Bác sĩ ở Mỹ khủng hoảng trong nỗi cô đơn

18/09/2022 - 12:08

PNO - Theo một nghiên cứu trên Tạp chí Hiệp hội y khoa Mỹ năm 2019, các bác sĩ trầm cảm cũng có thể mắc nhiều sai lầm y tế hơn.

Theo các chuyên gia y tế, nghiên cứu trên được thực hiện trước đại dịch, ngày nay mọi thứ còn tồi tệ hơn khi các bác sĩ phải chiến đấu với đại dịch COVID-19 với trung bình hơn 300 người Mỹ chết/ngày vì virus. Các bác sĩ trên toàn nước Mỹ đang nâng cao nhận thức về "đại dịch tự tử" trong đội ngũ của họ.

 tự tử trong ngày y tế được đánh là nằm trong top 3 những ngành nghề tự tử cao nhất.
Ngành y tế được đánh giá là một trong những ngành nghề có tỷ lệ tự tử cao nhất ở Mỹ 

Theo một nghiên cứu năm 2019 trên Tạp chí Hiệp hội y khoa Mỹ với chủ đề "Mối liên hệ giữa các triệu chứng trầm cảm của bác sĩ và các lỗi y tế", các bác sĩ trầm cảm cũng có thể mắc nhiều sai lầm y tế hơn. Nhiều thầy thuốc chần chừ trong việc khám chữa bệnh do bị kỳ thị và sợ mất việc. 

Tiến sĩ Sansea Jacobson (Trung tâm y tế Đại học Pittsburgh) cho rằng tự tử có nhiều khả năng xảy ra khi nhiều yếu tố nguy cơ chồng chất lên nhau. “Với tư cách là bác sĩ, chúng tôi biết rằng chúng tôi có tất cả các yếu tố gây căng thẳng và yếu tố nguy cơ như công chúng. Thêm vào đó, chúng tôi có các yếu tố gây căng thẳng riêng, như đại dịch, bệnh nhân tử vong, sai sót y tế và các vụ kiện do sơ suất...", Jacobson nói.

Theo thống kê, hơn 50% bác sĩ Mỹ cảm thấy kiệt sức vì công việc và 1/7 trong số này quyết định tìm đến cái chết (phần lớn là bác sĩ nữ); 44% bác sĩ muốn bỏ nghề do quá mệt mỏi...

Để đối phó với cuộc khủng hoảng này, tháng 3/2022, Tổng thống Joe Biden đã ký đạo luật nhằm thiết lập các khoản trợ cấp để thúc đẩy và nghiên cứu cách cải thiện sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế, các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng (Dr. Lorna Breen Health Care Provider Protection Act). Luật được đặt theo tên của tiến sĩ Lorna Breen, một bác sĩ y học cấp cứu đã chết vì tự tử vào tháng 4/2020, do khủng hoảng tâm thần khi đại dịch bắt đầu. 

Tiến sĩ Mimi Winsberg, bác sĩ tâm thần và là giám đốc y tế của Brightside, một tổ chức trị liệu trực tuyến, cho biết: "Bi kịch của các bác sĩ là phải chăm sóc người khác chứ không phải cho chính mình".

Theo tiến sĩ Winsberg, đại dịch làm trầm trọng thêm tình trạng quá tải và khủng hoảng cho các nhân viên y tế nhưng qua đó, mọi người nâng cao nhận thức về những vấn đề này. "Giảm kỳ thị, được quan tâm nhiều hơn đã khiến các nhân viên y tế dễ dàng trong việc bày tỏ cảm giác cô đơn, trầm cảm, lo lắng hơn và ngày nay mọi người xem vấn đề này trở nên bình thường hơn. Tôi hy vọng rằng điều đó cũng sẽ lan tỏa nhiều hơn trong ngành y và tỷ lệ bác sĩ cũng như các nhân viên y tế tự tử sẽ giảm xuống", bà nói.

Trọng Trí (theo ABC News)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI