Với chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa y tế của Chính phủ, kể từ năm 2015 đến nay, làn sóng đầu tư vào lĩnh vực y tế ngày càng nóng. Rất nhiều thương vụ mua bán-sáp nhập (M&A) có giá trị cao đã được công bố. Trong lĩnh vực y tế, một trong các thương vụ đáng chú ý là Nha khoa Mỹ sáp nhập vào Sun Medical Center, thương vụ Taisho bỏ thêm 3.400 tỉ đồng để nâng tỷ lệ cổ phần nắm giữ tại Công ty Dược Hậu Giang lên 56,68%. Xu hướng này hứa hẹn sẽ tiếp tục mạnh hơn trong tương lai, khi mà Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) có kế hoạch thoái vốn khỏi nhiều doanh nghiệp ngành dược tới năm 2020, trong đó có các thương hiệu đáng chú ý như Traphaco, Domesco Đồng Tháp, Công ty CP Trang thiết bị kỹ thuật y tế TP.HCM…
Việt Nam đang có nhiều yếu tố thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực y tế
Còn theo thống kê của Sở y tế TP.HCM, bệnh viện tư nhân chỉ chiếm 11% số lượt điều trị nội trú tại các bệnh viện ở TP.HCM trong năm 2018. Trong khi đó, theo nhận định của PGS.TS.BS. Tăng Chí Thượng phát biểu tại hội thảo chuyên đề “Ngành y tế cần làm gì để thu hút đầu tư” do Hội Y học TP.HCM, Hội hành nghề y tư nhân TP.HCM tổ chức vào ngày 29/3, ở Hàn Quốc, y tế tư nhân đảm bảo đến 90% việc chữa bệnh cho người dân.
Bác sĩ Dilshaad Ali, Cố vấn chuyên môn của công ty DG Medical (cung cấp giải pháp y khoa cho các quốc gia Đông Nam Á) cho rằng Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới hiện nay với thu nhập người dân tăng cao, rất nhiều gia đình đã chi nhiều hơn cho tiêu dùng, và đây là cơ hội cho việc đầu tư các dịch vụ y tế cao cấp. Bên cạnh đó, trong thời gian qua Việt Nam đã cho phép đầu tư vào hệ thống y tế để phát triển mạnh các chuyên khoa lâm sàng, cải thiện trải nghiệm của bệnh nhân. Do đó nhu cầu của người dân ngày càng tăng đối với các dịch vụ y tế cao cấp. Vì vậy nhiều nhà đầu tư cũng đã bắt đầu có được lợi nhuận nhờ đầu tư vào hệ thống khám chữa bệnh.
BS Phạm Xuân Dũng - GĐ BV Ung Bướu TP.HCM (ngồi giữa) trong hội thảo về thu hút đầu tư ngành y tế
Những lý do khiến Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác trở nên rất hấp dẫn trong con mắt các nhà đầu tư y tế:
Tầng lớp trung lưu của Việt Nam tăng nhanh đáng kể, tăng chi tiêu bình quân đầu người, lựa chọn dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng. Ước tính chung cả khu vực Đông Nam Á sẽ có 400 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu vào năm 2020. Ngoài ra, tốc độ dân số già cũng tăng cao hơn so với mức tăng dân số nói chung, nhu cầu về chăm sóc y tế theo đó sẽ tăng cao.
Công nghiệp hóa dẫn đến thay đổi cơ cấu việc làm, ảnh hưởng đến lối sống và sức khỏe người dân như xuất hiện các bệnh béo phì, đái tháo đường. Số ca đái tháo đường ở Đông Nam Á dự kiến tăng gấp đôi vào năm 2030.
Tỷ lệ bệnh viện công – tư ở Việt Nam vẫn ở giai đoạn tăng trưởng.
73% dân số Việt Nam trả một phần hoặc toàn bộ viện phí bằng tiền mặt.
Vừa qua, Friso, nhãn hàng sữa dinh dưỡng thuộc Công ty FrieslandCampina, chính thức ký kết hợp tác chiến lược với nhiều chuỗi cửa hàng Mẹ và Bé lớn trên toàn quốc.