Bạch hầu là bệnh gì khiến bé 6 tuổi ở Đắk Lắk tử vong?

01/09/2019 - 09:12

PNO - Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra. Bất cứ người nào tiếp xúc với người bệnh đều có thể lây nhiễm qua đường hô hấp.

Bach hau la benh gi khien be 6 tuoi o Dak Lak tu vong?
 

Biến chứng bệnh bạch hầu nguy hiểm mức nào?

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thanh Phong – Trưởng khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM – cho biết: bệnh bạch hầu thường gặp ở trẻ nhỏ từ 1 - 10 tuổi. Tuy nhiên bệnh cũng xuất hiện ở người lớn. Bệnh nhiễm trùng cấp tính, có thể đưa đến biến chứng tim và tử vong.

Biến chứng bệnh bạch hầu gây ra nặng nề như: viêm cơ tim, viêm thận do vi khuẩn theo máu tấn công lên các cơ quan này. Biến chứng viêm cơ tim có thể xuất hiện sớm ở những ngày đầu của bệnh, thậm chí sau 3 - 5 tuần khi bệnh hồi phục.

Khi một người bệnh hầu hắt hơi hoặc vô tình nói chuyện làm văng nước bọt cũng khiến người xung quanh mắc bệnh. Khoảng 2 - 5 ngày sau đó, người "dính" vi khuẩn bạch hầu sẽ phát bệnh.

Hiện nay bệnh bạch hầu có vắc xin phòng ngừa, phụ huynh nên tiêm phòng cho trẻ theo hướng dẫn của bác sĩ. Bệnh nhân khi bị viêm họng và các triệu chứng trên nên đi khám sớm và điều trị kịp thời.

Triệu chứng bệnh bạch hầu giúp người bệnh sớm phát hiện

Bach hau la benh gi khien be 6 tuoi o Dak Lak tu vong?
Triệu chứng nổi giả mạc trong họng - đặc trưng điển hình của bệnh bạch hầu

Tùy thuộc vào vị trí vi khuẩn tấn công, người bệnh có những biểu hiện bệnh bạch hầu khác nhau.

Bệnh bạch hầu mũi trước: bệnh nhân sổ mũi, chảy mũi ra chất mủ nhầy đôi khi có lẫn máu.

Bệnh bạch hầu họng và amiđan: người bệnh mệt mỏi, đau cổ họng, chán ăn, sốt nhẹ. Sau 2-3 ngày sẽ xuất hiện một đám hoại tử tạo thành lớp giả mạc màu trắng xanh, dai và dính chắc vào amiđan, hoặc có thể lan rộng bao phủ cả vùng hầu họng, màng giả mạc lan rộng  gây tắc nghẽn đường thở.

Thường thể bệnh này các độc tố ngấm vào máu nhiều và có thể gây tình trạng nhiễm độc toàn thân. Một số bệnh nhân sưng nề vùng dưới hàm, cổ.

Bạch hầu họng và thanh quản: màng giả lan rộng gây tắc nghẽn đường thở. Độc tố của vi khuẩn bạch hầu có thể tác động lên các cơ quan chính của cơ thể gây viêm tim, viêm thận, liệt tay, chân, mắt lé, thay đổi giọng nói do bị ngọng thanh quản.

Nếu độc tố mạnh, hấp thu lượng lớn sẽ gây ra những biểu hiện nhiễm độc như phờ phạc, xanh tái, mạch nhanh, đờ đẫn, hôn mê gây tử vong trong 6-10 ngày nếu không được điều trị kịp thời.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI