Bác sĩ Sài Gòn hội chẩn qua điện thoại từ sáng tới khuya cứu thiếu niên thoát cửa tử đeo bám

01/11/2019 - 13:10

PNO - Mắc sốt xuất huyết quá nặng, em P. bị suy thận, suy gan, chảy máu tiêu hóa,... không thể chuyển lên tuyến trên, tiên lượng gần như tử vong. Các bác sĩ buộc phải hội chẩn từ xa, cứu em thoát cửa tử một cách ngoạn mục.

Suýt tử vong sau 4 ngày bị sốt xuất huyết

Ngày 4/8, em B.T.P. (14 tuổi, ở huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) được người nhà đưa đến Trung tâm Y tế huyện Xuyên Mộc điều trị do sốt cao liên tục, uống thuốc nhiều ngày không thuyên giảm.

Bác sĩ chẩn đoán em bị sốt xuất huyết Dengue và chỉ định nhập viện điều trị. Tuy nhiên, bất ngờ bệnh của P. diễn tiến nặng gây sốc sốt xuất huyết nên được truyền dịch chống sốc, chuyển đến Bệnh viện Bà Rịa cấp cứu.

Nhận thấy tình trạng em P. quá xấu khi suy hô hấp, tổn thương gan thận, chảy máu tiêu hóa quá nhanh, có thể tử vong bất kỳ lúc nào nên không thể chuyển lên TP.HCM.

Bác sĩ Bệnh viện Bà Rịa lập tức thông báo, nhờ các bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM hội chẩn trực tuyến, hỗ trợ hồi sức, chống sốc tích cực, lọc máu khẩn cấp cho bệnh nhi.

Bac si Sai Gon hoi chan qua dien thoai tu sang toi khuya cuu thieu nien thoat cua tu deo bam
Bác sĩ Quang thăm khám cho em P.

Tối cùng ngày, P. qua cơn nguy kịch. Tuy nhiên, các cơ quan nội tạng bắt đầu chảy máu, rối loạn đông máu khiến em suy gan, suy thận, suy hô hấp. Tiên lượng có thể tử vong bất kỳ lúc nào.

Một lần nữa, qua các ứng dụng trên điện thoại, tiến sĩ - bác sĩ Phạm Văn Quang – Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc của Bệnh viện Nhi đồng 1 - hỗ trợ các bác sĩ tại Bệnh viện Bà Rịa lọc máu liên tục để cải thiện chức năng thận, thay huyết tương duy trì chức năng gan cho P., đợi đến khi tình trạng em ổn định sẽ đưa lên Sài Gòn điều trị.

Cũng trong thời gian này, P. bị suy ruột, mỗi lần nuôi dinh dưỡng, bụng em căng trướng, nôn ói liên tục, chảy máu toàn thân, rối loạn tri giác. Bác sĩ phải liên tục hồi sức, truyền huyết tương tươi, tiểu cầu, huy động cả gia đình đến bệnh viện nhằm dự phòng nguồn máu truyền nếu Bệnh viện Bà Rịa không đủ máu dự trữ.

Các bác sĩ "chuyền tay" cứu bệnh

Bác sĩ Phan Văn Thành – Phó giám đốc Bệnh viện Bà Rịa - cho biết: “Suốt 10 ngày nằm viện, bệnh của em P. liên tục có những chuyển biến bất ngờ, rối loạn đông máu nặng, nhiều lần ngưng tim, ngưng thở tưởng chừng không qua khỏi. Nhưng may mắn, dù bất kỳ thời gian sáng, tối, thậm chí đến khuya, các bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng 1 vẫn sẵn sàng hội chẩn qua ảnh chụp, clip mà chúng tôi cung cấp. 

Ngày 14/8, bệnh nhi ổn định trở lại và được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1. Phải nói đây là cuộc chiến rất ngoạn mục”.

Suốt chặng đường chuyển viện, bác sĩ của Bệnh viện Bà Rịa phải gọi video trực tuyến với bác sĩ tuyến trên, chỉ cần sai sót một chi tiết về bệnh nhi cũng sẽ dẫn đến hậu quả khó lường.

Bac si Sai Gon hoi chan qua dien thoai tu sang toi khuya cuu thieu nien thoat cua tu deo bam
Khoảng 1-2 tuần tới, P. sẽ được xuất viện.

19g30, các bác sĩ bỏ qua hết tất cả thủ tục để cấp cứu, sau đó chuyển em P. đến khoa Hồi sức tích cực - Chống độc của Bệnh viện Nhi đồng 1 để được điều trị đặc biệt.

Ngoài những tổn thương trước đó, P. lại bị tổn thương gần hết các niêm mạc ở ruột, ruột suy nặng, khiến việc nuôi dinh dưỡng trở nên khó khăn. Em tiếp tục thở máy, thay huyết tương, lọc máu liên tục, và sử dụng các thuốc đặc trị khác. 2 tuần sau, em ổn định trở lại.

Hiện qua hơn 2 tháng điều trị, P. bắt đầu hồi phục, chức năng thận trở về bình thường, gan và ruột đang cải thiện tốt, em đã tự thở, tỉnh táo, ăn uống được, dự kiến có thể xuất viện trong 1-2 tuần tới.

Tiến sĩ - bác sĩ Phạm Văn Quang cho biết: “Qua thăm khám, theo dõi, em P. gần như không bị di chứng. Khi về nhà, em có thể sinh hoạt như bình thường nhưng phải quay lại bệnh viện khám bệnh theo chỉ định của bác sĩ để được theo dõi đáp ứng miễn dịch, đảm bảo gan, thận… hồi phục tốt.

Trong trường hợp này, bác sĩ từ trung tâm y tế đến các bệnh viện đã “chuyền tay” nhau rất nhịp nhàng, chặt chẽ nên P. mới được chẩn đoán bệnh sớm, nhiều phương pháp cấp cứu nhanh chóng trước diễn biến nhanh và phức tạp do sốt xuất huyết gây ra”. 

Bác sĩ Quang khuyến cáo, năm nay sốt xuất huyết tăng cao, mặc dù đã vào đầu tháng 11 nhưng sốt xuất huyết vẫn còn nên người dân không được chủ quan khi con em mình sốt. Bên cạnh chăm sóc các bé, nếu trẻ sốt cao từ 3 ngày trở lên phải đưa đi đến bệnh viện để được khám bệnh và điều trị kịp thời. 

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI