LTS: Phía sau ánh đèn sân khấu rực rỡ, sau những vai diễn ông hoàng bà chúa áo xiêm lộng lẫy, những nhân vật đầy quyền uy, ma lực… người nghệ sĩ cũng có những số phận, nỗi niềm riêng. Đôi khi, số phận của người nghệ sĩ trong đời thực còn phong ba, thăng trầm gấp bội những nhân vật mà họ thể hiện. Thành công của người nghệ sĩ bao giờ cũng được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, tình yêu và sự tận hiến cho nghệ thuật. Như con tằm rút ruột nhả tơ, có người may mắn thành công ngay từ những vai diễn đầu tiên, nhưng cũng có người đi gần nửa hành trình nghệ thuật mới nhận ra đâu là thế mạnh, khả năng thực sự của mình. Nhưng ở vị trí, vai trò nào, người nghệ sĩ cũng luôn có một ước mơ cháy bỏng: Được sống với sân khấu, với vai diễn đến hơi thở cuối cùng.
Phía sau hào quang còn biết bao câu chuyện chưa kể về cuộc đời, nỗ lực của người nghệ sĩ. Từ số báo này, Báo Phụ Nữ TP.HCM sẽ “kể lại” những câu chuyện vui buồn, trăn trở, khát vọng của những người đã tận hiến đời mình, để mang lại niềm vui, nụ cười và cảm xúc đẹp cho công chúng.
|
Có lúc đói quá, người nghệ sĩ già phải xin ăn
Căn phòng trọ có diện tích chỉ hơn sáu mét vuông của chị em nghệ sĩ Trang Thanh Xuân - Thanh Đào rất lâu mới có người ghé thăm. Khách chủ yếu là anh chị em nghệ sĩ tìm đến chia sẻ, hỗ trợ người nghệ sĩ già khốn khó tuổi về chiều.Khách đến, bà thường hẹn ở Trường tiểu học Rạch Ông (284 Dương Bá Trạc, quận 8, TP.HCM) rồi đích thân ra đón vào một hẻm nhỏ, với những căn phòng trọ ọp ẹp, khó tìm.
Đôi chân của người già 71 tuổi đã bị thoái hóa khớp, đi lại khó khăn. Hiện bà không thể ngồi được bình thường, nhưng ngày nào cũng đi bộ từ nhà lên chợ Rạch Ông bán vé số. Đoạn đường đi xe ôm mất khoảng 15.000 đồng, nhưng tiếc tiền, cả hai chị em bà đều đi bộ. “Mỗi tờ vé số bán được chỉ lời có một ngàn đồng, đâu dám bỏ tiền đi xe” - bà nói.
|
Nghệ sĩ Trang Thanh Xuân thời xuân sắc |
Hơn 30 năm nay, bà đã đi bộ như thế, khắp những con đường, ngõ nhỏ ở khu vực đường Dương Bá Trạc (quận 8) để bán vé số mưu sinh. Tiền thuê nhà 1,7 triệu đồng/tháng, thêm vài trăm ngàn tiền điện nước. Đó là chưa kể tiền thuốc thang cho hai chị em. Nghệ sĩ Trang Thanh Xuân mắc bệnh tim, sáng chiều đều phải dùng thuốc. Nhưng mỗi ngày, số tiền hai người kiếm được cao lắm cũng chỉ 100.000 đồng. Chi phí không đủ vào đâu. Cuộc đời của hai người già cô độc ấy cứ lay lắt tạm bợ, lúc dư tiền một chút thì mua được cơm ăn, còn không thì ăn bánh mì từ thiện. Thậm chí, những khi đói quá, bà phải đi xin mới có cái ăn…
Trong ngăn tủ nhỏ, tài sản quý nhất của bà là hai cuốn album lưu giữ những hình ảnh thời còn xuân sắc, xinh đẹp lộng lẫy trong những hóa thân vào các nhân vật cải lương tuồng cổ. Những bức ảnh được bà mang đi phục hồi, làm ảnh màu mỗi khi để dành được vài ba chục ngàn đồng. Hồi đó, Trang Thanh Xuân là một cái tên luôn được báo chí chú ý viết bài, dành tặng những danh hiệu như “gương mặt trẻ triển vọng”, hoặc gọi bà là “Xuân Lệ Thủy”. Trang Thanh Xuân luôn hát đào chính ở các đoàn cải lương Thái Dương, rồi Việt Nam Minh Vương, Phương Bình. Sau giải phóng, bà đi đoàn Sông Bé hát với các nghệ sĩ Vũ Linh, Minh Vương, Giang Châu…
Trong ngăn tủ nhỏ, tài sản quý giá nhất của bà là hai cuốn album ảnh lưu giữ những hình ảnh thời bà còn xuân sắc, xinh đẹp và lộng lẫy trong những hóa thân vào các nhân vật cải lương tuồng cổ. Hồi đó, Trang Thanh Xuân là một cái tên luôn được báo chí chú ý, viết bài, dành tặng cho bà những danh hiệu như “gương mặt trẻ triển vọng”, hoặc gọi bà là “Xuân Lệ Thủy”. |
Những trang báo ngả màu thời gian, được bà giữ gìn cẩn thận từng bản tin giới thiệu vở diễn, các bài viết, hình ảnh… Khuôn mặt của hồng nhan, của tài sắc, nhưng phải gánh lấy một số phận quá nghiệt ngã. Mà đau đớn nhất với bà trong suốt bao nhiêu năm là việc buộc phải rời xa sân khấu. Bây giờ, cứ mỗi lần nhắc đến sân khấu, đến quãng thời gian vàng son được ca hát là bà lại khóc. Nỗi đau thấm đẫm trong lòng người già, ứa thành nước mắt, nhói lòng.
“Lúc mới giải nghệ, đi bán vé số mà nghe ai hát cải lương là thấy đau. Đứng ở đằng này mà nghe đằng kia, những người đồng nghiệp của mình đang hát trên sân khấu, chỉ biết chết lặng. Bệnh tim khiến tôi không thể nào còn hát ca được nữa. Mỗi khi sân khấu mở màn, nghe tiếng trống tiếng nhạc vang lên, tôi lại không thể chịu đựng nổi. Số phận của mình đã như vậy biết làm sao giờ…” - nghệ sĩ Trang Thanh Xuân rơm rớm nước mắt nhớ lại chuyện ngày xưa. Bà vẫn luôn dùng hai chữ “số phận” để nói về cuộc đời mình. Có lẽ cũng không có từ nào khác để lý giải cho một đoạn trường mà bà đã trải qua, phải đi tiếp cho hết một kiếp người.
Người không muốn khóc, mà nước mắt cứ chảy
Lúc mới nghỉ hát, bà cùng em gái Thanh Đào - cũng là nghệ sĩ - thuê nhà trọ sống ở quận 8, bắt đầu cuộc mưu sinh bằng việc bán chuối chưng, rồi bắp nấu. Nhưng bà đau, nên luộc xong những nồi bắp nặng, bà lại bê lên bê xuống không nổi. Vậy là hai chị em chọn bán vé số, nhẹ nhàng hơn, mà cũng có được chút ít đồng ra đồng vô. Những năm tháng ấy, quận 8 thưa thớt dân cư, điều kiện sinh hoạt còn nhiều thiếu thốn. Ngày ngày, hai chị em bà còn thay nhau đẩy xe đi lấy nước sinh hoạt. Rồi những đôi chân thanh xuân trở nên già nua, đau yếu.
Tuổi đã cao, nhưng ngày nắng cũng như ngày mưa, hai chị em vẫn từng sáng từng chiều đi bán vé số. Hơn 30 năm, sau những đêm trường không ngủ được, những ngày dài vất vả mưu sinh, những lần bộc bạch sẻ chia về cuộc đời mình với khách ghé thăm, nghệ sĩ Trang Thanh Xuân đã không còn muốn nhắc nhiều về những năm tháng đã qua nữa. Bà bảo mình phải luôn cố tránh để bản thân xúc động, vì sẽ rất mệt bởi những cơn đau tim. Nhưng rồi, nước mắt vẫn cứ chảy. Bà mãi mãi không thể quên những vai diễn đã từng thể hiện trong các vở Đường rừng, Hoa sơn thần nữ, Nắng thu về ngõ trúc, Máu nhuộm sân chùa…
|
Hơn 30 năm nay, người nghệ sĩ già đã đi bộ như thế, khắp những con đường, ngõ nhỏ ở khu vực đường Dương Bá Trạc (quận 8) để bán vé số mưu sinh |
Trên YouTube hiện tại, có bài hát hiếm hoi được chia sẻ lại: bản tân cổ nghệ sĩ Trang Thanh Xuân hát thuở xưa cùng Minh Vương (NSND Minh Vương). Giọng hát của nữ nghệ sĩ trong trẻo, vút cao. “Cũng từ đó em biết thương biết nhớ/ Biết bâng khuâng mơ ước mộng ban đầu…” - câu hát cũ lùi về dĩ vãng. Mộng ngày xưa đã hóa tàn tro. “Cuộc đời mà, hồi đó là đào chánh nhưng giờ tôi chỉ là bà bán vé số mà thôi. Có những khi tủi phận, thấy lòng mình buồn thảm, nhưng việc mình muốn hay không, cũng không được” - nghệ sĩ Trang Thanh Xuân ngậm ngùi.
Bốn năm trước, ca sĩ Quách Tấn Du có ghé thăm bà. Anh đã ngỏ lời mời bà cùng tham dự sự kiện Hội xuân nghệ sĩ. Lần đầu tiên sau mấy mươi năm, người nghệ sĩ già được đi làm đẹp, được trang điểm, thoa son, mặc áo dài, choàng khăn, đeo chuỗi hạt… Trong tạo hình được chăm chút, bà đẹp một cách sang trọng, rạng ngời khi bước trên thảm đỏ sự kiện. Nhưng rồi cũng chỉ một đêm vui ấy, bà trở lại cuộc mưu sinh khốn khó của mình. Một đêm vui trở thành dư ảnh mà bà nói sẽ nhớ và biết ơn suốt một đời. Nghe như câu hát xưa bà đã hát: “Xin giữ trong lòng hình ảnh một đêm vui”…
Bùi Tiểu Quyên