Bác sĩ tâm thần Jun Mee Kyung: "Chúng ta định hình nên cuộc sống bằng ý chí và mục tiêu”

30/06/2024 - 08:09

PNO - Jun Mee Kyung viết sách theo quan điểm con người tạo dựng và định hình nên cuộc sống của họ bằng ý chí và mục tiêu. Theo bà, quan trọng và cần thiết nhất để thoát khỏi quá khứ là bạn phải nhận thức rõ cuộc sống của mình đã bị quá khứ chi phối, chèo kéo thế nào và hình thành mong muốn mãnh liệt thoát khỏi nó.

Jun Mee Kyung đặc biệt yêu mến những người trẻ. Vì thế, có thể xem 2 cuốn sách mới nhất của bà - Thôi làm tổn thương mìnhVì bạn mạnh mẽ hơn bạn nghĩ - là món quà bà dành tặng những người trẻ, không chỉ tại Hàn Quốc mà còn ở nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam.

Chia sẻ với độc giả Việt Nam
Chia sẻ với độc giả Việt Nam

Trước khi 2 quyển sách này tạo thành cơn sốt với 120.000 bản bán chạy tại Hàn Quốc và Thái Lan, bà đã là tác giả của nhiều đầu sách quen thuộc khác, như: Tình yêu của bạn giống như bạn, Giảng dạy nhân văn học trên đường tan sở. Bà còn góp phần hiệu đính cho những cuốn sách về vấn đề tâm lý của trẻ em như: Không sao, không sao đâu; Từ điển cảm xúc dành cho trẻ...

Theo Jun Mee Kyung, sách là phương tiện hữu hiệu giúp nâng cao nhận thức cộng đồng về các vấn đề tâm lý, tâm thần. Do đó, cách viết của bà không sa đà vào các khái niệm khó hiểu mà được diễn giải dễ hiểu bằng những mô tả, ví dụ sinh động từ những điều bà quan sát và ghi nhận trong quá trình tiếp xúc với bệnh nhân.

Không chỉ yêu thích viết lách, với Jun Mee Kyung, viết cũng là cách bà xoa dịu những tổn thương của bản thân. Bà nói rằng những gì bà viết trong cuốn Vì bạn mạnh mẽ hơn bạn nghĩ là lời tâm tình bà dành cho bản thân tại thời điểm đó khi cha mẹ bà qua đời.

Việc soi chiếu lại quá khứ khiến cuộc sống của bà trở nên ảm đạm, đầy dằn vặt, mất định hướng. Đó cũng là lúc bà nhận thấy càng phải viết, không chỉ cho bản thân mà còn cho những bệnh nhân khác - những người luôn bị đeo bám bởi cái bóng của quá khứ.

Bà đã dành cho Phụ nữ Chủ nhật những chia sẻ sâu sắc và đầy bổ ích trong lần đến Việt Nam.

Bài học giá trị nhất là hiểu rõ bản thân

Phóng viên: Thôi làm tổn thương mình và Vì bạn mạnh mẽ hơn bạn nghĩ - 2 cuốn sách mới nhất của bà - đã bán được hơn 120.000 bản tại Hàn Quốc, Thái Lan và nhận được sự quan tâm của nhiều độc giả Việt Nam. Điều đó có khiến bà cảm thấy bất ngờ, không chỉ vì số lượng sách được bán ra mà còn vì đã tìm được “phương thuốc” hiệu quả cho nhiều người?

Bác sĩ Jun Mee Kyung: Tôi nghĩ 2 quyển sách của mình được đón nhận vì tôi đã đề cập đến những khái niệm vốn được hiểu theo hướng truyền thống qua một cách mới hơn.

Trước khi 2 quyển sách này tạo thành cơn sốt với 120.000 bản bán chạy tại Hàn Quốc và Thái Lan, bác sĩ Jun Mee Kyung đã là tác giả của nhiều đầu sách quen thuộc
Trước khi 2 quyển sách này tạo thành cơn sốt với 120.000 bản bán chạy tại Hàn Quốc và Thái Lan, bác sĩ Jun Mee Kyung đã là tác giả của nhiều đầu sách quen thuộc

Ở cuốn Thôi làm tổn thương mình, tôi nhắc đến khái niệm lòng tự trọng. Thông thường, người ta đánh giá lòng tự trọng của một người qua góc nhìn, tiêu chuẩn của những người xung quanh. Cuốn sách của tôi đưa khái niệm này trở về nguyên bản của nó, là sự đánh giá chủ quan của một cá nhân về giá trị của họ, từ đó soi chiếu khái niệm ra đời sống hiện đại. Những người có lòng tự trọng trưởng thành là người có được sự tự do, thoát khỏi 2 chủ đề khó khăn mang tên “quá khứ” và “người khác”.

Với cuốn Vì bạn mạnh mẽ hơn bạn nghĩ, tôi đề cập đến phương pháp thoát khỏi những tổn thương trong quá khứ. Hầu hết các tài liệu tâm lý đều tuân theo lý thuyết căn nguyên, nhấn mạnh việc ai đó không hạnh phúc ở hiện tại là do phải chịu đựng những tổn thương, bất hạnh trong quá khứ. Cuốn sách của tôi đi theo hướng “mục đích luận”, với quan điểm con người tạo dựng và định hình nên cuộc sống của họ bằng ý chí và mục tiêu.

* Trong sách, bà có nhắc đến khái niệm “cái tôi giả tạo” và “lòng tự trọng giả tạo”. Nên hiểu 2 khái niệm đó như thế nào? Có thể xem “cái tôi giả tạo” là căn bệnh của thời đại khi mạng xã hội và công nghệ bùng nổ?

- Có thể hiểu đó là đặt áp lực lên “cái tôi” và “lòng tự trọng” - những yếu tố được người khác nhìn thấy và có thể đánh giá. 2 khái niệm trên tương tự với việc phân loại tính cách tâm lý mà nhà tâm thần học người Thụy Sĩ Carl G.Jung giải thích. Nó không phải là hệ thống phân tích, cũng không phải là cách để “dán nhãn” cái tôi. Nó là một công cụ tâm lý định hướng mỗi bản thể trong thế giới thực tại.

Jun Mee Kyung hiện là bác sĩ chuyên khoa sức khỏe tâm thần, Giám đốc Phòng khám Sức khỏe Tâm thần Goodmorning, giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Dan Kook (Hàn Quốc). Nhờ kiến thức và kinh nghiệm sâu sắc về các vấn đề sức khỏe tinh thần ở người trẻ, bà còn là người hướng dẫn tinh thần của nhiều bệnh nhân trẻ tuổi.
Jun Mee Kyung hiện là bác sĩ chuyên khoa sức khỏe tâm thần, Giám đốc Phòng khám Sức khỏe Tâm thần Goodmorning, giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Dan Kook (Hàn Quốc). Nhờ kiến thức và kinh nghiệm sâu sắc về các vấn đề sức khỏe tinh thần ở người trẻ, bà còn là người hướng dẫn tinh thần của nhiều bệnh nhân trẻ tuổi.

Trong cuộc sống hằng ngày, mỗi người đều có nhiều “cái tôi” khác nhau. Việc chọn “cái tôi” phù hợp với hoàn cảnh, bối cảnh xã hội là vô cùng cần thiết. Chẳng hạn, “cái tôi” của mỗi chúng ta ở nhà và trong công ty rất khác nhau phải không? Vấn đề chỉ xảy ra khi “cái tôi” đó trở nên phụ thuộc vào việc tạo ra những hình ảnh hoàn hảo về bản thân để thu hút sự chú ý, để được yêu mến hoặc được sự chấp nhận từ người khác. Và tiếp tục như thế, đến một lúc nào đó, chúng ta không biết mình thực sự là ai, cần gì.

Rõ ràng, sự trợ giúp của công nghệ và mạng xã hội đã giúp con người thể hiện được các phiên bản cá nhân khác nhau, từ ngoại hình, lối sống hằng ngày cho đến những vấn đề sâu sắc hơn như niềm tin, suy nghĩ, cảm xúc. Tuy nhiên, chính những áp đặt từ mạng xã hội đã khiến nhiều cá nhân trở thành một phiên bản được tô vẽ, chỉnh sửa.

Ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy người trẻ đang lựa chọn lối sống dựa trên kỳ vọng của xã hội với động cơ được chấp nhận, được tôn trọng, được thuộc về những yếu tố bên ngoài, thay vì thực sự mong muốn sống thật với cái tôi bên trong, với sở thích của họ. Sự không phù hợp giữa mong muốn và thực tế gây tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần và cảm nhận hạnh phúc của họ.

* Từ kinh nghiệm và quan sát của bà, còn những nguyên nhân nào khiến người trẻ ngày nay dễ rơi vào khủng hoảng tâm lý?

- Họ phải cạnh tranh gay gắt hơn trước sự thay đổi của thế giới và công việc. Bên cạnh đó, trong quá trình giúp bệnh nhân trị liệu, tôi nhận ra nhiều bệnh nhân có thói quen so sánh bản thân với người khác, luôn thấy mình thua kém người khác. Với sự phát triển của các nền tảng mở, mỗi ngày mỗi giờ người trẻ quan sát, “thấy” được những “tấm gương”, những cá nhân giỏi hơn, xinh đẹp hơn qua các thông tin, thành tích được chia sẻ trên mạng xã hội.

Việc so sánh bản thân với người khác lâu dần sẽ đẩy bạn vào cảm xúc tiêu cực, tự ti. Thay vì thế, hãy rèn luyện suy nghĩ tích cực về khả năng của bản thân; cải thiện khả năng phán đoán của bản thân, nhận thức rõ năng lực đang có và thực hiện những công việc trong khả năng, dần dần nâng cao năng lực. Việc hiểu rõ bản thân giúp chúng ta không tự mãn hoặc tự tin quá mức dựa trên sự lừa dối bản thân, bởi nó là “lòng tự trọng giả tạo”.

Những gì đã qua hãy cho qua

* Tại Hàn Quốc, việc một người đang gặp vấn đề tâm lý có dễ dàng được họ thừa nhận, chia sẻ? Đâu là những vấn đề bà thường thấy ở các bệnh nhân của mình?

- Trước đây, người bệnh thường lẩn tránh các vấn đề tinh thần họ đang đối mặt. Tuy nhiên, gần đây, họ dễ dàng thừa nhận hơn các vấn đề gặp phải, nhờ vào tác động của các phương tiện truyền thông, sự tích cực của các bác sĩ tâm thần qua sách vở, ti vi hoặc YouTube.

Bác sĩ Jun Mee Kyung ký tặng sách cho các bạn trẻ Việt Nam
Bác sĩ Jun Mee Kyung ký tặng sách cho các bạn trẻ Việt Nam

Hầu hết bệnh nhân của tôi thường gặp các vấn đề tâm lý như chứng bất an, căng thẳng, lo âu hoặc trầm cảm… Không ít người trong số họ trải qua quá trình trị liệu nhưng tình trạng không tốt lên được. Điều này khiến tôi luôn suy nghĩ, làm sao có thể giúp họ cải thiện vấn đề đang mắc phải. Quanh phòng khám của tôi có 5 trường đại học, vì thế hơn 60% bệnh nhân của tôi ở độ tuổi 20-30. Một lý do khác là vì tôi thích được gặp gỡ người trẻ, lắng nghe và giúp đỡ họ.

* Luôn có lời khuyên hãy dũng cảm đối mặt với quá khứ. Vậy khi không thể nhìn thẳng vào quá khứ và đối mặt với những tổn thương đã xảy ra, người bệnh có thể làm gì?

- Chúng ta không thể tránh khỏi những lúc có sự dằn vặt trong quá khứ. Tuy nhiên, càng đào bới, bạn sẽ càng bất an, khổ sở hơn. Lâu dần, bạn sẽ đánh mất khả năng tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống hiện tại và tương lai.
Bạn có thể khơi gợi, nhớ lại những trải nghiệm trong quá khứ. Đó là cách để biết được những gì bạn đã trải qua, chịu đựng.

Nó đã ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống hiện tại? Nhưng, chỉ một lần rồi thôi. Sau đó, hãy dũng cảm bước ra bắt đầu một cuộc sống khác. Những gì đã qua hãy cho qua. Bởi nếu cứ gặm nhấm những thương tổn đó và liên kết với cuộc sống hiện tại, mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn.

Rất nhiều người không có cái nhìn khách quan về quá khứ của họ. Trong những trường hợp như vậy, họ bị ảnh hưởng bởi tác động từ những gì xảy ra trong quá khứ. Chẳng hạn, khi còn nhỏ họ bị cha mẹ bạo hành và trong suy nghĩ của họ, cha mẹ là người xấu. Bạn không thể đánh giá tình hình một cách khách quan khi cứ mãi tự trách mình hay đổ lỗi cho người khác. Nó sẽ trở thành rào cản để bạn sống ý nghĩa hơn. Những gì bạn đang đối diện ở hiện tại và cách bạn ứng xử với chúng sẽ quyết định những tổn thương quá khứ có được chữa lành hay không.

* Bà nhấn mạnh “những gì đã qua hãy cho qua”. Nghe có vẻ nhẹ nhàng nhưng thực tế, không phải ai cũng làm được. Cần rèn luyện những kỹ năng nào để thực hiện điều này?

- Tôi chỉ có một lời khuyên: hãy sống có chủ đích, có mục tiêu ngay lúc này, cho hiện tại. Những người bị quá khứ đeo bám thường tự động quay về quá khứ dẫu họ đang sống trong hiện tại. Họ nhớ lại những trận đòn của cha mẹ, những lời nói xấu, miệt thị, làm tổn thương họ về thể xác lẫn tinh thần. Ký ức đó mạnh mẽ đến mức họ như đang một lần nữa trải qua suy nghĩ và cảm giác tồi tệ lúc ấy. Đây là trải nghiệm thường xuyên của những người từng bị quá khứ làm tổn thương.

Do vậy, cách duy nhất để bỏ lại quá khứ là sống cho lúc này, tập trung và biết ơn những gì đang diễn ra ở hiện tại. Chẳng hạn như vị cà phê bạn đang uống, lời bạn bè đang chia sẻ, bộ phim bạn đang xem và vô vàn điều thú vị ở hiện tại. Quan trọng và cần thiết nhất để thoát khỏi quá khứ là họ phải nhận thức rõ cuộc sống của họ đã bị quá khứ chi phối, chèo kéo thế nào và hình thành mong muốn mãnh liệt thoát khỏi nó.

* Có những cá nhân tạm quên quá khứ bằng cách lao vào làm việc hoặc theo đuổi một điều gì đó. Đây có phải là giải pháp?

- Đó là một lối thoát tạm thời nhờ đến một loại hành vi khác, không phải là giải pháp cơ bản. Những tổn thương trong quá khứ sẽ không tan biến trong sự bận rộn mà kéo theo những vấn đề khác, trong những cách hành xử khác nhau. Nó khiến tổn thương càng sâu hơn, thậm chí làm tổn thương người khác và vắt kiệt cơ thể bạn.

* Vậy, để thay đổi, những cá nhân này nên bắt đầu từ đâu?

- Chỉ cần nhớ một nguyên tắc: tôn trọng chính mình và tôn trọng người khác. Rất nhiều người quên đi nguyên tắc đó. Không thể có chỉ dẫn riêng cho từng người cách thực hành trong một hoàn cảnh nhất định bởi lẽ có quá nhiều tình huống xảy ra hằng ngày trong mối quan hệ giữa người với người. Do đó, sống có trách nhiệm, có đạo đức và sống theo quan điểm sống của mình là điều quan trọng nhất.

Đọc thôi chưa đủ, cần phải thực hành

* Bà khuyến khích đọc sách giấy và nghiền ngẫm để có thể nhìn sâu vào bên trong và vun đắp sức mạnh nội tại của mỗi người. Liệu điều này có cực đoan và chủ quan khi mỗi người là mỗi bản thể khác nhau và có những vấn đề khác nhau?

- Đọc sách và nghiền ngẫm để nhìn sâu vào bên trong là điều nên làm đối với bất kỳ ai. Tôi không cực đoan việc đọc nhưng rõ ràng, đó là phương thức đầu tiên để mỗi cá nhân bổ sung, nâng cao kiến thức cũng như gia tăng sự hiểu biết và vun đắp sức mạnh nội tại. Sẽ có những thời điểm, bạn không biết mình muốn gì, mình là ai thì việc dừng lại, đọc, nghiền ngẫm có thể mở ra cho bạn những cách nhìn mới.

Ngày nay, thói quen đọc sách đang dần rơi rớt vì trước sự phát triển của internet và công nghệ, người ta đã quen với văn hóa hình ảnh, chuộng những sản phẩm qua màn ảnh, chẳng hạn như YouTube. “Đọc” qua màn ảnh cũng tốt nhưng nó không rèn được trí tưởng tượng, kích thích tư duy. Vì thế, sức mạnh tư duy bằng suy nghĩ sẽ thụt lùi.

Tất nhiên, đọc thôi chưa đủ. “Học phải đi đôi với hành”. Cần bắt tay vào thực hành sau khi đọc và rèn luyện với những gì đã đọc được. Thực tế cho thấy rất nhiều người đọc nhiều nhưng lại không thực hành hoặc thực hành thiếu kỷ luật. Như vậy, cuộc sống chẳng thể tốt hơn hoặc thay đổi tích cực.

* Là bác sĩ tâm thần, ngoài việc viết, khi gặp khủng hoảng, bà thường làm gì? Đã có thời điểm nào bà cảm thấy bản thân rơi vào trạng thái phải vui vẻ, phải tỏ ra mình ổn và hạnh phúc chỉ vì mình là “bác sĩ tâm thần”?

- Tôi luôn có thời gian riêng cho mình. Những lúc ấy, tôi tập thể dục, đọc sách, xem phim hoặc uống vài ly. Tôi tin rằng những người có thể dành thời gian một mình thường sở hữu nội lực rất lớn.

Tôi không cố tỏ ra vui vẻ hay ngụy trang hạnh phúc vì mình là bác sĩ tâm thần. Tôi có vai trò và hành xử đúng mực khi là chuyên gia trong lĩnh vực của mình. Tuy nhiên, điều đó không đồng nhất giữa tôi trong sự nghiệp và tôi trong đời sống thường nhật.

Đó là 2 bản thể hoàn toàn khác nhau. Tôi là người sống nội tâm, thích ở một mình, dành sự quan tâm lớn nhất cho gia đình và đặc biệt yêu thích viết lách.

* Cảm ơn bác sĩ đã chia sẻ.

Thư Hiên (thực hiện) - Nguồn ảnh: Saigon Books

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI