Bác sĩ Sri Lanka buộc phải đưa ra quyết định bệnh nhân nào sẽ được điều trị

10/04/2022 - 19:02

PNO - Các bác sĩ Sri Lanka bị buộc phải đưa ra quyết định bệnh nhân nào sẽ được điều trị khi nguồn cung cấp thuốc thiết yếu đang ở mức báo động, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế trầm trọng.

Sri Lanka đang rơi vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng khi không còn ngân sách để trả cho hàng nhập khẩu, bao gồm cả vật tư y tế. Quỹ Tiền tệ quốc tế cảnh báo, chính phủ Sri Lanka nợ nước ngoài 35 tỷ USD và có khả năng vỡ nợ không xa.

Tiến sĩ Minoli de Silva, làm việc tại khoa cấp cứu của một bệnh viện ở tỉnh miền Tây của Sri Lanka, cho biết các bác sĩ đang phải lựa chọn để điều trị cho bệnh nhân. "Trong bệnh viện của tôi, chỉ còn 10 lọ thuốc thiết yếu được sử dụng để điều trị đau tim và đột quỵ. Vì vậy, bây giờ chúng tôi phải xem xét các yếu tố như độ tuổi và tình hình sức khỏe của bệnh nhân để xem ai có cơ hội sống sót cao hơn trước khi đưa ra quyết định bắt đầu điều trị. Nếu có hai bệnh nhân, chúng tôi có thể phải chọn điều trị cho một trong số họ", bác sĩ de Silva cho biết.

Hôm 8/4, một số bác sĩ (giấu tên) xác nhận, một bệnh nhân mắc bệnh tim đã qua đời tại Bệnh viện Colombo do bệnh viện không có sẵn thuốc.

Các bác sĩ thực hiện một ca phẫu thuật sử dụng đèn pin khẩn cấp tại Bệnh viện Base ở Elpitiya, tỉnh phía Nam của Sri Lanka - Ảnh: Twitter
Các bác sĩ tại Bệnh viện Base ở Elpitiya, một tỉnh phía Nam của Sri Lanka, sử dụng đèn pin thực hiện một ca phẫu thuật khẩn cấp - Ảnh: Twitter

Tuần này, Hiệp hội Cán bộ y tế chính phủ (GMOA) đã ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe khi mọi thứ thiết yếu đã cạn kiệt. Nhóm cho biết, cùng với việc nguồn cung cấp y tế giảm, việc cắt điện hàng ngày và thiếu nhiên liệu trên khắp đất nước đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác chăm sóc sức khỏe.

Mới đây, Hiệp hội Y tế Sri Lanka cũng đã gửi một lá thư cho Tổng thống Gotabaya Rajapaksa cho biết các bệnh viện đã cắt giảm các dịch vụ như phẫu thuật thông thường và hạn chế sử dụng các nguồn lực để điều trị cho các bệnh nhân bị đe dọa tính mạng. "Trừ khi nguồn cung cấp khẩn cấp được bổ sung trong vòng vài tuần, nếu không, việc điều trị khẩn cũng sẽ không thể thực hiện được nữa. Điều này dẫn đến việc sẽ có nhiều người phải chết một cách thảm khốc”, trích từ bức thư.

Tiến sĩ Senal Fernando, thư ký GMOA cho biết, hiệp hội đang cầu xin chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe và "dành ưu tiên cho lĩnh vực y tế khi phân bổ ngân sách”.

Các nhân viên y tế của chính phủ Sri Lanka biểu tình bên ngoài một bệnh viện ở Colombo. Các tổ chức y tế chuyên nghiệp đang cảnh báo rằng mọi người sẽ tử vong vì việc cấp cứu sẽ không sớm được thực hiện nếu thuốc và thiết bị không được nhận khẩn cấp. Ảnh: AP
Các nhân viên y tế Sri Lanka biểu tình bên ngoài một bệnh viện ở Colombo, các tổ chức y tế chuyên nghiệp cảnh báo rằng sẽ có nhiều người tử vong vì không được cấp cứu kịp thời - Ảnh: AP

Đối với bác sĩ Gayani Liyanarachchi, một trong những cái giá phải trả cho việc ngừng hành động chính thức là việc thiếu antivenin tại Bệnh viện cơ sở Padaviya ở quận Anuradhapura, nơi thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân bị rắn độc cắn. Ông cho biết thêm, các cơ sở y tế cũng cần dự trữ một loại thuốc thiết yếu để điều trị cho những bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim.

Ngoài ra, việc di chuyển bệnh nhân cũng có nguy cơ chậm trễ khi xe cấp cứu đang gặp khó khăn bởi tình trạng thiếu nhiên liệu. Bác sĩ de Silva cho biết: “Tôi đã từng chứng kiến ​​những bệnh nhân lên cơn đau tim, cần được xử trí chuyên khoa khẩn cấp mà lẽ ra không cần vì họ đi cấp cứu bằng xe tuk-tuk do xe cấp cứu hết nhiên liệu”.

Trong một số trường hợp, các bác sĩ đôi khi phải dùng đèn pin hoặc đèn của điện thoại di động để thực hiện các ca phẫu thuật do bị cắt điện hoặc máy phát điện gặp sự cố. Hình ảnh của những ca phẫu thuật này đã được chia sẻ trên mạng xã hội.

Các bác sĩ tại một bệnh viện ở tỉnh phía Bắc hầu như không thể đối phó với tình trạng cắt điện hiện nay, họ lo lắng sẽ phải tự xoay xở nếu tình trạng mất điện kéo dài, đặc biệt là ở khu chăm sóc trẻ đặc biệt, nơi một số trẻ em đang phải phụ thuộc vào máy thở. Họ nói: “Mỗi giây đều quan trọng đối với một bệnh nhân được thở oxy".

Các bác sĩ cho biết thêm, các bệnh viện trên toàn quốc đang cạn kiệt dung dịch muối, thuốc gây mê, hóa chất để xét nghiệm và các vật dụng khác. Trong khi đó, các cuộc phẫu thuật thông thường sẽ phải giảm bớt khi thuốc thiết yếu cũng không còn.

Đối với tiến sĩ bác sĩ Rukshan Bellana, chủ tịch của Tổng công đoàn Sĩ quan y tế, một cơ quan khác đại diện cho các bác sĩ của đất nước, toàn bộ tình hình đã nói lên tình trạng quản lý chung của đất nước và sự kém cỏi của Bộ Y tế. “Ngay cả khi một quốc gia phá sản, vẫn có các tổ chức như Tổ chức Y tế Thế giới đến giải cứu. Nhưng chúng tôi đang bị mắc kẹt trong thảm họa này bởi Bộ Y tế còn buông lỏng trong công tác quản lý. Họ không dự báo được tình hình và sớm đưa ra kế hoạch”, ông nói.

Thảo Nguyễn (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI