“Bác Trọng là điểm tựa tinh thần cho người dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải, công lý"

21/02/2021 - 18:36

PNO - “Lúc các gương điển hình phòng chống tham nhũng nêu lên nỗi đơn côi, tủi nhục của mình, tôi thấy bác Trương Vĩnh Trọng lấy chiếc khăn ra chậm nước mắt, như là sự chia sẻ cảm thông, xúc động mà không nói ra”, bà Mỹ Anh bồi hồi nhớ lại.

Bà Dương Thị Mỹ Anh (57 tuổi, ngụ phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ) là một trong 88 gương điển hình có thành tích phòng chống tham nhũng của khắp mọi miền đất nước. Bà được mời tham dự hội nghị biểu dương lần đầu tiên - được tổ chức với quy mô toàn quốc vào tháng 9/2010 - mà Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đến biểu dương từng người.

Đến nay, bà Mỹ Anh vẫn giữ cẩn thận bức ảnh chụp Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng trao huy hiệu cho các gương điển hình và sắp xếp để chụp ảnh chung với mọi người. 

Bà Mỹ Anh (đứng thứ hai hàng đầu từ phải qua) cùng các gương tiêu biểu chống tham nhũng chụp ảnh ưu niệm cùng Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng vào năm 2010
Bà Mỹ Anh (đứng thứ 2 hàng đầu từ phải qua) cùng các gương tiêu biểu chống tham nhũng chụp ảnh lưu niệm cùng Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng vào năm 2010.

Vì lợi ích chung, có chết không sợ

Năm 2010, ông Trương Vĩnh Trọng là Phó thủ tướng, Phó Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Ông đến dự hội nghị từ rất sớm để được hỏi thăm từng người, động viên từng tấm gương dám đứng lên đấu tranh với cái xấu, chấp nhận hy sinh quyền lợi bản thân để bảo vệ công bằng xã hội.

“Ngay từ đầu, tôi thấy dáng bác ốm, cao gầy thấy rất là thương, rất dễ gần gũi”, bà Mỹ Anh hồi tưởng. Bà là một trong những người đứng lên phát biểu, dám chia sẻ hết những nỗi lòng mình trong nước mắt.

Bà Mỹ Anh lưu giữ cẩn thận tấm ảnh quý
Bà Mỹ Anh luôn xúc động khi nhớ kỷ niệm và lưu giữ cẩn thận tấm ảnh quý

Bà Mỹ Anh khi ấy là thủ quỹ Đội công trình đô thị quận Cái Răng (TP. Cần Thơ). Đọc tham luận trước bao người mà nước mắt bà tự nhiên cứ tuôn trào. Ở cơ quan bà khi đó, công nhân bị bóc lột sức lao động, cả năm chỉ có một đôi giày để mang, chúng rách nát đến nỗi bàn chân tóe máu… Cấp lãnh đạo thì tham ô tài sản, đưa hối lộ, mua bán trái phép hóa đơn, tiêu xài hoang phí... Bà mạnh dạn làm đơn tố cáo. Hậu quả bà bị trù dập, bị cô lập, bị chuyển công tác đến một nơi rất xa nhà, bị hạ bậc lương không bằng phân nửa trước và có cả quyết định cho thôi việc…

Vào giai đoạn khốn đốn ấy, chồng bà bị tật nặng ở chân lại mắc bạo bệnh, đi lại khó khăn, người con gái đầu bị bại não vừa mất, con trai út còn nhỏ dại… “Thời điểm đó, rất nhiều lần đi ngoài đường bị xe máy từ phía sau tông vào, gây thương tật, nhưng tôi không sợ”, bà Mỹ Anh kể.

“Gia đình lao đao lận đận, tôi ức ắm nhưng không biết làm sao để hỗ trợ cho vợ mình”, ông Thái Văn Tám - chồng bà Mỹ Anh nói thêm.

Bà Mỹ Anh cho biết, ngày đó đó, không chỉ riêng bà mà còn có rất nhiều người dũng cảm chống tham nhũng đã phải trả giá đắt trong cuộc chiến thầm lặng nhưng vô cùng khốc liệt này. 

Như ông Phùng Chí Công - Chánh văn phòng HĐND, UBND quận Ô Môn, TP. Cần Thơ - vì dám tố cáo hàng loạt sai phạm trên địa bàn, tố cáo các lãnh đạo địa phương bán tài sản Nhà nước lấy tiền chia nhau nên nhiều lần bị hành hung, bị lãnh đạo cơ quan gây khó dễ. Người thân trong gia đình ông cũng bị "vạ lây": người con tốt nghiệp đại học sư phạm nhưng không được nhận công tác chỉ vì là con của “người chống tham nhũng”.

“Ở cơ quan cũ, tôi thấy không ai dám đấu tranh. Năm nào cũng vậy, họp xét thi đua, khen thưởng, xét thành tích thường chỉ dành cho cấp lãnh đạo. Những người làm được việc, tâm huyết, nhiệt tình thì không được động viên gì, cùng lắm chỉ một tờ giấy khen. Tôi thấy bất công quá. Có nhiều bài tham luận đọc lên mà đau lòng”, bà Mỹ Anh chia sẻ.

“Điểm tựa tinh thần cho chúng tôi”

Bà Mỹ Anh nhớ lại, tại hội nghị, sau khi bà phát biểu xong , Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng lấy khăn ra chậm nước mắt. “Tôi thấy bác rất xúc động mà không nói ra. Đó là sự đồng cảm sâu sắc mà tôi ấn tượng nhất”, bà chia sẻ.

Sau khi chăm chú lắng nghe mọi người phát biểu, Phó thủ tướng lên bục phát biểu để biểu dương thì có những giọt nước từ trên trần hội trường rơi xuống người ông. “Không hiểu sao nữa dù bác nói trước đó đã có nhắc nhở để sửa chữa chỗ dột rồi”, bà Mỹ Anh hồi tưởng.

“Khi bác phát biểu, giọng rất là xúc động, bác đồng cảm với những người trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực. Bác cùng với các thành viên trong Ban vẫn còn băn khoăn, nêu ý kiến vì chưa có một văn bản bảo vệ người chống tham nhũng, tố cáo tiêu cực. Sau hội nghị này sẽ có văn bản đề xuất Bộ Công an nghiên cứu. Vì chống tham nhũng, có nhiều người phải bán nhà cửa, đất đai, chẳng còn gì. Nếu nghĩ đến quyền lợi cá nhân thì không ai lên tiếng, phải dũng cảm mới nói được. Có những người rất nghèo nhưng họ không quan tâm vấn đề kinh tế mà tập trung đấu tranh chống tham nhũng”, bà Mỹ Anh nói.

“Để công tác phòng chống tham nhũng có hiệu quả, cần đặc biệt tạo cơ chế khuyến khích việc tố cáo các hành vi tham nhũng ngay tại cơ quan, công sở và tiếp tục nhân rộng các điển hình đóng góp cho công tác phòng chống tham nhũng. Đồng thời phải tăng cường cơ chế bảo vệ những người dũng cảm đứng ra đấu tranh chống tiêu cực, chống tham nhũng, không để họ phải đơn thương độc mã chống lại cái xấu. Cấp ủy, chính quyền cơ sở phải có cơ chế bảo vệ người chống tham nhũng và chịu trách nhiệm nếu người tố cáo tham nhũng bị trả thù. Ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng là mục tiêu của Đảng, Nhà nước cùng toàn xã hội và cần phải kiên quyết, kiên trì thực hiện mục tiêu này”, đây là lời của Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng mà bà Mỹ Anh luôn nhớ.

Bà Mỹ Anh cho biết, khi đó, bà có niềm tin vì có Trung ương - mà người đứng đầu là Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng - bảo vệ, rồi TP. Cần Thơ hay các tỉnh thành khác cũng có ban chỉ đạo. Có nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực được đưa ra ánh sáng nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của cấp trên, của trung ương.

 “Trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực thì không có lần một lần hai, mà là cuộc chiến sống còn và hầu như còn kéo dài mãi, nếu mình không đấu tranh thì đất nước, người dân sẽ còn khổ mãi”, bà Mỹ Anh nhấn mạnh.

Với bà Mỹ Anh, bác Trọng là tấm gương để mọi người noi theo. Trong đời bà, đó là lần đầu tiên được gặp một vị Phó thủ tướng Chính phủ ăn mặc vô cùng giản dị, không có vẻ gì phô trương, không hề có khoảng cách mà ân cần đến thăm từng người. Ông là chỗ dựa tinh thần cho những người yêu nước, những người dũng cảm dám đứng ra đấu tranh và bảo vệ lẽ phải, công lý. Bà nói, không có chỗ dựa tinh thần ấy, những người như bà sẽ không đấu tranh, bảo vệ được điều gì.

"Sau hội nghị, bác Trương Vĩnh Trọng mời chúng tôi dự bữa cơm thân mật. Trong bữa cơm ấy, bác liên tục đứng dậy đi quanh bàn chăm sóc từng người mà không phân biệt lớn bé, chức vụ. Điều này làm tôi ấn tượng và nhớ mãi. Bác thật sự là một nhân cách khiêm nhường hiếm thấy”, bà Mỹ Anh xúc động.

Chiều ngày 21/2, vẫn còn khá nhiều đoàn đại biểu thuộc các huyện tại tỉnh Bến Tre cũng như ở các tỉnh thành khác trong khu vực phía Nam đăng ký vào viếng nguyên Phó thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng.

Bên cạnh đó, rất nhiều bà con nhân dân đến thắp nhang, dâng lẵng hoa, bùi ngùi tiễn đưa ông Trương Vĩnh Trọng, người con ưu tú của quê hương Đồng khởi Bến Tre.

Theo Ban Tổ chức Lễ tang tại Bến Tre, tính đến 17g ngày 21/2, đã có 253 đoàn đại biểu đến viếng nguyên Phó thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng.

Tang ễ nguyên Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng được tổ chức theo nghi thức cấp Nhà nước
Tang lễ nguyên Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng được tổ chức theo nghi thức cấp Nhà nước
Người dân bùi ngùi khóc, chia buồn cùng gia đình ông Trương Vĩnh Trọng
Người dân chia buồn cùng gia đình ông Trương Vĩnh Trọng

 

Từ Nhân

 
TIN MỚI