Bác sĩ sẽ phải học 7 năm, thi đỗ chứng chỉ mới được hành nghề

28/12/2016 - 19:02

PNO - Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ Y tế đã trình Chính phủ đề án thay đổi quy trình đào tạo nhân lực ngành y. Mô hình đào tạo nhân viên y tế sẽ thay đổi như thế nào?

Thay đổi đào tạo

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, việc đổi mới toàn diện hệ thống đào tạo nhân lực y tế với bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ đào tạo và sau đào tạo là cần thiết, bởi hiện nay, đang có sự chồng chéo, không rõ ràng trong việc đào tạo hàn lâm khoa học và hành nghề.

Theo kế hoạch, để đào tạo bác sĩ ra làm được việc thường phải có thời gian dài hơn. Sinh viên thi vào đại học ngành y vốn đã rất khó, họ phải học tiếp 4 năm sau đó. Có thể đi học 2 năm thạc sĩ, 3 năm tiến sĩ nếu đi theo hướng hàn lâm nghiên cứu.

Bac si se phai hoc 7 nam, thi do chung chi moi duoc hanh nghe
Sinh viên y khoa sẽ học hai hướng lâm sàng và hàn lâm.

Theo hệ lâm sàng, sinh viên ngành y học xong 4 năm sẽ học tiếp hai năm bác sĩ nội trú của ngành y. Kết thúc học 6 năm đại học lâm sàng, để có thể hành nghề được, cần có thêm 1 năm thực hành ở bệnh viện dưới sự dẫn dắt của bác sĩ. Tính ra, một bác sĩ muốn được hành nghề cần 7 năm học và phải trải qua kỳ thi lấy chứng chỉ hành nghề.

Sau đó, bác sĩ có thể lựa chọn hoặc học nội trú hoặc học chuyên khoa 1. Và thời gian này có thể kéo dài từ 3 đến 5 năm theo độ sâu chuyên khoa. Như vậy, sẽ có chuyên khoa lên tới 12 năm.

Cùng với đó, Bộ trưởng Tiến cho biết, sẽ đề nghị mức lương khởi điểm của bác sĩ phải cao hơn vì 7 năm học của sinh viên ngành y nếu bằng lương người học 4 năm là hoàn toàn không hợp lý. 7 năm cần có bậc lương cao hơn.

Hiện nay, đề án này đã được hội đồng giáo dục quốc gia đã đồng ý. Lúc đó, đào tạo ngành y sẽ có hai hướng rõ ràng: Tiến sĩ và bác sĩ chuyên khoa (một bên là hàn lâm lý thuyết, một bên là thực hành).

Để làm được điều này, Bộ trưởng Tiến cho rằng, các luật trong giáo dục đào tạo cần phải điều chỉnh theo.

Thay đổi cách bổ nhiệm giám đốc bệnh viện

Cách thức vận hành tự chủ các bệnh viện hiện có nhiều mức, từ tự chủ hoàn toàn cho tới tự chủ 1 phần. Hội đồng bệnh viện cần có hội đồng quản lý, hội đồng đó chọn ra giám đốc bệnh viện và Bộ Y tế ban hành tiêu chuẩn giám đốc bệnh viện, trung tâm y tế và các chức năng lãnh đạo khác. Việc bổ nhiệm, bình bầu phải trên tinh thần đổi mới.

Giám đốc bệnh viện ngoài chuyên môn ngành y cần học quản lý nhân sự, hạ tầng. Thực tế, hiện nay các giám đốc Bệnh viện đều từ chuyên môn giỏi lên, cùng lắm thêm chứng chỉ quản lý bệnh viện. Số còn lại, được đào tạo tài chính, quản trị kinh tế là rất ít.

Sắp tới, trong dự án tăng cường đào tạo với sự hợp tác của các tổ chức quốc tế, đào tạo đổi mới nhân lực cấp cao này, cần đào tạo hàn lâm, đào tạo quản trị bệnh viện, quản trị cơ sở.

Theo Ph.Thúy (Infonet)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI