Bác sĩ và đồng lương

27/05/2022 - 06:19

PNO - Còn khá nhiều bất hợp lý trong chính sách đãi ngộ cho nhân viên y tế, nhưng dường như mọi chuyện chỉ được xới lên rồi lại quên đi.

Cách đây 5 năm, bạn tôi, tiến sĩ - bác sĩ làm việc tại một bệnh viện công lập lớn ở TPHCM, kiêm giảng viên một trường đại học y khoa, cho biết anh ước ao được đóng thuế thu nhập như nhiều người nhưng không được vì thu nhập của anh quá thấp. 

sau hai năm đại dịch COVID-19, khi một bộ phận nhân viên y tế nghỉ việc do thu nhập không tương xứng với công việc và áp lực nghề nghiệp
Sau hai năm đại dịch COVID-19, nhiều nhân viên y tế nghỉ việc do thu nhập không tương xứng với công việc và áp lực nghề nghiệp

Bạn tôi làm nghề y hơn 15 năm. Trước đó, anh mất sáu năm học y khoa rồi bốn năm học chuyên khoa, nhưng thu nhập hằng tháng lại thua nhiều người học ngành nghề khác chỉ có bốn năm. Dù biết ngành nghề nào cũng đáng quý như nhau, nhưng nếu đánh đồng công việc khám chữa bệnh như những ngành nghề khác qua việc trả lương thì thật vô lý. Bởi khám chữa bệnh là nghề đặc biệt, liên quan đến sức khỏe và sinh mạng con người. 

Thu nhập nhân viên y tế là chủ đề được bàn luận khá nhiều trong những năm qua, đặc biệt sau hai năm đại dịch COVID-19, khi một bộ phận nhân viên y tế nghỉ việc do thu nhập không tương xứng với công việc và áp lực nghề nghiệp. 

Thực tế, Đảng và Chính phủ rất quan tâm đến ngành y tế. Nhưng từ chủ trương, chính sách đến thực tiễn dường như vẫn còn khoảng cách. Cách đây 5 năm, tại kỳ họp Quốc hội tháng 9/2017, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã kêu gọi cần nâng bậc lương khởi điểm cho bác sĩ. Ai cũng biết, để trở thành bác sĩ phải mất sáu năm. Vậy mà khi đi làm, một bác sĩ lại lãnh lương khởi điểm chỉ bằng một người học bốn năm vì được xem là tốt nghiệp đại học như nhau. Vì sự vô lý này mới có chuyện bác sĩ mới vào làm sẽ được tính lương khởi điểm hệ số 2.31, tương đương lương khởi điểm của cử nhân điều dưỡng. 

Còn khá nhiều bất hợp lý trong chính sách đãi ngộ cho nhân viên y tế, nhưng dường như mọi chuyện chỉ được xới lên rồi lại quên đi. Hàng chục năm trước, từng có chuyện khôi hài về tiền công bác sĩ “vá ruột” cho bệnh nhân thua cả tiền công của một người vá ruột xe ngoài đường. Thật khó hình dung, bất hợp lý này vẫn tồn tại đến nay.

Một bác sĩ chuyên ngành tim mạch can thiệp cho biết, nếu làm một ca can thiệp anh được trả công khoảng 30.000 đồng. Để làm một ca này, anh phải vào phòng lab, tiếp xúc với tia X độc hại khoảng 60 phút và khoác lên người bộ trang phục bảo hộ bằng chì nặng hơn chục ký. Do đó, trả công như thế thì không thể khuyến khích bác sĩ trẻ theo đuổi những chuyên ngành đặc biệt. 

Ngay trong ngành y, một số chuyên ngành cũng mất dần sức hút đối với bác sĩ trẻ vì những bất hợp lý về đãi ngộ. Một bác sĩ trưởng khoa phẫu thuật tim trẻ em của một bệnh viện lớn ở TPHCM chia sẻ, những năm qua anh đã tìm đủ cách để “dụ” các bác sĩ trẻ theo nghề này, nhưng không ai mặn mà. Cũng có người vào thử được thời gian ngắn rồi chuyển sang chuyên ngành khác.

Bác sĩ này cho biết, phải mất ít nhất 12 năm mới có thể trở thành một bác sĩ phẫu thuật tim trẻ em. Trong ca mổ tim, bác sĩ phải đứng vài giờ trong phòng mổ, chưa kể còn trách nhiệm của quá trình sau mổ. Nhưng một ca như thế bác sĩ chỉ được bồi dưỡng chưa đến 200.000 đồng. 

Quốc hội những ngày qua đang bàn về dự án Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) mà theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, theo hướng “lấy người bệnh làm trung tâm”. Điều này hoàn toàn đúng với đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả.

Thế nhưng, để những mong muốn này trở thành hiện thực, không thể không nói đến vai trò của nhân viên y tế. Phát biểu với báo giới đầu năm nay, tiến sĩ Bùi Sĩ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XIV, cho rằng cần thực hiện cải cách chính sách tiền lương, thiết kế lại cho phù hợp để thu nhập của cán bộ, nhân viên y tế đảm bảo được giá trị sức lao động, tạo đòn bẩy thúc đẩy tăng năng suất lao động và nâng cao hiệu quả công tác y tế, chăm sóc sức khỏe toàn dân. 

Hằng năm, xã hội đều vinh danh nhân viên y tế bằng một ngày đặc biệt: Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2. Nhưng một bác sĩ thâm niên trong nghề chia sẻ: “Xã hội đừng gọi chúng tôi bằng những mỹ từ “thiên thần áo trắng”, “chiến sĩ thầm lặng” nữa vì thực tế chúng tôi chỉ làm đúng bổn phận nghề nghiệp của mình. Nếu được quan tâm, chúng tôi chỉ mong không còn những bất hợp lý về đãi ngộ tiền lương và thu nhập để có thể yên tâm làm nghề”. 

Bình Yên 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI