Nỗ lực phục vụ dân trong đại dịch COVID-19

Bài 1: Cổng 1022 và 60 phút giải quyết kiến nghị của người dân

23/07/2021 - 06:50

PNO - Trong dịch bệnh, lượng thông tin phản ánh đổ về càng nhiều, các nhân viên cổng 1022 càng phải chạy đua với thời gian để kịp thời xử lý...

Trong những ngày dịch bệnh diễn biến phức tạp, các cơ quan quản lý nhà nước phải vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, vừa đảm bảo tiến độ công việc, phục vụ người dân.

Cổng thông tin 1022 do Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM thành lập là nơi tiếp nhận, xử lý các phản ánh của người dân. Trong dịch bệnh, lượng thông tin phản ánh đổ về càng nhiều, các nhân viên cổng 1022 càng phải chạy đua với thời gian để kịp thời xử lý để không bỏ sót bất cứ tin báo nào.

Lắng nghe và hành động

Cuối tháng 6/2021, khi toàn thành phố đang áp dụng Chỉ thị 10 của UBND TPHCM về giãn cách xã hội, trong xóm chị M. (Q.6) lại có một nhóm người thường xuyên tụ tập ăn uống, gây ồn ào. Biết đến cổng 1022, chị gửi các bức xúc của mình kèm theo một tấm hình ghi lại cảnh tụ tập trong hẻm.

Cán bộ phụ trách công tác hành chính của UBND Q.11, TP.HCM phải mặc đồ bảo hộ để làm việc trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát
Cán bộ phụ trách công tác hành chính của UBND Q.11, TPHCM phải mặc đồ bảo hộ để làm việc trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát

Chiều đó, chị bất ngờ nhìn thấy một số cán bộ của phường đến làm việc với nhóm người nói trên. Nửa giờ sau, chị nhận tin từ cổng 1022, thông báo đã giải quyết vụ việc, kèm biên bản xử lý vi phạm. Chị M. xúc động: “Từ hôm đó đến nay, xóm tôi được trả lại sự bình yên. Thật tốt khi người dân có 1022 đồng hành”.

Lần đầu phản ánh vào cổng 1022, anh T. (Q.Bình Tân) cũng cho rằng, cổng này hoạt động hiệu quả. Anh T. chia sẻ, khi TPHCM đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 10, ở khu vực anh sống, chợ tự phát vẫn hoạt động xôm tụ, có người không đeo khẩu trang. Chụp một tấm ảnh họp chợ, anh T. gửi phản ánh đến cổng 1022. Không lâu sau, đoàn kiểm tra đến chợ, xử phạt nhiều cá nhân với tổng số tiền 49 triệu đồng. Nêu cảm nhận về cổng 1022, bà D. (Q.11) nói: “Điều tôi thích nhất ở cổng 1022 là các phản ánh của người dân đều được ghi nhận, giải quyết, kể cả những việc nhỏ như hàng xóm hát karaoke gây ồn”. 

Những câu chuyện trên nằm trong hàng trăm ngàn tình huống thông qua 1022, các ý kiến của người dân được lắng nghe và xử lý. Một đống rác tồn tại mấy năm ròng, xe buýt bỏ trạm hay có ổ gà xuất hiện trên đường… chỉ cần người dân báo, đều được 1022 tiếp nhận, chuyển cho cơ quan chức năng để giải quyết. 

Cổng 1022 được tích hợp để luôn sẵn sàng đón nhận phản ánh của người dân trên mọi lĩnh vực. Trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư này, cùng với Bản đồ COVID-19 (cập nhật diễn biến dịch và tìm kiếm các thông tin về ca dương tính, khu vực phong tỏa, địa điểm cung cấp nhu yếu phẩm… xung quanh nơi đang đứng hoặc tại một vị trí bất kỳ nào trên địa bàn thành phố), cổng 1022 là nơi để người dân phản ánh các hành vi vi phạm quy định về an toàn phòng, chống dịch. 

Theo Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, từ ngày 28/5 đến 15/7, cổng 1022 đã tiếp nhận hơn 16.600 tin phản ánh và góp ý, hiến kế của người dân liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19. Trong thời gian TPHCM giãn cách xã hội (từ ngày 1 - 26/6), có 140.921 lượt truy cập cổng 1022 với 84,7% người dùng mới.

Các thao tác để tiếp cận cổng 1022
Các thao tác để tiếp cận cổng 1022

Ông Lê Quốc Cường - Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM - nhận định: “Cổng 1022 đã và đang nhận được sự đồng hành của rất nhiều người dân, góp phần cùng nhau xây dựng đô thị văn minh, sạch, đẹp cũng như giành chiến thắng trong cuộc chiến chống COVID-19”.

Từ ngày 16/7, cổng 1022 còn được Thường trực HĐND TPHCM chọn làm kênh tiếp nhận thông tin phản ánh của cử tri, từ đó làm tốt vai trò đại diện nhân dân của mình.

Trong thư gửi cho toàn thể người dân TPHCM về các giải pháp chống dịch COVID-19 vào ngày 19/7, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cũng đề cập đến vai trò quan trọng của cổng thông tin 1022. Thư có đoạn nêu rõ: “Đảm bảo an sinh xã hội, quan tâm đời sống người dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, nhân rộng các “Gian hàng 0 đồng”, “Phiên chợ nghĩa tình”… khi khó khăn người dân có thể liên hệ đường dây nóng qua tổng đài 1022 hoặc đường dây nóng của địa phương để được hỗ trợ”.

Chuyện “hậu trường” của 1022

Ngoài tiếp nhận thông tin, chuyển đến các cơ quan chức năng xử lý, cổng 1022 còn tạo sự gần gũi giữa dân với chính quyền, giúp dân bớt tới lui nhiều “cửa”. Là một shipper, anh Lợi (Q.11) cho hay, trên đường đi làm, anh bắt gặp, chứng kiến nhiều vụ việc. Nếu không có cổng 1022, anh phải liên hệ với chính quyền để trình báo, cung cấp thông tin, vừa mất thời gian, vừa phải làm nhiều thủ tục phiền phức.

Người dân tìm hiểu cách phản ánh thông tin qua cổng 1022 - Ảnh: Thành Hoa
Người dân tìm hiểu cách phản ánh thông tin qua cổng 1022 - Ảnh: Thành Hoa

Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM cho biết, đến nay, cổng 1022 đã có sự tham gia của 86 đơn vị chức năng, 625 đầu mối xử lý là chính quyền các cấp. Tất cả các phản ánh của người dân đều được tiếp nhận, chuyển đến các cơ quan chức năng liên quan để xử lý nhanh nhất.

Cụ thể, sau khi tiếp nhận và sàng lọc, phân loại thông tin, trong vòng năm phút, nhân viên trực cổng 1022 sẽ chuyển nội dung phản ánh cho UBND cấp quận và nhắn tin cho đầu mối phụ trách của đơn vị tiếp nhận thông tin. Đơn vị tiếp nhận phải kiểm tra, xử lý nội dung phản ánh theo thẩm quyền, cập nhật kết quả xử lý trên phần mềm 1022 trong thời gian nhanh nhất.

Ông Lê Quốc Cường khẳng định, quy định của 1022 là không quá 60 phút kể từ khi nhận đầy đủ thông tin liên quan dịch COVID-19, nếu các đơn vị chưa xử lý xong thì phải phản hồi tiến độ xử lý, hình ảnh minh chứng và cam kết thời hạn xử lý dứt điểm. Với các lĩnh vực khác, tổng thời gian xử lý và phản hồi kết quả là không quá năm ngày làm việc. Theo đó, sau khi nhận được phản hồi xử lý từ các đơn vị, bộ phận tổng hợp của 1022 sẽ tổng hợp thông tin và trả lời kết quả cho người dân, đăng công khai trên cổng 1022. 

Ông Lê Quốc Cường thông tin, đội ngũ phụ trách 1022 gồm tổng đài viên với gần 30 người, chia thành bốn kíp trực; công chức, viên chức chịu trách nhiệm hỗ trợ, hướng dẫn, điều phối, giám sát hoạt động cũng như phối hợp với các cơ quan chức năng, ban ngành để xử lý thông tin phản ánh.

Buông chiếc điện thoại, rời màn hình máy vi tính khi đã quá nửa đêm, chị L. tổng kết: “Hôm nay mờ hết mắt, chân tay run run”. Chị L. là một trong số các tổng đài viên của cổng 1022. Mỗi ngày, chị L. tiếp nhận hàng trăm cuộc gọi, tin nhắn, email của người dân gửi về cổng 1022. Chị kể, nhiều hôm, đang ăn cơm thì điện thoại réo, hai đứa con đồng thanh: “Mẹ ơi xử lý tin 1022 kìa”. Vậy là lập tức buông chén, lao vào công việc. 

Dựa trên mức độ quan trọng của thông tin, lắm khi chị cùng các đồng nghiệp phải liên tục hối thúc các cơ quan liên quan giải quyết, sau đó phản hồi cho người báo tin trước khi đưa lên cổng 1022 để nhiều người dân cùng được biết. Trong dịch bệnh, lượng thông tin phản ánh đổ về càng nhiều, các nhân viên cổng 1022 càng phải chạy đua với thời gian để kịp thời xử lý, phản hồi, không bỏ sót bất cứ tin báo nào. 

Theo hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, khi có nhu cầu phản ánh, kiến nghị, góp ý, hiến kế, người dân có thể gửi thông tin đến cổng 1022 qua ứng dụng Tổng đài 1022 trên hệ điều hành iOS (https://apple.co/3cX3CPL) hoặc Android 

(https://bit.ly/3cVuMXc), qua website https://1022.tphcm.gov.vn/, 
email 1022@tphcm.gov.vn hoặc qua mạng xã hội Facebook https://www.facebook.com/1022tphcm.

Quy trình thực hiện theo ba bước: liên hệ cổng thông tin 1022 theo các phương thức nêu trên; điền đầy đủ thông tin cá nhân, nội dung và địa điểm cần phản ánh hoặc nội dung cần góp ý, hiến kế; chụp ảnh/quay video hoặc đính kèm hình ảnh/video liên quan đến nội dung phản ánh, góp ý (nếu có) và gửi phản ánh. Từ 20 giờ ngày 22/7, khi gặp khó khăn do dịch COVID-19, người dân có thể gọi 1022 rồi nhấn phím 2 để cung cấp thông tin đề nghị được hỗ trợ.

Tuyết Dân 

(Còn nữa)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI