Ngư dân miền Trung điêu đứng vì dịch

Bài 1: Hải sản rớt giá, ngư dân khóc ròng

27/08/2021 - 06:58

PNO - Dịch COVID-19 kéo dài, cảng cá lớn nhất miền Trung là Thọ Quang (TP. Đà Nẵng) bị phong tỏa, các đại lý mua ép giá, giao thông khó khăn khiến ngư dân miền Trung lặn ngụp giữa muôn trùng khó khăn.

Trong khi TPHCM - thị trường tiêu thụ hải sản lớn - đang thiếu nguồn cung thì ở nguồn cung cấp hải sản là các tỉnh miền Trung, ngư dân lại lao đao do không bán được cá hoặc phải bán với giá quá rẻ.

Giá giảm mạnh, thương lái “lười” mua

Sau hơn một tuần lênh đênh trên biển để thu mua hải sản, đến sáng 23/8, tàu cá của ngư dân Bùi Văn Lâm (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) cập cảng Kỳ Hà, xã Tam Quang, huyện Núi Thành. Theo ông Lâm, chuyến này ông thu mua được 2-3 tấn cá nục để bán lại cho các thương lái. Không ngờ, thương lái ra giá 25.000 đồng/kg cá nục, rẻ hơn trước 10.000 đồng. Với giá này, sau khi trừ các chi phí, ông Lâm lỗ 15 triệu đồng.

Tàu cá cập cảng Kỳ Hà (H.Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), nhiều ngư dân than thở vì giá rớt thê thảm, cuộc sống khó khăn - ẢNH: NGUYỄN DƯƠNG
Tàu cá cập cảng Kỳ Hà (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), nhiều ngư dân than thở vì giá rớt thê thảm, cuộc sống khó khăn - Ảnh: Nguyễn Dương

Ngư dân Lê Văn Giá (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) cho hay, tàu của anh vừa cập bến cùng 12-13 tấn cá nục, cá ngừ sọc dưa. “Nhà hàng, khách sạn, chợ hải sản đóng cửa, giá hải sản rớt mạnh. Tính ra, sau khi trừ các chi phí, chúng tôi không có lãi, có khi còn lỗ vốn nữa” - anh Giá nói.

Còn anh Trần Văn Quốc (xã Tam Quang, huyện Núi Thành) đánh bắt được hơn 4 tấn cá các loại nhưng thương lái thu mua cá ngừ với giá 40.000 đồng/kg, cá nục 20.000 - 25.000 đồng/kg, tính ra không đủ bù chi phí nhiên liệu và tiền công trả cho các bạn thuyền.

Giá hải sản các loại đều giảm, trong khi giá nhiên liệu tăng. Bà Võ Thị Kiều - thương lái thu mua hải sản ở cảng Kỳ Hà - cho biết, do không thể đưa cá vào các tỉnh, thành phía Nam bán được nên các thương lái cũng không dám mua nhiều, chỉ mua một ít để cung cấp cho các chợ nhỏ. 

Ông Ngô Tấn - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam - cho biết, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 770 chiếc tàu cá đánh bắt hải sản xa bờ. “Từ đầu năm đến nay, cá đánh bắt được mùa nhưng do ảnh hưởng dịch nên nhiều khi bị thương lái ép giá”, ông Ngô Tấn nói.

Ông Nguyễn Văn Bảy (phường Thuận An, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) than, khó bán hải sản do nhiều chợ đóng cửa, thị trường TPHCM và các tỉnh phía Nam không mua. Trước đợt dịch, các ghe tàu lớn chạy ra tận ngoài khơi thu mua nên ngư dân đỡ tốn chi phí xăng dầu. Bây giờ, họ không ra khơi thu mua nữa.

Theo ông Nguyễn Quang Nhất - Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Thuận An - toàn phường Thuận An có 30 chiếc tàu cá công suất lớn chuyên thu hải sản, bình thường thu mua 15-20 tấn/ngày để đóng hàng vào Nam, nay tàu phải nằm bờ. Hai kho đông lạnh Thủy Chính, Tám Thế nổi tiếng nhất xứ Huế ở cảng cá Thuận An thường thu mua từ 800 đến 1.000 tấn hải sản mỗi đợt tàu cập bến, nay cũng hoạt động cầm chừng vì không có nơi tiêu thụ.

“Đang vụ cá nam, nhưng từ tháng Năm đến nay, lượng hải sản qua cảng chỉ đạt hơn 4.000 tấn, giảm hơn 30% so với vụ cá năm trước. Thậm chí, đã có nhiều tàu cá ở Phú Thuận, Thuận An phải nằm bờ”.

Tiến thoái lưỡng nan

Tại tỉnh Quảng Ngãi, ngư dân cũng đang tiến thoái lưỡng nan. Thuyền trưởng Nguyễn Phi Hổ (xã Bình Đông, huyện Bình Sơn) đang cùng thợ mộc sửa lại hầm trữ đông trên thuyền của mình để chuẩn bị cho chuyến ra khơi sắp tới, nhưng không giấu được âu lo. Vài năm trước, anh Hổ vay ngân hàng gần 1 tỷ đồng, cầm cố sổ đỏ, đóng một chiếc tàu mới trị giá hơn 2 tỷ đồng với hy vọng thoát nghèo. Nay, nếu tiếp tục lỗ như chuyến trước, gia đình anh sẽ đói, khoản nợ ngân hàng không trả nổi.

Dịch COVID-19 kéo dài khiến hoạt động đánh bắt cá ở vùng biển miền Trung gặp nhiều khó khăn - ẢNH: LÊ PHÚC
Dịch COVID-19 kéo dài khiến hoạt động đánh bắt cá ở vùng biển miền Trung gặp nhiều khó khăn - Ảnh: Lê Phúc

Với hơn 5.000 tàu thuyền khai thác hải sản, ngư dân Quảng Ngãi như ngồi trên lửa. “Trước dịch, giá cá dao động từ 22.000 - 24.000 đồng/kg, giờ chỉ còn 11.000 - 12.000 đồng/kg. Mình vừa vào bờ, nghe các chủ nậu kèo giá là buồn, nhưng phải bấm bụng bán vì không thể để lâu trên tàu” - một ngư dân ngậm ngùi.

Tại cảng biển Mỹ Á (phường Phổ Quang, thị xã Đức Phổ), có hơn 130 tàu cá. Ông Nguyễn Xết - Trưởng vạn chài Hải Tân - cho biết, cảng này chưa phát hiện ca mắc COVID-19, nhưng giá cá giảm còn phân nửa nên không thể có lời. Trong khi đó, giá rau củ lại cao, mùa tựu trường lại đến, ngư dân rất cần chút tiền lời để trang trải chi phí sống. 

Tại tỉnh Nghệ An, việc vận chuyển hải sản trên đất liền khó khăn nên ngư dân cũng bị vạ lây. Tại bến cảng Lạch Vạn (xã Diễn Ngọc, H.Diễn Châu), lượng người đến mua bán hải sản giảm còn 1/3, số tàu thuyền cập cảng cũng giảm mạnh. Ông Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc - cho biết, phần lớn hải sản sau khi đánh bắt về được ngư dân đóng thùng, gửi đi theo đơn đặt hàng hoặc bán cho tiểu thương mang đi các chợ.

Theo ông Nguyễn Văn Đợi - Chủ tịch Hội Nghề cá xã Tiến Thủy, thị xã Hoàng Mai - việc vận chuyển hải sản gặp nhiều khó khăn do yêu cầu của mỗi địa phương khác nhau. Nơi yêu cầu phải có test nhanh, nơi lại không cho vào, buộc phải giao hàng từ xa khiến chi phí phát sinh tăng thêm. Giá hải sản lại giảm nên ngư dân gặp nhiều khó khăn.

Ông Bùi Tuấn Sơn - Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh - cho biết, số tàu cập cảng giảm 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, số tàu cá ngoại tỉnh giảm còn khoảng 50% so với những năm trước; lượng tàu cá nội tỉnh giảm ít hơn nhưng lại giảm thời gian ra khơi do lo không bán được hàng vì lưu thông khó.

Ông nói: “Cái khó nhất đối với ngư dân hiện nay là tiêu thụ hải sản, nếu chỉ tiêu thụ trong huyện, trong tỉnh thì không ăn thua, còn vận chuyển đi các tỉnh khác thì vướng nhiều thủ tục, trong đó có yêu cầu về kết quả xét nghiệm COVID-19 của tài xế xe tải, xe đông lạnh. Nếu đòi kết quả trong 72 giờ thì tài xế dễ vận chuyển hơn, nay đòi trong 48 giờ thì tài xế chịu thua”.

Khó xuất hải sản sang Trung Quốc 

Chị Đặng Thị Liên - Giám đốc Công ty TNHH Vũ Lâm, đóng tại xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình - cho biết, công ty chuyên thu mua thủy hải sản xuất sang thị trường Trung Quốc, nhưng nay hàng chục tấn cá của công ty bị ứ đọng, không xuất khẩu được, thiệt hại hàng tỷ đồng. Công ty thu mua cá hố của ngư dân với giá 125.000 đồng/kg nhưng do không xuất khẩu được nên cá hư, phải bán cho các cơ sở sản xuất thức ăn gia súc với giá 5.000 - 12.000 đồng/kg.

Hiện tại, công ty có 51 tấn cá không tiêu thụ được, trong đó có 24 tấn đang được cấp đông. Chín doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy hải sản của tỉnh Quảng Bình cũng đang cùng cảnh ngộ như Công ty Vũ Lâm. 

Theo ông Đỗ Hải Hòa - Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Sông Gianh Quảng Bình - công ty của ông chuyên xuất khẩu hải sản đông lạnh bằng đường biển sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore… Dịch bệnh khiến giá cả nguyên liệu phụ, cước phí vận chuyển tăng, quá trình vận chuyển hàng hóa cũng gặp nhiều khó khăn nên lượng hàng tiêu thụ giảm 70 - 80%.

Toàn tỉnh Quảng Bình hiện có hơn 400 cơ sở sơ chế thủy hải sản, trong đó có năm doanh nghiệp chế biến thủy sản đông lạnh đủ điều kiện xuất khẩu (được chứng nhận HACCP), nhưng tất cả đều đang thoi thóp.

Ông Lê Kim Hoàng, Trưởng phòng Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình - cho hay, toàn tỉnh có gần 20 doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu thủy hải sản sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, sản phẩm chủ yếu là tôm, cá ướp đá.

Hiện phía Trung Quốc thắt chặt biên mậu, thiết lập và áp dụng các hàng rào kỹ thuật nhằm kiểm soát chặt chẽ nông sản từ Việt Nam, trong đó có thủy hải sản. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản chưa đáp ứng kịp yêu cầu của phía đối tác, dẫn đến gặp khó khăn trong tiêu thụ hàng hóa. 

Nhóm phóng viên miền Trung

(Còn nữa)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI