Vạch trần chiêu trò huy động 240 tỷ đồng vào “dự án X”:

Bài 1: Dự án “siêu khủng” cho… tiệm tạp hóa

29/06/2020 - 08:37

PNO - Dự án X được giới thiệu là “chuyển đổi công nghệ 4.0 trong ngành bán lẻ Việt Nam”. Lãnh đạo Công ty TNHH Một Thế Giới Lành Mạnh quảng cáo đây là một dự án rất lớn của chính phủ Nhật Bản với kế hoạch chuyển dịch dòng vốn đầu tư vào Việt Nam. Thế nhưng, theo điều tra của chúng tôi, nhiều nội dung quảng cáo liên quan đến dự án X chỉ là “nổ”.

Sau những ngày cách ly xã hội do dịch COVID-19, nhiều người có thu nhập thấp lao đao vì bị mất việc làm trong khoảng thời gian dài. Đúng lúc đó, Công ty TNHH Một Thế Giới Lành Mạnh liên tục tổ chức các hội nghị “xúc tiến đầu tư” mời gọi sinh viên, công nhân, nhân viên văn phòng… làm “nhà đầu tư”. Tại các hội nghị, công ty vẽ ra một dự án siêu khủng có tên X với mục đích tìm 10.000 suất đầu tư, mỗi suất trị giá 24 triệu đồng. Trong lúc nhiều nhà đầu tư đang lâng lâng sung sướng vì gặp được “cơ hội vàng” để làm giàu, chúng tôi đã điều tra ra những điều bất thường phía sau dự án X.

Bài 2: Con đường đầu tư sinh lãi gần 2.800 lần

Bài 3: Vẽ đường làm giàu một đằng, hợp đồng một nẻo 

 Ai cũng được tham gia hội nghị

Một ngày giữa tháng Năm, đang ngồi trong một quán cà phê ở quận Gò Vấp, TPHCM, chúng tôi nghe hai người đàn ông làm nghề xe ôm hồ hởi rủ nhau đi dự hội nghị. Người tên L. khoảng 50 tuổi say sưa giới thiệu với “đồng nghiệp” về hội nghị mà mình sắp dự và “cơ hội đổi đời”.

Thấy chúng tôi tỏ vẻ quan tâm, ông L. đánh tiếng: “Có muốn tham gia không, tui gửi thư mời?”. Ông L. cho biết, mấy ngày nữa, sẽ có hội nghị rất lớn ở quận Gò Vấp và quận 10. Nếu muốn tham gia, ông L. sẽ gửi thư mời qua Zalo. Thư mời ghi tên ai không quan trọng, miễn có thư mời ghi thời gian, địa điểm là được hội nghị chào đón.

Thư mời dự “hội nghị” mà bất kỳ ai cũng có thể tham gia
Thư mời dự “hội nghị” mà bất kỳ ai cũng có thể tham gia

Hai tờ thư mời mà chúng tôi nhận được có thiết kế giống nhau, bên trên có quốc kỳ Việt Nam và Nhật Bản, kế dưới ghi “Hội nghị xúc tiến đầu tư thương mại công nghệ 4.0 trong ngành bán lẻ”. Ông L. cho biết, thư mời trên do một người quen đang làm trong “công ty” gửi cho ông với lời dặn: “Mời ai đi cũng được”. Muốn tham gia hội nghị ở quận Gò Vấp thì ngày 19/5, đến số 16 đường số 18, phường 8, quận Gò Vấp. Nếu bận, hai ngày sau, đến số 357 Lê Hồng Phong, phường 2, quận 10. Đặc biệt, trên thư mời không ghi đơn vị nào tổ chức hội nghị.

Sáng 21/5, theo địa chỉ trong thư mời, chúng tôi đến số 357 Lê Hồng Phong, quận 10. Lúc chúng tôi đến, hội trường đã khá đông người, có những cụ tóc đã bạc, những bạn trẻ đang ở độ tuổi sinh viên và có những người trong bộ quần áo tuềnh toàng của người lao động nghèo. Một cụ bà khoảng 70 tuổi thú thật với chúng tôi: “Tôi có biết gì đâu. Người ta mời thì mình đến thôi. Thấy trên thư mời có lá cờ Việt Nam với Nhật Bản, tôi nghĩ cái này của Nhà nước tổ chức”.

Khoảng 9g30, khi hội trường đã gần kín chỗ, người dẫn chương trình đứng lên tuyên bố: “Đây là hội nghị xúc tiến đầu tư thương mại công nghệ 4.0 trong ngành bán lẻ”. Liền sau đó, người này giới thiệu lãnh đạo của “dự án” là ông Nguyễn Hải Hà. Ông Hà được giới thiệu là người đã sống 17 năm ở Nhật Bản, đoạt huy chương đồng Olympic toán quốc tế năm 1991, là người có kinh nghiệm về công nghệ hàng đầu Nhật Bản, bạn học cùng thời với giáo sư Ngô Bảo Châu… “Anh Hà được các quan chức cũng như dự án ở Nhật Bản mời về làm giám sát dự án X ở Việt Nam” - người phụ nữ dẫn chương trình nói.

Một lãnh đạo khác được giới thiệu là bà Phạm Thanh Hải. Tại hội nghị, bà Hải được xưng tụng là một doanh nhân nổi tiếng, từng là phó tổng giám đốc của một tập đoàn truyền thông chuyên quản lý nghệ sĩ, chủ của nhiều dự án bất động sản, sàn bất động sản. Người lãnh đạo thứ ba của “dự án” là bà Trần Minh Thúy - hiện là chủ một chuỗi trường mầm non nổi tiếng ở quận 7, TPHCM và nhiều dự án khác.

Sau lời giới thiệu thân thế “khủng” của lãnh đạo, tiếng vỗ tay trong hội trường vang lên không ngớt. Một người ngồi sau chúng tôi thầm thì: “Hình như tôi từng thấy bà Hải này trên ti vi”. Nhiều người tỏ vẻ khoái chí vì được gặp nhiều doanh nhân nổi tiếng.

Nâng chuẩn cho tiệm tạp hóa?

Bắt đầu hội nghị, bà Trần Minh Thúy đứng lên tuyên bố: “Công ty Một Thế Giới Lành Mạnh rất hân hạnh chia sẻ một cơ hội lớn cho quốc gia của chúng ta”. Theo bà Thúy, dự án mà công ty bà đang triển khai có tên là dự án X. Với người Nhật Bản, dự án X là một dự án rất khổng lồ, tầm vóc. Dự án X là “chuyển đổi công nghệ 4.0 trong ngành bán lẻ Việt Nam”. 

Bà Thúy cho biết, dự án X đang làm mô hình thí điểm ở quận Bình Thạnh. Quận Bình Thạnh có 700 tiệm tạp hóa và công ty đã chọn ra 350 tiệm tạp hóa tốt nhất. Công ty đã đến từng tiệm tạp hóa để cung cấp thiết bị, máy móc, công cụ quản lý, cung cấp chương trình đào tạo, nâng chuẩn 350 tiệm tạp hóa ở quận Bình Thạnh theo tiêu chuẩn bán hàng của Nhật Bản. Công ty đã trao cho chủ các tiệm tạp hóa nhiều quyền lợi để tiệm thống kê hàng hóa tiêu thụ trong một ngày. Đặc điểm nhận dạng của 350 tiệm tạp hóa “thí điểm” ở quận Bình Thạnh là có treo hai lá cờ màu vàng và màu hồng, trên cờ có ghi dòng chữ “chung tay vì một thế giới lành mạnh”.

Dự án X “siêu khủng” nhưng nhà đầu tư được mời đến chủ yếu là người cao tuổi, người có thu nhập thấp
Dự án X “siêu khủng” nhưng nhà đầu tư được mời đến chủ yếu là người cao tuổi, người có thu nhập thấp

Bà Thúy lý giải việc một cường quốc đầu tư vào tiệm tạp hóa: “Sau khi nghiên cứu tất cả những lợi thế, Nhật Bản có kế hoạch chuyển dịch dòng vốn đầu tư vào Việt Nam. Sau 7 năm nghiên cứu, dự án X đã được triển khai để thực hiện mục đích này. Cách làm của dự án X là đi đến từng tiệm tạp hóa trong cả nước vì hiện nay, trong hệ thống bán hàng, số tiệm tạp hóa chiếm đến 80%. Các nhà sản xuất Nhật Bản rất muốn biết quy mô cũng như khối lượng tiêu thụ toàn thị trường. Người Nhật Bản nhìn thấy lượng tiêu thụ phần lớn hàng hóa ở Việt Nam tại tiệm tạp hóa nên họ muốn đầu tư vào hệ thống này”.

Lãnh đạo Công ty Một Thế Giới Lành Mạnh cho biết, từ quận Bình Thạnh, công ty sẽ nhân rộng mô hình này ra khoảng 65.000 tiệm tạp hóa trong cả nước. Khi có số liệu thống kê trên cả nước, các công ty Nhật Bản sẽ sản xuất hàng hóa cung cấp sang thị trường Việt Nam để bán với giá rẻ trên toàn quốc.

“Khi thực hiện dự án X, chúng tôi có liên kết với Acecook. Đây là tập đoàn đã vào Việt Nam 30 năm rồi. Họ có một hệ thống phân phối ở các tiệm tạp hóa. Chúng tôi liên kết với họ, đến hệ thống tạp hóa thu thập thông tin tiêu dùng ở từng địa phương để nắm nhu cầu, sở thích, hành vi, xu hướng và khả năng thu nhập của từng vùng miền…” - bà Thúy nói.

Cũng theo lời giới thiệu của bà Thúy, số liệu mà dự án X thu thập sẽ là số liệu chuẩn xác nhất, giúp các nhà sản xuất nắm khối lượng thị trường thực tế của từng khu vực. Các nhà sản xuất của Nhật Bản sẽ lên kế hoạch sản xuất hàng hóa theo nhu cầu mà người dân cần và chuyển hàng hóa từ Nhật Bản về Việt Nam thông qua kênh bán lẻ là hệ thống tạp hóa. Việt Nam chúng ta có trên 950.000 tiệm tạp hóa trong cả nước. Sau này, người dân sẽ quen dần việc sử dụng hàng hóa của Nhật Bản.

Quan sát thấy bên dưới có rất nhiều người hăm hở, chăm chú theo dõi bài thuyết trình về dự án X, bà Thúy thuyết trình lớn tiếng hơn: “Khi chuyển hàng hóa về Việt Nam, thời gian đầu, để tạo thói quen tiêu dùng mới, người ta sẽ trợ giá, đưa giá phù hợp. Sau khi người Việt đã quen dùng hàng chất lượng mà giá rẻ, công ty chúng tôi sẽ bắt tay sản xuất trong nước, sản xuất mặt hàng thị trường cần để phù hợp với Việt Nam. Đây là bài toán khôn ngoan và thông minh của người Nhật Bản. Họ thâm nhập qua con đường tiêu dùng trước, họ đo lường người Việt xài hàng hóa bao nhiêu, khả năng chi trả đến đâu. Người ta sang đây tận dụng nguồn lực lao động để làm dự án và tận dụng kênh bán lẻ truyền thống là hệ thống tạp hóa”.

Bà Thúy cho biết, người Nhật đang tận dụng cái Việt Nam có sẵn để cùng nhau làm giàu, cùng nhau phát triển. Vài năm nữa, Công ty Một Thế Giới Lành Mạnh sẽ thành đầu mối kết nối tất cả doanh nghiệp Nhật Bản muốn đầu tư vào Việt Nam qua con đường chính phủ như đầu tư FDI.

“Hiện thời, nhiều nhà đầu tư muốn thâm nhập thị trường Việt Nam, nhưng trước khi thâm nhập, phải hiểu thị trường cần gì. Người Nhật họ đi trước, họ điều nghiên trước, họ thống kê trước. Khi họ làm chủ cái đó (dữ liệu thống kê từ tiệm tạp hóa) rồi, bất kỳ ai cũng cần chúng tôi hết. Chúng tôi có một tài sản có thể deal (thỏa thuận) với bất kỳ nhà đầu tư nào” - bà Thúy nói.

Cũng theo bà Thúy, dự án X được triển khai là “cơ hội cho quốc gia” vì người tiêu dùng được hưởng nguồn hàng giá rẻ và tiếp nhận văn hóa Nhật Bản, người lao động có cơ hội việc làm, nhà máy sẽ được đầu tư, các nhà máy liên doanh Nhật Bản sẽ hoạt động hết công suất để sản xuất hàng tiêu dùng cho Việt Nam và xuất đi thế giới.

Sự thật bất ngờ

Lời thuyết trình của người được giới thiệu là lãnh đạo dự án X khiến người nghe lâng lâng vì mình sắp có cơ hội tham gia một dự án “siêu khủng” với sứ mệnh thay đổi cả nền kinh tế đất nước. Thế nhưng, khi tìm hiểu những điều xung quanh dự án X, chúng tôi phát hiện rất nhiều sự thật bất ngờ.

Lãnh đạo Công ty Một Thế Giới Lành Mạnh “nổ” rằng, dự án X đang thực hiện thí điểm ở 350 tiệm tạp hóa trên địa bàn quận Bình Thạnh. Tuy nhiên, theo tài liệu mà chúng tôi có được, tháng 4/2020, Công ty Một Thế Giới Lành Mạnh chỉ liên hệ với 47 điểm bán tạp hóa để treo cờ của dự án X và ký hợp đồng kinh doanh quảng cáo, khai thác dữ liệu bán hàng. Trong số 47 tiệm này, có chín tiệm không đồng ý tham gia, 29 điểm treo cờ của dự án X nhưng chưa ký hợp đồng, chín điểm treo cờ của dự án X, có ký hợp đồng hợp tác và kèm theo là bản giới thiệu chương trình thử nghiệm chuyển đổi số 4.0 trong ngành bán lẻ. 

Chín tiệm tạp hóa có ký “hợp đồng hợp tác” với Công ty Một Thế Giới Lành Mạnh với nội dung hợp tác là: kết nối bên thứ ba để quảng cáo, khai thác quảng cáo và khai thác dữ liệu; doanh nghiệp sẽ kết nối và thu tiền quảng cáo, khai thác dữ liệu từ bên thứ ba; địa điểm thực hiện là ở các tiệm tạp hóa. Các tiệm tạp hóa sẽ được doanh nghiệp thanh toán tiền mặt hoặc chuyển khoản với số tiền 3 triệu đồng/tháng. Doanh nghiệp sẽ đầu tư máy móc, thiết bị như Impact TV để quảng cáo, máy X-POS để thu thập thông tin số lượng khách, chủng loại hàng bán ra. Từ ngày 1/5-30/6, Công ty Một Thế Giới Lành Mạnh sẽ cho nhân viên thu thập dữ liệu viết tay; từ ngày 1/7, công ty sẽ lắp đặt các thiết bị theo lộ trình kỹ thuật, bàn giao quyền và trách nhiệm bảo quản cho các tiệm tạp hóa.

Bà Trần Minh Thúy đang “nổ” nhiều thông tin liên quan đến dự án X
Bà Trần Minh Thúy đang “nổ” nhiều thông tin liên quan đến dự án X

Đại diện Phòng Kinh tế quận Bình Thạnh cho biết, đã làm việc với các chủ hộ kinh doanh. Tại các tiệm tạp hóa có treo cờ, Công ty Một Thế Giới Lành Mạnh đã chi cho chủ hộ kinh doanh 500.000 đồng và ký hợp đồng là 700.000 - 1 triệu đồng. Doanh nghiệp không đề cập đến việc thu phí hay huy động đóng góp vào dự án X. Hiện tại, doanh nghiệp chưa lắp đặt thiết bị theo hợp đồng. Từ lúc nhận được phản ánh của Báo Phụ Nữ TPHCM (tháng 5/2020) đến nay, doanh nghiệp trên chưa từng liên hệ với phòng này để thông tin về việc triển khai dự án X.

Như vậy, con số 350 tiệm tạp hóa “thử nghiệm” mà phía Công ty Một Thế Giới Lành Mạnh đưa ra là không có thật. Một vài tiệm tạp hóa có treo cờ dự án X là do được Công ty Một Thế Giới Lành Mạnh trả cho 500.000 đồng. Phải chăng, việc trả tiền để treo cờ này là nhằm để người của doanh nghiệp “nổ” với nhà đầu tư trong các hội nghị?

Công ty Một Thế Giới Lành Mạnh “nổ” rằng, công ty đang hợp tác với Acecook. Tuy nhiên, đại diện Công ty Acecook Việt Nam khẳng định: “Chưa từng biết về công ty có tên Công ty TNHH Một Thế Giới Lành Mạnh. Chính vì vậy, giữa công ty chúng tôi và công ty này không có bất kỳ sự liên kết nào”.

Ngoài ra, đại diện Công ty Acecook Việt Nam còn cho biết, trong khoảng thời gian từ tháng 10-11/2018 và tháng 11-12/2019, một phòng ban của Acecook Việt Nam được một công ty (không phải Công ty Một Thế Giới Lành Mạnh) trình bày thông tin về một dự án tương tự dự án X, nhưng phía Acecook Việt Nam đã từ chối hợp tác.

Tung ra dự án X với nhiều thông tin khá mập mờ nhưng ngay sau đó, Công ty Một Thế Giới Lành Mạnh lại bắt đầu “chiến dịch” kêu gọi đầu tư. Theo tính toán của doanh nghiệp này, người dân bỏ ra 24 triệu đồng sẽ có cơ hội trở thành tỷ phú sau vài năm. Nhiều người ùn ùn đổ tiền đầu tư vào dự án “siêu khủng” với hy vọng đổi đời. Quá trình làm giàu được vẽ ra như thế nào? Mời bạn đọc đón xem bài Con đường đầu tư sinh lãi gần 2.800 lần

 

 

Nhóm Phóng viên

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI