Bác sĩ thật đau đầu với bác sĩ dỏm

04/12/2024 - 06:06

PNO - Nhiều kẻ xấu giả mạo tên tuổi, hình ảnh của bác sĩ và bệnh viện uy tín để lập tài khoản cá nhân hoặc trang trên các trang mạng xã hội nhằm trục lợi, lừa đảo. Chúng còn cung cấp số điện thoại tư vấn miễn phí nhưng chủ yếu hù dọa bệnh nhân để dễ bề bán thực phẩm chức năng, thuốc trôi nổi gây nguy hiểm sức khỏe, tính mạng người bệnh, ảnh hưởng xấu đến uy tín của ngành y.

Tin bác sĩ dỏm, bỏ bác sĩ thật

Bị suy thận mạn tính, phải chạy thận nhân tạo nhiều năm nên khi vô tình xem được video người tự xưng là bác sĩ của một bệnh viện lớn ở TPHCM có thể điều trị tận gốc suy thận, anh N.K.P. - 35 tuổi, ở tỉnh Bình Dương - liền gọi đến số điện thoại do “bác sĩ” này cung cấp. Được “bác sĩ” Facebook này tư vấn nhiệt tình, gửi thuốc đến tận nhà với cam kết dùng trong 6 tháng sẽ hết bệnh với giá 20 triệu đồng, anh P. liền đồng ý.

Anh P. kể, mấy ngày đầu uống thuốc, anh cảm thấy đỡ đau nhức, mệt mỏi, ngủ ngon giấc nên rất tin tưởng. Theo hướng dẫn của “bác sĩ”, sau tuần thuốc đầu tiên, anh chỉ lọc máu 2 lần/tuần thay vì 3 lần thì cảm thấy hơi mệt nhưng vẫn chịu đựng được. Sang tuần tiếp theo, cũng theo chỉ dẫn, anh tạm ngưng chạy thận thì bị tăng huyết áp, khó thở, ngất xỉu, phải cấp cứu.

Bác sĩ của bệnh viện cho biết, đơn thuốc mà anh mua từ “bác sĩ” trên mạng chỉ có vitamin và lượng corticoid cao, giúp giảm đau nhanh chứ không có tác dụng điều trị suy thận. May là anh được phát hiện kịp, nếu không, sẽ rất nguy hiểm tính mạng. Anh P. liền gọi lại cho “bác sĩ” mạng, yêu cầu hoàn tiền thì được hứa hẹn sẽ chuyển khoản nhưng sau đó chặn số điện thoại, xóa tài khoản trên Facebook.

Bệnh viện Ung Bướu TPHCM cũng từng tiếp nhận nữ bệnh nhân mắc ung thư vú giai đoạn trễ do nghe theo lời “bác sĩ TikTok”. Theo bệnh nhân, do cảm thấy “bác sĩ” mạng nói đúng dấu hiệu bệnh lý của mình, hướng dẫn nhiệt tình nên chị tin tưởng, mua thuốc gia truyền của người này về uống.

Chị bỏ thuốc của bệnh viện, ngưng ăn thịt và các loại đậu, đồng thời nấu thuốc gia truyền uống, đắp xác thuốc vào khối u để “đánh bệnh”, triệt căn từ trong ra ngoài. Sau vài tháng uống thuốc gia truyền, khối u gây đau nhức, chảy dịch buộc chị phải nhờ người thân đưa đến bệnh viện. Nhưng lúc này, bác sĩ bệnh viện chỉ xử lý được nhiễm trùng, chăm sóc vết thương bởi khối u phát triển quá nhanh và di căn sang nhiều bộ phận.

Theo quy định của Bộ Y tế, y, bác sĩ không được phép bán thuốc trên mạng xã hội. Do đó, mọi đối tượng xưng danh là bác sĩ, nhân viên bệnh viện để bán thuốc trên mạng xã hội đều là giả mạo.

Cơ sở làm đẹp tạo logo giống với logo của Bệnh viện Quân y 175, gây nhầm lẫn cho người dân  - Ảnh chụp màn hình Facebook
Cơ sở làm đẹp tạo logo giống với logo của Bệnh viện Quân y 175, gây nhầm lẫn cho người dân - Ảnh chụp màn hình Facebook

Giả danh bệnh viện để “câu” người bệnh

Có nhu cầu làm đẹp, chị M.A. - 28 tuổi, ở quận Bình Thạnh, TPHCM - đến Viện thẩm mỹ 175 Sài Gòn nhờ tư vấn. Tại đây, một phụ nữ nói chị nên cắt mí mắt, hút mỡ ở bụng, hông, vai, eo. Cơ sở sẽ tặng phiếu giảm giá 50% nếu chị giới thiệu thêm bạn bè đến đây làm đẹp. Thấy chị chần chừ, người này thuyết phục rằng cơ sở thẩm mỹ này hợp tác với Bệnh viện Quân y 175 nên chị sẽ được bác sĩ ở bệnh viện này trực tiếp phẫu thuật, rồi liên tục yêu cầu chị đóng tiền cọc để được khuyến mãi.

Chị kể: “Lúc đó, có đến 2-3 người thuyết phục. Trước sức ép, tôi bèn đưa hết 3,5 triệu đồng mang theo cho họ, yêu cầu cắt mí mắt trước, còn các khâu khác phải do bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 làm. Đóng tiền xong, chủ cơ sở hẹn sáng hôm sau đến bệnh viện làm thủ thuật nhưng cứ dẫn tôi đi lòng vòng bên ngoài bệnh viện rồi vòng qua Viện thẩm mỹ 175 Sài Gòn, ép tôi lên phòng thủ thuật. Tôi sợ quá, giả vờ đi vệ sinh rồi chạy ra ngoài”.

Đại tá Nguyễn Văn Tuấn - Chủ nhiệm chính trị của Bệnh viện Quân y 175 - khẳng định, bệnh viện này không hợp tác với Viện thẩm mỹ 175 Sài Gòn. Ông cho biết thêm, nhiều cá nhân, tổ chức đã mạo danh 175 để lập trang trên mạng xã hội Facebook quảng bá cho phòng khám tư, cơ sở thẩm mỹ, như “Viện thẩm mỹ 175”, "Bệnh viện 175", “Phẫu thuật thẩm mỹ 175”… Các trang này gắn logo gần giống với logo của Bệnh viện Quân y 175, sao chép nội dung, ăn cắp hình ảnh của bệnh viện để đăng bài, thậm chí mạo danh bác sĩ của bệnh viện để trục lợi. Phía bệnh viện đã nhiều lần cảnh báo việc giả mạo này nhưng số tài khoản giả mạo quá nhiều, vừa dẹp được trang này lại “mọc” lên 2-3 trang khác với cách thức hoạt động tương tự.

Một fanpage giả mạo  bác sĩ Chuyên khoa  Tạo hình thẩm mỹ  của Bệnh viện Chợ Rẫy  - Ảnh do Bệnh viện  Chợ Rẫy cung cấp
Một fanpage giả mạo bác sĩ Chuyên khoa Tạo hình thẩm mỹ của Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh do Bệnh viện Chợ Rẫy cung cấp

Một số bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Đại học y dược TPHCM cũng bị mạo danh để quảng cáo cơ sở thẩm mỹ, khám chữa bệnh. Không ít phòng khám tư nhân tự ý đặt tên cơ sở mình là bệnh viện và ngang nhiên ghi từ này trên bảng hiệu, gây nhầm lẫn cho người dân trong việc lựa chọn dịch vụ y tế.

Sở Y tế TPHCM đã kiến nghị các bộ, ngành liên quan xem xét, bổ sung quy định pháp lý về việc đặt tên cơ sở y tế nhằm khắc phục tình trạng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ phòng khám nhưng sử dụng danh nghĩa bệnh viện. Trong thời gian chờ bổ sung, điều chỉnh các quy định liên quan, Sở Y tế TPHCM đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, các phòng kinh tế, tài chính và kế hoạch của các quận, huyện siết chặt quy trình thẩm định và từ chối cấp phép đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cơ sở khám, chữa bệnh đăng ký tên không đúng với hình thức tổ chức được quy định tại khoản 1, điều 48, Luật Khám bệnh, Chữa bệnh.

Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TPHCM - nói: “Cụ thể, chúng tôi đề nghị không cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với tên “bệnh viện” cho các doanh nghiệp có ngành hoạt động không phải là bệnh viện; đề nghị các doanh nghiệp tư nhân đã đăng ký tên cơ sở của mình là “bệnh viện” thì điều chỉnh tên gọi nếu phạm vi hoạt động không đầy đủ như một bệnh viện”.

Theo Thanh tra Sở Y tế TPHCM, có khoảng 184 doanh nghiệp tư nhân ở TPHCM đăng ký cấp giấy chứng nhận kinh doanh với Sở Kế hoạch và Đầu tư với tên gọi “bệnh viện”. Dựa vào đó, nhiều doanh nghiệp đã treo bảng hiệu “bệnh viện” và cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh.

Cảnh giác với chiêu trò tư vấn sức khỏe qua mạng

Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa phát cảnh báo về tình trạng lừa đảo dưới hình thức các nhóm kín “tư vấn sức khỏe” trên mạng xã hội Facebook, Zalo. Thực chất, đây là những nhóm bán thuốc giả hoặc thuốc không rõ nguồn gốc.

Cơ quan này khuyến cáo, người dân cần thận trọng với các dịch vụ khám, chữa bệnh, bán thuốc trên mạng xã hội; cần kiểm tra kỹ thông tin về bác sĩ và cơ sở y tế, xác minh qua website của các cơ quan y tế uy tín hoặc từ nguồn đáng tin cậy trước khi sử dụng dịch vụ. Nếu có nhu cầu khám, chữa bệnh, người dân nên đến các bệnh viện hoặc cơ sở y tế được cơ quan chức năng cấp phép để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, người dân chỉ nên sử dụng các nền tảng khám chữa bệnh online chính thống, được cấp phép và có hệ thống kiểm tra danh tính bác sĩ rõ ràng. Trong trường hợp nghi ngờ mình bị lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết.

Ý kiến:

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - cố vấn chuyên môn, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM): Bác sĩ nên làm truyền thông về sức khỏe


Những bác sĩ giỏi, có uy tín sẽ mang đến hiệu quả cao trong truyền thông về sức khỏe, giúp người dân tiếp cận thông tin về sức khỏe chính xác, nhanh chóng, phòng ngừa bệnh tật, nâng cao nhận thức về các bệnh lý, phản bác các tin đồn hoặc thông tin sai lệch.

Trước đây, tôi từng bị mạo danh rất nhiều, nhưng khi đã có tiếng trên mạng xã hội thì đa số người theo dõi trang cá nhân của tôi không còn bị lừa tiền nữa bởi khi thấy tôi rao bán thuốc, thực phẩm chức năng trên YouTube, TikTok, họ đều nhắn tin hỏi lại tôi trước khi mua thuốc. Tất nhiên, những tài khoản này đều là giả mạo bởi tôi không quảng cáo, không bán bất cứ mặt hàng nào.

Hiện nay, tôi hầu như chỉ sử dụng Facebook để thông tin, giải đáp thắc mắc về sức khỏe cho mọi người. Khi bác sĩ làm truyền thông, chỉ nên nói những gì liên quan đến chuyên môn của mình để thông tin được chính xác.

Thạc sĩ Đỗ Thị Nam Phương - phụ trách Trung tâm Truyền thông, Bệnh viện Đại học y dược TPHCM: Các bệnh viện không nên xem nhẹ truyền thông


Các phương tiện, nền tảng số đang tạo ra những môi trường giao tiếp mới trong xã hội, là cơ hội để các bệnh viện chủ động chia sẻ kiến thức y khoa, nâng cao nhận thức cộng đồng, thay đổi hành vi và thói quen để phòng ngừa bệnh tật. Các nền tảng mạng xã hội là phương tiện để bệnh viện và bác sĩ tiếp cận, tương tác với lượng người dùng khổng lồ, dễ dàng tiếp nhận cũng như phản hồi ý kiến của bệnh nhân, từ đó lan tỏa thông tin y tế chính xác, kịp thời và hiệu quả đến cộng đồng.

Nắm được điều này ban giám đốc, bác sĩ của Bệnh viện Đại học y dược TPHCM đã và đang tham gia hoạt động truyền thông về sức khỏe trên các nền tảng mạng như Facebook, YouTube, TikTok. Bệnh viện cũng đã xây dựng các chương trình hỗ trợ bác sĩ chia sẻ kiến thức một cách hiệu quả, chuyên nghiệp, cân bằng giữa thực hành y khoa và truyền thông, giúp bác sĩ tự tin, truyền đạt thông tin, kiến thức y khoa một cách chính xác, dễ hiểu. Khi làm tốt công tác truyền thông, bệnh viện mới hạn chế được các thông tin sai sự thật, vạch trần được những trường hợp mạo danh.

Ông Lê Văn Nghiêm - Phó chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông: Bác sĩ không nên quảng cáo, bán hàng


Các bệnh viện nên tăng cường truyền thông về y tế để chia sẻ các thông tin đúng đắn đến cộng đồng, hạn chế tình trạng mạo danh để trục lợi. Khi xuất hiện trên mạng xã hội, bác sĩ cần phát ngôn đúng lĩnh vực chuyên môn của mình, tránh “đá nhầm sân”. Khi tư vấn sức khỏe, bác sĩ chỉ nên cung cấp kiến thức y khoa, không nên nói theo đơn đặt hàng để quảng bá sản phẩm, xúi người ta mua sản phẩm, nhất là thực phẩm chức năng. Tóm lại, việc truyền thông của bác sĩ, bệnh viện cần phải chuẩn mực.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI