"Vườn ươm đặc biệt” cho ngày thống nhất

Bài 1: “Hạt giống quý” trên những con tàu lịch sử

22/04/2024 - 06:08

PNO - 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975), có hơn 30.000 con em cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam được đưa ra miền Bắc học tập trong các trường học sinh miền Nam. Mô hình giáo dục này đã cung cấp cho sự nghiệp cách mạng, giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước một đội ngũ cán bộ chất lượng cao, thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng của Đảng, Bác Hồ đối với chiến lược trồng người. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nhận định: “Có thể nói, đây là vườn ươm đặc biệt, ươm những hạt giống quý báu vào bậc nhất mà Bác Hồ, Đảng, Nhà nước và nhân dân miền Bắc đã dành cho miền Nam từ những ngày gian khó, nay mang lại kết quả rất to lớn cho đất nước”.

Từ giữa tháng Mười đến cuối năm 1954, hơn 5.500 học sinh đã theo các chuyến tàu từ miền Nam ra Bắc, cập các bến Sầm Sơn (Thanh Hóa) và Cửa Hội (Nghệ An). Đó là những “hạt giống quý” của miền Nam được đưa ra miền Bắc học tập, bồi dưỡng theo chủ trương của Đảng và Bác Hồ.

Lời hiệu triệu từ trái tim

“Năm 1954, tôi 15 tuổi, ở nhà với nội. Mẹ mất, cha đi kháng chiến. Một lần cha về thăm, nói sẽ đưa tôi ra Bắc. Ông dặn dò: “Con đi ra Bắc theo các cô, các chú. Ra ngoài đó được đi học, được gặp Bác Hồ”. Vậy là tôi ưng. Ba đưa tôi ra bến tàu ở Cà Mau. Hành lý của tôi chỉ có cái giỏ đệm với 1 bộ quần áo cũ, bộ mới tôi mặc trên người” - bà Lê Thị Kim Hoa - nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Mía đường Miền Nam - nhớ lại.

Tàu Liên Xô chở cán bộ, bộ đội và thiếu nhi từ miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954 -  Ảnh tư liệu
Tàu Liên Xô chở cán bộ, bộ đội và thiếu nhi từ miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954 - Ảnh tư liệu

Trước ngày đi, các cô chú cán bộ tập hợp những đứa trẻ trên 10 tuổi lại dặn: “Đi tàu nhiều ngày, sóng to, gió lớn, các con phải giúp đỡ các em nhỏ hơn. Có gì thì gọi các chú bộ đội”. Và không để ai phải dặn dò thêm lần nào nữa, suốt hành trình lênh đênh trên biển, đứa lớn giúp đứa nhỏ. Ai say sóng thì được các chú bộ đội giúp.

Trong mắt đứa trẻ 15 tuổi Lê Thị Kim Hoa ngày đó, không thể diễn tả được con tàu to làm sao, bởi “cái gì to hơn cái nhà mình là to lắm”, bà chỉ nhớ, từ con sông nhỏ tàu ra biển lớn, đến Ô Cấp (Vũng Tàu), bà theo đoàn lên con tàu Liên Xô. Con tàu rất to, người người xếp lớp nằm nghỉ. Nhiều em nhỏ khóc vì nhớ nhà. Bà cũng nhớ nhà nhưng không khóc, chỉ nắm chặt tay.

70 năm trôi qua, nhưng ký ức về chuyến tàu 1954 dường như nguyên vẹn trong tâm tưởng nhiều cụ ông, cụ bà tuổi 80, 90. Bà Diệp Ngọc Sương - nguyên Tổng thư ký Hội Hóa học TPHCM - nhớ lại, năm đó, 12 tuổi, bà cùng 4 chị em ruột theo ba má đi tập kết. Như các gia đình cán bộ từ Sài Gòn và nhiều tỉnh, thành phía Nam, cả nhà bà đều về Thới Bình (tỉnh Cà Mau) để lên tàu.

Không khí nơi bến tàu những ngày chuẩn bị ra đi vô cùng nhộn nhịp. Ai cũng hăng hái với lời hẹn 2 năm sẽ trở về. Nhiều gia đình chỉ có 1-2 đứa trẻ được gửi đi, người thân đứng trên bờ vẫy tay trong nước mắt. “Có thể thế hệ hôm nay sẽ không hiểu được vì sao những người như cha mẹ chúng tôi - những trí thức Sài Gòn, đang sống sung túc lại tự nguyện rời quê hương lên tàu đến nơi mà nạn đói vừa mới đi qua, khó khăn thiếu thốn đủ bề.

Nhưng chúng tôi thì hiểu, ba má chọn đi theo tiếng gọi nơi trái tim họ, những người cộng sản. Chúng tôi biết chuyến tàu sẽ đưa mình đến vùng đất mới, nơi có Bác Hồ. Ba nói 2 em nhỏ theo má; tôi, chị Ngọc Anh và em gái theo ba. 2 năm ước hẹn, cuối cùng phải hơn 20 năm mới có ngày trở về” - bà Diệp Ngọc Sương bồi hồi.

Những đứa trẻ miền Nam ngày đầu tập kết ra Bắc - Ảnh tư liệu
Những đứa trẻ miền Nam ngày đầu tập kết ra Bắc - Ảnh tư liệu

Bước lên chiếc tàu của Ba Lan để bắt đầu chuyến hải trình 5 ngày lênh đênh trên biển, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Thanh Hà (khi đó 13 tuổi) lần đầu được nhìn từ biển vào đất liền và cảm thấy quê hương mình đẹp lạ lùng. Nhìn hòn vọng phu thấp thoáng phía xa, bà nghĩ, chắc má mình ở lại sẽ nhớ thương con biết bao nhiêu. “Nhớ nhà lắm, thương miền Nam lắm nhưng không hiểu tại sao cứ muốn đi theo Bác Hồ” - bà Hà xúc động.

Bà Hà kể, hồi còn là học sinh Trường Thiếu sinh quân khu 9, mỗi lần hát bài “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên, nhi đồng”, bà hình dung Bác là ông tiên, ông bụt trong truyện cổ tích. Ở nhà, má bà cũng có những đồng tiền 10 đồng có hình Bác Hồ, nhưng bà không nghĩ là Bác thật. Một buổi sáng đến trường, bà nghe tin ông Phan Trọng Tuệ - người sáng lập Trường Thiếu sinh quân khu 9 (sau là Thiếu tướng, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa) - chuẩn bị ra Bắc thăm Bác Hồ, mấy anh em của trường mới rủ nhau lấy máu viết 1 bài thơ gửi Bác: “Bác Hồ, Bác Hồ ơi/ Sáng nay vào lúc còn sương/ Chúng cháu nghe chú Tuệ lên đường/ Vượt rừng thẳm đi về thủ đô/ Vội vàng chúng cháu rủ nhau/ Góp máu đào chúng cháu viết huyết thư/ Để Bác hay: dù có xa xôi, Đoàn Thiếu sinh quân nguyện nhớ Bác hoài…”.

Chỉ làm theo các anh, nhưng không hiểu sao, không khí ngày đó khiến cô gái nhỏ cảm thấy mình cũng như cha anh, đang dự phần vào chuyện lớn. Bà Hà học lớp nhỏ nhất. Lớp học ai cũng nhỏ xíu nên được gọi là lớp bọ chét. Ở Trường Thiếu sinh quân, bà cùng các bạn học quân sự. Mãi về sau mới có ông giáo già về dạy chữ. Không biết viết, đứa nào cũng cầm bút vẽ những nét nguệch ngoạc. Nhưng khi nghe thầy nói “các cháu hãy viết chữ đẹp để sau này viết thơ cho Bác Hồ” thì đứa nào cũng ngồi nắn nót.

Chuẩn bị lực lượng lâu dài

Ngày 20/7/1954, sau khi hiệp định Genève được thi hành, song song với việc tập trung mọi nỗ lực để củng cố và xây dựng miền Bắc vững mạnh, thì Bác Hồ, Trung ương Đảng và Chính phủ đã triệu tập hàng vạn cán bộ, chiến sĩ từ miền Nam ra Bắc, đồng thời thành lập các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc để chăm lo, bồi dưỡng, chuẩn bị lực lượng lâu dài cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất và xây dựng đất nước sau này.

Nhân dân miền Bắc nồng nhiệt chào đón những đứa con miền Nam tập kết ra Bắc trên bến Sầm Sơn năm 1954-1955 - Ảnh tư liệu
Nhân dân miền Bắc nồng nhiệt chào đón những đứa con miền Nam tập kết ra Bắc trên bến Sầm Sơn năm 1954-1955 - Ảnh tư liệu

Những “hạt giống quý” nằm trong diện tập kết gồm con em cán bộ miền Nam theo cha mẹ tập kết, những học sinh là con liệt sĩ, học sinh vượt tuyến ra Bắc học trong kháng chiến và một số cán bộ, bộ đội dưới 18 tuổi ra miền Bắc học văn hóa. Theo hiệp định đình chiến, Hàm Tân - Xuyên Mộc, Cao Lãnh - Đồng Tháp Mười và Thới Bình (Cà Mau) được chọn là các điểm tập kết chuyển quân ra Bắc trong vòng 300 ngày của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Chỉ trong vòng 2 tháng, từ giữa tháng Mười đến cuối năm 1954, có hơn 5.500 học sinh theo các chuyến tàu từ miền Nam cập bến Sầm Sơn (Thanh Hóa) và Cửa Hội (Nghệ An). Từ đây, lực lượng được phân bổ về khắp các tỉnh.

Trong hơn 20 năm, từ năm 1954-1975, có gần 30.000 học sinh với 28 trường miền nam đã tỏa đi khắp miền Bắc, tập trung nhiều nhất ở các tỉnh Hà Đông, Hải Phòng.

Tháng 11/2023, tại huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau, chúng tôi đi thăm ngôi nhà bà Lê Thị Sảnh - người gửi cây vú sữa miền Nam theo chuyến tàu tập kết ra tặng Bác Hồ và đồng bào miền Bắc. Ông Lê Văn Lâm - nguyên Phó giám đốc Nông trường Minh Hải, tỉnh Minh Hải (nay là 2 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu) - bùi ngùi kể lại lời má Sảnh từng nói năm xưa khi mang cây vú sữa ra bến tàu gửi các anh cán bộ: “Má nói “má muốn gửi các con cây vú sữa nhỏ này ra kính tặng cụ Hồ và đồng bào miền Bắc. Ra ngoài đó, các con thưa với cụ Hồ và cô bác miền Bắc rằng, bà con trong này luôn hướng về cụ Hồ, hướng về miền Bắc”. Những cán bộ nhận cây vú sữa má Sảnh gửi đã nâng niu nó trong suốt hải trình”.

Thu Lê - DIễm Chi


Kỳ tới: Tình yêu thương học sinh miền Nam trên đất Bắc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI