Hội thảo nhằm trao đổi, lắng nghe những ý kiến đóng góp từ các chuyên gia cho đề án Bách khoa toàn thư Việt Nam (dự kiến hoàn thiện đến năm 2025).
|
Toàn cảnh hội thảo |
Đề án được Thủ tướng chính phủ ban hành Quyết định số 1262/QĐ-TTg vào ngày 28/7/2014, phê duyệt biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam gồm 35 quyển (thực tế triển khai là 38 quyển). Tri thức bao gồm trên 70 ngành khoa học thuộc các khối ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn, Khoa học Tự nhiên và Công nghệ, Nghệ thuật, Quốc phòng an ninh...
Bách khoa toàn thư Việt Nam đặt mục tiêu xây dựng được 60.000 mục từ, hiện các ban biên soạn chuyên ngành đã thực hiện biên soạn thí điểm 100 mục từ, ở nhiều lĩnh vực.
Một số mục từ đã được đăng tải trên webiste của đề án: bktt.vn. Hiện nhiều lĩnh vực có thể cho người dùng truy cập thông tin: Toán học, Vật lý học, Khảo cổ học, Dân tộc học, Văn hóa, Văn hóa dân gian, Du lịch, Thể dục, Thể thao, Ẩm thực, Trang phục...
Website cũng đang trong giai đoạn mở để nhận những đóng góp từ cộng đồng. Dự kiến khi hoàn thiện, bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam sẽ được in thành sách.
|
Các đề mục thử nghiệm trên trang bktt.vn |
Tại hội thảo, vấn đề trọng tâm được thảo luận chính là phương thức biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam sẽ được thực hiện theo phương thức bác học hay phương thức cộng đồng.
Theo GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Trưởng ban biên soạn chuyên ngành Thông tin, báo chí, xuất bản, Thư viện, Bảo tàng, Lưu trữ, phương thức bác học (hay còn gọi là phương thức truyền thống) là cách mà các học giả, chuyên gia có trình độ học thuật cao tổ chức thực hiện việc biên soạn; phương thức cộng đồng là mọi thành viên trong xã hội đều có cơ hội tham gia chỉnh sửa thông tin trực tiếp.
Cả hai cách đều có những ưu-nhược. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều đại biểu tham dự, nếu làm theo phương thức cộng đồng sẽ dễ rơi vào tình trạng Bách khoa toàn thư cũng giống như Wikipedia, nguồn thông tin khó kiểm chứng độ chính xác.
Một vấn đề khác, khi các đề mục được xếp theo thứ tự Alphabet thì đó cũng là một thử thách lớn với người dùng. Người viết thử truy cập vào chuyên ngành Văn học thì có thể thấy các tác phẩm/nhân vật/tác gia/danh nhân văn hóa (cả trong và ngoài nước nằm cạnh nhau): An Dương Vương, Anh Đức, Aristole, Ai Tư Vãn, Âm mưu và tình yêu..., Quo Vadis, Quốc Tử giám, Quỳnh Dao, Quốc âm thi tập...Hoặc trong mục Du lịch, Thể dục Thể thao, Ẩm thực, Trang phục thì mục thông tin về "Lợn" nằm cạnh "Lụa Vạn Phúc", "Lời thề của vận động viên", "Loại hình phản xạ".... "Mật mía, Mật ong" nằm kế cận "Marketing thể thao, Máy tính bổ trợ hệ thống huấn luyện"...
Đứng ở góc độ người truy cập, tìm kiếm tri thức khoa học mà nói, cách sắp xếp này là một thử thách cho người dùng.
|
Đề án Bách khoa toàn thư Việt Nam đang trong quá trình xây dựng, tiếp thu ý kiến từ cộng đồng |
PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện, Hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen, cũng là thành viên tham gia xây dựng đề án nói rằng, cho đến thời điểm này, nhìn vào tổng thể thì mọi thứ "quá bao la". Ông đặt vấn đề về việc phân chia lĩnh vực, cách sắp xếp các đề mục, tri thức... được đưa vào Bách khoa toàn thư Việt Nam đã hợp lý hay chưa.
"Ví dụ đề tài về gia đình, hiện chúng ta không có mục này. Vậy nếu người dùng cần tìm kiếm những khái niệm về "chữ hiếu" hay "lòng chung thủy" thì sao? Tất cả những gì thuộc về cuộc sống, quen thuộc với con người vẫn phải được nằm trong hệ thống Bách khoa toàn thư Việt Nam" - PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện nói.
Đề cập đến việc biên soạn bách khoa toàn thư cho lĩnh vực Văn hóa dân gian, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã chỉ ra hàng loạt những khó khăn, thách thức với đội ngũ biên soạn: "Bản thân văn hóa dân gian rất đa dạng: đa dạng các thành tố, đa dạng theo tộc người, các vùng miền. Nếu khi biên soạn mà không thẩm định, lựa chọn cẩn thận thì sẽ rất hoang mang như lạc trong rừng tư liệu và có nguy cơ cao là sử dụng những tư liệu không tốt khiến cho biên soạn mục từ bách khoa toàn thư không đạt chất lượng, thậm chí còn sai lệch về thông tin cũng như cách nhìn nhận".
|
TS. Đặng Xuân Thanh: "Bách khoa toàn thư Việt Nam sẽ ghi dấu ấn thời đại" |
Chỉ riêng việc bàn đến đối tượng của Bách khoa toàn thư Việt Nam là các nhà khoa học hay đại chúng, giới nghiên cứu hay bạn đọc phổ thông đã là điều đáng lưu tâm dành cho các nhà biên soạn.
Hiện tại, ngoài Wikipedia, google là kênh tìm kiếm thông tin phổ biến, với lượng tri thức "khổng lồ" (cả khoa học lẫn đại chúng) rất hiệu quả. Bách khoa toàn thư Việt Nam ra đời có thực hiện được đúng chức năng, ý nghĩa, giá trị của công trình hay không là vấn đề không thể trả lời trong một sớm một chiều.
TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Phó chủ nhiệm Thường trực Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam cho rằng, việc có một công trình Bách khoa toàn thư Việt Nam chính là "ghi lại dấu ấn của thời đại", là "chỉ dấu đánh giá sự phát triển của trình độ văn minh Việt Nam".
Tuy nhiên, làm như thế nào để công trình đạt hiệu quả và có tính phổ biến với cộng đồng là điều đáng được lưu tâm. Thời đại 4.0, việc in bộ 38 quyển Bách khoa toàn thư (thay vì tận dụng tiện ích của công nghệ) cũng cần được đặt lên bàn thảo luận.
Lục Diệp