Bác sĩ viết những câu chuyện từ trái tim trong mùa dịch bệnh

18/06/2021 - 11:38

PNO - Cuốn sách "Câu chuyện từ trái tim" của PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu vừa được Nhã Nam cho ra mắt trong những ngày thành phố giãn cách xã hội.

Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu là chuyên gia đầu ngành về tim mạch đồng thời cũng là chuyên gia về can thiệp tim bẩm sinh cho trẻ em tại Việt Nam. Ông đã có những ghi chép đầy tính thời sự, những góc nhìn sắc sảo về các vấn đề xã hội, thực trạng ngành Y và cả những chia sẻ giàu cảm xúc trong Câu chuyện từ trái tim (Nhã Nam và Nhà xuất bản Thế Giới ấn hành).

Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu gửi gắm nhiều tâm tư trong cuốn sách vừa xuất bản
Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu gửi gắm nhiều tâm tư trong cuốn sách vừa xuất bản

Trong cuốn sách này, cũng là lần đầu tiên PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu kể với độc giả câu chuyện về con đường trở thành bác sĩ của ông, với những được mất, lý tưởng và cả những nhận diện, những thất vọng từ “những điều trông thấy” của ngành Y.

“Năm 1989, tôi thi đỗ vào Đại học Y Hà Nội và bắt đầu quãng đời sinh viên vừa đói ăn, vừa đói ngủ. Học y rất áp lực vì chương trình nặng, các thầy lại vô cùng nghiêm khắc. Hồi đó, cứ hỏi trường đại học nào nhiều sinh viên đúp nhất thì 100% câu trả lời sẽ là: “Y Hà Nội”.

Bây giờ chỉ cần hỏi Google vài phút sẽ rõ ngay thế nào là vòng tuần hoàn sinh lý nhưng vào những năm 1995, chuyện đó chỉ sinh viên ngồi trên ghế trường Y mới biết. Chiều hôm trước học lý thuyết thấy bao điều kỳ lạ trên giảng đường, sáng hôm sau đi lâm sàng chúng hiện lên trước mắt. Sáng đi nghe tim cho bệnh nhân thấy tiếng tim đập rất lạ, chiều về thầy hướng dẫn nguyên lý tiếng thổi tâm thu…” – những trang viết đầu tiên trong cuốn sách.

Hành trình của bác sĩ cũng kể với độc giả câu chuyện của một thời, từ bối cảnh văn hóa đến tiến trình phát triển của ngành Y thưở còn chưa tiếp cận được nhiều công nghệ kỹ thuật tiên tiến như bây giờ. Nhưng dù ở giai đoạn nào, câu chuyện trong bệnh viện vẫn chính là câu của con người, về con người.

Bệnh viện là nơi mà các bác sĩ có thể chứng kiến tất cả những đau đớn, hạnh phúc, những chuyện tử tế, thế thái nhân tình, cả những được mất…Có những ca cấp cứu thành công, nhưng cũng có những lần thất bại. Phía sau cánh cửa phòng mổ là sự hồi sinh hay là cửa tử…

Không chỉ có những hồi ức, cảm xúc về nghề, Câu chuyện từ trái tim còn gửi gắm những góc nhìn suy tư, phân tích thấu đáo về y tế, giáo dục, những vấn đề xã hội mà bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu nói rằng, ông muốn kể lại chuyện mình, chia sẻ tâm tư của một người đã mấy mươi năm cống hiến với nghề để truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ.

Câu chuyện từ trái tim vừa được ra mắt trong thời gian thành phố giãn cách xã hội
"Câu chuyện từ trái tim" vừa được ra mắt trong thời gian thành phố giãn cách xã hội

“Có rất nhiều người đã hỏi tôi về những được và mất khi trở thành bác sĩ. Tôi trả lời rằng: sự được - mất biến đổi rất nhiều theo thời gian. Những năm chập chững bước vào nghề, những cái mất đã làm tôi suýt bỏ sang làm trình dược viên. Với một bác sĩ trẻ mới ra trường, áp lực công việc khủng khiếp và đồng lương còm cõi so với bạn đồng lứa sẽ làm nản lòng bất cứ ai. Những cái xấu trong xã hội sẽ va vào bạn ở mọi góc cạnh, làm bạn nghiêng ngả...

Sau hơn hai mươi năm hành nghề với bao thăng trầm, bạn sẽ không còn phân biệt cái được hay mất khi làm bác sĩ nữa. Những niềm vui nho nhỏ khi thành công một ca mổ khó hay chẩn đoán được một bệnh thật hiếm cũng chỉ còn là món gia vị ngon trong cuộc sống bộn bề...” – những trang viết như lời tâm sự của vị bác sĩ khả kính.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu. (Ảnh: internet)
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Ảnh: Internet

Ông không ngần ngại bày tỏ những mặt trái của nghề, của người làm nghề; nhưng đồng thời cũng nhận diện rõ "bác sĩ cũng là con người", họ làm nhiệm vụ chăm sóc/cứu người nhưng có khi lại trở thành đối tượng bị bạo hành bởi chính bệnh nhân của họ. Y bác sĩ có thể có những lúc hành xử không đúng chuẩn mực với người bệnh, nhưng những người làm trong ngành y tế cũng luôn chịu rất nhiều áp lực trong môi trường làm việc mỗi ngày...

Những trang viết cũng bộc bạch lý do vì sao từ là một bác sĩ chuyên khoa, ông lại "dấn thân" vào chính trường. Bắt đầu từ cuộc trò chuyện với Bộ trưởng Bộ Y tế Myanmar nhiều năm trước. Vị bộ trưởng Myanmar bày tỏ sự thán phục trước những gì nền y tế Việt Nam đã làm được cho trẻ em: Nhà nước cấp bảo hiểm miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi, tay nghề của nhân viên y tế liên tục được trau dồi… Myanmar chưa làm được như Việt Nam bởi ở nước họ nhiều năm liền không có nhà chuyên môn y khoa nào lên tiếng trong Quốc hội.

"Chữa được một ca bệnh đã khó, thay đổi được tư duy làm chính sách để giúp cho hàng triệu trẻ em là điều đáng quý vô ngần" - vị Bộ trưởng Myanmar đã nói như vậy. Và những lời tâm sự chân tình này đã khiến bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu quyết định trở thành đại biểu Quốc hội để có thể đóng góp và giúp được nhiều trẻ em hơn.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu vừa tái đắc cử đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026. Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu hiện là Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, là Phó trưởng bộ môn Tim mạch, trường Đại học Y Hà Nội.

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI