Giảng đường đại học đâu chỉ là nơi để truyền đạt tri thức, mà còn là nơi sinh sôi lòng nhiệt huyết, dấn thân với trách nhiệm cộng đồng. Đó không chỉ là những chuyến tiếp tế thực phẩm không mệt mỏi, những cánh tay giơ lên xin đi tiếp sức mùa dịch. Bằng trí tuệ, nhiều giảng viên, sinh viên lùng sục vào từng ngóc ngách để đi tìm lời giải, tìm cách thích nghi để vượt qua nghịch cảnh.
Đi nghe “lời than” giữa những ngày khốn khó
Sau hai tháng thực hiện giãn cách xã hội, nhiều người khi tìm đến các chuyên gia thì đã được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lo âu, trầm cảm từ nhẹ đến nặng, khó kiểm soát được cảm xúc, luôn trong tình trạng căng thẳng, chán nản, bi quan... Nhiều người cứ đọc thông tin về dịch bệnh liền cảm thấy mình có các triệu chứng của bệnh như đau họng, khó thở, sốt… dẫn đến lo lắng, mất ngủ, chán ăn, suy yếu cơ thể. Lúc này càng là dịp để vi-rút tấn công.
Theo tiến sĩ tâm lý học lâm sàng Lê Minh Công, Phó Trưởng khoa Công tác xã hội Trường đại học (ĐH) Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), hiện nay số người tìm kiếm sự hỗ trợ tâm lý ngày càng tăng. Mỗi ngày trung bình có 10-15 trường hợp đăng ký tìm sự hỗ trợ từ các nhà chuyên môn liên quan đến sức khỏe tâm thần. Cùng với đó là những biểu hiện và tình trạng về sức khỏe tâm thần tương đối đa dạng, với nhiều mức độ khác nhau, từ trẻ em cho tới người lớn.
|
Chuyên gia tâm lý dự án PsyCare nói chuyện với các bệnh nhân ở bệnh viện thu dung tại TP.Thủ Đức |
Những tiếng kêu không ngừng vang lên khi phải đối mặt với hàng loạt vấn đề khủng hoảng, mất việc làm, lo lắng quá mức về tình hình dịch bệnh, những mâu thuẫn trong các mối quan hệ, mất các kết nối xã hội. Vậy là tiến sĩ Lê Minh Công cùng với các bác sĩ, chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý, tâm thần lập dự án Chăm sóc sức khỏe tâm thần trong đại dịch, chuyên đi tìm những lời than để nuôi dưỡng lại sức khỏe tinh thần cho nhiều người. Mỗi ngày, họ chọn “nạp” vào người hàng chục nỗi lo từ những người xa lạ để mong xoa dịu tổn thương, chí ít là từ góc độ tinh thần vô hình.
Cũng là những người đi chăm sóc tinh thần mùa COVID-19, ban ngày, các thành viên dự án PsyCare của Khoa Tâm lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đều phải đến trường, viện hoàn thành công việc. Tranh thủ ăn uống, nghỉ ngơi “hai tại chỗ” để rút ngắn thời gian thừa, làm thêm nhiều việc trước khi rời công sở. Đúng 17 giờ chiều, tròng vào người bộ đồ bảo hộ, khẩu trang, kính chống giọt bắn, bao tay kín mít, đeo thẻ làm nhiệm vụ, họ lên đường. Từ Q.5, họ chạy xuyên thành phố, vượt bao chốt trạm, đến các bệnh viện thu dung ở TP.Thủ Đức để nói chuyện với những người đang phải xa gia đình, cách ly dài ngày và đối mặt với nỗi sợ bệnh tật. Phần lớn họ lắng nghe cho bằng hết những lo sợ, nhận hết những lời than phiền, đau đớn…
PsyCare hiện có hơn 40 chuyên gia tâm lý học, tâm lý giáo dục, tâm lý trị liệu, tâm lý lâm sàng, bác sĩ và các tình nguyện viên, điều phối viên ở khoa tâm lý học, các trung tâm tư vấn tâm lý, các bệnh viện ở TP.HCM, Tiền Giang, Phú Yên, Đà Nẵng, Thái Nguyên... Không chỉ thông qua fanpage, các video để tư vấn, đưa ra lời khuyên, nâng đỡ tinh thần cho người dân, các chuyên gia còn tranh thủ những buổi tối sau giờ làm, cứ nhận được “lệnh” của các bệnh viện thu dung, liền chạy đến.
“Với người đang ở khu phong tỏa, khu cách ly… việc nâng đỡ tinh thần mang đến các tác động tích cực để trấn an tâm lý, tạo ra sức mạnh nội tại để mỗi người sẽ tư duy tích cực, có hành động phù hợp để bảo vệ bản thân, góp phần chống dịch từ các tương tác có ý nghĩa”, giáo sư Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, “tổng chỉ huy” dự án PsyCare, quả quyết.
Cách ly, phong tỏa cũng nghiên cứu
Thay vì xung phong ra tuyến đầu, một số nhóm thầy trò ở các trường ĐH chọn sở trường của mình để chống dịch, “góp” công nghệ và trí tuệ vào trận chiến chung. Nhóm nghiên cứu Phòng thí nghiệm trọng điểm ĐH Quốc gia TP.HCM tại Trường ĐH Bách khoa, đã nghiên cứu thành công công nghệ ứng dụng siêu vật liệu graphene kết hợp với nano bạc làm khẩu trang. Ưu điểm của loại khẩu trang này là có thể lọc được 99% bụi mịn, kháng khuẩn, ngăn chặn lây nhiễm vi-rút, đồng thời có thể tái sử dụng nhiều lần.
Trong khi đó, các sinh viên năm nhất thuộc nhóm BK M.C.E Trường ĐH Bách khoa, gồm: Chu Minh Nhân, Cao Khánh Gia Hy, Nguyễn Thế Bình, Hồ Huỳnh Gia Bảo, Trần Duy Khang, Nguyễn Duy, Ngô Hà Gia Bảo và Mai Hoàng Kim Sơn cũng nhảy vào cuộc chiến này bằng nghiên cứu chế tạo thành công máy đo thân nhiệt và rửa tay tự động tích hợp IoT. Có những người đang nghiên cứu thì khu vực sinh sống bị phong tỏa, sinh hoạt bị ảnh hưởng nhưng việc nghiên cứu vẫn không dừng lại.
Chu Minh Nhân cho hay, ưu điểm của chiếc máy là được lập trình IoT nhận diện khuôn mặt, nhắc nhở việc đeo khẩu trang bằng giọng nói; đo thân nhiệt tự động và cảnh báo khi thân nhiệt quá mức bình thường, cập nhật dữ liệu về thông tin người dùng và nhiệt độ các lần sử dụng... Đặc biệt, các dữ liệu sẽ được lưu trữ và truyền về server trung tâm. Nhân viên y tế dễ dàng truy cập và truy xuất dữ liệu phục vụ kiểm soát, truy vết trường hợp nghi nhiễm COVID-19.
|
Điểm tiêm ban đêm ở chung cư Giai Việt (Q.8) do các thầy giáo Trường đại học Sài Gòn và UBND quận 8 phối hợp thành lập |
Nếu nhánh nghiên cứu của các nhà khoa học Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) mạnh về y sinh đã chọn vắc-xin làm hướng nghiên cứu thì một số chuyên gia công nghệ thông tin tình nguyện “gánh” khâu phân tích dữ liệu dịch bệnh.
Tech4Covid là một trong hai nhóm nghiên cứu được Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cung cấp dữ liệu để tổng hợp các phân tích, đánh giá, dự báo và giải pháp đối với dịch tại TP.HCM. Tiến sĩ Đinh Bá Tiến, Trưởng khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: “Khi dịch bùng phát đợt thứ tư tại TP.HCM, đầu tháng 6/2021, Tech4Covid được lập ra, tôi kêu gọi bạn bè và sinh viên làm công nghệ cùng tham gia để có thể giúp gì đó cho thành phố từ kiến thức và chuyên môn của mình”.
Hiện tại, thành viên của nhóm khoảng 70 người gồm các nhà khoa học, giảng viên đến từ khoa công nghệ thông tin các trường ĐH tại Việt Nam và Mỹ; chuyên gia phân tích dữ liệu, chuyên gia công nghệ đến từ các tập đoàn lớn trên thế giới; các giám đốc dự án, kỹ sư công nghệ thông tin nhiều năm kinh nghiệm... đến từ doanh nghiệp tại Việt Nam và sinh viên tình nguyện thuộc khoa công nghệ thông tin các trường. Tất cả đều tham gia với tư cách cá nhân và tinh thần tình nguyện.
Tech4Covid nhận dữ liệu, thực hiện các phân tích và mô hình hóa dữ liệu về dịch COVID-19. Dựa trên phân tích, nhóm đã đưa ra một số khuyến nghị chuyển đến Sở Thông tin và Truyền thông và lãnh đạo TP.HCM. Nhóm các nhà khoa học này khuyến nghị cải tiến công nghệ check-in QR code và quy trình khai báo y tế đơn giản và hiệu quả hơn để khuyến khích người dân khai báo và thực hiện việc check-in đầy đủ, giúp việc truy vết, phân loại các F1, F2... nhanh và hiệu quả hơn; áp dụng công nghệ xếp lịch và xếp hàng điện tử cho quá trình xét nghiệm và tiêm vắc-xin nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm khi tập trung đông người…
Những thầy giáo lập tổ tiêm ban đêm
Một thành viên Ban Giám hiệu Trường ĐH Sài Gòn sau khi tiêm vắc-xin mũi hai được hai ngày, thấy cơ thể ổn, liền vận động nhóm bác sĩ thân quen lập một tổ tiêm vắc-xin để hỗ trợ phường tăng tốc tiêm cho người dân. “Rủ rê” người, xin phép, chuẩn bị xe cứu thương, trang thiết bị cần thiết, lên phương án phân luồng, tổ chức hậu cần… chỉ vỏn vẹn hai ngày.
“Chỉ cần nghĩ tới người được tiêm vắc-xin sẽ hạn chế khả năng bệnh nặng hoặc tử vong, tôi không thể chần chừ, thiếu người thì mình kiếm người. Tôi nói với hiệu trưởng cùng lời hứa sẽ giữ an toàn, ai ngờ được “gật đầu” ngay và còn hỗ trợ nhân viên y tế, xe… Ý tưởng làm ban đêm là vì người có tuổi hoặc bệnh nền cần có người nhà hỗ trợ khi đi tiêm nên bố trí sau giờ hành chính là thuận tiện”, vị cán bộ tâm sự.
|
Gần 22 giờ đêm tổ tiêm vẫn phục vụ khi có người dân đến, trong đó có nhiều người nước ngoài đang cư trú trên địa bàn |
Chỉ cần UBND Q.8 “gật đầu” chỉ đạo và tạo điều kiện là ngay những ngày đầu tháng Tám, tổ tiêm lưu động ban đêm đầu tiên của TP.HCM “sáng đèn” tại chung cư Giai Việt với ba bàn tiêm phục vụ cho các cụ trên 65 tuổi, người có bệnh nền và người dân trên địa bàn quận 8 và các quận lân cận. Đội ngũ có hơn 20 bác sĩ, nhân viên y tế và các tình nguyện viên cùng tham gia. Qua sáu ngày đã có 3.500 người dân được tiêm và con số đang tăng lên. Nhiều người bất ngờ khi cán bộ ngành giáo dục lại đứng ra hỗ trợ lập tổ tiêm. Thế nhưng, ông một mực: “Việc này là điều tự nhiên, ai thấy cũng sẽ làm nên đừng nêu tên tôi lên báo!”.
|
Gia Tuệ
(Còn tiếp)