Kinh tế tư nhân cần gì để "cất cánh"?

Bài 1: Chính sách phải tập trung thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh

29/03/2025 - 06:18

PNO - Thời gian qua, lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, Chính phủ liên tục có những động thái thể hiện quyết tâm thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tư nhân. Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cuộc đối thoại với lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân, mời gọi họ tham gia các dự án trọng điểm của đất nước. Điều này cho thấy, kinh tế tư nhân đang được xem trọng một cách đặc biệt.

Trả lời phỏng vấn của Báo Phụ nữ TPHCM, phó giáo sư, tiến sĩ Trần Hoàng Ngân - đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV, XV - nhận định: “Trước đây, kinh tế tư nhân chỉ là một trong những động lực của nền kinh tế nhưng sau đó dần trở thành động lực quan trọng và hiện nay được kỳ vọng là động lực quan trọng nhất, thậm chí là động lực quyết định đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam”.

* Phóng viên: Xin ông lý giải về sự thay đổi này?

- Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Hoàng Ngân: Khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) không chỉ gồm các doanh nghiệp (DN) tư nhân mà còn bao gồm cả các loại hình sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ và hộ kinh doanh cá thể, được gọi chung là kinh tế dân doanh, tức là kinh tế ngoài khu vực quốc doanh và có vốn đầu tư nước ngoài.

Thời gian qua, KTTN ở Việt Nam không ngừng lớn mạnh, thu hút khoảng 82% lực lượng lao động, đóng góp 60% tổng vốn đầu tư xã hội. Riêng ở TPHCM, KTTN phát triển từ trước năm 1975, sau đó hình thành và phát triển quen với kinh tế thị trường nên vai trò của nó rõ nét hơn các địa phương khác. Cụ thể, KTTN chiếm trên 70% tổng vốn đầu tư xã hội của TPHCM, đóng góp khoảng trên 50% GDP cả nước và khoảng 55 - 60% GDP của thành phố, khoảng 30% tổng thu ngân sách và 25% kim ngạch xuất khẩu. KTTN đã và đang là động lực quan trọng của nền kinh tế, chiếm thị phần đáng kể, vị thế ngày càng được khẳng định. Các nghị quyết của Đảng dành cho KTTN ngày càng nhiều và được nâng tầm.

* Theo ông, những yếu tố nào đang thúc đẩy KTTN phát triển?

- Tổng bí thư Tô Lâm đã phát biểu rằng, KTTN là đòn bẩy để Việt Nam thịnh vượng. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ cũng muốn giao cho các DN tư nhân thực hiện các dự án quan trọng như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Điều này thể hiện sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước, Chính phủ vào KTTN. Vấn đề còn lại là làm sao để số DN tư nhân tăng lên, lớn mạnh hơn và có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Việt Nam đã không ngừng vượt qua nhiều khó khăn và thách thức, vươn từ quy mô kinh tế 8 tỉ USD năm 1986 lên 500 tỉ USD hiện nay, từ tốp dưới lên vị trí thứ 30-33 thế giới, GDP bình quân đầu người từ 96 USD lên gần 5.000 USD. Tổng bí thư Tô Lâm cho rằng, đất nước đang ở thời kỳ quan trọng và sẽ bước vào kỷ nguyên phát triển mới, hướng tới mục tiêu trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.

Để đạt được mục tiêu này, kinh tế Việt Nam cần trở thành nền kinh tế độc lập, tự chủ và tự cường, không thể chỉ dựa vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài mà phải dựa vào khu vực KTTN. Ví dụ, để kinh tế Việt Nam tăng trưởng 8% trong năm 2025, cần 174 tỉ USD vốn đầu tư xã hội, trong đó khu vực tư nhân đóng góp khoảng 100 tỉ USD, chiếm 60%. Ở TPHCM, để tăng trưởng 10%, cần 620.000 tỉ đồng, trong đó khu vực tư nhân đóng góp 420.000-450.000 tỉ đồng, chiếm 70%.

* Mỹ có Meta, Microsoft, Apple, Nvidia, Tesla…, Trung Quốc có Huawei, BYD, Alibaba, Tencent, Xiaomi… là những tập đoàn tư nhân có vai trò dẫn dắt nền kinh tế các nước này. Theo ông, ở Việt Nam, đã có những DN tư nhân đủ năng lực và vai trò dẫn dắt chưa?

- Đã có những thương hiệu Việt Nam được vinh danh trên trường quốc tế. Đây là những minh chứng rõ ràng cho tiềm năng phát triển to lớn của khu vực KTTN. Do đó, Chính phủ và chính quyền các địa phương cần đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy sự phát triển của các tập đoàn này. Riêng ở TPHCM, trong số gần 300.000 DN, chỉ 64 DN lớn (khoảng 0,02%) mà đã đóng góp tới 40 - 50% tổng thu ngân sách. Điều này cho thấy vai trò của các tập đoàn lớn đối với nền kinh tế.

Kinh tế tư nhân đang chiếm trên 70% tổng vốn đầu tư xã hội của TPHCM. Ảnh chụp tại nhà máy xử lý trứng của Công ty cổ phần Ba Huân - ẢNH: T.H.
Kinh tế tư nhân đang chiếm trên 70% tổng vốn đầu tư xã hội của TPHCM. Ảnh chụp tại nhà máy xử lý trứng của Công ty cổ phần Ba Huân - Ảnh: T.H.

Thực tế, khu vực KTTN đã có những đóng góp đáng kể trong việc sản xuất hàng hóa, đặc biệt là trong các lĩnh vực may mặc, lương thực, thực phẩm. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn yếu trong các ngành công nghiệp chủ lực như cơ khí, sản xuất ô tô, điện thoại. Chúng ta chủ yếu tập trung vào sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu, hàng đông lạnh, da giày và máy móc, thiết bị đời thấp.

Vì vậy, cần hỗ trợ để các DN lớn mạnh hơn. Ví dụ, khi xây dựng đường sắt cao tốc, việc phải nhập khẩu có thể dẫn đến nhập siêu và bất ổn kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, chúng ta có thể giao cho các DN tư nhân lo đầu máy, toa tàu, ray. Các DN trong nước có thể tận dụng nguyên liệu, vật liệu và nhân lực trong nước. Trong thời gian tới, chúng ta cần phát triển những DN công nghiệp lớn, đặc biệt là công nghiệp cơ khí, chế tạo, công nghiệp nặng, sản xuất chip bán dẫn. Chúng ta cần tạo ra một hệ sinh thái và công nghệ hỗ trợ để cạnh tranh với nước ngoài. Khi thu hút vốn đầu tư nước ngoài, cần có điều kiện ràng buộc họ gắn kết với lực lượng công nghiệp hỗ trợ trong nước. Chúng ta cũng cần mời gọi những người Việt Nam từng làm việc ở các trung tâm nghiên cứu trên thế giới về hợp tác.

* Xin cảm ơn ông.

Thế giới bất ổn nên cần nâng cao năng lực nội địa

KTTN đã chứng minh vai trò động lực tăng trưởng mạnh mẽ trên toàn cầu mà minh chứng rõ nét là những kỳ tích kinh tế ở châu Á. Hàn Quốc và Trung Quốc là 2 ví dụ điển hình. Kỳ tích của Hàn Quốc dựa trên sự kết hợp hài hòa giữa KTTN năng động và sự định hướng, hỗ trợ mạnh mẽ từ nhà nước. Mô hình này cũng được áp dụng thành công ở Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Singapore. Các tập đoàn tư nhân lớn của Hàn Quốc đã trở thành những đối thủ cạnh tranh đáng gờm trên thị trường quốc tế, góp phần tạo nên sức sống cho nền kinh tế. Ở Trung Quốc, việc mời gọi các tập đoàn tư nhân lớn trở lại cho thấy sự công nhận vai trò của KTTN đối với nền kinh tế.

Ở Việt Nam, KTTN đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn đầu của đổi mới, giúp đất nước vượt qua khủng hoảng. Tuy nhiên, sau giai đoạn này, khu vực tư nhân vẫn chưa được coi là động lực tăng trưởng chính và còn gặp nhiều rào cản. Dù đã muộn trong việc công nhận vai trò của KTTN, chính sách thúc đẩy hiện tại là cần thiết và hợp lý. Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, việc nâng cao năng lực nội địa là cấp thiết. Đã đến lúc Việt Nam cần “thay máu” lực lượng DN, thúc đẩy sự phát triển của các tập đoàn tư nhân lớn, DN vừa và nhỏ, đồng thời cải cách hệ thống thể chế để phù hợp với thời đại công nghệ cao.

Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

10% doanh nghiệp nhỏ lớn mạnh lên, nền kinh tế sẽ thay đổi

Chỉ cần 10% trong số 5 triệu DN nhỏ lớn mạnh, Việt Nam sẽ có thêm 500.000 DN lớn, tạo động lực mạnh mẽ cho nền kinh tế. Việt Nam đã trải qua 40 năm đổi mới nhưng khung pháp lý cho hoạt động KTTN chỉ được chính thức hóa vào năm 1991 với Luật DN tư nhân, nhưng với tư duy quản lý “tiền kiểm”, DN tư nhân chỉ được phép hoạt động khi có giấy phép cho từng lĩnh vực cụ thể. Phải đến năm 2000, với tư duy “hậu kiểm”, DN được phép đăng ký kinh doanh trước, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật sau. Đến năm 2015, tư duy quản lý tiếp tục được thay đổi, cho phép DN và người dân được làm những gì mà pháp luật không cấm. Tuy nhiên, song song đó, lại có quá nhiều điều kiện kinh doanh, gây khó khăn cho DN, sau đó mới từng bước được sửa đổi và giảm bớt.

Trong bối cảnh kỹ thuật số phát triển nhanh chóng, cần tạo điều kiện hết mức cho các DN tư nhân tiếp cận các dự án lớn của quốc gia. Nếu không hành động ngay, chúng ta sẽ khó bắt kịp xu thế toàn cầu hóa. Hợp tác xã đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế của các nước phát triển. Với hơn 28.000 hợp tác xã, Việt Nam sở hữu một nguồn lực to lớn nhưng chưa khai thác hiệu quả. Đã đến lúc cần hành động, tập trung vào các DN vừa và nhỏ, hộ sản xuất và đặc biệt là các hợp tác xã để thúc đẩy kinh tế địa phương và xây dựng một mạng lưới DN tư nhân vững mạnh.

Tiến sĩ Trần Du Lịch - nguyên Phó trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM

Kỳ tới: Vẫn còn nhiều rào cản

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI