Tìm giải pháp phát triển dịch vụ đường thủy TPHCM

Bài 1: Luồng tuyến ít, dịch vụ nghèo nàn

20/05/2022 - 06:41

PNO - Với mạng lưới kênh rạch chằng chịt, cùng với 80km sông Sài Gòn chạy xuyên trung tâm thành phố, TPHCM có tiềm năng lớn để phát triển giao thông và du lịch đường thủy. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để phát triển giao thông thủy TPHCM, từ đó chia lửa cho giao thông đường bộ đang quá tải nghiêm trọng và góp phần đa dạng hóa hoạt động du lịch?

Một số loại hình vận tải đường thủy mới mẻ như buýt sông, du lịch trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, phà biển… của TPHCM được đánh giá “đánh” trúng nhu cầu của không ít người dân, du khách nhưng hiện chưa phát triển tương xứng tiềm năng.

Nhu cầu không nhỏ

Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều hành khách đang rất thích thú với trải nghiệm đi lại bằng các loại hình vận tải, du lịch đường thủy độc đáo của thành phố (TP). Trong đó, tuyến buýt đường sông (water bus) số 1 Bạch Đằng - Linh Đông đã thu hút nhiều hành khách đi lại sau thời gian ngưng trệ vì dịch bệnh. Kể cả thời điểm trong tuần, hầu như các chuyến đều đầy khách. Hành khách tỏ ra rất hào hứng khi được trải nghiệm cảm giác đi lại mới mẻ trên sông nước, ngắm những tòa cao ốc, những cây cầu là điểm nhấn kiến trúc của TP như cầu Thủ Thiêm 2, cầu Bình Lợi mới…

Hành khách rất hào hứng đi tuyến buýt sông số 1 Bến Thành - Linh Đông - ẢNH: P.T
Hành khách rất hào hứng đi tuyến buýt sông số 1 Bến Thành - Linh Đông - Ảnh: P.T

Anh Nguyễn Thanh Nam (ngụ Q.12) cho biết: “Bố mẹ tôi mới ở Quảng Nam ra thăm con nên tranh thủ đưa ông bà đi chơi cho biết TP.HCM. Các cụ cũng 70 tuổi rồi nên rất ngại di chuyển bằng đường bộ vì kẹt xe, nóng nực, khói bụi. Lưu thông bằng đường thủy thế này ai cũng thích, mát mẻ, lại được ngắm TP từ một góc mới lạ. Từ trước đến nay, nếu phù hợp lộ trình thì tôi luôn ưu tiên lựa chọn buýt sông để đi lại, đây là phương tiện di chuyển rất dễ chịu, giá lại phải chăng”. 

Tương tự, tuyến phà biển Cần Giờ (TPHCM) - Vũng Tàu cũng khá hút khách vào dịp cuối tuần. Tại bến phà Tắc Suất (H.Cần Giờ), hàng loạt xe đạp, xe máy, ô tô chờ lên phà để đi Vũng Tàu chơi. Thay vì phải chen chúc 3 - 4 tiếng trên Quốc lộ 51, thì nay từ TP.HCM đi Vũng Tàu bằng tuyến phà biển này chỉ mất hơn 30 phút. Không chỉ phục vụ hành khách đơn lẻ, tuyến phà này còn vận chuyển xe khách du lịch loại lớn và xe vận tải hàng hóa lên đến 8 tấn. 

Chị Mai Hương - một hành khách đi phà - cho biết: “Đi phà rất khỏe, tầng trên có không gian rộng rãi với ghế đệm vô cùng thoải mái, máy lạnh mở phà phà mát mẻ. Trước mỗi chỗ ngồi còn bố trí bàn ăn mini y như trên máy bay. Lưng ghế có hai cổng sạc USB cho khách sạc điện thoại. Chuyến phà còn có cả phòng VIP, nhà vệ sinh, quầy bar mini và ti vi xịn chẳng kém một con tàu du lịch trên biển. Tôi thấy phà biển này chạy khá êm, ít bị say sóng. Đặc biệt, hành khách còn có thể leo lên tầng trên cùng để ngắm biển, hóng gió và chụp cho mình những bức ảnh độc đáo. Có lần đi chuyến buổi chiều tôi còn được ngắm hoàng hôn tuyệt đẹp trên biển, một trải nghiệm thú vị không bao giờ có được nếu đi bằng đường bộ”.

Đi, nhưng không có gì chơi

Dù rất hào hứng suốt hành trình buýt đường sông, nhưng khi đến bến cuối Linh Đông (TP.Thủ Đức), em Lâm Phục Hân cùng nhóm bạn của mình tỏ ra khá thất vọng vì ở đây không có gì để chơi. “Tụi em chưa mua vé về vì nghĩ sẽ ở lại chơi lâu, nhưng khi tàu cập bến thấy hụt hẫng bởi không có dịch vụ ăn uống, vui chơi. Thế nên cả nhóm chỉ biết ngồi nói chuyện, chụp hình, đợi một tiếng nữa mới có chuyến về sớm nhất. Em nghĩ nếu chỉ đầu tư water bus mà không có các dịch vụ đa dạng, thu hút kèm theo thì khách cũng chỉ đi một lần cho biết thôi” - Hân nói.

Theo quy hoạch, tuyến buýt đường sông số 1 xuất phát từ bến Bạch Đằng (Q.1), trên tuyến có thêm 11 bến dừng chân. Tuy nhiên, đến nay mới đưa vào hoạt động được ba bến tại các vị trí Bình An, Hiệp Bình Chánh, Linh Đông (thuộc TP.Thủ Đức). Ngoại trừ bến Bạch Đằng khá nhộn nhịp, có dịch vụ ăn uống và các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, thì ba bến còn lại đơn thuần là chỗ đón, trả khách. Tại các bến này chẳng những không có dịch vụ ăn uống, giải trí mà còn thiếu các phương tiện công cộng kết nối nên khách xuống bến muốn đi tiếp cũng khó khăn.

Ông Nguyễn Kim Toản - Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật (nhà đầu tư tuyến buýt sông) - cho biết, hiện tám vị trí quy hoạch bến thủy còn lại đang vướng thủ tục nên doanh nghiệp chưa thể tiếp nhận đất để xây dựng. Đồng thời, tuyến buýt sông số 2, từ Bạch Đằng (Q.1) đi Lò Gốm (Q.8) cũng chưa thể hoạt động vì vướng dự án ngăn triều chống ngập. Chính vì thiếu trạm dừng và chưa có thêm tuyến buýt sông kết nối đã hạn chế lượng khách đi phương tiện này.

“Các phương tiện dưới nước chưa đa dạng và các dịch vụ trên bờ còn nghèo nàn là nguyên nhân chính khiến giao thông thủy TPHCM chưa hấp dẫn hành khách. Sắp tới, chúng tôi nỗ lực đa dạng hóa các phương tiện thủy, ngoài buýt sông, sẽ đưa vào hoạt động loại hình taxi đường sông phục vụ khách di chuyển theo yêu cầu. Các hoạt động trên bờ sẽ đa dạng hơn.

Bên cạnh chương trình ca nhạc Có hẹn với Sài Gòn đang được tổ chức mỗi tối cuối tuần, sắp tới sẽ tiếp tục xây dựng các hoạt động mang tính văn hóa cộng đồng, như các chương trình ẩm thực sạch, đặc sản dân tộc, món ngon tiêu biểu vùng miền. Hoặc các hoạt động gắn với văn hóa sông nước như triển lãm tranh, hội thi các em thiếu nhi vẽ tranh về sông nước, lịch sử đất nước… Đặc biệt, tất cả các hoạt động này đều miễn phí nhằm thu hút đông đảo hành khách, dần xây dựng thói quen sử dụng phương tiện đường thủy…”. Ông Toản hy vọng sẽ sớm hoàn thành thủ tục xây dựng các bến thủy theo quy hoạch và được tạo điều kiện triển khai các dịch vụ đa dạng nhằm thu hút hành khách, bởi càng chậm trễ thì càng thiệt hại cho doanh nghiệp và thiệt thòi cho người dân. 

Phương Thanh

 

Bài cuối: Có quy hoạch, chiến lược đồng bộ, nhà đầu tư sẽ tham gia

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI