"Bạch dạ hành": Bao giờ tàn đêm trắng

04/07/2021 - 10:57

PNO - Từ một vụ án mạng, "Bạch dạ hành" mở ra câu chuyện đầy nuối tiếc về tuổi trẻ và những dằn vặt quá khứ

Có lẽ không nhiều cuốn sách dám miêu tả những âm vang từ quá khứ một cách chấn động và bi thiết như Bạch dạ hành của Higashino Keigo. Đây được coi là một trong số tác phẩm đã đưa tên tuổi nhà văn người Nhật lên đến đỉnh cao, không chỉ ở trong nước mà còn trên tầm châu lục và quốc tế.

Khởi đầu của Bạch dạ hành là một vụ án mạng không lời giải. Mùa thu năm 1973, thi thể một chủ tiệm cầm đồ được tìm thấy trong khu công trình bỏ hoang tại thành phố Osaka với nhiều vết thương đáng ngờ. Công tác điều tra nhanh chóng được tiến hành, nhưng do thiếu vắng nhân chứng, manh mối và đỉnh điểm là cái chết đột ngột của hai nghi phạm chính nên từng bước đi vào ngõ cụt rồi bị hủy bỏ. Thời gian trôi đi, vụ án cũng dần chìm vào quên lãng. Ấy vậy mà những dư chấn của nó vẫn âm ỉ, nhức nhối đến tột cùng, trở thành nguồn cơn cho hàng loạt bi kịch chồng chất kéo dài suốt 20 năm.

Bạch dạ hành là một trong những tác phẩm nổi bật nhất của Higashino Keigo. Ảnh: Sách Nhã Nam
"Bạch dạ hành" là một trong những tác phẩm nổi bật nhất của Higashino Keigo. Ảnh: Sách Nhã Nam

Với phong cách chậm rãi đặc trưng, cuốn tiểu thuyết đan cài bí ẩn quá khứ trong những câu chuyện mơ hồ, tưởng chừng rời rạc về hành trình trưởng thành của Ryoji – con trai nạn nhân vụ án mạng và Yukiho – con gái nữ nghi can đã chết. Họ lớn lên, đi những ngả đường khác nhau, sống những cuộc đời khác nhau, nhưng nỗi ám ảnh quá khứ chưa bao giờ nguôi ngoai. Trong khi Ryoji lựa chọn cuộc sống ngoài vòng pháp luật thì Yukiho trở thành con nuôi của người họ hàng giàu có. Bất chấp sự khác biệt, giữa họ vẫn tồn tại một mối liên hệ kín đáo mà bền chặt bắt nguồn từ thảm kịch năm xưa.

Ngoài quá khứ thì điểm chung hiếm hoi giữa Yukiho và Ryoji là họ đều giống búp bê matryoshka, tức là luôn che giấu kỹ bản chất thật của mình sau vô vàn lớp vỏ bọc để không ai có thể chạm vào. Dường như đó là cách họ tự vệ sau những sự kiện kinh hoàng từ thuở ấu thơ. Câu chuyện của cả hai cũng chủ yếu được kể từ góc nhìn của người ngoài cuộc, ở nhiều thời điểm khác nhau.

Thủ pháp kể chuyện độc đáo của Keigo khiến Ryoji và Yukiho hiện lên như tâm điểm của sự chú ý, lại vừa như nhân vật phụ trong chính cuộc đời mình. Dần dần, những sự suy đoán, đồn đại và cả hoài nghi xung quanh họ đã dệt thành một tấm màn che mờ sự thật, khiến chân tướng của vụ án năm xưa càng thêm mơ hồ. Ngay cả vị thanh tra Sasagaki Junzo – người duy nhất kiên trì theo đuổi vụ sát hại chủ tiệm cầm đồ suốt ngần ấy năm, cũng không thể khám phá trọn vẹn những uẩn khúc trong câu chuyện.

Trong tác phẩm Án mạng mười một chữ, Keigo đã miêu tả nỗi đau của nhân vật chính khi mất đi người mình yêu một cách thật dửng dưng: “Khi ấy tôi đã mở sẵn văn bản để soạn thảo, dù chưa đánh được chữ nào, và đang uống bia. Trước khi uống bia tôi đã khóc.” Đến Bạch dạ hành, ông vẫn duy trì giọng văn điềm tĩnh, sắc lạnh ấy để khám phá thế giới tinh thần đầy tổn thương, u uất của nhân vật.

Người ta vẫn thường nói thời gian sẽ làm lành mọi vết thương, nhưng điều đó dường như không hề đúng với các nhân vật trong Bạch dạ hành. Càng khao khát bước về phía tương lai, Ryoji và Yukiho lại càng lún sâu hơn vào vũng lầy quá khứ. Mặc cho họ quay mặt đi thì quá khứ vẫn luôn sừng sững ở đó, lẩn khuất trong dòng chảy thời gian, chôn vùi cuộc đời hai đứa trẻ năm nào.

Nhà văn Higashino Keigo
Nhà văn Higashino Keigo

Sau biến cố tuổi thơ, cuộc sống của Ryoji và Yukiho chưa từng có mặt trời đúng nghĩa. Họ vừa tha thiết tìm kiếm lại vừa lẩn tránh mặt trời, lẩn tránh cái ảo mộng về hạnh phúc không bao giờ tồn tại. Lựa chọn duy nhất của họ là ẩn mình vào đêm trắng vĩnh cửu, nương nhờ thứ ánh sáng tỏa ra từ nơi tận cùng tăm tối để bước tiếp.

Xuyên suốt hành trình 20 năm, điều còn lại trong tâm hồn Ryoji và Yukiho không phải nỗi buồn hay nỗi đau mà là những khoảng trống vô tận, những khoảng trống mà tiền bạc, danh vọng hay tình yêu cũng không thể lấp đầy. Ngay cả khi gắn bó như tôm pháo cộng sinh với cá bống trắng, họ vẫn chẳng cứu được cuộc đời nhau hay ngăn cản bi kịch diễn ra.

Thậm chí, chính họ, ở khía cạnh nào đó, cũng là tác nhân gây nên bi kịch. Đối với những quyết định của nhân vật, Keigo luôn giữ thái độ trung dung, không bao biện cũng không phán xét. Có lẽ khi đứng trước hiện thực nghiệt ngã của cuộc đời thì những lựa chọn đạo đức, những phán xét đúng sai, những sự chấp nhận hay chối bỏ đều dễ dàng trở nên vô nghĩa.

Trong Bạch dạ hành, Ryoji và Yukiho phải trải qua 20 năm đằng đẵng chỉ để thấy hạnh phúc chuội khỏi tay mình. Gói gọn trong câu chuyện cá nhân ấy là hành trình đầy mất mát của chính nước Nhật, khi thời kỳ phát triển thịnh vượng nhanh chóng qua đi, để lại những bong bóng kinh tế vỡ vụn vào đầu thập niên 90. Trong bối cảnh đó, sự hoang mang, lạc lõng trở thành tâm thế chung của toàn xã hội. Đến tận cùng thì quá khứ là thứ đáng để ao ước, ghi nhớ hay lãng quên, đoạn tuyệt? Thế nhưng, có lẽ dù thái độ mà ta lựa chọn là gì, thì những âm vang của quá khứ cũng vẫn dội lại chứ không bao giờ tan đi.

Minh Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI