Nhiều năm qua, cứ 10 học sinh thi vào lớp Mười thì có 3 em rớt. Tỉ lệ trượt cao đã gây áp lực rất lớn cho cả học sinh, phụ huynh lẫn nhà trường. Theo dự thảo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, từ năm nay, ngoài 2 môn toán và ngữ văn, môn thi thứ ba sẽ do các sở GD-ĐT quyết định, thay đổi qua các năm và công bố trước ngày 31/3. Điều này càng khiến học sinh lo âu, thấp thỏm.
Vừa học, vừa lo
Từ đầu năm học này, ngày nào, nữ sinh lớp Chín Nguyễn Vân Anh (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) cũng kết thúc các ca học thêm lúc 20g. Có những ngày nhiều bài tập, Vân Anh phải làm bài lúc đang ăn tối. Tưởng sẽ “dễ thở” với kỳ thi vào lớp Mười thì gần đây, em lại nghe tin môn thi thứ ba có thể không phải là tiếng Anh như những năm trước mà là một môn nào đó và sẽ được công bố sau.
|
Thí sinh bật khóc sau kỳ thi tuyển sinh lớp Mười năm 2024 tại TPHCM - Ảnh: Trang Thư |
Vân Anh ngao ngán: “Do chưa biết thi môn nào nên ngoài việc tập trung học 3 môn toán, ngữ văn, tiếng Anh, em và các bạn còn phải học thêm các môn vật lý, hóa học, lịch sử, địa lý. Nếu thi môn khoa học tự nhiên thì các bạn thiên về khối xã hội sẽ mệt mỏi, còn nếu thi môn khoa học xã hội thì mọi học sinh đều phải gạo bài do kiến thức rộng, phải ghi nhớ nhiều thứ. Nói chung, tình huống nào cũng gây áp lực”.
Nam sinh Đỗ Minh Nhật (quận Hà Đông, TP Hà Nội) cũng phải học dàn trải bởi không biết nên tập trung vào môn nào để thi đạt điểm cao. Minh Nhật kể: “Ở trường, tháng nào, học sinh khối Chín cũng phải làm bài thi khảo sát, vừa qua bài thi này đã phải đối phó với bài thi tiếp theo. Thầy cô cũng vất vả tạo các đề thi mới với các dạng khác nhau. Việc chậm công bố môn thi thứ ba khiến học sinh, thầy cô đều vất vả mà hiệu quả thì không thấy đâu”.
Ở TPHCM, trong nhiều năm liền, kỳ thi vào lớp Mười đều gồm 3 môn toán, ngữ văn và tiếng Anh. Việc biến môn thi thứ ba thành “ẩn số” khiến học sinh lớp Chín không khỏi lo lắng. Có năng khiếu ở những môn khoa học xã hội nhưng thời gian này, Nguyệt Minh - học sinh lớp Chín, ở quận Tân Phú - phải dành nhiều thời gian để học các môn khoa học tự nhiên. Em giải thích: “Lúc trước, em chỉ học vật lý, hóa học, sinh học đủ kiến thức trên lớp và dành nhiều thời gian nghiên cứu các môn lịch sử, địa lý, ngữ văn vì muốn học tiếp những môn này ở bậc THPT. Nhưng bây giờ, nếu không học nâng cao tất cả các môn, em sợ điểm thi thấp, không đậu được vào trường mình thích. Học như vậy, em thấy rất mệt”.
“Các năm trước, trường dạy các môn ở mức cần đạt, chỉ dạy nâng cao với các môn cần thi, còn năm nay thì phải dạy nâng cao mọi môn. Điều này khiến thầy cô, học sinh đều căng thẳng”. Bà Lê Thị Thanh Giang |
Bà Lê Thị Thanh Giang - Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn, quận 1, TPHCM - cho biết, từ ngày Bộ GD-ĐT công bố dự thảo quy chế tuyển sinh THCS, tuyển sinh THPT, cả học sinh, phụ huynh và giáo viên đều rất căng thẳng bởi không biết nên tập trung nhiều vào môn nào. Hiện tại, học sinh và giáo viên đều theo phương châm “học đến đâu thì củng cố kiến thức đến đó”. Thầy cô cũng chuẩn bị sẵn cách ôn luyện tốt nhất cho học sinh nếu môn mình phụ trách trở thành môn thi vào lớp Mười.
Không nên bắt học sinh giỏi toàn diện
Ông Cao Đức Khoa - Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Khương Ninh, quận 1, TPHCM - cho biết, nhà trường nhận được nhiều câu hỏi của phụ huynh học sinh về môn thi vào lớp Mười.
|
Một tiết học của học sinh lớp Chín, Trường THCS Huỳnh Khương Ninh, quận 1, TPHCM - Ảnh: T.T. |
Theo ông, Bộ GD-ĐT nên để các tỉnh, thành chủ động chọn môn thi phù hợp với thực tế địa phương. Việc này không dẫn đến tình trạng học lệch, học tủ bởi trước khi thi vào lớp Mười, học sinh đã phải học tốt tất cả các môn để được công nhận tốt nghiệp THCS. 8 năm nay, với 3 môn thi vào lớp Mười cố định (toán, văn, tiếng Anh), kết quả học tập của học sinh TPHCM vẫn rất tốt, được xã hội công nhận, đáp ứng đúng nhu cầu của học sinh và phụ huynh.
Ông nhận định: “Định hướng của chương trình giáo dục phổ thông mới là phát triển năng lực học sinh. Mỗi học sinh có điểm mạnh, điểm yếu, năng khiếu khác nhau và điều quan trọng là khai thác đúng năng lực các em. Khi học sinh giỏi tự nhiên mà ta bắt học xã hội thì đó mới chính là học lệch”.
|
Học sinh ở TPHCM dự kỳ thi vào lớp Mười năm 2024 - Ảnh: Trang Thư |
Bà Lê Thị Thanh Giang nhận định, kỳ thi vào lớp Mười vốn đã rất căng thẳng nên việc thay đổi sẽ càng tạo thêm áp lực và sự cập rập. Về nguyên tắc, học sinh phải hoàn tất chương trình cơ bản của các môn rồi mới học nâng cao. Do đó, việc biết trước môn thi không ảnh hưởng đến kết quả học tập mà chỉ giúp cho việc giảng dạy, học tập đỡ nặng nề hơn. Khi đó, giáo viên các môn sẽ chỉ dạy đủ theo chương trình, học sinh có năng khiếu hay ham thích lĩnh vực nào thì sẽ có cách học riêng. Bà nói: “Ở TPHCM, việc học tiếng Anh không chỉ để đi thi mà còn để phù hợp với định hướng chung là đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong môi trường học đường”.
Nội dung phải đầy đủ!!!“Áp lực quá lớn có thể làm giảm hiệu suất học tập của học sinh. Thay vì tập trung vào kiến thức cốt lõi, học sinh lại dành nhiều thời gian ôn luyện phần kiến thức ít quan trọng hơn. Việc này cũng khiến học sinh bị căng thẳng kéo dài, có thể mất ngủ, đau đầu, mất động lực học tập”. Ông Đinh Văn Trịnh |
Ông Đinh Văn Trịnh - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hiền, quận 12, TPHCM - xác định, đề năm nay sẽ thay đổi về định dạng câu hỏi, cách chấm điểm, đòi hỏi học sinh phải thích nghi được với phương pháp học tập và ôn luyện mới. Học sinh lớp Chín chưa đủ trưởng thành như học sinh lớp Mười hai nên rất cần sự hỗ trợ từ phụ huynh, thầy cô, nhưng thầy cô cũng chưa biết môn thi nên không thể làm gì được. Điều này buộc học sinh phải học thật nhiều, thật rộng, thật sâu để đề phòng các tình huống, dẫn đến sự quá tải, căng thẳng, mất cân bằng.
Bà Bùi Thị Thanh Tâm - Hiệu trưởng Trường THCS Âu Lạc, quận Tân Bình, TPHCM - cho rằng, đây là năm đầu tiên học sinh lớp Chín thi theo chương trình mới nên cần tạo sự ổn định. Muốn thay đổi, cần có lộ trình, không nên điều chỉnh ngay chỉ sau vài tháng bởi điều này sẽ tạo tâm lý hoang mang cho học sinh.
Sao phải gây căng thẳng, bất an cho học sinh? Trẻ em có quyền được đi học và học trường công lập. Nghĩa là, học sinh cần được tạo mọi điều kiện để đi học, trong đó có việc học THPT. Những gia đình nào có điều kiện kinh tế và thấy trường quốc tế, tư nhân tốt hơn thì tự nguyện cho con vào đó học. Như vậy mới công bằng, nhân văn. Tại sao lại buộc 3/10 học sinh đi thi không được tiếp tục học trường THPT công lập? Tại sao lại đặt ra những kỳ thi khắt khe để tạo áp lực, căng thẳng, bất an, không hạnh phúc cho học sinh? Tôi bức xúc và thấy rằng chẳng có lý do gì để tạo ra áp lực thi cử ghê gớm để vào lớp Mười bởi cuối cùng thì chính người dân, đứa trẻ phải khổ sở. Nhưng con người ta sống là phải hạnh phúc, vui vẻ chứ không phải sợ hãi việc học tập với chương trình giáo dục nặng nề. Chúng ta đang xây dựng trường học hạnh phúc, tại sao lại đưa ra những quy định ngược lại với điều này? Chúng ta không có quyền đẩy trẻ ra khỏi trường công lập. Hãy hỏi những học sinh vào trường nghề xem chúng có muốn học THPT bình thường không. Nếu các em trả lời có thì nhu cầu này phải được đáp ứng. Còn những trường hợp muốn đi học nghề, tự nguyện học nghề thì đó là sự lựa chọn của các em; khi các em chọn sai thì phải tự chịu trách nhiệm chứ không phải Bộ GD-ĐT hay sở GD-ĐT. Giáo dục là phải tạo mọi điều kiện để người ta lựa chọn học những thứ mình thích và chịu trách nhiệm cho cuộc đời mình. Chúng ta có dữ liệu dân số, dữ liệu học sinh các cấp thì phải có kế hoạch, chiến lược để xây dựng trường lớp, phòng ốc, xây dựng đội ngũ giáo viên để đáp ứng nhu cầu học tập của tất cả học sinh. Tiến sĩ Ngô Xuân Điệp - Phó chủ tịch Hội Khoa học tâm lý, giáo dục TPHCM |
Ở TPHCM, học và thi tiếng Anh là cần thiết Ông Trần Tấn Tài - nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Lý Phong, quận 5, TPHCM - chia sẻ, TPHCM đang phấn đấu trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường. Do đó, việc Bộ GD-ĐT đề nghị môn thi thứ ba thay đổi hằng năm là không phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội của TPHCM. Ông nói: “Theo tôi, thi vào lớp Mười với 3 môn ngữ văn, toán, tiếng Anh vẫn là cơ bản nhất, không cần phải chọn môn khác bởi những môn này mang lại nhiều lợi ích cho học sinh. Môn toán giúp học sinh phát triển tư duy; môn ngữ văn giúp học sinh phát triển ngôn ngữ, khả năng giao tiếp xã hội; môn tiếng Anh giúp học sinh hội nhập quốc tế. Sự ổn định về môn thi ở TPHCM giúp học sinh có tâm lý vững vàng trước mỗi kỳ thi, chất lượng học tập cũng ngày càng cao hơn. Do đó, Bộ GD-ĐT nên để các sở GD-ĐT quyết định môn thi dựa trên điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương mình, không nên cứng nhắc. Nếu được, các địa phương cũng nên chọn môn tiếng Anh”. Lãnh đạo một trường THCS ở TPHCM nêu quan điểm, thành phố cần nguồn nhân lực chất lượng cao, có tính cạnh tranh và giỏi tiếng Anh là điều kiện bắt buộc. TPHCM cũng là trung tâm du lịch, nơi có đông người nước ngoài sinh sống, học tập, làm việc, đòi hỏi người dân phải giao tiếp tốt bằng tiếng Anh. Đến khi học trò các cấp đều đã giỏi tiếng Anh hết, việc giỏi tiếng Anh như là lẽ tự nhiên thì Sở GD-ĐT TPHCM tự khắc sẽ chọn môn thi khác vào lớp Mười, như môn tin học chẳng hạn. |
Trang Thư - Uông Ngọc
Kỳ tới: Đừng biến học nghề thành “lựa chọn cuối cùng”