![Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Phòng ngừa là “chìa khóa” ngăn cúm lây lan Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM](https://image.phunuonline.com.vn/fckeditor/upload/2025/20250211/images/119_7-thay.jpg) |
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM |
Phóng viên: Nhiều người đang hoang mang về tình hình bệnh cúm năm nay. Phải chăng sau những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tâm lý của mọi người đã trở nên e ngại hơn đối với các loại vi rút gây bệnh hô hấp?
Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Đúng là hiện nay, người dân đang rất hoang mang. Vấn đề mà nhiều người lo lắng là độc lực của vi rút cúm A (với các chủng vi rút phổ biến H1N1, H3N2 và H5N1) có đặc biệt hơn, có thể gây tử vong hoặc gây kháng thuốc gì hay không? Tôi xin nhấn mạnh vi rút cúm hiện nay không có gì đặc biệt so với trước.
Số ca bệnh tăng là do vi rút cúm phụ thuộc vào thời tiết. Nếu thời tiết lạnh sâu và kéo dài thì chắc chắn tác động của bệnh sẽ tăng lên. Vi rút cúm sống lâu hơn trong môi trường lạnh, thậm chí có thể sống 1 tháng trong dịch tiết. Thời tiết lạnh cũng khiến nhiều người không biết hoặc không có khả năng giữ ấm, dẫn đến biến chứng.
Kế đó, việc truyền thông đề cập đến số ca bệnh có thể tạo áp lực tâm lý cho người dân. Áp lực này càng lớn hơn khi vừa qua có thông tin về một nữ diễn viên Đài Loan (Trung Quốc) tử vong. Theo tôi, nếu thời tiết lạnh tiếp tục kéo dài, số ca bệnh sẽ gia tăng. Do đó, cách duy nhất là tăng cường phòng ngừa, không nên quá hoang mang.
Những người có nguy cơ cao dễ mắc cúm A là trẻ em do hệ miễn dịch chưa phát triển đầy đủ, người lớn tuổi có hệ miễn dịch suy giảm theo thời gian, người có bệnh nền như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), bệnh Alzheimer khiến sức đề kháng kém hơn và đặc biệt là phụ nữ mang thai.
* Có những dấu hiệu sớm nào cho thấy bệnh cúm có thể tiến triển, gây biến chứng thưa ông?
- Khi bị cúm, có một số điều quan trọng cần lưu ý. Đầu tiên, hãy xem xét tiền sử bệnh của bản thân. Nếu bạn đã từng mắc cúm, hãy so sánh các triệu chứng lần này với những lần trước. Nếu có sự khác biệt, hãy đặc biệt chú ý. Ví dụ, nếu sốt kéo dài, khó hạ, hoặc cảm thấy khó thở, hụt hơi, thậm chí là tức ngực, thì đó có thể là dấu hiệu của biến chứng.
Một triệu chứng khác thường bị bỏ qua là cảm giác chóng mặt, choáng váng kéo dài. Đây cũng có thể là dấu hiệu của biến chứng. Đối với người lớn, nếu có những dấu hiệu này cần đến bệnh viện khám kịp thời. Đối với trẻ em, các biểu hiện khó thở thường rõ ràng hơn. Nếu thấy trẻ khó thở hoặc sốt cao không hạ, cần đưa đi khám ngay. Đặc biệt, nếu người thuộc nhóm nguy cơ cao, việc khám sớm càng quan trọng.
* Trên các hội nhóm mạng xã hội, nhiều người rao bán, gom thuốc Tamiflu với giá từ 400.000-800.000 đồng/hộp. Người bệnh có nên tự ý dùng thuốc này không?
- Hiện có nhiều loại thuốc điều trị cúm. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc nào cần phải được bác sĩ chỉ định. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh và thể trạng của từng người, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Việc gom thuốc và sử dụng thuốc không đúng cách là không nên.
Năm 2009, Tamiflu - hay còn gọi là Oseltamivir - nổi lên như một “thần dược” trong đại dịch cúm. Tuy nhiên, sau thời gian sử dụng, các chuyên gia đã đánh giá lại vai trò thực sự của loại thuốc này. Tamiflu có tác dụng kháng vi rút, giúp giảm nhẹ triệu chứng và rút ngắn thời gian mắc bệnh cúm. Tuy nhiên, hiệu quả của thuốc không phải là tuyệt đối. Việc sử dụng Tamiflu tràn lan có thể dẫn đến tình trạng kháng thuốc, gây khó khăn trong việc điều trị cúm sau này.
Tamiflu chỉ có hiệu quả khi được sử dụng sớm, tốt nhất trong vòng 48 giờ đầu tiên sau khi có triệu chứng cúm. Thuốc thường được chỉ định cho những người có nguy cơ cao biến chứng cúm như người già, trẻ em, người có bệnh nền. Tamiflu có thể gây ra một số tác dụng phụ, trong đó có ảnh hưởng đến tâm thần, gây lo âu, hoang mang, thậm chí có ý định tự tử.
Việc tự ý mua thuốc điều trị bệnh vô cùng nguy hiểm. Thứ nhất, bệnh nhân có thể mua phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng, không những không chữa được bệnh mà còn gây hại sức khỏe. Thứ hai, việc sử dụng thuốc không đúng liều lượng, không đúng chỉ định có thể dẫn đến những hậu quả khó lường.
Nếu có triệu chứng cúm, hãy đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn. Sau khi xét nghiệm, bác sĩ sẽ đánh giá bệnh nhân có thuộc đối tượng nguy cơ cần điều trị sớm hay không. Nếu trì hoãn việc điều trị 3-4 ngày, hiệu quả sẽ giảm đáng kể. Đừng vì nghe những lời đồn về việc thuốc có thể giúp bạn nhanh khỏi bệnh mà tự ý sử dụng thuốc.
* Vậy làm sao để phòng bệnh cúm đúng cách, đặc biệt là những người có bệnh nền?
- Trong bối cảnh dịch bệnh, việc tăng cường sức đề kháng và phát hiện sớm các triệu chứng cúm vô cùng quan trọng. Thay vì đổ xô săn lùng Tamiflu, chúng ta hãy chủ động phòng bệnh bằng cách giữ vệ sinh cá nhân, tiêm phòng cúm đầy đủ và duy trì lối sống lành mạnh.
Môi trường lạnh dễ lây bệnh, vì vậy mọi người nhớ đeo khẩu trang. Thời tiết càng lạnh thì nguy cơ mắc bệnh càng cao, cần hết sức cẩn thận khi ra ngoài trời lạnh. Cần giữ ấm cơ thể, tránh để bị lạnh quá. Nếu bị bệnh cúm, cần đeo khẩu trang để tránh lây lan cho người khác. Vì khi nói chuyện, nước bọt có thể bắn ra xung quanh.
![Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Phòng ngừa là “chìa khóa” ngăn cúm lây lan Khi trẻ có triệu chứng cúm, người nhà cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn - ẢNH: THANH HOA (chụp tại Bệnh viện Nhi Đồng 1)](https://image.phunuonline.com.vn/fckeditor/upload/2025/20250211/images/952_7-2.jpg) |
Khi trẻ có triệu chứng cúm, người nhà cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn - Ảnh: Thanh Hoa (chụp tại Bệnh viện Nhi Đồng 1) |
Đặc biệt, khi ho hoặc hắt hơi, cần dùng cánh tay che miệng và mũi thay vì dùng bàn tay. Rửa tay thường xuyên cũng là biện pháp quan trọng để phòng bệnh. Hiện nay, chúng ta đã có vắc xin cúm mùa và vắc xin này khá hiệu quả. Nếu là người có nguy cơ cao nên tiêm vắc xin để phòng bệnh.
Đối với người có bệnh nền, trước hết cần được tiêm ngừa đầy đủ. Đồng thời, những người xung quanh cũng cần tiêm ngừa để tránh lây lan mầm bệnh. Khi mắc bệnh, dù có triệu chứng hô hấp hay không, người bệnh cần chú ý sức khỏe. Điều quan trọng là phải nghỉ ngơi, uống đủ nước, ăn đủ chất và ngủ đủ giấc. Nếu không thực hiện những điều này, rất dễ xảy ra biến chứng. Cần theo dõi sát tình hình hô hấp của người bệnh nền. Nếu thấy tình trạng không thuyên giảm, ho có đờm đặc, thậm chí khó thở, tức ngực, choáng váng kéo dài, cần đến bệnh viện ngay.
* Xin cảm ơn bác sĩ.
Cuối tuần qua, Bộ Y tế thông tin, mặc dù số trường hợp mắc cúm có gia tăng cục bộ từ cuối năm 2024 và trong thời gian dịp tết Nguyên đán năm 2025, tuy nhiên không có sự gia tăng đột biến so với số ca mắc được ghi nhận cùng kỳ hằng năm trước đây. Từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận 912 trường hợp mắc cúm, không có ca tử vong. Số ca mắc giảm 97,4% so với cùng kỳ năm 2024 (34.442). Đặc biệt, các ca mắc cúm hiện tại không ghi nhận thay đổi về độc lực, chủ yếu là cúm A/H1N1, A/H3N2 và cúm B. |
Cách phân biệt cúm A và cảm lạnh thông thường Chúng ta thường dùng từ “cảm cúm” để chỉ chung các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên, trong khi ở nước ngoài có sự phân biệt rõ ràng hơn giữa “cảm lạnh” (common cold) và “cúm” (influenza). Cảm lạnh thường do các loại vi rút Rhino gây ra, với các triệu chứng nhẹ như ho, sổ mũi, nghẹt mũi, đau họng. Người bệnh thường không sốt hoặc sốt nhẹ, không đau nhức cơ thể nhiều và có thể tự khỏi trong vài ngày. Còn cúm do vi rút cúm gây ra, với các triệu chứng điển hình như sốt cao trên 38 độ C, đau đầu, đau nhức cơ bắp, mệt mỏi rã rời, ho khan, đau họng. Bệnh cúm có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm phế quản, đặc biệt là ở người già, trẻ em, người có bệnh nền. Việc phân biệt cảm lạnh và cúm đôi khi khó khăn, nhất là trong giai đoạn đầu của bệnh. Cách tốt nhất để xác định chính xác bệnh là xét nghiệm vi rút cúm. Tuy nhiên, dựa vào các triệu chứng lâm sàng, có thể sơ bộ phân biệt như sau: - Cúm: Triệu chứng rầm rộ, sốt cao, đau nhức mình mẩy nhiều, mệt mỏi rã rời. - Cảm lạnh: Triệu chứng nhẹ nhàng hơn, sốt nhẹ hoặc không sốt, đau nhức ít, không mệt mỏi nhiều. Bác sĩ Trương Hữu Khanh |
Thanh Hoa - Khải Ân (thực hiện)