Bác sĩ nói gì về cách đứng 1 chân để kiểm tra đột quỵ?

09/12/2020 - 21:17

PNO - Để kiểm tra đột quỵ, người thực hiện đứng bằng 1 chân, 2 chân không chạm nhau, tay không chạm vào cơ thể.

 

Thử thách “One Leg Challenge”

Trào lưu thử thách "đứng 1 chân" từng thu hút nhiều nam giới trên 40 tuổi tham gia mỗi khi hưởng ứng Ngày Thế giới phòng đột quỵ (29/10 hàng năm).

Cụ thể, nam giới sau tuổi 40 có thể tranh thủ một phút rảnh rỗi thực hiện bài kiểm tra tại nhà, văn phòng làm việc, hoặc bất cứ nơi đâu.

Người thực hiện đứng bằng 1 chân, 2 chân không chạm nhau, tay không chạm vào cơ thể. Để tăng độ khó, cánh mày râu có thể nhắm mắt khi đứng và bấm giờ, đứng càng lâu thì nguy cơ đột quỵ càng thấp.

Vài ngày trước khi qua đời, diễn viên hài Chí Tài cũng chia sẻ một clip trong đó ông thực hiện trò thách thức: đứng một chân hơn 20 giây để tầm soát đột quỵ vì nghe bác sĩ nói nếu đứng dưới 20 giây là có nguy cơ đột quỵ.

Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng - Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện quận Thủ Đức và bác sĩ Lê Nguyễn Hoàng - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện 11 (TPHCM) đều khẳng định y văn chưa hề ghi nhận phương pháp tầm soát đột quỵ nào như trên.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, đây chỉ là một nghiên cứu nhỏ của một bác sĩ ở Nhật Bản và chưa được các tổ chức đột quỵ lớn trên thế giới công nhận. Cụ thể, thử thách “One Leg Challenge” xuất phát từ nghiên cứu trên 1.387 người, độ tuổi trung bình 67 của Đại học Y khoa Kyoto (Nhật Bản).

Kết quả cho thấy, có đến 95,8% không đứng được quá 20 giây. Những người tham gia thử thách thất bại được chụp cộng hưởng từ não bộ (MRI) để đánh giá tình trạng các mạch máu não. Và ngẫu nhiên có đến 50,5% người xuất hiện 1-2 ổ nhồi máu lỗ khuyết. 

Tuy nhiên, nghiên cứu này chưa được đưa vào y văn để đánh giá tình trạng bệnh hay khuyến cáo của Hội Đột quỵ châu Âu. 

Theo bác sĩ Dũng, việc tầm soát đột quỵ phải được thực hiện tại bệnh viện và bằng các hình thức xét nghiệm máu, chẩn đoán hình ảnh theo chỉ định của bác sĩ.

Những người đứng một chân trên 20 giây, theo bác sĩ Dũng chỉ cho thấy họ giữ thăng bằng tốt. Việc giữ thăng bằng của cơ thể dựa trên các bộ phận như tiểu não, mắt, tiền đình, tai trong và dựa vào cảm giác toàn thân....

Do đó, những người không đứng được một chân là những người bị rối loạn tiền đình hoặc đau khớp.

Những người từng bị đột quỵ nhẹ cũng sẽ không đứng được bằng một chân. Việc thực hiện trò thử thách này không thể thay thế cho việc tầm soát bệnh tại bệnh viện.

Hiếu Nguyễn

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI