Chọn cái chết vì cuộc sống quá ngột ngạt
|
Amy Jayne Everett xuất hiện trong quảng cáo nón của thương hiệu Akubra khi em sáu tuổi. |
Nổi tiếng từ lúc sáu tuổi, cô bé người Australia Amy Jayne Everett khi ấy xuất hiện trong quảng cáo nón của thương hiệu Akubra, trở thành gương mặt rất được chú ý trên truyền thông. Nhưng mặt trái của sự nổi tiếng sớm là tháng ngày lớn lên trong sự ngột ngạt vì những lời gièm pha mà cộng đồng mạng đè chặt lấy mình.
Đầu năm nay, ở tuổi 14, Amy Jayne Everett tìm đến cái chết vì không muốn đối mặt với cuộc sống u ám luôn bị bủa vây bởi những lời chê bai, nói khích từ những người xa lạ.
Những cuộc khảo sát gần đây cho thấy trẻ em gái phải chịu nhiều rủi ro trong môi trường không gian mạng tưởng là ảo, nhưng lại gây ra những tổn thương thật. Tổ chức Plan International ở Anh khảo sát, trong số 1.002 trẻ từ 12-18 tuổi thì đến 50% trẻ em gái thừa nhận từng bị tấn công trên mạng. Tỷ lệ này ở các em trai là 40%.
Trên các trang mạng xã hội, trẻ em gái thường là mục tiêu của những trò châm biếm, chỉ trích liên quan đến giới tính. Hơn 50% trẻ em gái trong số các em được hỏi thừa nhận rằng các em cảm thấy áp lực khi bị gắn với một hình ảnh chuẩn mực kể cả đó là trên không gian mạng xã hội. Tỷ lệ này ở các nam sinh là 29%.
|
Amy Jayne Everett tìm đến cái chết năm 14 tuổi vì không chịu nổi áp lực dư luận. |
Ở Australia, nguyên nhân chính dẫn đến cái chết nhóm 15-44 tuổi là tự tử. Vấn đề này không được nhắc nhiều ở nước này, mãi cho đến khi xảy ra cái chết của Amy Jayne Everett. Khi em ra đi thì mọi người mới lờ mờ nhận ra em sống như đã chết trong quãng thời gia quá dài, cùng nước mắt và sự cam chịu.
Sau cái chết của Amy, nhiều phụ huynh Australia đã lên tiếng, yêu cầu Chính phủ Australia phải có biện pháp ngăn ngừa. Luật pháp Australia quy định việc dùng Internet để thóa mạ, hăm dọa người khác là vi phạm pháp luật nhưng thực tế, việc trừng phạt là rất ít.
Gia đình Amy cũng đã lập quỹ lấy tên em, hướng đến sức mệnh nâng cao nhận thức của mọi người đối với hậu quả của việc bị bắt nạt, đặc biệt là bắt nạt trên mạng đối với trẻ em gái.
Sa sút tinh thần vì mạng xã hội
|
Có đến 53% người được hỏi trả lời rằng Mia xấu xí. |
Tháng Bảy vừa qua, bé gái Mia-Lili Bennett (10 tuổi) bỗng trờ thành trò đùa bất đắc dĩ của bạn bè. Ngoại hình của em bị đem ra để chế nhạo, thông qua cuộc bình chọn bạn em bày ra trên Instagram. Em trở thành tâm điểm của sự soi mói diện mạo, để những người khác thoải mái bình chọn em xấu hay đẹp.
Chị Corrinia Bennett, mẹ Mia biết được cuộc bình chọn quái gở này thông qua một người bạn của gia đình và may mắn là chị đã có mặt kịp thời bên con gái. Mia suy sụp và khóc rất nhiều. Bé gái 10 tuổi nấc nghẹn nói với cha mẹ rằng em muốn tìm đến cái chết. Ngày tháng ấy là giai đoạn khủng hoảng tinh thần không chỉ với Mia mà còn là ngày tháng sống trong lo âu, sợ hãi của cả gia đình em.
Cha mẹ Mia phải thiết lập chế độ trông chừng Mia vì họ sợ con nghĩ quẩn, chọn cái chết. Họ luôn bảo đảm có người ở bên Mia 24/24 vì Mia lúc ấy chỉ nhắc đến việc làm sao để kết thúc sự sống.
Chị Corrinia chia sẻ: “Tôi đau xé lòng khi phải chứng kiến cảnh con gái mình vật vã như thế. Tôi chưa từng nghĩ con mình phải trở thành bạn nhân của trò bắt nạt trên mạng ở cái tuổi con còn quá nhỏ như thế. Những đứa trẻ ở tuổi ấy còn quá ngây thơ...".
Vợ chồng chị cố động viên con nhưng Mia có một phản ứng là không còn tin mình đáng yêu. Em quyết định nghỉ học. Cha mẹ em phải vô cùng kiên nhẫn giúp Mia nhận ra giá trị bản thân, nhận ra những điều đẹp đẽ của riêng em. Thời gian được nâng đỡ giúp Mia dần lấy lại sự tự tin và đến một ngày, em nói với mẹ: “Con sẽ không để những người bạn ấy thắng mình”.
|
Chị Corrinia Bennett, mẹ của Mia đã giành lấy con trở về từ bóng tối đầy bi quan, tiêu cực. |
Qua trải nghiệm không mong muốn của gia đình, chị Corrinia Bennett muốn nhắc nhở các bậc phụ huynh rằng, hãy để mắt đến các hoạt động trên mạng xã hội của con trước khi mọi việc quá muộn.
Tháng 3/2018, Đại học Essex của Anh đã công bố kết quả nghiên cứu trong nhiều năm liền. 10.000 em học sinh tham gia khảo sát lúc 10 tuổi và kết thúc khảo sát lúc các em 15 tuổi.
Lúc 10 tuổi, 10% số trẻ em gái sử dụng mạng xã hội một tiếng mỗi ngày, tỷ lệ này với các em trai là 7%. Tuy nhiên, đến cột mốc 15 tuổi, tỷ lệ này ở các em gái là 43% và ở nam sinh là 31%.
Ở cùng độ tuổi tương đương trong mỗi lần đưa ra câu hỏi khảo sát, các bé gái luôn cảm thấy không vui vẻ, gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý cảm xúc cũng như các mối quan hệ xã hội hơn bé trai.
Nhóm thực hiện nghiên cứu tìm ra một trong những nguyên nhân khiến trẻ em gái không thấy vui khi tham gia mạng xã hội chính là các em thường có thói quen so sánh, dẫn đến những đố kỵ với bạn bè cùng trang lứa. Điều đó dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực lên đời sống tinh thần của các em.
Không dừng lại ở việc tự hại chính bản thân mình, chính thói đố kỵ, luôn muốn hơn người khác thúc đẩy các em có những hành vi, ứng xử gây hấn, thiếu tôn trọng, gây ảnh hưởng đến tâm lý của bạn mình.
Minh Khôi (Theo Forbes, Guardian, Metro, Washington Post)