“Bác sĩ sách” là danh xưng mà Bùi Tiến Phúc (sinh năm 1989) - cậu thanh niên lớn lên ở vùng quê Tánh Linh, Bình Thuận phải mất nhiều năm mò mẫm, học tập mới đạt được. Gọi là bác sĩ bởi với công việc phục chế tư liệu giấy, Tiến Phúc phải “bắt mạch”, “kê đơn”, “giải phẫu” và may vá cho “bệnh nhân” của mình, giúp chúng hồi sinh trong cuộc
đời mới.
|
Anh Bùi Tiến Phúc và vợ - chị Trần Bội Tuyền - tại một hiệu sách ở Đường Sách TP.HCM - ẢNH: DIỄM MI |
Tại Việt Nam, ngành nghề mà Bùi Tiến Phúc đang làm và làm một cách chuyên nghiệp là độc nhất vô nhị. Bởi vì hiếm, hành trình của anh với nghề khá cô độc, khó khăn đủ bề. “Người ta thường bảo ai tên Phúc sẽ gặp được nhiều quý nhân trong đời, quả là tôi đã gặp rất nhiều người tốt để có được ngày hôm nay”, anh nói.
Sống đời mộng mơ bên trang sách
Phóng viên: Chẳng thể một sáng đẹp trời, Bùi Tiến Phúc thức dậy và trở thành “bác sĩ sách”. Anh đến với nghề nghiệp độc đáo này như thế nào?
Bùi Tiến Phúc: Không thể bằng một, hai câu có thể tóm lược hành trình tôi đến với công việc phục chế tư liệu giấy. Chúng là kết quả từ những ngày tháng dài nung nấu sự yêu thích với sách, tư liệu Hán - Nôm cổ khi còn học chuyên ngành Hán - Nôm tại Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM).
Trong quá trình học, tôi may mắn được tham gia dự án thành lập phòng sưu tầm và nghiên cứu Hán - Nôm thuộc Khoa Văn học - Ngôn ngữ của trường. Nhờ hoạt động này, tôi được đi đến nhiều tỉnh thành để nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa. Tôi thăm nhiều đình chùa, miếu mạo, nhà thờ họ và nhìn thấy các bức hoành phi, câu đối. Nhờ biết tiếng, tôi dịch được những nội dung ấy và khi hiểu chúng nói gì, tôi cảm thấy có sự kết nối mật thiết với tổ tiên của mình. Cho đến khi cầm trên tay những cuốn sách Hán Nôm cổ và mục sở thị, không hiểu vì sao, bản thân có sự xúc động đặc biệt.
Sau khi tham gia dự án và tốt nghiệp đại học, tôi tiếp tục công tác tại Thư viện Huệ Quang - đơn vị đầu tàu trong công tác sưu tầm thư tịch Hán Nôm - Phật giáo trong nước. Trong hai năm làm việc tại đây, tôi tiếp tục đến nhiều tỉnh thành và thấy được tình trạng xuống cấp trầm trọng của di sản Hán Nôm. Thời điểm đó, tôi kiêm thêm công việc làm số hóa tư liệu cho thư viện, phải tháo sách ra để chụp. Sau khi tháo phải may lại nên muốn thuần thục, tôi tìm nơi dạy phục chế sách để học. Bước đầu, tôi học được kỹ thuật bồi giấy và may sách nhưng bấy nhiêu là chưa đủ, còn muốn học thêm thì tại Việt Nam không có thầy.
|
Chị Bội Tuyền là “cánh tay đắc lực” giúp chồng làm việc mỗi ngày - ẢNH: TRẦN THẮNG |
* Thế rồi anh chọn sang Đài Loan để bắt đầu với ngành nghề đặc biệt ấy?
- Trong thời gian tôi học tiếng Trung với hai cô giáo người Đài Loan, các cô nói bên Đài Loan, ngành nghề phục chế tư liệu giấy rất phát triển. Tôi nghe theo và soạn hồ sơ xin học bổng. Hồ sơ của tôi được chấp nhận và hành trình học bắt đầu. Tôi lo lắng cho tương lai nhưng không sợ hãi. Tôi cứ đi theo đam mê của mình một cách chậm rãi vì có muốn nhanh, tôi cũng không biết phải làm thế nào.
* Với người mộng mơ như anh, khi đối diện thực tế khắc nghiệt, ví như năm tháng sống tại đất khách một mình, hẳn hành trình đó khiến anh vỡ ra nhiều điều?
- Tại Đài Loan, tôi theo học ngành bảo tồn và phát triển di sản văn hóa. Đây là ngành học chung, công việc phục chế chỉ là một nhánh nhỏ, trong đó được tôi chọn để làm đề tài nghiên cứu, luận văn tốt nghiệp.
Khó khăn thì không ít và làm sao có thể ít được, đặc biệt khi tôi xuất thân từ gia đình nghèo khó. Tôi có học bổng nhưng nhiều khoản chi phí khác phát sinh buộc phải o ép chi tiêu hết mức để đủ tiền mua dụng cụ. Chỉ riêng cây nhíp, tôi đã tốn khoảng 800.000 đồng tiền Việt Nam và đó không phải là dụng cụ duy nhất cần có.
Nhưng nếu chỉ khó về mặt tài chính thì mọi chuyện đơn giản hơn. Có cái khó mà dù có tiền cũng chẳng thể hóa giải đó là: Tôi theo học một ngành mà sinh viên Việt Nam không ai chọn học. Họ học kinh tế, tài chính hoặc những ngành dễ nhìn thấy đường hướng tương lai. Thế rồi, tôi đơn độc, không có ai đi trước để hỏi han. Tôi cứ lủi thủi tìm kiếm tư liệu, tìm thầy để thuyết phục họ dạy tôi. Năm tháng đó, tôi loay hoay vô cùng vì chẳng biết ngành nghề này khi trở về Việt Nam liệu có sống được hay không?
|
Anh Bùi Tiến Phúc tại nhà cũng là xưởng làm việc của anh - ẢNH: TRẦN THẮNG |
* Độc hành là chuyện không dễ nhưng nhìn ở hướng tích cực, chẳng phải giờ đây, anh đang thênh thang trên con đường riêng?
- Ngày đó, là một người trẻ với tâm thế bước ra thế giới từ một đất nước còn nhiều khó khăn, bản thân lại chưa đủ tự tin về ngành nghề đang học, thật lòng, tôi không nghĩ xa. Chỉ biết ngày qua ngày, tôi quyết tâm học hỏi và tự động viên bản thân đừng bao giờ bỏ cuộc. Đến hạn nộp luận văn tốt nghiệp, tôi xin hoãn và lì lợm như thế đến năm thứ sáu trên đất khách, tôi học được lượng kiến thức mà bản thân mong muốn.
Trong những lần nản chí, tôi giữ niềm tin duy nhất là với bất kỳ ngành nghề nào, chỉ cần cố gắng và làm tốt nhất, tôi sẽ được đền đáp xứng đáng. Sau đó, trở về Việt Nam, tôi mở Hán Nôm Đường, đơn vị đầu tiên trong nước làm công việc phục chế hiện vật chất liệu giấy.
“Cứu” lấy một ký ức, di sản
* Trong những ngày đầu tại Việt Nam, đâu dễ để mọi người biết đến Hán Nôm Đường. Giai đoạn này có khiến anh nhụt chí lần nữa?
- Nếu tại Đài Loan, tôi thấy bất lợi nhiều hơn thuận lợi thì về Việt Nam, mọi thứ đảo chiều. Trong nước, ngành nghề tôi làm khá độc đáo, lại được học hành bài bản nên tôi không có đối thủ cạnh tranh. Người tôi có thể cạnh tranh duy nhất là chính mình. Vậy nhưng tôi không vì độc hành mà tự đắc, vỗ ngực xưng tên bởi so với các thầy, tôi thấy mình còn tệ lắm, phải nỗ lực học tập thêm.
Nhớ lại giai đoạn mới về nước, chưa có người đến Hán Nôm Đường, hễ rảnh là tôi tự quay video quá trình phục hồi một số tư liệu có sẵn. Làm gì tôi cũng đăng lên mạng rồi một người biết tới, tìm đến và sau đó là người thứ hai, ba… Chính sự truyền miệng của các khách hàng giúp Hán Nôm Đường có được lượng khách ổn định ở khắp các tỉnh. Những nhà sưu tập không tin vào lời quảng cáo bằng những gì bạn bè họ mách nhau nên có một người khách, tôi cũng tử tế làm.
* Các “bệnh nhân” tại Việt Nam có mắc bệnh như “bệnh nhân” tại các nước bạn?
- Bệnh của sách nhìn chung giống nhau nhưng mức độ hư hại tại Việt Nam khá trầm trọng, gần như luôn là những ca nặng, rất khó chữa. Tôi từng nhận cuốn Đại Nam quấc âm tự vị của tác giả Huình Tịnh Của, được dùng keo 502 gia cố phần gáy sách. Tôi cũng từng nhận một bức sắc phong thời Nguyễn, có tuổi thọ khoảng 120 - 150 năm với chi chít băng keo trong và những miếng băng keo ấy đã đổi màu.
Trong công việc, tôi sợ nhất là hàng đã qua tay, nghĩa là đã từng phục chế nhưng không đúng cách. Tôi đi dọn dẹp hậu trường và rất sợ vì công việc ấy tốn thời gian vô cùng. Tư liệu cũ, hư hại vì khí hậu, nhiệt độ phòng, cách bảo quản... có thể được phục chế dễ dàng nhưng nếu đã từng gia cố bằng cách thức sai, đến người thợ phục chế lành nghề nhất cũng khó lòng đưa trở lại hiện trạng ban đầu, dẫn tới chi phí không rẻ.
|
Một góc khu vực để nguyên vật liệu, kim may sách tại xưởng của anh Phúc ở quận Tân Phú, TP.HCM - ẢNH: TRẦN THẮNG |
* Công việc phục chế, như anh chia sẻ, mất rất nhiều công sức và chi phí cao. Anh có kén “bệnh nhân” không bởi đâu phải ai cũng chấp nhận bỏ ra số tiền lớn để làm?
- Sách, tranh nào cũng quý như nhau, với tôi không có món quý nhất. Dựa vào thái độ của khách hàng khi nhận về sản phẩm đã qua phục chế, tôi mới biết tư liệu ấy quý đến mức nào. Tranh đấu giá quốc tế mang đến, tôi cũng làm. Tranh dân gian (dòng tranh khá rẻ) tôi cũng làm. Với tranh quý, chủ sở hữu chấp nhận bỏ ra khoản tiền kha khá để cho tôi phục chế. Còn với những khách hàng ít tiền hơn, nếu thật sự họ có nhu cầu, tôi cũng sẽ làm ở mức tốt nhất sau khi trao đổi.
Tôi không kén khách, không chê ai nghèo hay khen ai giàu, chỉ cần họ đích thân mang cuốn sách đó đến thì tôi sẽ làm. Giá thấp nhất của tôi, ở mức “chịu đựng được” với sách là vài trăm ngàn đồng; mức phổ biến là vài triệu đồng. Với tranh, mức giá từ vài triệu cho đến vài chục triệu đồng. Mức thu nhập hiện tại mỗi tháng của Hán Nôm Đường nằm khoảng 80 đến 100 triệu đồng cho ba người làm gồm một nhân viên và vợ chồng tôi. Mức thu nhập này đảm bảo được đời sống, tạo điều kiện cho chúng tôi tái đầu tư và trong tương lai, tôi muốn tăng con số lên. Tôi không giấu giếm thu nhập vì muốn cung cấp thêm thông tin cho ai lỡ yêu thích ngành phục chế tư liệu giấy nhưng còn lăn tăn về thu nhập sẽ có động lực để theo đuổi.
|
Một số sách cũ của khách và nguồn tư liệu có sẵn của anh Tiến Phúc - ẢNH: TRẦN THẮNG |
* Tôi đã hỏi về những khó khăn và anh cũng đã kể nhưng thú thật, tôi vẫn chưa rõ về sự nhọc công của nghề phục chế tư liệu giấy...
- Có thể do cách kể của tôi và không nhiều người mục sở thị công việc này nên chưa cảm nhận rõ. Tôi sẽ kể chi tiết hơn về quy trình tôi tiếp nhận “bệnh nhân” và bạn sẽ thấy, công việc này không đơn giản, không phải hễ muốn là làm được.
Khi một người mang cuốn sách đến, việc đầu tiên, tôi chẩn đoán bệnh và chụp hình, ghi chép về tình trạng. Chữa bệnh cho sách có hai phương pháp gồm: điều trị vật lý và điều trị hóa học. Ví dụ, giấy bị a-xít thì dùng hóa chất, nghĩa là “bệnh nhân” cần thuốc. Còn với những trang sách cần may lại vì rách thì đó là điều trị vật lý. Sau khi xác định bệnh thì giải phẫu, chữa bệnh cho từng tờ một theo tình trạng bệnh riêng, với nồng độ hóa chất tùy chỉnh. Sau đó, chúng tôi mới tiến hành may thủ công theo đúng kết cấu ban đầu.
Có lần, một người mang đến cho tôi cuốn gia phả họ Lộ ở miền Trung. Khi đem đến, họ bỏ trong túi ni-lông, giấy xoắn lại, bị rách khá nặng. Tôi bắt đầu làm phẳng giấy vì khi cuốn lại, tôi không nhìn thấy nội dung. Sau khi làm phẳng giấy bằng nước, phần nội dung sách hé mở, tôi bắt đầu làm công việc phục chế kết hợp với phiên dịch thì mới dần định hình. Có nhiều tài liệu khi mang đến, giấy vô cùng giòn, dễ gãy, chỉ cần bạn cầm không đúng cách là vỡ nát.
Sự học là con đường duy nhất
* Từ cậu bé sống ở vùng quê nghèo đến thành công như hiện tại, anh thấy hành trình đã qua của cuộc đời mình thế nào?
- Tôi tên Phúc và tôi gặp may thật khi được nhiều quý nhân giúp đỡ. Trong đó, vợ tôi và gia đình vợ cũng là những ân nhân lớn của tôi, tạo điều kiện hết sức cho tôi học. Thời còn bên Đài Loan, có những khóa học đắt tiền, gia đình vợ đã đóng học phí cho tôi học.
Đến khi tôi về Việt Nam, tiền để mở Hán Nôm Đường cũng một phần do gia đình vợ tôi giúp. Số tiền tôi đầu tư cho công việc phục chế đến nay khoảng 10 tỷ đồng, bao gồm tiền mua một căn nhà để định cư, làm xưởng, sắm sửa máy móc, nguyên vật liệu.
* Thuở bé, anh có từng tưởng tượng cuộc sống mai này của mình sẽ giống như hiện tại?
- Tôi sinh ra ở vùng quê nghèo thuộc huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận. Nơi đó là vùng sâu, vùng xa; gia đình tôi sống chung với đồng bào K’Ho. Nhà tôi có ăn nhờ vào việc làm ruộng và nương rẫy là chính. Hồi đó, tôi vừa đi học, vừa phải làm ruộng để phụ giúp gia đình. Trong cái nghèo khó thường trực, tôi nghĩ rằng chỉ có con đường học tập mới giúp tôi đổi đời. Tôi cố công theo con chữ đến hết ba năm cấp III, rồi đậu vào đại học.
Công việc phục chế giấy đòi hỏi sự tập trung cao, nhiều khi khiến bản thân người làm khá ức chế, nhưng khi thấy khách hàng vui mừng nhận lại sách đã phục chế, tôi hạnh phúc vô cùng. Có nhiều người mang cuốn gia phả đến nhưng họ chẳng biết nội dung, đến khi nhận lại, họ cảm ơn vì nhờ quá trình phục chế họ mới biết thêm về nguồn gốc tổ tiên, ông bà mình. Bùi Tiến Phúc |
Ngày tôi đậu đại học, cả làng tới chung vui với gia đình tôi vì thời đó, gần như trong làng chưa ai học tới mức ấy. Con cái của họ hầu hết đều nghỉ học giữa chừng để phụ giúp gia đình, họ lo cho cái bụng trước khi kịp nghĩ đến tương lai sau này.
Nhờ ba mẹ động viên, tôi được tiếp tục học. Tôi đâu nghĩ có ngày tôi còn đi du học và cưới được vợ người nước ngoài. Đến bây giờ, khi cuộc sống ổn định, nhìn lại, tôi vẫn thấy con đường học tập là hướng duy nhất để tôi đổi đời. Chỉ có học tập mới giúp tôi trở thành người được người khác quý trọng, có giá trị.
* Cuộc hôn nhân hẳn cũng khiến anh đắn đo bởi xuất phát điểm chênh lệch của cả hai về kinh tế?
- Bà xã tôi tốt nghiệp Học viện Mỹ thuật Chicago, ở Mỹ. Khi trở về Đài Loan, cô vừa làm công việc phiên dịch tiếng Anh cho công ty ở Đài Loan với đối tác Mỹ, vừa học thêm ngành phục chế.
Thời điểm đó, thầy của tôi cũng đồng thời là người dạy cho vợ tôi. Thỉnh thoảng, ông cho sinh viên về phòng làm việc riêng để các bạn thực hành. Tôi được thầy tin tưởng cho đứng lớp bởi tôi đủ kiến thức để dạy cho sinh viên mới, lại từng là trợ giảng của thầy.
Vợ tôi là người chủ động “cưa” tôi trước bởi tôi lúc đó không đủ tự tin về xuất phát điểm, lại giữ mặc cảm chuyện tài chính. Cô ấy chủ động bắt chuyện, tâm tình. Chúng tôi thấy nhiều điểm chung về quan niệm, cách sống dù cả hai sống trong hai môi trường khác biệt. Sau hai năm yêu nhau, tôi thuyết phục gia đình vợ cho tôi về Việt Nam lập nghiệp, đến nay cũng đã ba năm từ ngày cô ấy cùng tôi về Việt Nam sinh sống.
Chúng tôi hợp nhau về lối suy nghĩ và cả chí tiến thủ trong công việc. Giờ đây, vào tháng Tám mỗi năm, vợ chồng tôi đều đặn trở về Đài Loan, tham gia các khóa học để nâng cao tay nghề bởi chúng tôi không muốn thụ động, tụt hậu.
* Cảm ơn anh đã chia sẻ.
Diễm Mi (thực hiện)