Bác sĩ Vũ Kim Hoàn: Cai nghiện rượu không khó, khó là giữ để không tái nghiện

11/08/2022 - 15:59

PNO - Tất cả loại nghiện đều cai được, nhưng phụ thuộc rất nhiều vào ý chí người cai, môi trường có tốt hay không, phương pháp có phù hợp...

Nghiện rượu là vấn đề nan giải xưa nay và để lại rất nhiều hệ lụy từ các vấn đề về sức khỏe đến gia đình, xã hội. Nghiện rượu kéo dài làm teo cơ, gan nhiễm mỡ, tình trạng ngày càng nặng, không cải thiện thì dẫn đến xơ gan, ung thư gan và đặc biệt sẽ gây rối loạn tâm thần do rượu.

Chưa kể, những người nghiện rượu thường ăn ít, hoặc không ăn, chỉ nhậu với cóc ổi, thậm chí không có cũng uống rượu bình thường. Đây là thảm họa cho sức khỏe khi làm xuất hiện hàng loạt bệnh lý do rượu gây ra.

Tôi và các đồng nghiệp ở bệnh viện thường xuyên khám và điều trị cho bệnh nhân nghiện rượu, cũng như loạn thần do rượu. Hầu hết, những người đi cai nghiện rượu chỉ khi sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng (bị loạn thần, bị xơ gan, ung thư gan), ảnh hưởng công việc, mất việc (run tay chân, tập trung kém, xao lãng công việc…), gia đình xào xáo, hôn nhân trục trặc. Nhiều người quan niệm cai rượu rất khó, thật ra cai rượu không khó, mà cái khó nhất là làm sao để không tái nghiện.

Muốn cai rượu thành công thì trước tiên chính bản thân người nghiện phải có ý thức tự giác cai. Cai nghiện rượu có hai giai đoạn: giai đoạn cắt cơn và giai đoạn phục hồi các chức năng. Trong đó, giai đoạn cắt cơn khoảng 5-7 ngày. Tuy nhiên, cần lưu ý là giai đoạn này sẽ xuất hiện tình trạng “trạng thái cai”. Khi đó, người cai sẽ bị vật vã, uể oải, mắt mờ, đau quặn bụng, tay chân run, không làm được việc gì nếu không uống một ngụm rượu… nhưng nếu vượt qua giai đoạn này, người cai nghiện rượu sẽ cai được rượu và phục hồi các chức năng.

Hiện có nhiều biện pháp cai rượu từ đông y tới tây y, cũng như có thể cai nghiện rượu tại cơ sở y tế, hoặc tại nhà (phải thật cẩn thận vì rất nguy hiểm). Tuy nhiên, cai rượu ở cơ sở y tế thì an toàn và hiệu quả hơn, vì cơ sở y tế mới có đầy đủ các phương tiện y tế để hỗ trợ, can thiệp giúp bệnh nhân vượt qua trạng thái cai. Cai rượu ở cơ sở y tế, bệnh nhân sẽ được các bác sĩ sử dụng thuốc giúp giảm tình trạng kích động, vật vã; hoặc dùng các thuốc chống loạn thần để cắt những ảo giác; hoang tưởng; thuốc hỗ trợ cho gan, thuốc giúp cơ thể bổ sung những chất bị thiếu do nghiện rượu lâu năm gây ra; thuốc giúp bệnh nhân dễ chịu, ăn ngủ ngon để vượt qua giai đoạn khó khăn của trạng thái cai. Sau đó, bệnh nhân còn được trị liệu thêm về tâm lý, phục hồi về chức năng, cũng như lao động liệu pháp, âm nhạc liệu pháp… giúp bệnh nhân được thư giãn, cai rượu hoàn toàn.

Người nghiện rượu, có thể cai rượu tại nhà, nhưng sẽ rất khó khăn, hiệu quả kém và nhất là rất nguy hiểm. Lưu ý, dù cai tại nhà cũng phải đi khám tại bệnh viện và được bác sĩ cho toa thuốc và tư vấn cặn kẽ. Đặc biệt, nếu cai rượu tại nhà, ngoài ý chí mạnh mẽ của người cai thì người thân phải biết một số kiến thức về y khoa để nếu xảy ra sự cố, có thể sơ cứu và đưa bệnh nhân đi cấp cứu ngay.

Bác sĩ chuyên khoa II Vũ Kim Hoàn đang khám cho bệnh nhân
Bác sĩ chuyên khoa II Vũ Kim Hoàn đang khám cho bệnh nhân

 

Tuyệt đối, không được “cai khô” (xích trói, cột hay nhốt người nghiện rượu trong phòng). Bởi cai cách này với người có bệnh lý nền tiềm ẩn thì càng nguy hiểm vì có thể gây tụt huyết áp, đột quỵ, suy hô hấp… có nguy cơ dẫn đến tử vong.  Lưu ý, nếu ngưng rượu đột ngột có thể dẫn đến tình trạng sảng rượu, bệnh nhân mất ý thức, lú lẫn nặng nề.

Như trên đã nói, cai rượu không khó, nhưng phải làm sao để tránh tái nghiện. Hiệp hội Cai rượu của Mỹ khuyến cáo: Đã ngưng, đã cai rượu được rồi thì đừng bao giờ uống rượu lại dù chỉ một giọt. Nguyên tắc của tất cả loại nghiện: ngưng được rồi thì đừng bao giờ sử dụng lại với bất kỳ tình huống nào, bất kỳ lý do nào, vì sử dụng lại một lần rồi sẽ có lần thứ hai, ba và sẽ tái nghiện. Với những người nghiện rượu thật sự, nếu từ chối được ly đầu tiên thì sẽ cai được rượu. Còn đã uống ly thứ nhất, thì sẽ có lý thứ hai, thứ ba và cuối cùng là say, sẽ nghiện trở lại.

Nói chung, tất cả loại nghiện đều cai được, nhưng phụ thuộc rất nhiều vào ý chí người cai, môi trường có tốt hay không, phương pháp có phù hợp, người cai chấp nhận tốt hay không, và đặc biệt là những người thân có hỗ trợ, động viên, giúp đỡ không… nếu tất cả đều tốt thì người nghiện sẽ cai thành công.

Ví dụ, khi người chồng cai rượu, bị vật vã, mà vợ chì chiết “uống cho cố vô, giờ bị như vậy” thì rất khó cai thành công và điều này khiến họ dễ tái nghiện. Những lúc đó, vợ lau mặt và nhẹ nhàng động viên thì chồng sẽ được tiếp thêm sức mạnh, ý chí mà vượt qua. Vì vậy, khi cai nghiện rượu, hay phòng tránh tái nghiện, vai trò của vợ con, người thân rất quan trọng. Khi có người thân đồng hành, hỗ trợ thì việc cai nghiện rượu sẽ thành công hơn. 

Bác sĩ chuyên khoa II VŨ KIM HOÀN

(Phó phòng Kế hoạch tổng hợp, chuyên khoa Tâm thần

Nội khoa tổng quát Bệnh viện Tâm thần TPHCM) 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI