Là một trong 13 người được về nước ăn tết Kỷ Hợi 2019, thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Thành Công - Phó giám đốc chuyên môn - và đại úy, dược sĩ Quản Văn Chi của Bệnh viện dã chiến cấp II Số 1 tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc ở Nam Sudan đã chia sẻ những tháng ngày khó quên ở quốc gia châu Phi khô hạn và nhiều khó khăn, thiếu thốn.
|
Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ của Bệnh viện dã chiến cấp II Số 1 đón tết sớm tại Nam Sudan |
Sau 24 ngày được về nước ăn tết Nguyên đán, các quân nhân Việt Nam sẽ lên đường trở lại Nam Sudan vào ngày 12 tháng Giêng âm lịch (16/2/2019).
Vùng đất lạ châu Phi
Dù đã được tập huấn kỹ lưỡng tại Việt Nam trong 4 tháng, nhưng khi đến công tác tại Nam Sudan, đội ngũ quân y làm nhiệm vụ quốc tế này vẫn gặp không ít bất ngờ.
|
Quân nhân Việt Nam thực hiện nhiệm vụ y tế tại Nam Sudan |
Lần đầu tiên đặt chân xuống vùng đất Nam Sudan, nhìn thấy những em bé trần truồng dưới cái nắng gay gắt Phi châu, đại úy - dược sĩ Quản Văn Chi cứ bị ám ảnh.
|
Quân nhân Việt Nam với trẻ em Nam Sudan |
Bác sĩ Nguyễn Thành Công cho biết, đặc trưng của vùng đất Nam Sudan là gió to và bụi mù trời. Nhiệt độ có thể lên đến 50 độ C vào buổi trưa và xuống 20 độ C vào ban đêm.
Được thành lập vào năm 2011, Nam Sudan là quốc gia non trẻ nhất thế giới, nằm ở giữa châu Phi, có biên giới với 6 quốc gia khác. Nước này rất giàu dầu mỏ, nhưng qua nhiều năm nội chiến, nơi đây trở thành một trong những vùng kém phát triển nhất thế giới. Chỉ 2 năm sau khi thành lập, nội chiến đã nổ ra khiến hàng chục ngàn người thiệt mạng và hơn 2 triệu người chạy khỏi quốc gia này. |
Những quân nhân gìn giữ hòa bình của Việt Nam thường hay bị khô da, nứt môi và viêm họng. Để rèn luyện sức chịu đựng, quân nhân Việt Nam tập luyện thể thao đều đặn mỗi ngày.
Thời tiết khô hạn của vùng đất Nam Sudan kéo dài đến 9 tháng khiến những chiếc giếng khoan của các đơn vị gìn giữ hòa bình trú quân ở khu vực Bentiu, Nam Sudan nhanh chóng khô hạn.
Tất cả đơn vị của các nước đều phải xếp hàng chờ lấy nước ở một chiếc giếng khoan khác. Phải chờ đến 22g đêm, khi những hàng dài chờ lấy nước không còn nữa, quân nhân Việt Nam mới đến lấy nước.
|
Cán bộ, chiến sĩ Việt Nam làm nhiệm vụ y tế tại Nam Sudan |
Để tiết kiệm nước, mỗi người chỉ được dùng giới hạn 2 xô nước mỗi ngày. Lượng nước thải ra được dùng để tưới rau.
Điều thú vị là Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc chu cấp đầy đủ thịt bò, thịt gà, thịt heo, cá… nhưng lại thiếu rau xanh. Đây chính là lý do khiến các cán bộ, chiến sĩ Việt Nam phải tăng gia sản xuất, trồng những khóm rau xanh mát ngay ở vùng đất khô hạn này.
|
Dãy nhà ở của quân nhân Việt Nam tại Nam Sudan |
Dãy nhà ở của quân nhân Việt Nam nhanh chóng được thay đổi chỉ sau 2 tháng và ít ai còn nhận ra sự khô cằn của vùng đất châu Phi ở đây.
Phía trước những căn phòng là các luống rau dền, rau muống; những giàn mướp, giàn bầu, là dây dưa hấu xanh. Những giàn mướp đã được thu hoạch 2 lần, những trái dưa hấu đã lớn nhanh kịp cho mâm ngũ quả ngày tết sắp đến.
|
Dược sĩ Quản Văn Chi kể về những tháng ngày tại Nam Sudan |
Theo dược sĩ Quản Văn Chi, không chỉ thiếu nước, việc sử dụng internet ở Nam Sudan cũng khó khăn do gói cước rất đắt và đường truyền lại chập chờn.
Việc liên lạc với quê nhà cũng gói gọn trong 2GB mỗi tháng do Liên hiệp quốc chu cấp cho mỗi người. Nếu muốn có thêm dung lượng internet để gọi điện thoại, lướt web, mỗi người phải mua thêm với giá khoảng 19 USD/GB.
Mang hoa mai, hoa đào sang châu Phi
Sang Nam Sudan từ tháng 10/2018, các quân nhân Việt Nam vẫn quyết định mang theo hoa mai, hoa đào... bằng vải.
|
Quân nhân Việt Nam tại Nam Sudan |
Bác sĩ Nguyễn Thành Công cho biết, trước khi 13 thành viên về phép, Bệnh viện dã chiến cấp II Số 1 đã tổ chức buổi đón tết sớm vào ngày 21/1/2019.
Những bông mai, bông đào bằng vải mang từ Việt Nam sang được gắn lên những cành cây khô kiếm được ở quanh bệnh viện. Những bóng đèn điện nhấp nháy được trang trí trên những cành mai, cành đào khiến ai cũng có cảm giác như đang ăn tết ở Việt Nam.
Ngày tết thì phải có bánh chưng. Các quân nhân Việt Nam gói bánh chưng trên những chiếc khuôn gỗ với lá chuối thay cho lá dong. Lá chuối được xin từ đơn vị gìn giữ hòa bình Campuchia đóng quân cạnh bên.
|
Chuẩn bị gói bánh chưng đón tết cổ truyền Việt Nam ở Nam Sudan |
Tết sớm của những quân nhân Việt Nam xa quê còn có sự chung vui của các nhân viên của Phái bộ Liên hiệp quốc và của lực lượng gìn giữ hòa bình các nước khác đóng quân cạnh bên.
Bác sĩ Nguyễn Thành Công cho biết, trong các đơn vị đóng quân ở Bentiu, Nam Sudan, chỉ có Việt Nam và Mông Cổ tổ chức đón tết Nguyên đán.
|
Một nữ quân nhân Việt Nam chuẩn bị đón tết Kỷ Hợi 2019 |
Những người về nước được dặn dò khi sang nhớ mang theo mì tôm, các loại bánh kẹo, mứt... để đồng đội có chút hương vị thực sự của ngày tết quê hương.
Lần đóng quân ở Nam Sudan là lần đầu tiên Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc trong vai trò là một đơn vị quân đội độc lập. Việt Nam tham gia với nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho các nhân viên của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc. Bệnh viện dã chiến cấp II Số 1 của Việt Nam đóng quân bên cạnh các lực lượng của công binh Anh, công binh Ấn Độ, xung quanh đó là các trại tị nạn với khoảng 120.000 dân.
|
Một ca cấp cứu tại Bệnh viện dã chiến cấp II Số 1 của Việt Nam tại Nam Sudan |
Gần 4 tháng thực hiện nhiệm vụ y tế (chính thức nhận bàn giao vào ngày 27/10), các quân nhân Việt Nam tại Bệnh viện dã chiến cấp II Số 1 đã khám, chữa bệnh ngoại trú cho 400 lượt bệnh nhân, điều trị nội trú cho 21 bệnh nhân, thực hiện 10 ca phẫu thuật chữa viêm ruột thừa, thoát vị rốn, bẹn, xử lý các ca sốt rét nặng.
Được sự đồng ý của chỉ huy Phái bộ Liên hiệp quốc, Bệnh viện dã chiến cấp II Số 1 của Việt Nam cũng đã nhận điều trị cho một số trường hợp là người dân Nam Sudan, đồng thời hỗ trợ cho các bệnh viện khác trong xử trí cấp cứu.
|
Đón Tết Nguyên đán 2019 tại BV dã chiến cấp 2 số 1 ở Nam Sudan |
Trong 63 quân nhân Việt Nam tại Bệnh viện dã chiến cấp II Số 1 tại Nam Sudan, có 15 bác sĩ, 11 nhân viên hậu cần kỹ thuật, 2 nhân viên hành chính, 2 nhân viên trang thiết bị y tế, 33 người là điều dưỡng và dược sĩ. Trong 63 người, có 10 người là quân nhân nữ. Trong đợt 13 người về nước ăn tết, chỉ có duy nhất một quân nhân nữ. Tháng 10/2019, 63 quân nhân Việt Nam này sẽ được thay thế bằng 70 cán bộ, nhân viên của Bệnh viện dã chiến cấp II Số 2. |
Hiếu Nguyễn
Hình ảnh do Bệnh viện dã chiến cấp II Số 1 cung cấp