"Bác sĩ ơi, tại sao con phải sống?"

02/12/2020 - 06:20

PNO - Em bộc bạch với bác sĩ: “Dạ, con không uống thuốc để nhanh chết đi. Bác ơi, tại sao con phải sống?”

 

Một cô bé 14 tuổi là trẻ mồ côi, sống với bà ngoại nhưng có nghị lực vươn lên mạnh mẽ. Ảnh BSCC, chụp trước thời điểm dịch COVID-19.
Một cô bé 14 tuổi là trẻ mồ côi, sống với bà ngoại nhưng có nghị lực vươn lên mạnh mẽ. Ảnh BSCC, chụp trước thời điểm dịch COVID-19.

15 năm chăm sóc trẻ có HIV, bác sĩ Dư Tuấn Quy, Phó khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 là một trong số ít người gắn bó lâu năm nhất ở đây với công việc này.

Anh chứng kiến từng gương mặt đứa nhỏ với câu chuyện của gia đình mà hầu hết là bi kịch, cứ xếp dày lên sau nhiều năm. 

Một trong những ca anh nhớ mãi là cô bé Trần Thiên Thanh (quê Đồng Tháp – tên của bệnh nhi đã được thay đổi).

Cô bé 15 tuổi gương mặt xinh xắn nằm bất động trên giường bỗng nhiên bệnh trở nặng, hơi thở nặng nhọc. Vừa kê cao đầu cho em, bác sĩ Dư Tuấn Quy đã nghe rột roạt cả loạt viên thuốc ARV (thuốc điều trị bệnh HIV) rơi xuống nền gạch.

Em ngước nhìn bác sĩ khi nghe hỏi: “Con ơi, sao còn nhiều thuốc quá vậy nè. Con quên uống thuốc hả?" 

Thanh gật đầu, thừa nhận mình đã lén không uống thuốc nhiều ngày liên tiếp để không phải sống nữa. Em hỏi bác sĩ Quy: “Dạ, con không uống thuốc để nhanh chết đi. Bác ơi, tại sao con phải sống?”

Thanh được phát hiện có mang virus HIV khi đang là học sinh lớp 10 một trường chuyên tại TPHCM. Ba mẹ em không có HIV, vậy em bị lây từ đâu?

Nhà em ở tỉnh Đồng Tháp, lên trọ nhà chú ruột giàu có ở TPHCM để đi học. Người này giàu có và làm việc trong một sòng bạc.

Một ngày, một thanh niên có HIV đã cưỡng hiếp em nhưng Thanh không dám nói với ai. Đến khi đi khám bệnh, em mới phát hiện ra virus HIV đã len lỏi vào trong cơ thể. Suốt 6 tháng nằm ở Bệnh viện Nhi đồng 1, cô bé buồn bã, không mở lòng với ai.

Các bác sĩ khoa Nhiễm – Thần kinh không chỉ điều trị bệnh mà còn động viên để Thanh vượt qua cú sốc tâm lý. Sau thời gian điều trị, Thanh được đưa trở về quê để tiếp tục việc học.

Hiện tại, em đã tốt nghiệp đại học.

Một bệnh nhi năm xưa từng điều trị tại phòng khám đến thăm BS Dư Tuấn Quy. Ảnh BSCC, chụp trước thời điểm dịch COVID-19.
Một bệnh nhi năm xưa từng điều trị tại phòng khám đến thăm BS Dư Tuấn Quy. Ảnh BSCC, chụp trước thời điểm dịch COVID-19.

Những trường hợp tiếp tục điều trị bằng thuốc ARV để sau này vào được đại học như Trần Thiên Thanh, theo nhẩm đếm của bác sĩ Dư Tuấn Quy là khoảng 5 em, trong đó có một trường hợp trẻ quyết định theo ngành y.

Em trở thành điều dưỡng và quay trở về làm việc tại nơi đã cưu mang em ngày còn thơ là Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân, Thủ Đức, TPHCM.

Nguyện vọng của em là được chăm sóc cho những trẻ có hoàn cảnh giống như mình, vì chính em cũng là trẻ có HIV nhưng đã sống được dù cha mẹ đều qua đời khi em còn nhỏ.

Bác sĩ Dư Tuấn Quy băn khoăn: đa phần những trẻ HIV đều có hoàn cảnh rất đặc biệt. Trong số đó, hơn 1/2 trẻ bị mồ côi cha mẹ. Khoảng 5% trẻ có HIV đang phải sống một mình, không người thân, phải tự buôn chải.

Trong số những trẻ HIV từng đến điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 đến nay đã có 30% số trẻ này đến tuổi vị thành niên.

Bên cạnh trẻ có HIV là từ mẹ truyền sang con, các nguyên nhân khiến trẻ có HIV có rất nhiều chuyện oái ăm. Như có em bị nhiễm khi được truyền máu từ người cho là ông xe ôm gần nhà có HIV hoặc có khi ngay cả chính mẹ ruột cũng không hề biết con mình có bệnh này.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI