Bác sĩ trẻ tha hương vì đồng lương còm cõi

16/07/2024 - 06:00

PNO - Thời gian làm việc kéo dài, thường xuyên làm ca đêm, luân phiên ca trực không cố định và mức lương thấp là các vấn đề đang khiến các bác sĩ trẻ chọn cách rời khỏi vị trí hoặc thậm chí rời quê hương để tìm nơi làm việc tốt hơn.

Việc nặng lương thấp

Các bác sĩ ở bệnh viện cấp dưới tại Anh vừa tổ chức cuộc đình công quy mô lớn từ ngày 27/6 đến 2/7 - 1 tuần trước cuộc tổng tuyển cử có thể quyết định số phận của Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS). Tổng cộng, họ đã ngừng làm việc trong 44 ngày kể từ lần đầu đình công vào tháng 3/2023. Yêu cầu của các bác sĩ là tăng lương 35% vì thu nhập thực tế đã giảm 26,2% do lạm phát từ năm 2008-2009. Các nhà lãnh đạo của Ủy ban Bác sĩ cấp dưới (JDC) từ Hiệp hội Y khoa Anh (BMA) cho biết, họ có thể kêu gọi tổ chức các cuộc đình công tiếp theo nếu chính phủ không tổ chức các cuộc đàm phán “kịp thời”. Shivram Sharma - một bác sĩ cấp dưới làm việc ở London - nói với AFP rằng, anh và các đồng nghiệp đình công vì đã quá mệt mỏi.

Anh cho biết: "Chúng tôi thất vọng vì tiền lương nhưng đồng thời cũng sợ hãi khi thấy chất lượng chăm sóc y tế ngày càng suy giảm". Theo Sharma, bệnh nhân phải chờ đợi lâu hơn để được điều trị, đặc biệt là trong các trường hợp tai nạn và cấp cứu, đồng thời các bác sĩ đang rời bỏ nghề với tốc độ ngày càng tăng.

Một bác sĩ trẻ tại Anh tham gia cuộc đình công lần thứ 11 để đòi tăng lương 35% - Nguồn ảnh: Jonathan Brady/PA
Một bác sĩ trẻ tại Anh tham gia cuộc đình công lần thứ 11 để đòi tăng lương 35% - Nguồn ảnh: Jonathan Brady/PA

Các bác sĩ cấp dưới - nhiều người trong số họ đã hành nghề hơn 10 năm và ở độ tuổi ngoài 30 - được trả từ 14-30 bảng Anh/giờ. Trong khi mức lương “đủ sống” hiện tại của quốc gia là 10,42 bảng Anh/giờ. Các sinh viên y khoa phải dành ít nhất 5 năm học đại học, lâu hơn đại đa số các ngành đào tạo khác, khoản nợ học phí cũng cao hơn. Áp lực từ khoản nợ này buộc các bác sĩ trẻ phải làm thêm việc để có thêm thu nhập. Trong một cuộc khảo sát năm 2022, BMA nhấn mạnh: khoảng 80% bác sĩ cấp dưới đã phải giảm chi tiêu cho thực phẩm và sưởi ấm. Một cuộc khảo sát khác của BMA vào năm 2023 cho thấy, 1/3 bác sĩ cấp dưới có kế hoạch làm việc ở một quốc gia khác trong năm 2024. Nhìn chung, 2,1% bác sĩ tại Anh đã di cư hằng năm, nhiều người chọn đến Úc, nơi có mức lương cao hơn.

Ra đi, rời ngành

4 tháng sau khi đảm nhận vai trò bác sĩ cấp dưới vào năm 2021, Piyal Modi cùng 1 đồng nghiệp phải chăm sóc 100 bệnh nhân tại khoa tiết niệu. Nhân sự tối thiểu là 6 người nhưng do đại dịch, trách nhiệm đổ dồn lên 2 bác sĩ trẻ nhất trong bệnh viện. Lúc ấy, cô đang trong hợp đồng 2 năm với Bệnh viện Đại học Leicester, sau 6 năm đào tạo tại Trường Y Bristol. Modi (hiện 28 tuổi) nói đùa rằng cô phải điều trị cho những người nhiễm trùng đường tiểu tại khoa tiết niệu nhưng chính cô lại không có thời gian để uống đủ nước nhằm đảm bảo mình sẽ không rơi vào tình trạng tương tự. Công việc trở thành mối nguy hiểm đối với sức khỏe thể chất, tinh thần và buộc Modi phải rời đi vào năm 2023. Modi chia sẻ: 40 người bạn của cô đã chuyển đến Úc hoặc New Zealand - những quốc gia công nhận bằng cấp y tế tại Anh nhưng có mức lương và điều kiện làm việc tốt hơn. Ít nhất 6 người đãrời ngành.

Đối với những quốc gia và khu vực có tiềm lực hạn chế, việc chảy máu chất xám ngành y tế càng nghiêm trọng hơn. Theo Hiệp hội Cán bộ y tế chính phủ (GMOA) - công đoàn lớn nhất của các bác sĩ chính phủ ở Sri Lanka - hơn 1.700 bác sĩ (gần 10% tổng số bác sĩ) đã rời đất nước trong 2 năm qua, chủ yếu vì lý do kinh tế. GMOA đã cảnh báo Bộ Y tế nước này rằng, gần 100 bệnh viện ở nông thôn đang đứng trước nguy cơ đóng cửa, do các bác sĩ đã rời đi.

Nevielle Leinyuy - một y tá ở Cameroon - đã dành gần 10 năm làm nhân viên lễ tân vì không thể tìm được một công việc trả lương xứng đáng trong lĩnh vực y tế. Năm 2023, anh đã nộp hồ sơ theo học chương trình điều dưỡng ở Canada. Leinyuy (39 tuổi) cho biết. “Tôi muốn làm việc ở Cameroon, nhưng không được trả lương xứng đáng nên phải tìm kiếm những lựa chọn khác”.

Cameroon là một trong những quốc gia có tỉ lệ nhân viên y tế bình quân đầu người thấp nhất thế giới. Khoảng 1/3 số bác sĩ tốt nghiệp trường y năm 2023 đã rời khỏi đất nước để đến châu Âu và Bắc Mỹ. Cameroon không phải là quốc gia châu Phi cận Sahara duy nhất có mức lương thấp đang khiến nhân viên y tế phải rời đi. Theo báo cáo năm 2023 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), gần 75% quốc gia châu Phi thiếu nhân viên y tế; tỉ lệ chuyên gia y tế rời đi làm việc ở nước ngoài cao. Tình trạng này khiến việc giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, xử lý các bệnh truyền nhiễm, cũng như cung cấp các dịch vụ thiết yếu như tiêm chủng ngày càng khó khăn.

Linh La (theo Channels TV, The Guardian, Al Jazeera, Africa News, Harbinger’s Magazine)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI