PNO - Nhiều bà mẹ rất am hiểu bệnh mùa nóng của trẻ. Nhưng do quá chủ quan nên nhiều bố mẹ để con bệnh nặng mới đưa đến bác sĩ. Và có một bé đã tử vong ngay trên tay mẹ.
Theo thống kê của Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), trung bình mỗi ngày có gần 7.000 trẻ đến khám, trong đó có 384 trẻ phải nhập viện điều trị. Trong khi đó, ngày 1/3 chỉ gần 5.540 trẻ đến khám và 300 trẻ nhập viện. Lượng bệnh nhi đông nhất là ở các khoa Hô hấp và Tiêu hóa.
Theo bác sĩ Đặng Thị Kim Huyên, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 2, các bậc phụ huynh ngày càng có kiến thức về chăm sóc trẻ. Nhiều bà mẹ am hiểu các bệnh của trẻ em. Tuy nhiên, do chủ quan nên nhiều trường hợp bố mẹ để con bệnh nặng mới cầu cứu bác sĩ. Đơn cử như một trường hợp cháu bé bị hen suyễn đã tử vong ngay trên tay bố mẹ.
Ngoài ra, còn rất nhiều trường hợp bố mẹ chủ quan khi thấy con sốt thì tự chẩn đoán là do vi rút, cứ cho ở nhà uống thuốc hạ sốt. Đến khi nhập viện vào ngày thứ 3, thứ 4 của bệnh thì xác định ra là sốt xuất huyết.Nắng nóng, bé lên cơn suyễn. Bố mẹ của cháu bé rất am hiểu bệnh hen suyễn của con nên rất tự tin dùng bình xịt để cắt cơn suyễn của cháu bé. Tuy nhiên, đến lần thứ 3 thì cháu bé không hết cơn suyễn mà lại tử vong. Bố mẹ không kịp đưa cháu đến bệnh viện.
Tại sao nắng nóng, bệnh tăng?
Khi nắng nóng, cơ thể tự động tìm đến những nơi mát mẻ như trong phòng máy lạnh hay quạt máy để giảm bớt nhiệt độ. Tuy nhiên, do không chú ý đến sự chênh lệch nhiệt độ giữa bên trong phòng máy lạnh và bên ngoài nên khi thay đổi đột ngột nhiệt độ giữa 2 môi trường, làn da cơ thể không kịp thích ứng sẽ bị sốc và sụt giảm sức đề kháng.
Tại khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng 2, bệnh nhi nằm tràn ra hành lang. Không đủ chỗ nằm, một số trẻ còn được gửi nằm nhờ sang bên khoa Nhiễm. Bác sĩ Nguyễn Minh Ngọc, Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết trong số các bệnh nhi tiêu hóa thì chiếm 60% là bệnh tiêu chảy, trước đó vài ngày chỉ có 40%.
Còn tại khoa Hô hấp 1, số bệnh nhi trong 1 tuần gần đây tăng lên con số 180 – 190 trẻ/ngày. Trong khi thời điểm trước đây khoảng 1 tháng chỉ trung bình là 150 trẻ/ngày. Bác sĩ Nguyễn Hoàng Phong, Trưởng khoa Hô hấp 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết trong 1 tuần gần đây thì bệnh hô hấp bắt đầu tăng cao, chủ yếu là viêm phổi, viêm tiểu phế quản, hen suyễn. Một số trường hợp trẻ viêm phổi nặng phải thở oxy.
Bác sĩ Kim Huyên đưa ra một số dấu hiệu khi bệnh trẻ trở nặng cần phải chạy ngay đến bác sĩ:
Trẻ sốt cao 39 độ trở lên, khó hạ. Trẻ sốt cao 2 ngày trở lên hoặc sốt trong vòng 1 ngày nhưng trong 4 giờ mà không hạ sốt hì phải đem đến bác sĩ.
Trẻ ói hết mọi thứ thì cũng đưa đến bác sĩ
Trẻ co co giật là chạy ngay đến bệnh viện
Nếu diễn tiến bệnh kéo dài 3-4 ngày, trẻ li bì không ăn, bú, đờ, mệt thì cũng đem đến bác sĩ
Trước thực trạng quản lý, kiểm định nước sinh hoạt ở chung cư còn nhiều bất cập khiến chất lượng nước chưa bảo đảm, các chuyên gia đã đề xuất giải pháp.