Bác sĩ quân y Việt Nam dùng virus trị ung thư

22/09/2017 - 20:00

PNO - Các bác sĩ khoác áo quân phục của Việt Nam đã có những nghiên cứu đáng nể trong điều trị các loại bệnh ung thư cứng đầu.

Những nghiên cứu mới nhất của các bác sĩ quân y được công bố tại Hội nghị Khoa học Quốc tế về điều trị ung thư vào 22/9/2017, tổ chức tại Bệnh viện Quân Y 175 TP.HCM.

Dùng virus tạo vaccine trị nhiều loại ung thư

Các bác sĩ Học viện Quân Y Việt Nam phối hợp với trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Singapore thực hiện nghiên cứu sử dụng các virus (được nuôi cấy sản xuất vaccine) để tấn công các tế bào ung thư.

Các nhà nghiên cứu quyết định chọn hai loại virus có trong vaccin sởi và quai bị vì chúng này được ghi nhận rất an toàn. Hai loại vaccine này đang được sử dụng trong hệ thống tiêm chủng tại Việt Nam.

Các kết quả thử nghiệm cho thấy, sự phối hợp 2 loại virus vaccine sởi – quai bị có tác dụng gây kháng tế bào ung thư mạnh hơn dùng một loại virus trên dòng tế bào bạch cầu tủy cấp (AML), bạch cầu dòng Lympho T (TCL), ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú, ung thư dạ dày và ung thư phổi.

Thử nghiệm trên chuột thiếu hụt miễn dịch mang khối ung thư cho thấy khả năng ức chế mạnh khối u và kéo dài thời gian sống của chuột ung thư so với việc chỉ dùng một loại virus.

Bac si quan y Viet Nam dung virus tri ung thu
Các bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 trong một lần cấp cứu người bệnh (Ảnh: BV 108)

Xạ trị với hạt vi cầu gắn Yttrium- 90 kéo dài thời gian sống bệnh nhân ung thư gan

Theo bác sĩ Đào Đức Tiến, Bệnh viện Quân Y 175, phương pháp tắc mạch xạ trị với Yttrium-90 được thực hiện lần đầu tiên tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) trong điều trị ung thư gan vào năm 2013.

Nghiên cứu này được bác sĩ 2 Bệnh viện Quân Y 175 và Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 được thực hiện để đánh giá hiệu quả thời gian sống thêm của bệnh nhân ung thư gan sau khi thực hiện phương pháp nói trên.

Đối tượng nghiên cứu gồm 45 bệnh nhân bị ung thư biểu mô tế bào gan trên nền gan xơ, điều trị nội trú tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, thời gian từ tháng 10/2013 đến tháng 02/2017.

Kết quả thống kê cho thấy, 45 bệnh nhân được thực hiện 45 lần tắc mạch xạ trị với đồng vị phóng xạ Yttrium-90. Tất cả đều thành công về kỹ thuật với liều Yttrium 90 điều trị trung bình là 1,42 ± 0,43 (GBq).

Không gặp trường hợp nào có biến chứng, tử vong do kỹ thuật. Thời gian sống thêm của bệnh nhân sau khi áp dụng phương pháp này đạt trung bình 27,3 tháng. Trong khi đó, một nghiên cứu lớn ở Mỹ năm 2010 cho thấy thời gian sống thêm trung bình là 17,2 tháng.

Bac si quan y Viet Nam dung virus tri ung thu
Các bác sĩ Bệnh viện Quân đội 108 (Ảnh: BV 108)

Chế tạo thiết bị chia liều tự động dược chất phóng xạ Iốt – 131

Tại Việt Nam, Iốt phóng xạ -131 được sử dụng thường quy để chẩn đoán và điều trị ung thư tuyến giáp. Thông thường một liều điều trị ung thư tuyến giáp cho một bệnh nhân là từ 100-150mCi I ốt -131 dạng lỏng.

Các nhân viên y tế chia liều dược chất phóng xạ này chủ yếu được thực hiện bằng tay, trong các tủ hút có che chắn phóng xạ. Việc thực hiện chia liều phóng xạ bằng tay khiến nhân viên y tế phải tiếp xúc gần nguồn chiếu xạ hàng chục Ci.

Những y bác sĩ hàng ngày phải đối mặt với bức xạ ở suất liều vượt ngưỡng. Và ngay cả bệnh nhân ung thư cũng có nguy cơ vì có thể dùng dược chất phóng xạ không đúng liều lượng chỉ định khi dược chất này được chia bằng tay.

Các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã chế tạo thiết bị chia liều tự động dược chất phóng xạ Iốt -131 và đang chạy thử nghiệm tại Trung tâm Máy gia tốc và khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện Quân đội 108.

Theo chia sẻ của nhà nghiên cứu Vũ Thanh Quang, Bệnh viện Quân đội 108, máy chia liều tự động này được điều khiển từ xa thông qua mạng internet hoặc vô tuyến không dây. Kết quả thử nghiệm chỉ ra sai số trung bình về thể tích chia chỉ là 0,52% (sai số chấp nhận được) và về hoạt độ chia liều là 2,4% (nhỏ hơn 2-3 lần sai số trung bình khi chia liều đơn bằng tay).

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI