Học phí đại học công lập: Tăng bao nhiêu hợp lý?

Bài 1: Học phí không thể không tăng

19/04/2021 - 06:56

PNO - Mỗi năm, có thêm nhiều trường đại học công lập thực hiện tự chủ, theo đó học phí sẽ tăng mạnh so với trước đây. Học phí, không thể bằng cảm quan mà đánh giá cao hay thấp. Đã đến lúc, câu chuyện học phí cần được nhìn nhận sòng phẳng hơn. Nhà trường tăng học phí liệu có tước mất cơ hội học tập của sinh viên hoàn cảnh khó khăn như chúng ta vẫn lo lắng, hay ngược lại, người học sẽ được thụ hưởng nhiều hơn các tiện ích, dịch vụ đào tạo từ mức học phí mới?

Từ năm học tới 2021-2022, nhiều trường đại học tăng học phí lên gấp đôi so với mức hiện tại. Trong đó, có cả những trường thành viên của Đại học Quốc gia TP.HCM - nơi có những trường thành viên được mệnh danh là trường công truyền thống với mức học phí “rẻ” nhất. 

Nhiều trường tăng gấp đôi học phí

Trong phương án tuyển sinh vừa công bố, Trường đại học (ĐH) Y khoa Phạm Ngọc Thạch dự kiến thu học phí các ngành y khoa, dược học, răng-hàm-mặt là 32 triệu đồng/năm; các ngành cử nhân thu 28 triệu đồng (chưa gồm hai học phần giáo dục thể chất và giáo dục quốc phòng - an ninh). Mức phí này tăng mạnh so với năm ngoái, sinh viên (SV) hộ khẩu TP.HCM đóng 14,3 triệu đồng; hộ khẩu ngoài TP.HCM đóng 28,6 triệu đồng.

Từ năm ngoái, Trường ĐH Y Dược TP.HCM bắt đầu thu học phí theo đề án tự chủ, tăng từ 13 triệu đồng lên 70 triệu đồng áp dụng cho ngành răng-hàm-mặt. Ngành y khoa thu 68 triệu đồng, kỹ thuật phục hình răng 55 triệu đồng, dược học 50 triệu đồng, các ngành còn lại từ 30-40 triệu đồng. Lộ trình tăng học phí là 10% cho năm tiếp theo. Khoa Y - ĐH Quốc gia TP.HCM cũng có mức học phí hệ chất lượng cao “khủng” khi thu từ 55 triệu đồng đến gần 90 triệu đồng/năm.

Sinh viên Trường đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM trong giờ thực hành - Ảnh: Thanh Thanh
Sinh viên Trường đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM trong giờ thực hành - Ảnh: Thanh Thanh

Năm nay, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) dự kiến tăng học phí tất cả ngành, trong đó mức học phí chương trình đại trà tăng từ 12 triệu đồng lên 25 triệu đồng/năm. Mức thu này sẽ tăng lên 27,5 triệu đồng ở năm thứ hai và lên 30 triệu đồng ở năm thứ ba, giữ nguyên trong năm cuối…

Các trường thành viên khác của ĐH Quốc gia TP.HCM như Trường ĐH Kinh tế - Luật dự kiến thu học phí chương trình đại trà 18,9 triệu đồng/năm, tăng gần gấp đôi so với mức hiện tại (9,8 triệu đồng).

Trường ĐH Công nghệ thông tin dự kiến thu học phí hệ đại trà là 25 triệu đồng/năm, hệ chất lượng cao 35 triệu đồng/năm, chương trình tiên tiến 45 triệu đồng. Năm tiếp theo, học phí mỗi hệ đào tạo tăng thêm khoảng 5 triệu đồng.

Trường ĐH Quốc tế cũng tăng học phí năm học 2021-2022 lên 50 triệu đồng, các năm tiếp theo dự kiến tăng lên 55 triệu đồng, 60 triệu đồng, rồi 65 triệu đồng. 

