Qua rồi thời kỳ giáo viên đứng giảng, học sinh chép bài, nhiều trường, thầy cô hiện đã sáng tạo những cách thức giảng dạy mới lạ như cùng học sinh múa hát, chơi trò chơi theo đội, làm tạp chí, sách ảnh… khiến học sinh rất mong chờ, thích thú.
10g trưa, không khí nóng bức bao trùm lên toàn bộ khoảng sân và những dãy phòng học của Trường THCS Lý Tự Trọng (quận Gò Vấp, TPHCM). Dù vậy, hơn 50 học sinh của lớp 6/8 vẫn đang vui vẻ hát múa. Chạy theo nhịp điệu của câu hát “Baby Shark, doo-doo, doo-doo, doo-doo, Baby Shark, doo-doo, doo-doo, doo-doo”… cánh tay các em nhịp nhàng chuyển động qua trái, qua phải, miệng cũng không ngừng hát theo.
Phải vui mới học được
Đứng trên bục giảng, thầy Phạm Kiên Thành - giáo viên tiếng Anh của lớp - nhiệt tình hướng dẫn, khuyến khích các em hát múa. Cho đến khi bài hát kết thúc, những đôi má trở nên hồng hào thì tiết học mới chính thức bắt đầu.
|
Thầy và trò Trường THCS Lý Tự Trọng (quận Gò Vấp, TPHCM) cùng múa hát trong giờ học tiếng Anh - Ảnh: Trang Thư |
Trong tâm thế vui vẻ, các em tiến vào trò chơi nhỏ để ôn tập kiến thức. Lớp học được chia thành 4 đội, được các em tự thảo luận và đặt tên là 100, Lose, My fish, Double kill. Thầy Phạm Kiên Thành lần lượt trình chiếu những câu so sánh hơn còn khuyết từ như “a mouse is … than an elephant”, “a skyscraper is … than a house”… Sau mỗi câu hỏi, đội có thành viên trả lời đúng sẽ nhận được 1 ngôi sao, và đội có thành tích cao nhất sẽ nhận được phần thưởng là những thanh kẹo.
Cách chơi và phần thưởng vừa được công bố, cánh tay của các em lập tức giơ cao, em nào cũng cố đưa tay cao nhất để có thể được thầy cho trả lời. Ngồi đối diện bàn giáo viên, đôi mắt học sinh Hoàng Thiên liên tục chạy theo những dòng chữ. Em bày tỏ: “Hồi còn học tiểu học em sợ môn tiếng Anh lắm, tại em không hiểu nên sợ thầy cô la. Nhưng từ khi học thầy Thành thì em không sợ nữa, thầy hiền và dạy rất dễ hiểu”.
Thầy Thành chia sẻ: “Có nhiều học sinh vì hoàn cảnh gia đình nên rất ngại tiếp xúc với tiếng Anh, mình tổ chức những hoạt động này để các em thư giãn và hứng thú hơn. Đồng thời khi các em trả lời đúng cũng sẽ cảm thấy tự tin hơn vì được đồng đội công nhận. Các em mới chuyển lên cấp II nên phải vui thì mới học được”. Với những lớp cuối cấp, thầy sẽ thay việc ca hát bằng các hoạt động thuyết trình để các em chủ động tìm hiểu bài, đảm bảo đầy đủ kiến thức cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp Mười.
Vốn có xuất phát điểm là một giáo viên tiểu học nên cách dạy của thầy Thành luôn gần gũi, vui tươi. Kể cả khi giao bài tập về nhà, thầy cũng sẽ giải thích và dặn dò học sinh cẩn thận. Bởi theo thầy, không phải tất cả học sinh đều giỏi để đọc là hiểu ngay nội dung đề bài. Việc hướng dẫn sẽ giúp các em dễ dàng làm bài, có động lực hơn cho tiết học kế tiếp. Tất nhiên, cách dạy này khiến thầy vất vả và mất nhiều thời gian hơn. Nhưng chỉ cần nhìn thấy học sinh hăng hái, thầy lại thấy thật vui.
Để học sinh lên tiếng
Suốt nhiều năm nay, điểm thi tốt nghiệp THPT môn địa lý của Trung tâm Giáo dục thường xuyên Lê Quý Đôn (quận 1, TPHCM) đều cao hơn mặt bằng chung của thành phố. Nếu tính riêng khối giáo dục thường xuyên thì luôn nằm ở thứ hạng cao. Có được kết quả này chính là nhờ sự giảng dạy của thạc sĩ địa lý học Trương Thị Thùy Trang.
Chưa đợi đến khi chương trình mới được triển khai, từ năm 2016, cô Trang đã áp dụng những phương pháp giảng dạy tập trung phát huy sự tích cực, chủ động của học sinh. Trong nhiều bài học, cô sẽ chia lớp thành nhiều nhóm để các em tham gia thảo luận, thuyết trình, đóng vai, chơi trò chơi… Như khi cho học sinh lớp Mười hai học bài Thiên nhiên chịu ảnh hưởng sâu sắc của biển, cô đã chia kiến thức trong bài thành những hình tam giác nhỏ, sau đó để cho học sinh ghép lại thành những câu có nghĩa. Muốn hoàn thành việc này, các em phải chủ động đọc và ghi nhớ thông tin của bài từ trước đó.
|
Học sinh lớp Mười của Trung tâm Giáo dục thường xuyên Lê Quý Đôn (quận 1, TPHCM) thực hiện hoạt động nhóm “mảnh ghép kiến thức” - Ảnh: T.T. |
Hay như khi học sinh lớp Mười học bài Tổng quan kiến thức địa lý và định hướng nghề nghiệp, cô sẽ để các bạn lập nhóm, tìm hiểu và liệt kê những ngành nghề có liên quan đến kiến thức địa lý. Sau đó, dùng hình ảnh để bổ sung những ngành còn thiếu và giải thích lại những điều các em đang hiểu sai. Đôi khi, cô cũng để các bạn tự thuyết trình, báo cáo nội dung bài để tạo sự mới mẻ cho người học, người nghe. Bởi theo cô, những bài học đầu tiên trong chương trình sẽ quyết định sự hứng thú của học sinh trong cả năm học nên cần tạo được sự tò mò, thu hút nhiều hơn.
“Em rất thích học như vậy. Vì em thích tự tìm kiếm, nhớ thông tin rồi cùng hoạt động với các bạn” - một học sinh bày tỏ khi cô Trang hỏi có muốn thay đổi phương pháp dạy và học hay không?
Nhờ những tiết dạy của mình, cô đã từng giúp một cậu học trò không thích học môn địa lý trở thành sinh viên ngành sư phạm địa lý - lịch sử của Trường đại học Sài Gòn. Cho đến hiện tại, 2 cô trò vẫn thường xuyên liên lạc để trao đổi nghiệp vụ giảng dạy và kiến thức chuyên môn. “Nếu không có cô thì em khó mà tìm ra được sự yêu thích của bản thân mình” - câu nói này của cậu học trò đã trở thành một phần động lực để cô tiếp tục cống hiến và truyền lửa cho nhiều thế hệ học sinh.
Chỉ mong đến tiết học văn
Vừa nhắc đến cô Mai Thu Thủy - giáo viên ngữ văn Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3, TPHCM), Bội Hàm - sinh viên vừa tốt nghiệp Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia TPHCM, cựu học sinh của trường - đã xúc động nói: “Giữa rất nhiều môn học thì tụi em luôn mong đến tiết học của cô. Vì cách cô giảng bài rất logic, dễ hiểu nhưng vẫn đảm bảo tính cảm xúc. Khi cô nhận xét cũng không nói đúng hay sai, mà là hợp lý hay không hợp lý để tụi em có cái nhìn mở hơn”.
Cách đây 7 năm, Hàm chỉ là một học sinh lớp Mười một nhưng đã được trải nghiệm làm tạp chí về thành phố. Lớp học của em được chia làm nhiều nhóm, mỗi nhóm sẽ xây dựng một chủ đề khác nhau. Tất cả những bài viết của các nhóm đều được cô Thủy tư vấn rất kỹ về nội dung, cách thức trình bài. Sau đó, các em phải tự mình tìm đến các nhân vật, phỏng vấn, viết bài, chụp hình, thiết kế, dàn trang… như một phóng viên thực thụ. Đây cũng là lần đầu tiên em được làm việc trong một môi trường khá căng thẳng, học cách để dung hòa giữa cảm xúc và công việc. “Qua lần đó, em đã biết cách sử dụng công nghệ thông tin, thiết kế đồ họa. Đặc biệt là nhận thấy đam mê của mình với lĩnh vực báo chí và truyền thông để có được ngày hôm nay” - em tự hào nói.
Cô Thủy chia sẻ, việc cho học sinh học tập theo dự án đã được cô triển khai từ khoảng 10 năm nay. Như khi học về văn học dân gian, cô sẽ cho các bạn thực hiện sân khấu hóa tác phẩm. Khi tìm hiểu về tiếng Việt với những bài như: Phong cách và ngôn ngữ báo chí, Phỏng vấn và trả lời phỏng vấn thì thực hiện dự án phóng viên nhỏ, cùng nhau làm tạp chí hoặc nhật báo. Hay để học sinh lớp Mười hai học tốt phần nghị luận xã hội, cô đã tổ chức dự án “Làng trong phố” - cùng nhau tìm hiểu và thực hiện những sản phẩm truyền thông về làng nghề truyền thống ở TPHCM. Cho đến nay, trang fanpage của dự án này vẫn luôn được nhiều học sinh, thầy cô tìm lại để học hỏi.
Để tránh tình trạng học sinh cảm thấy ấm ức, có suy nghĩ rằng giáo viên chấm bài theo cảm tính, cô cũng đặt ra những tiêu chí rõ ràng. Tuy nhiên, cô Thủy cũng nói rõ quan điểm: “Học văn không phải chỉ để có điểm mà học văn để biết cách sử dụng ngôn ngữ, biểu đạt suy nghĩ, tình cảm của mình một cách trọn vẹn. Học văn còn là để cảm, để hiểu về thẩm mỹ, biết cách cảm nhận và đánh giá cuộc sống này”.
Bằng những hình thức giảng dạy mới lạ, các thầy cô đã trở thành một phần động lực rất lớn trên hành trình đi tìm tri thức của học sinh. Khi mối quan hệ thầy trò trở nên gắn kết, trường học chắc hẳn sẽ trở thành điểm đến mà học sinh thực sự yêu thích và ký ức đẹp cho suốt quãng đời sau này.
Kỳ tới: Khi nội quy không còn là nỗi ám ảnh của học sinh
Trang Thư