Bác sĩ tự trách mình vì bệnh nhân bị phỏng nặng

10/03/2017 - 23:32

PNO - 2 ca phỏng điện cực kỳ nặng xảy ra vào ngày 9/3 đã được các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM điều trị tích cực. Tính mạng bệnh nhân đang rất nguy kịch.

Chiều 10/3, bác sĩ Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa Phỏng và Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết 2 nạn nhân phỏng điện xảy ra tại một trạm biến thế ở quận Thủ Đức vào trưa ngày 9/3 là một trong những ca phỏng rất nặng mà bệnh viện từng gặp.

Người bị phỏng nặng nhất là anh Lưu Gia Kỳ (35 tuổi, cư ngụ tại quận 8). Nạn nhân được chẩn đoán phỏng 51% toàn thân và phỏng 64%  mức độ 2, 3, 4. Do đây là người trực tiếp làm việc ở trạm biến thế nên anh bị phỏng sâu ở vùng mặt, cổ, thân trước, 2 tay.

Đồng thời, điện và tia lửa điện từ trạm biến thế làm phỏng đường hô hấp. Vết phỏng ở cổ gây chèn ép đường thở nên nạn nhân được mở khí quản giúp thở. Đây là nạn nhân mà bác sĩ Ngô Đức Hiệp cảnh báo chỉ cần nhìn qua một lần thì tối về có thể sẽ mất ngủ. Như vậy là đủ hiểu mức độ nặng đến thế nào. Tiên lượng cho trường hợp này là rất nặng, rất khó khăn.

Bac si tu trach minh vi benh nhan bi phong nang
Nạn nhân vụ phỏng điện tại trạm bíên thế ở Thủ Đức, TP.HCM ngày 9/3

Trước khi thông tin cho báo giới, lần đầu tiên, bác sĩ Hiệp đã bày tỏ sự chán chường và tự trách móc bản thân: “Những trường hợp này đã cảnh tỉnh nhiều rồi. Nhưng hình như người ta ít đọc báo. Điều đó chứng tỏ mình dở, chưa biết làm sao để tốt hơn”.

Các bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy phải trực tiếp xuống bệnh viện quận để chẩn đoán và sau đó là chuyển hẳn nạn nhân lên tuyến trên.

Nạn nhân thứ 2 là một kỹ sư, tên Lê Đinh Minh Châu (34 tuổi, nhà ở Thủ Đức). Người này do đứng xa vị trí trạm biến thế nên mức độ phỏng điện nhẹ hơn, nhưng cũng mức 60% độ 2 toàn thân. Theo dõi phỏng hô hấp.

Bac si tu trach minh vi benh nhan bi phong nang
Nạn nhân vụ phỏng điện tại trạm biến thế ở Thủ Đức ngày 9/3

Cách đây khoảng 1 năm, bác sĩ Ngô Đức Hiệp đã đưa ra nhiều lời cảnh báo về sự gia tăng các tai nạn phỏng điện. Đây là loại phỏng gây nhiều tổn thương nhất cho cơ thể người. Ngay cả khi sống được thì cuộc đời cũng tàn tạ. 

Nạn nhân chủ yếu của các ca phỏng điện theo bác sĩ Hiệp thường là những công nhân xây dựng khi phải làm việc gần đường dây điện, khi leo lên các mái nhà. Tiếp theo đó là những người treo bảng quảng cáo, những người câu cá dưới đường điện cao thế.

Với các nạn nhân phỏng điện, thông thường là cắt cụt 2 tay. Nặng hơn thì mất cả 2 tay và 1 chân hoặc tổn thương hộp sọ. Nguyên nhân các tai nạn điện chủ yếu là do không tuân thủ an toàn điện. Theo bác sĩ Hiệp, nhiều tai nạn điện đáng tiếc xảy ra nhưng không phải là không tránh được. Có những tai nạn điện mà nguy hiểm được chủ biết trước nhưng người làm thuê thì không biết được.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI