Họ là những người mẹ, người vợ chưa từng đối mặt với chất độc hóa học ngoài chiến trường; thậm chí, nhiều người trong số họ sinh ra trong thời hậu chiến. Thế nhưng, họ cùng trải qua một nỗi đau khi nhìn những đứa con không lành lặn chào đời.
|
Còng lưng chịu những trận đòn của con
Ngôi nhà cấp bốn của mấy mẹ con cụ Đinh Thị Định như lọt thỏm giữa xóm 6, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Nghe tiếng gọi, một người đàn ông chạy ra, nhảy chân sáo rồi vỗ tay reo như trẻ nít: “A, nhà có khách, nhà có khách”. Cổng tre vừa mở, ông đã chạy vụt ra đầu ngõ. Ông là Nguyễn Văn Bình, một trong năm người con của cụ Định và người chồng quá cố.
Bà Định sinh Hòa, Bình, Thùy, Mai, Mài. Tất cả chào đời đều khỏe mạnh, bụ bẫm nhưng cứ 4-5 tuổi là đứa nào đứa nấy đều khó bảo, hay đập phá. Đến tuổi đi học, năm đứa đều được đến lớp nhưng chỉ có Nguyễn Văn Thùy biết đọc, biết viết, còn Hòa, Bình, Mai, Mài thì không. Bình suốt ngày chỉ cười ngây ngô, đến bây giờ, gặp ai cũng gọi “bác”, xưng “cháu”. Hòa, Mai, Mài thì thích lăn lê dưới đất nhặt cái này, nghịch cái kia.
|
Cụ Định cùng hai trong ba đứa con tâm thần nặng. Tuổi ngoài 80, ngày ngày, cụ vẫn phải chăm những đứa con trên dưới 50 tuổi như chăm con nít |
Đàn con càng lớn, càng điên nặng. Đến năm 2000, có đợt khám sức khỏe miễn phí cho gia đình chính sách, người chồng cựu binh của cụ Định mới dám đưa năm người con tới bệnh viện huyện khám. Trong năm người con, Hòa qua đời sau lần đi khám bệnh vài năm. Năm 2011, chồng cụ Định cũng qua đời do ung thư phổi, một mình cụ phải nuôi ba người con tâm thần.
Dưới bếp có mùi khét lẹt. Cửa bếp vừa mở, cụ Định đã “ối giời ơi” rồi dùng hết sức tàn lôi cô con gái ra giữa trời mưa cho tắt lửa trên quần áo. Mài cười khanh khách, cầm cái âu đựng ngô rang đi vào buồng, ai hỏi cũng không nói, không nhìn. Cứ sểnh ra là Mài lại đổ đủ mọi thứ vào bếp rang, cứ rang đến cháy khét, ăn vài hạt rồi giấu dưới gầm giường. Cụ Định phải chờ Mài ngủ mới vào lấy hạt khét mang đi đổ. Mấy bận, Mài vờ ngủ rồi cứ thế thụi gót chân vào cái lưng còng của mẹ.
Bình thường, Nguyễn Thị Mai chỉ chơi với hai con chó, chán thì ngồi ở góc phản, cứ vuốt mớ tóc cho rụng để nhặt bỏ vào túi ni-lông. Lúc lên cơn, Mai chạy ra đường, gặp người nào, đánh người đó. Lắm lúc, Mai nhặt một đống gạch vỡ để ở đầu ngõ, rình người đi qua để ném. Ngày cụ ông còn sống, lần nào ông bà lôi đàn con ra tắm, cũng bị chúng đấm đá túi bụi.
Cụ ông mất, có lần, cụ Định dỗ con ra đến sân giếng thì bị con bóp cổ, có lần còn bị con dìm đầu vào chậu nước. Cụ bảo, lúc đầu, bị chúng đánh cũng hãi, suýt chết mấy bận rồi, nhưng bị đánh mãi cũng quen, mà mình không lo cho chúng nó thì ai lo? Cụ Định gạt nước mắt nhìn đàn con điên: “Mai kia tôi chết, chúng nó sẽ ra sao?”.
Chịu tiếng “sát con”
Trên vườn đồi đầy cát trắng gần nhà (xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), bà Phạm Thị Nức và ông Đỗ Đức Địu xây cả một nghĩa trang nhỏ với 12 nấm mồ, tất cả đều là con họ.
Ông bà cưới nhau chưa được bao lâu thì ông Địu nhập ngũ. Năm 1975, ông Địu về quê. Bà Nức mang thai, sinh nở đến 15 lần nhưng 12 lần phải cùng chồng đào hố cát chôn con. Trong 12 lần ấy, có đứa quái thai, chết lúc sinh; có đứa đang biết nói, biết đi cũng lăn ra chết.
Suốt bao năm, bà mẹ Phạm Thị Nức đã khóc cạn nước mắt, đã nghĩ ngợi, dằn vặt đến mòn cả hình hài. Nhìn bà Nức chưa đầy 30kg, người ta rì rầm bảo bà không biết đẻ, bảo gia đình bà ăn ở bạc ác thế nào mà cả đàn con mười mấy đứa đều vĩnh viễn nằm ở lưng đồi.
Bà Nức đi coi bói khắp nơi, đám thầy bà còn nói bà có số sát con và khuyên bà nên để chồng đi lấy người khác.
Bà Nức kể: “Tui lúc đó nản quá, muốn buông xuôi rồi. Lại có mấy chỗ góa chồng đánh tiếng giới thiệu, tui nói thôi ông đi lấy ai thì đi”. Có tháng, bà làm giỗ ba đứa con. Những năm chưa có tiền xây tường bao nghĩa trang, xây mộ, thỉnh thoảng cát bay, bà lại cùng chồng bới tìm dấu tích của 12 đứa.
Rồi sau 12 lần chôn con dưới cát, trời cũng cho bà Nức ba cô con gái sống được đến ngày hôm nay: một đứa khuyết tật nhận thức, một đứa khuyết tật hình hài và một đứa tạm gọi là lành lặn. Vợ chồng bà đã không “kê khai” cô con gái thứ mười ba, để nó còn có cơ hội lấy chồng. Nhưng cái thứ chất độc da cam gớm ghiếc ấy đã hiện hình trên cơ thể và trí não của mấy đứa cháu ngoại.
Đỗ Thị Hằng - đứa con thứ mười bốn của ông bà Nức - chân tay lẩy bẩy, đi lại khó khăn, gương mặt hơi biến dạng. Bà Nức, ông Địu không giấu việc vì kiệt quệ tinh thần mà từng tính để Hằng ở bệnh viện, bỏ mặc con cho xã hội. Ông Địu xách ba-lô rời bệnh viện rồi, nhưng những bước chân dằn vặt đã đưa ông quay lại với con.
Một nhóm cựu binh Mỹ hối hận với quá khứ giết chóc trên đất Việt đã tình nguyện đến với gia đình ông bà để tìm cách cứu Hằng. Sau bao lần phẫu thuật, Hằng mới giữ được sự sống như ngày hôm nay.
“Lành lặn trí tuệ”, song đôi lúc Hằng vẫn ú ớ như con trẻ. Bà Nức cũng muốn giữ Hằng bên cạnh nhưng cuối cùng, bà quyết định cho Hằng ra làng Hữu Nghị ngoài Hà Nội để được ăn học tử tế, được vui chơi cùng các bạn.
12 đứa con thơ nằm ngoài vườn, mộ nào, số bao nhiêu, của đứa con nào, bà Nức phải giở sổ ra mới nhớ chính xác được. Trong nhà, con và cháu cùng la hét, đập phá. Ngay cả đứa được xem là bình thường nhất cũng chẳng có một cuộc đời lành lặn. Từ lâu lắm rồi, bà Nức đã không thể nào khóc được, cõi lòng người mẹ, người bà ấy mỗi ngày càng thêm thắt lại.
Chung tay ủng hộ vụ kiện của bà Trần Tố Nga
Thưa quý bạn đọc!
Ngày 10/5 tới đây, tòa sẽ đưa ra phán quyết về vụ kiện dân sự của bà Trần Tố Nga chống lại 26 tập đoàn hóa chất Mỹ đã sản xuất chất da cam (dioxin) sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Trước đó, vào ngày 25/1, tòa đại hình tại thành phố Évry, tỉnh Essonne (Pháp) đã mở phiên tranh tụng đầu tiên.
Đây là vụ kiện khá hy hữu trong lịch sử tư pháp của nước Pháp và quốc tế bởi nguyên đơn là một cá nhân và bị đơn là các tập đoàn đa quốc gia. Trước bà Trần Tố Nga, các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đã ba lần đi kiện nhưng đều bị các tòa án Mỹ bác bỏ. Tương tự, các nạn nhân ở Hàn Quốc cũng từng bị các tòa án Mỹ và quốc tế bác đơn.
|
Bạn bè quốc tế biểu tình ủng hộ vụ kiện của bà Trần Tố Nga tại Pháp |
Bà Trần Tố Nga sinh năm 1942, có hai quốc tịch Pháp và Việt Nam, bị nhiễm chất độc da cam vào năm 1966 khi là phóng viên Thông tấn xã Giải phóng (thuộc Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam). Bà là nạn nhân trực tiếp của chất độc da cam do quân đội Mỹ thả xuống vùng căn cứ Củ Chi (TPHCM) vào mùa thu năm 1966. Bị nhiễm chất độc da cam khiến bà mất đi người con đầu do dị tật tim, hai con gái sau và các cháu ngoại của bà cũng bị dị tật bẩm sinh. Do nhiễm dioxin, bà Trần Tố Nga còn bị tiểu đường týp 2 và ung thư.
Năm 2014, tại Pháp, bà Nga đã đệ đơn kiện các công ty sản xuất chất độc da cam sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, gây thiệt hại cho rất nhiều gia đình cũng như nhiều thế hệ ở Việt Nam, bao gồm các công ty đa quốc gia Dow Chemical và Monsanto hiện thuộc sở hữu của Tập đoàn Bayer (Đức). Bà Trần Tố Nga tuyên bố rằng, vụ kiện của bà là vì quyền lợi của hàng triệu nạn nhân chất độc dioxin/da cam khác.
Theo ước tính của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, ở Việt Nam, hơn 5 triệu người hiện vẫn phải gánh chịu hậu quả của dioxin. Dư luận và báo chí quốc tế ghi nhận, chất độc da cam/dioxin đã ảnh hưởng đến thế hệ thứ tư ở Việt Nam với ít nhất 100.000 trẻ em bị dị tật bẩm sinh nghiêm trọng.
Để thiết thực ủng hộ vụ kiện đòi công lý cho hàng triệu nạn nhân chất độc da cam của bà Trần Tố Nga, Báo Phụ Nữ TPHCM mời gọi bạn đọc cùng đóng góp cho Quỹ ủng hộ vụ kiện Trần Tố Nga.
* Mọi đóng góp của bạn đọc, xin gửi trực tiếp đến Báo Phụ Nữ TPHCM, số 311 Điện Biên Phủ, phường 4, quận 3, TPHCM, qua đường bưu điện hoặc qua tài khoản từ thiện: Báo Phụ Nữ TPHCM, số 007.100.1049165 Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam - chi nhánh TPHCM. Chúng tôi sẽ chuyển toàn bộ số tiền quyên góp được cho Quỹ ủng hộ vụ kiện Trần Tố Nga.
Xin trân trọng cảm ơn!
Phòng CTBĐ
|
Uông Ngọc