Bác sĩ TPHCM dự báo bệnh tay chân miệng tăng mạnh

11/04/2021 - 10:47

PNO - Hiện mỗi ngày, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đang điều trị nội trú cho 50 trẻ/ngày, con số này vào 1-2 tuần trước chỉ 20 ca/ngày.

 

Video:  Bệnh tay chân miệng đang có xu hướng tăng mạnh vào những tuần tiếp theo 

Bác sĩ CK2 Dư Tuấn Quy, Phó khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, thông tin: “Hiện bệnh viện đang tiếp nhận 50 ca bệnh nhi điều trị nội trú. Riêng những ca ngoại trú, bệnh viện có thể tiếp nhận vài chục ca mỗi ngày. Bệnh nhi thường nhập viện trong mức độ 2a, 2b và 3. Riêng mức độ 2b và 3 đã chiếm gần 1/4 số trẻ nhập viện so với tuần trước. Trẻ nhập viện trong tình trạng nặng tại đây thường có những biểu hiện như giật mình chới với liên tục, đi đứng loạng choạng, rung chi thất thường, và có biểu hiện của cao huyết áp”.

Vừa chăm con, chị Lê Thị Hồng Ánh (ngụ TPHCM), cho biết: “Lúc đầu tôi thấy bé nổi mận đỏ lên da, nổi bóng nước nhưng không nghĩ bệnh tay chân miệng. Vài hôm sau, thấy tình hình không ổn, tôi mới chuyển bé xuống Bệnh viện Nhi Đồng 1 để thăm khám và bé được chẩn đoán bị bệnh tay chân miệng khá nặng”. 

Ở giường kế bên, anh Nguyễn Thành Danh (quê ở Tây Ninh) chia sẻ: "Gia đình tôi cũng không biết con bị tay chân miệng mà tưởng viêm da dị ứng thông thường khi ở chân có vài đốm bóng nước. Đến khi bé biểu hiện nặng, cơ thể thì run run, giật giật người mới hoảng hốt".

Các trẻ nhập viện ở tình trạng nặng thường do ban đầu phụ huynh không nghĩ trẻ mắc bệnh tay chân miệng, chỉ nghĩ đó là các bệnh viêm da thông thườnhg
Các trẻ nhập viện ở tình trạng nặng thường do ban đầu phụ huynh không nghĩ trẻ mắc bệnh tay chân miệng, chỉ nghĩ đó là các bệnh viêm da thông thường.

Do tình hình diễn biến của dịch COVID-19, phụ huynh thường theo dõi bệnh tại nhà và tham khảo các kênh truyền thông mạng. Tuy nhiên, những thông tin này không thể chính xác bằng các nhân viên y tế kiểm tra và tư vấn trực tiếp cho các bé.

Chính vì vậy, khi bệnh nhi trở nặng, phụ huynh mới đưa con em mình đến bệnh viện. Đây là điều hết sức nguy hiểm. Các bậc phụ huynh nên lưu ý, khi thấy hoặc nghi ngờ trẻ có dấu hiệu bệnh tay chân miệng, phải nhanh chóng đến các cơ sở y tế khám để được chẩn đoán và hướng dẫn phương án xử lý tốt nhất.

Theo bác sĩ Quy, hiện Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã chuẩn bị một phòng riêng để khám về tay chân miệng. Riêng các trẻ nằm viện điều trị, bệnh viện đang có 4 phòng để hỗ trợ các bệnh nhi. Tình trạng quá tải vẫn chưa xuất hiện, nhưng đã có rất nhiều lời cảnh báo đến từ các bác sĩ khi nhận thấy bệnh đang có chiều hướng gia tăng nhanh chóng.

Khoa nhiễm đã mở rộng tất cả các phòng trong khoa để thực hiện cách ly bệnh nhi tay chân miệng một cách triệt để. Đồng thời chuẩn bị phòng cấp cứu để nhận các ca tay chân miệng nặng, nhằm tạo điều kiện tốt nhất để chăm sóc cho bệnh nhi.

Bác sĩ Quyn đang thăm khắm cho một trẻ, ở những trẻ bệnh nặng, bệnh nhi phải thường xuyên được kiểm tra huyết áp
Bác sĩ Quy đang thăm khám cho một trẻ, ở những trẻ bệnh nặng, bệnh nhi phải thường xuyên được kiểm tra huyết áp

“Những bệnh nhi trên 3 tuổi cũng có dấu hiệu nặng, đây là điều khác thường vì trước đây, bệnh này chỉ rơi vào các trẻ dưới 3 tuổi. Đây có thể là do bệnh nhân sau khi cách ly COVID-19 thì hệ miễn dịch đã giảm xuống đáng kể (mất dần hệ miễn dịch cộng đồng).

Số ca bệnh nặng chiếm đến 1/4 số ca nhập viện, đây là con số rất lớn. Nếu so với những năm trước, số ca nhập viện không  nhiều, nhưng đây là năm những ca nặng chiếm tỷ lệ nhiều hơn những năm trước đây”, Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết thêm.

Dù số ca nhập viện điều trị bệnh tay chân miệng tăng cao, nhưng Bệnh viện Nhi Đồng 1 vẫn chuẩn bị đủ phòng, giường bệnh cho bệnh nhi
Dù số ca nhập viện điều trị bệnh tay chân miệng tăng cao, nhưng Bệnh viện Nhi Đồng 1 vẫn chuẩn bị đủ phòng, giường bệnh cho bệnh nhi

 

Tam Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI