh nói.
|
Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại nhà trọ của Phan Dương Thanh Nhanh thu hút trẻ em hàng xóm trong những ngày cuối tuần |
Trở thành đảng viên, Nhanh được đề cử làm Chi hội phó Chi hội Phụ nữ khu phố 4, là thành viên của Câu lạc bộ Nữ chủ nhà trọ quận 8. Ngày đến trụ sở Hội LHPN quận 8 dự lễ ra mắt Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nghe hội phát động “mỗi gia đình, mỗi khu trọ là một Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”, Nhanh nghĩ mình cứ về làm, để cho các bạn sinh viên, những người đang thuê trọ có thêm một không gian để sinh hoạt, giao lưu với nhau, từ đó, học hỏi điều hay từ Bác.
Khuôn viên nhà vỏn vẹn 100m2 nên chị tận dụng hành lang tầng trệt - nơi thuận tiện cho mọi người tới lui để hình thành khu vực trưng bày sách báo, hình ảnh về Bác. Chị đặt mua thêm bàn ghế, thảm ngồi, sách báo thiếu nhi, màu tô cho trẻ em hàng xóm vào chơi, đọc sách Bác Hồ trong những ngày cuối tuần. Đây cũng là nhà trọ đầu tiên tại quận 8 có Không gian văn hóa Hồ Chí Minh.
Người tử tế ở đường Tạ Uyên
“Tôi từng rất e dè, ngại tiếp xúc, nhưng vì sự ân cần của chị Phụng mà tôi đến với phong trào một cách tự nguyện, vui vẻ, dần dần thấy cuộc sống ý nghĩa hơn. Hồi chồng tôi còn sống, ảnh lâm bệnh nặng, phải ra vô bệnh viện liên tục. Không biết chị Phụng bàn bạc với hội phụ nữ ra sao mà thỉnh thoảng lại gửi tiền giúp tôi lo viện phí. Cứ tưởng sẽ nghèo mãi, nhưng rồi năm nay nhà tôi thoát diện hộ nghèo” - bà Lạc Thị Liên - một phụ nữ Hoa ở khu phố 1, phường 6, quận 11 - xúc động kể về Chủ nhiệm tổ tuyên truyền viên tiếng Hoa (Hội LHPN phường 6) Phùng Kim Phụng, 59 tuổi.
Còn bà Phùng Kim Phụng thì bộc trực kể, hồi ấy, có lần bà qua nhà bà Lạc Thị Liên chơi, thấy trên bàn ăn của 4 người chỉ có tô canh toàn nước. Xót xa, bà liền chạy đi mua ít xá xíu về cho. Từ đó, thỉnh thoảng, bà lại đem gạo, thực phẩm tới tặng gia đình bà Liên.
|
Bà Phùng Kim Phụng (phải) đã kết nối Hội LHPN phường sửa gian bếp và tặng máy vắt sổ cho bà Lạc Thị Liên |
Nhà bà Phụng nằm trên đường Tạ Uyên, tổ 11, khu phố 1. Đó là ngôi nhà nhỏ ấm cúng, nơi bà Phụng sống cùng gia đình em trai. Hằng ngày, bà nấu nước sâm mang bán kiếm tiền lo chợ búa, phụ em lo cho các cháu. Là người Hoa lớn lên tại TPHCM, bà Phụng có cha từng là cán bộ mặt trận phường và mẹ tham gia hội phụ nữ từ sau ngày đất nước thống nhất. Bà chỉ được học tới lớp Tám, nhưng rành cả tiếng Hoa lẫn tiếng Việt. Hồi trẻ, bà ở nhà đan cần xé, dán decal.
Đầu những năm 2000, khi được xem xét kết nạp Đảng, bà Phụng đã rất dè dặt, lo rằng không thể đảm nhận tốt công việc của người đảng viên. Kể chuyện xưa, bà phân trần: “Lúc đó, ba tôi qua đời rồi, còn mẹ rất yếu. Tôi vừa lo kinh tế, vừa chăm sóc mẹ. Tôi hiểu “sức nặng” của một đảng viên là trọng trách nêu gương, là trách nhiệm dẫn dắt. Mà tôi chỉ là người phụ nữ nhỏ bé theo đúng nghĩa đen thì sao gánh vác được. Tổ 11 của tôi có tới 58/59 hộ người Hoa, mỗi hộ gồm nhiều gia đình cùng sinh sống, nhà nào cũng tất bật làm lụng cả ngày, đâu ai chịu tham gia phong trào. Thế nhưng, các anh, các chị chi ủy viên chi bộ nói với tôi, cứ tích cực tham gia công tác phụ nữ rồi phấn đấu vào Đảng thì tôi sẽ có tiếng nói hơn, kết nối được nhiều nguồn lực giúp bà con hơn. Vậy là tôi nhận lời dù biết sẽ gian nan lắm”.
Hơn 20 năm trước, hầu như người dân sống trên đường Tạ Uyên và địa bàn lân cận đều giao tiếp bằng tiếng Hoa, rất ít người biết tiếng Việt. Để kêu gọi chị em đến với tổ chức hội, bà Phụng trở thành người thông dịch, tuyên truyền viên. Hễ hội có tài liệu cần phổ biến, bà sẽ đem đến từng nhà rồi trao đổi với họ bằng ngôn ngữ mẹ đẻ. Ai có nhu cầu làm giấy khai sinh cho con hay hôn thú, bà trực tiếp chỉ cách điền thông tin.
Vào dịp Trung thu, rằm tháng Bảy, bà cùng mạnh thường quân nấu chè, mua bánh trung thu tặng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Bà cũng vận động các gia đình cho trẻ đi học, kết nối hội phụ nữ để hỗ trợ học bổng cho con em hội viên nghèo, giới thiệu các chị em vay vốn để làm ăn.
Ngày 6/10/2005, bà Phùng Kim Phụng được kết nạp Đảng. Bà nhớ lại: “Hôm đó, mẹ tôi rất mừng và đã khóc. Mẹ dặn, từ nay trở đi, dù làm việc gì con cũng phải đặt tập thể, đặt lợi ích chung lên hàng đầu, không được tư lợi. Sau 18 năm, tôi tự hào đã giữ đúng lời hứa trước Đảng, trước mẹ”.
Ngoài vai trò Chủ nhiệm tổ tuyên truyền viên tiếng Hoa của phường và chi ủy viên, bà Phụng còn kiêm nhiệm Chi hội phó Chi hội Phụ nữ khu phố 1. Gần đây, bà đã góp sức cùng Hội LHPN phường xây dựng các bộ tài liệu tuyên truyền song ngữ Việt - Hoa.
Thu Lê - Mẫn Nhi
KỲ TỚI: Hun đúc tình yêu Đảng cho người trẻ