Còn các trường thực hiện tự chủ như Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM… cũng có mức học phí cao tương tự. 

Vì sao hàng loạt trường ĐH công lập đồng loạt tăng mạnh học phí? Đó là do các trường thực hiện tự chủ không còn được Nhà nước hỗ trợ ngân sách, ngưng cấp chi thường xuyên cũng như đầu tư xây dựng cơ bản. Nhà trường phải tăng học phí để bù vào các khoản chi phí đó là tất yếu, để tổ chức hoạt động đào tạo.

Hiện nay, các trường xây dựng học phí theo Thông tư 14 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo đó, các trường sử dụng ngân sách nhà nước sẽ áp theo định mức do bộ ban hành. Trên cơ sở đó, các trường xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị nhưng không được vượt quá mức trần. Còn các trường thực hiện tự chủ sẽ tự xây dựng mức thu trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật do trường ban hành. 

Học phí chỉ đang thu đủ bù chi

Các nhà giáo dục cho rằng dù học phí tăng lên, nhưng thực tế ở nhiều trường mức thu hiện tại vẫn chưa đủ so với chi phí đào tạo. Chẳng hạn, tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, học phí 32 triệu đồng/năm là thấp so với mặt bằng chung các trường đào tạo y dược trong nước, còn so với các trường ở châu Á thì thấp hơn 10-15 lần.

Theo đại diện trường này, thực tế, chi phí đào tạo nhóm ngành y dược thường gấp 4-5 lần các ngành nghề khác. Nếu học phí không tăng, trường không có kinh phí trả lương cao để giữ chân giảng viên giỏi, vốn có nhiều cơ hội việc làm và thu nhập hấp dẫn ở môi trường tư. Thêm nữa, trang thiết bị, cơ sở vật chất, đồ dùng thực hành cho nhóm ngành này cũng rất tốn kém… 

Trưởng phòng đào tạo một trường ĐH tại TP.HCM cho biết: “Muốn biết chi phí đào tạo thực tế bao nhiêu thì hãy nhìn vào mức thu của trường tư. Ở trường tư, ngoài chính sách ưu đãi về thuế và quỹ đất từ Nhà nước thì nguồn thu duy nhất từ học phí của người học phải trang trải cho tất cả hoạt động nên mức phí tính toán của họ buộc phải chính xác”.

Vị này nêu ví dụ đối với nhóm ngành y dược: Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng đào tạo các ngành y khoa, răng-hàm-mặt, dược học, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật phục hồi chức năng với học phí ngành cao nhất là 198 triệu đồng/năm. Trường ĐH Hoa Sen dự kiến đào tạo các ngành răng-hàm-mặt, dược học, quản lý bệnh viện, kỹ thuật y sinh từ năm 2021 với học phí từ 55-180 triệu đồng/năm.

Trường ĐH Văn Lang đào tạo các ngành răng-hàm-mặt, điều dưỡng, dược học, kỹ thuật xét nghiệm y học. Năm 2021, dự kiến mở thêm ngành y khoa, y học cổ truyền. Học phí ngành cao nhất là 165 triệu đồng/năm (4,48 triệu đồng/tín chỉ x 221 tín chỉ = 990 triệu đồng/khóa sáu năm)…

Từ đây có thể thấy, mức học phí nhóm ngành khoa học sức khỏe ở các trường công lập dù có tăng nhưng vẫn còn “dễ chịu” đối với người học. 

Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TPHCM đang học tập trong thư viện hiện đại
Sinh viên, học viên Trường ĐH Công nghiệp TPHCM học tập trong thư viện hiện đại

Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, cho biết: mức thu hiện nay của các trường công lập tự chủ tài chính thấp hơn chi phí đào tạo. Các trường cũng chỉ xác định học phí ở ngưỡng đủ để đào tạo, muốn tốt hơn thì phải thêm kinh phí. Kinh phí đủ cho đào tạo chất lượng cao các ngành ngoài nghề y khoảng 150 triệu đồng/năm/SV. Với học phí thu ở mức này, các trường có thể đào tạo khoảng 20-30 SV/lớp, cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên chuẩn.

Đối với lớp thường, sĩ số khoảng 40-50 SV/lớp thì kinh phí phải đạt 60-80 triệu đồng/năm/SV. Hiện các trường chỉ thu học phí trên dưới 30 triệu đồng/năm/SV là vì cơ sở vật chất đã được đầu tư và sĩ số lớp ở những môn như chính trị, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng cao bù qua.

Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) tuy chưa thực hiện tự chủ nhưng để tính toán ra chi phí đào tạo thì cũng không ngoài quy luật chất lượng sẽ tương ứng với chi phí đầu tư, nghĩa là không thể có chuyện học phí rẻ mà chất lượng cao.

Thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin Truyền thông của trường, cho biết: đối với nhóm ngành công nghệ thông tin sẽ thấy rõ nhất học phí cao thì chất lượng đào tạo sẽ cao hơn. Người học thấy rõ điều này nên chất lượng thí sinh cạnh tranh vào các lớp này cũng cao so với các chương trình đại trà. Chương trình chất lượng cao công nghệ thông tin chỉ tiêu 440 (năm 2020) có điểm chuẩn lên đến 25,75. Tương tự, chương trình tiên tiến yêu cầu học 100% bằng tiếng Anh nên học phí cũng không thể thấp… 

Theo thạc sĩ Phùng Quán, nếu so sánh tương quan giữa chi phí đào tạo và học phí hiện nay ở các trường công lập vẫn đang có lợi cho người học. Ở trường ĐH công lập: tổng chi phí đào tạo một SV theo đề án tuyển sinh năm 2020 của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) trung bình là 17,2 triệu đồng (745 USD) và thu học phí 10,6 triệu đồng (460 USD). Tổng chi phí đào tạo một SV theo đề án tuyển sinh năm 2020 của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) trung bình là 18,3 triệu đồng (793 USD) và học phí 9,8 triệu đồng (425 USD).

Ở trường ĐH công lập tự chủ tài chính: tổng chi phí đào tạo một SV theo đề án tuyển sinh năm 2020 của Trường ĐH Ngoại thương trung bình là 18,5 triệu đồng (801 USD) và học phí 18,5 triệu đồng (801 USD). Tổng chi phí để đào tạo một SV theo đề án tuyển sinh năm 2020 của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM trung bình là 17,9 triệu đồng (775 USD) và học phí khoảng trên 17,9 triệu đồng (775 USD). 

Trong khi đó, tổng chi phí trung bình để đào tạo một SV ở Thái Lan (814 USD), Indonesia (682 USD), Singapore (10.557 USD) và Úc (11.101 USD)…

Thực tế, các trường tự chủ được thu mức học phí cao đã đầu tư cơ sở vật chất tốt hơn, chất lượng dịch vụ được cải thiện. Đặc biệt, với chương trình chất lượng cao có mức thu học phí cao hơn, SV được hưởng lợi về điều kiện học tập như sĩ số lớp ít, phòng học có máy lạnh, giảng viên giỏi… Vì vậy, ngày càng có thêm nhiều người học lựa chọn chương trình chất lượng cao để thụ hưởng chất lượng dịch vụ tốt hơn.

Học phí của đại học trong nước còn “rẻ”

Học phí của các ĐH nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam đều rất cao. Tại Trường ĐH RMIT (Úc), học phí năm 2021 các chương trình cử nhân đều hơn 300 triệu đồng/năm (tính trên trung bình 8 môn học/năm). Nếu tính toàn khóa, học phí từ 901 triệu đồng đến hơn 1,2 tỷ đồng/SV. Chương trình cử nhân tại Trường ĐH Fulbright (Mỹ) có học phí năm học 2020-2021 hơn 467 triệu đồng/năm… 
Còn các chương trình liên kết quốc tế thì thường có học phí không dưới 100 triệu đồng/năm. 

Tiêu Hà

(Còn tiếp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI