Bài 1: Khi khủng hoảng sức khỏe tâm thần trở thành căn bệnh trên toàn cầu

16/10/2018 - 09:14

PNO - Mỗi năm thế giới có 13,5 triệu sinh mạng có thể được cứu sống nếu vấn đề sức khỏe tâm thần được nhìn nhận đúng. Giữa lằn ranh sinh tử, những số phận chẳng thể bấu víu vào đâu đã chọn cái chết.

Hố sâu tuyệt vọng và sự kiệt quệ tinh thần

Bai 1: Khi khung hoang suc khoe tam than tro thanh can benh tren toan cau
Biến cố sức khỏe đã gây ra cú trượt dài của nữ ca sĩ Selena Gomez.

Mới đây, người hâm mộ nữ ca sĩ Selena Gomez sốc khi hay tin cô phải nhập viện để điều trị rối loạn tâm lý vì kiệt quệ cảm xúc. Đây không phải là lần đầu tiên Selena phải tiếp nhận điều trị. Tinh thần cô sa sút từ năm 2014, bắt đầu với việc cô phát hiện hình mắc chứng lupus – chứng bệnh gây rối loạn hệ thống miễn  dịch, tàn phá thể chất lẫn tinh thần của cô.

Ngôi sao Disney tiếp tục điều trị tâm lý năm 2016 và thừa nhận cô đã quá lo lắng, sợ hãi, thậm chí trầm cảm khi nghĩ đến bệnh tình. Giờ đây, một lần nữa Selena phải đối diện với chính mình để dũng cảm bước qua khoảng tối cuộc đời. Nhiều người cho rằng nguyên nhân khiến Selena gục ngã và nhập viện lần này là do đổ vỡ mối quan hệ với Justin Bieber và việc Justin nên duyên với Hailey Baldwin.

Hiện, Selena đang tiếp nhận liệu pháp hành vi biện chứng (DBT). Liệu pháp này giúp một người tập trung vào chánh niệm, tỉnh thức, giao tiếp lành mạnh và củng cố nền tảng hành vi, điều hòa cảm xúc, học cách ứng phó tích cực với chuỗi sự kiện tiêu cực.

Bai 1: Khi khung hoang suc khoe tam than tro thanh can benh tren toan cau
Bế tắc và tuyệt vọng đã đẩy rất nhiều người vào bước đường cùng.

Người hâm mộ cô lo lắng vì không biết ngày tháng phía trước của nữ ca sĩ sẽ ra sao, cô sẽ hồi phục hay sẽ trượt dài trong bế tắc? Trường hợp của Selena Gomez là ca mới nhất trong hàng loạt vụ việc khiến nhiều người lo ngại, đặc biệt trong bối cảnh những vụ tự tử của người nổi tiếng liên tiếp xảy ra, và những hành động liều mạng mà bất kỳ ai khi ở bước đường cùng có thể làm.

Selena Gomez may mắn hơn rất nhiều người tính tới thời điểm hiện tại, vì cô chấp nhận chính con người mình và không tránh né những liệu pháp điều trị. Trong khi đó, có những người đã chọn kết cục thương tâm hơn, vì các cuộc chiến nội tâm khủng khiếp đã kết thúc khi họ quyết định dừng lại trong tuyệt vọng, và rời xa cuộc sống này vĩnh viễn.

Đó là trường hợp của người thợ máy trẻ tuổi, làm việc tại sân bay Seattle Tacoma (bang Washington, Mỹ) cướp chiếc máy bay Q-400 rồi đâm xuống đảo Ketron trước sự bàng hoàng của mọi người, hồi tháng Tám vừa qua. Nguyên nhân của hành động điên rồ này là vì anh đã quá suy sụp, cạn kiệt sức lực, không biết phải làm gì với cuộc đời mình nên muốn chấm dứt tất cả.

Vụ việc khiến nhiều người nhớ ngay đến cơ phó Andreas Lubitz, người lái chiếc máy bay Airbus A320 của hãng hàng không giá rẻ Đức Germanwings cố tình cho máy bay đâm vào dãy Alps, không chỉ kết liễu đời mình mà còn làm 150 người khác thiệt mạng, hồi tháng 3/2015.

Bai 1: Khi khung hoang suc khoe tam than tro thanh can benh tren toan cau
Những ngôi sao đã chọn cái chết để giải thoát chính mình. Từ trái sang: Kurt Cobain, Kate Spade, Anthony Bourdain, Robin Williams, Marilyn Monroe và Alexander McQueen.

Trước đó, vào năm 2014, nam diễn viên hài Robin Williams bị phát hiệt chết ngạt trong nhà riêng. Điều tra sau đó kết luận rằng ông tự tử vì trầm cảm và những lo lắng về tài chính. 

Chỉ trong tháng 6/2018, nước Mỹ chấn động vì hai vụ tự tử; một là nhà thiết kế Kate Spade, hai là ngôi sao ẩm thực Anthony Bourdain - người từng tư vấn ẩm thực cho Tổng thống Mỹ Barack Obama trong suốt chuyến thăm Việt Nam năm 2016. Cả hai đều vật lộn trong khủng hoảng tâm lý suốt thời gian dài, họ không thể vượt qua và cái chết là bước đường cùng họ chọn để giải thoát bản thân.

Giờ đây, tự tử không chỉ là một vài trường hợp đơn lẻ, mà con số này đang ngày càng tăng nhanh, cho thấy một thực trạng không thể né tránh của thời đại, của sự khủng hoảng những mối quan hệ, rối bời lo lắng trong cuộc sống và hoang mang từ trong chính bản thân mỗi người.

Tồn tại cùng chúng ta là những cá nhân đang đối diện với câu chuyện của riêng mình và họ đã bỏ cuộc khi nghĩ mình chẳng còn lối thoát. Những cái chết đột ngột và hành động liều lĩnh khi kết liễu cuộc đời đang gióng lên hồi chuông báo động về sức khỏe tâm thần, và đòi hỏi những nhận thức đúng đắn về căn bệnh đang âm thầm cướp đi sinh mạng của bao người.

Khủng hoảng cạn kiệt nguồn sống

Con số 13,5 triệu người lẽ ra phải được sống xuất hiện trong bài viết mới nhất về sức khỏe tâm thần đăng trên tuần san y khoa uy tín trên thế giới Lancet. Theo nhận định của nhóm 28 chuyên gia toàn cầu tham gia nghiên cứu hiện trạng sức khỏe tâm thần, các quốc gia đang đối mặt với cuộc khủng hoảng cạn kiệt nguồn sống, căng thẳng, lo chất chồng dẫn đến bế tắc của hàng triệu người.

Các chuyên gia dự đoán thiệt hại kinh tế vì những rối loạn sức khỏe tâm thần đến năm 2030 sẽ là 16.000 tỷ USD. Nhóm 28 nhà chuyên gia nhận định rằng nếu xét trên phương viện sức khỏe tâm thần, các quốc gia hiện chỉ ở mức là những nước đang phát triển. Những cá nhân khi đối diện với những khó khăn về mặt tâm lý không nhận diện đúng vấn đề và không tìm được nguồn trợ giúp, hậu quả là họ chọn cách giải quyết hết sức tiêu cực.

Khảo sát ở hai quốc gia Ấn Độ và Trung Quốc, hai quốc gia có tổng dân số bằng 1/3 dân số thế giới thì có đến 80% trong số những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần hoặc có rối loạn dùng chất không thể hoặc không biết tìm nơi hỗ trợ chuyên nghiệp. Khi họ biết đường tìm đến chuyên viên tâm lý thì dường như mọi việc đã quá muộn.

Bai 1: Khi khung hoang suc khoe tam than tro thanh can benh tren toan cau
Tại Anh, Bộ trưởng Sức khỏe Jackie Doyle-Price đảm nhiệm luôn vai trò Bộ trưởng Ngăn ngừa tự tử.

Còn tại Mỹ, báo cáo thường niên năm năm 2017 của Nghiên cứu Healthy Minds đối với các trường đại học Mỹ chỉ ra, 44% sinh viên nói rằng sức khỏe họ đang rất tốt nhưng 39% thừa nhận họ có những dấu hiệu trầm cảm, lo âu. Tỷ lệ sinh viên từng có ý định tự tử từ 6% năm 2007 tăng lên 11% năm 2017. Tỷ lệ sinh viên nhận hỗ trợ từ các liệu pháp tâm lý tăng từ 13% lên 24% cũng trong khoảng thời gian trên.

Nhân ngày Sức khỏe tâm thần thế giới 10/10 mới đây, Thủ tướng Anh Theresa May đã bổ nhiệm Bộ trưởng Sức khỏe Jackie Doyle-Price đảm nhiệm luôn vai trò Bộ trưởng Ngăn ngừa tự tử, đẩy mạnh hơn những hoạt động hỗ trợ người dân chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Chỉ vài tháng trước, nước Anh có Bộ trưởng Cô đơn nhằm nhằm hỗ trợ 9 triệu người Anh đang cô đơn hòa nhập với cuộc sống. Có vẻ như người Anh đang sống trong cuộc khủng hoảng tinh thần mà họ thật sự cần những bàn tay giúp đỡ.

Minh Khôi (Theo Guardian, Foreign Affairs)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI