Bác sĩ Việt Nam ở Sudan – ‘Hello Việt Nam, very good’

30/04/2019 - 11:29

PNO - ‘Hello Việt Nam, very good’ - câu chào niềm nở của phái bộ viên ở Nam Sudan tặng bác sĩ của Việt Nam, khi các bác sĩ chẩn đoán và mổ cấp cứu thành công viêm ruột thừa cấp cho một sĩ quan người Mông Cổ.

Hoa nở giữa làn đạn

Đầu tháng 10/2018, từ sân bay Tân Sơn Nhất, 63 cán bộ y bác sĩ của Bệnh viện dã chiến sang Nam Sudan thực hiện nhiệm vụ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, với nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân viên Liên Hợp Quốc và một số nhiệm vụ y tế khác theo yêu cầu của phái bộ tại Nam Sudan, dự kiến trong một năm.

Tuy Nam Sudan có 7 năm giành độc lập, nhưng người dân ở quốc gia này hiện phải đối mặt các cuộc xung đột sắc tộc, nội chiến, nạn đói và bệnh tật. Bác sĩ của Việt Nam liên tục tiếp nhận ca bệnh.

Bac si Viet Nam o Sudan – ‘Hello Viet Nam, very good’
Cờ đỏ sao vàng tung bay khi bác sĩ Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1 lần đầu tiên đặt chân đến Nam Sudan, ảnh BVCC.

Trung úy Phạm Phú Hải - Sĩ quan hành chính, Bệnh viện Dã chiến cấp - cho biết khoảnh khắc máy bay đáp xuống, mọi thứ bên trong như rung chuyển bởi đường băng là bãi đất trống đầy đá sỏi, xung quanh toàn lau sậy.

Vừa định thần, anh nhìn ra phía cửa, lòng đột nhiên nhói lên, các em bé Châu Phi trầm mình trong đầm lầy để… tắm. Anh càng thương hơn khi biết mỗi em chỉ có một bộ đồ để mặc, nên trước khi tắm, em nào cũng phải giặt quần áo, trải ra đất phơi, để khi tắm xong có đồ để mặc lại.

Ở đây, ban ngày nhiệt độ lên đến 50 độ C, đêm xuống chỉ còn 20 độ C, nhưng nếu mưa xuống, mọi thứ đều ngập trong sinh lầy, di chuyển cực kỳ khó khăn, thiếu thốn nhất là nước sạch. Có ngày, mỗi y bác sĩ của bệnh viện chỉ được sử dụng 2 túi chứa 4 lít nước. 

Bac si Viet Nam o Sudan – ‘Hello Viet Nam, very good’
Các bác sĩ Việt Nam trao đổi nghiệp vụ với bác sĩ Anh Quốc, ảnh BVCC

“Đó là chúng tôi đã được ưu tiên lắm rồi, có người chỉ đủ nước để uống, tất cả mọi sinh hoạt đều tiết kiệm. Người dân bên ngoài còn khó khăn hơn, họ không có nước. Tuy nhiên, người dân ở đây rất hồn hậu, họ luôn cười với chúng tôi. 

Tự hào nhất là bất kỳ lúc nào, miễn người dân nhìn thấy chúng tôi, họ sẽ hô to “Việt Nam, Việt Nam”, có người còn nói rằng, họ thần tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nghe họ nói chúng tôi càng quyết tâm hơn trong nhiệm vụ, và hình như, Nam Sudan giờ đây cũng là máu thịt của mình”, anh Hải nói.

Thiếu tá, bác sĩ Hồ Ngọc Phát – Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1 Việt Nam – cho hay, trước khi sang nước bạn, bác sĩ Phát cũng đã tìm hiểu về Nam Sudan, biết về đất nước có hơn 13 triệu dân này thường phải đối diện với nghèo đói, nội chiến và bệnh tật nhưng trong hình dung của mình, bác sĩ Phát không ngờ nơi đây còn quá nhiều khó khăn.

Bac si Viet Nam o Sudan – ‘Hello Viet Nam, very good’
Thiếu tá, bác sĩ Hồ Ngọc Phát trong một ca cấp cứu, ảnh BVCC

Như khi các y bác sĩ Bệnh viện Dã chiến di chuyển đến gần khu vực bệnh viện đóng quân, anh thấy cạnh đó là một trại tị nạn rộng lớn với hàng chục nghìn túp lều, những ao nước đông nghịt người, bùn lầy, đá sỏi, cảnh tượng hỗn loạn.

Đến Thành phố Bentiu của Nam Sudan, nơi bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 Việt Nam nhận nhiệm vụ ở ngay bên cạnh trại tị nạn POC (Protection of Civilian: khu bảo vệ dân thường), doanh trại đóng quân là khu vực kín cổng cao tường, hàng rào dây thép gai dày đặc, thi thoảng các bác sĩ của bệnh viện vẫn nghe tiếng súng nổ.”Sau đó là tiếng nháo nhào của phụ nữ, tiếng kêu la thất thanh của trẻ em khiến ai cũng nhói lòng", bác sĩ Phát nói.

Hello Việt Nam, very good!

Ngay trong ngày đầu đặt chân đến Nam Sudan, các bác sĩ đã tiếp nhận một sĩ quan của nước Mông Cổ, anh có biểu hiện đau bụng quằn quại, ra nhiều mồ hôi, niêm mạc tái,… Cuộc thăm khám, chẩn đoán, hội chẩn và quyết định mổ khẩn của đội y, bác sĩ đã kịp thời xử lý bệnh cho viên sĩ quan này.

Bac si Viet Nam o Sudan – ‘Hello Viet Nam, very good’
Bác sĩ Bệnh viện Dã chiến số 2 cấp 1 đang phẫu thuật cho bệnh nhân, ảnh BVCC

Ca phẫu thuật thành công để lại ấn tượng tốt trong lòng người dân và sĩ quan các nước bạn. “Sau khi phẫu thuật, chúng tôi bước ra ngoài, vừa nhìn thấy chúng tôi, nhiều phái viên nước bạn đã tươi cười nói Hello Việt Nam, very good! (Chào Việt Nam, các bạn làm rất tốt)”. 

Do tình hình chính trị và xã hội phức tạp, chúng tôi ít được tiếp xúc thường xuyên với người dân, nhưng mỗi khi có dịp gặp người địa phương, họ rất xúc động và hay nói "Việt Nam, very well, very kind" (Việt Nam rất tốt, rất tốt bụng)”, một bác sĩ đang thực hiện nhiệm vụ ở Nam Sudan chia sẻ.

Ngày tiếp theo, vừa nhận bàn giao bệnh viện từ Vương Quốc Anh, đội quân y nhận hai ca bệnh rất nặng. “Có một ca là người dân bản địa làm việc cho Liên Hợp Quốc, người bệnh bị suy hô hấp mãn tính do xơ hoá phổi sau lao phổi, viêm phổi nặng, suy thận. 

Bac si Viet Nam o Sudan – ‘Hello Viet Nam, very good’
Trung úy Nguyễn Mạnh Hiệp trong một chuyến vận chuyển bệnh nhân bằng trực thăng đến cấp cứu tại bệnh viện cấp cao hơn ở Nam Sudan cách doanh trại 800km, ảnh BVCC

Chúng tôi thật sự lo lắng, bởi ca bệnh quá nặng nhưng môi trường mới, đồng nghiệp mới, điều kiện trang thiết bị thiếu thốn, nhưng chúng tôi cùng động viên nhau phải xử lý thật tốt. Bệnh nhân qua cơn nguy kịch, được vận chuyển bằng đường không lên tuyến trên an toàn khiến ai cũng vui mừng và vững vàng tác chiến”, bác sĩ Phát nhớ lại.

Nửa đêm hôm đó, căn lều lụp xụp của quân đội Anh để lại, cùng cái nóng Châu Phi gay gắt, các bác sĩ chưa kịp chợp mắt sau chuyến đi dài, có người thông báo đội quân y chuẩn bị cấp cứu. Vừa thấy người bệnh được chuyển đến, bằng nghiệp vụ, các bác sĩ biết ngay bệnh nhân bị viêm ruột thừa cấp, phải mổ để cắt ruột thừa mới có thể cứu sống.

Các bác sĩ nhìn nhau, trang thiết bị không đủ, máy gây mê không có hệ thống theo dõi tình trạng bệnh, hệ thống máy lạnh bằng đường ống dẫn sẽ gây nhiễm trùng,… nhưng nếu để lâu, người thanh niên sẽ tử vong.

Bac si Viet Nam o Sudan – ‘Hello Viet Nam, very good’
Những khóm hoa do bác sĩ của Việt Nam trồng tại Bệnh viện Dã chiến Cấp 2 số 1, ảnh BVCC

Bác sĩ của bệnh viện nói: “Mọi tình huống ở đây đều phải có những quyết định nhanh chóng, dứt khoác, không có thời gian cho sự chần chừ. Thấy một bác sĩ chạy ra cột lại đường ống dẫn để chống bụi bẩn, bác sĩ Phát cũng lao vào gây mê, ê-kíp bác sĩ nào làm xong phần việc phát lập tức nhường chỗ cho người tiếp theo vì nơi mổ rất hẹp. May mắn, sau những giờ phút căng thẳng, bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Từ bệnh ít đến bệnh nhiều, chúng tôi góp nhặt thành công để làm động lực cho chính mình”.

Nhiều lúc cấp cứu cho người bệnh bên trong lều, tiếng súng, tiếng khóc, tiếng la thất thanh, có khi cả doanh trại rung lên do những xung đột bên ngoài, các bác sĩ bỗng thấy cay xòe mắt, không phải họ sợ cho bản thân, mà vì không biết các em nhỏ ở trại tị nạn gần đó như thế nào?

Bac si Viet Nam o Sudan – ‘Hello Viet Nam, very good’
Điều dưỡng Bùi Thị Xoa đang chuẩn bị hoa cho dịp lễ, cờ đỏ sao vàng của Việt Nam được treo một cách trang trọng tại đây, ảnh BVCC

Anh Hải trầm ngâm: “Nam Sudan thực sự rất đẹp, con người ở đây nồng hậu lắm, tuy không đủ nước uống, nhưng họ vẫn giữ lại một ít để tưới hoa. Họ thích trồng hoa và trồng rất nhiều, chúng tôi cũng xin hoa của họ, trồng bên hàng thép gai bao bọc bệnh viện. Hiện giờ doanh trại chúng tôi rất nhiều hoa, chúng tôi muốn nói nếu người dân Nam Sudan được sống trong hòa bình, tôi tin đất nước họ sẽ phát triển rất nhanh chính bằng sự chịu thương chịu khó, những cảm tình đẹp đẽ mà họ dành tặng cho chúng tôi.

Như những bông hoa ngoài kia, dưới cái nắng xé da cháy thịt, dù cho đất trời rung chuyển bởi bom rơi, đạn lạc, dù san sẻ cho nhau từng giọt nước quý giá, chúng vẫn nảy mầm, vẫn đâm chòi và nở ra đóa hoa đẹp nhất. 

Chúng tôi tự thấy mình phải có trách nhiệm trong việc xoa dịu những nỗi đau chiến tranh, nỗi đâu bệnh tật và giúp đỡ những dân tội nghiệp. Dù thời bình hay thời chiến, việc yêu thương, chia sẻ cũng là một trong những nhiệm vụ của người quân y Việt Nam trong việc gìn giữ hoà bình Liên Hiệp Quốc”.

Trung tá Bùi Đức Thành - Giám đốc Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1 Việt Nam - cho biết các quân y của Việt Nam chịu trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cho hơn 2500 cán bộ nhân viên của LHQ, kết hợp khám chữa bệnh cho người dân địa phương tại Thành phố Bentiu.

Trong 6 tháng thực hiện nhiệm vụ tại đây, bệnh viện đã khám, điều trị cho gần 800 lượt bệnh nhân, mổ cấp cứu 30 ca, vận chuyển bằng đường hàng không về tuyến sau (bệnh viện dã chiến cấp 2+ tại Thủ đô Juba, cách Bentiu 1.000 km) 3 ca bệnh nặng. 

Với kết quả đạt được, Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1 Việt Nam được chỉ huy phái bộ đánh giá rất cao, tạo niềm tin và uy tín đối với cán bộ nhân viên của Liên Hợp Quốc và người dân bản địa. Xây dựng hình ảnh người chiến sĩ quân y cách mạng, hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ, hình ảnh Việt Nam đất nước con người với bạn bè quốc tế.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI