Nỗ lực của nhiều cặp vợ chồng hậu ly hôn là tìm cách giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực để trẻ có thể lớn lên một cách bình thường. Theo thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Lan Hải, người lớn luôn có tâm lý “chuộc lỗi” bằng cách ra sức bù đắp các thiếu thốn, mất mát cho con trẻ. Tuy nhiên, từ nhận định của mình, chuyên viên giáo dục giới tính này đã đưa ra các cảnh báo đáng quan tâm.
Bà nói: “Đây là một trong những cơ chế tự vệ tâm lý, một hệ thống điều chỉnh đặc biệt để ổn định nhân cách, hướng đến việc làm giảm hoặc dẫn đến mức thấp nhất tình trạng lo âu, liên quan đến xung đột nội tâm. Trong cơ chế bù trừ, người ta cố gắng làm việc này để chuộc lỗi.
|
Sau ly hôn, nhiều cha mẹ thương con nên ra sức chiều ý trẻ. Ảnh minh họa |
Chẳng hạn, người mẹ thường xuyên bận rộn, không đủ thời gian săn sóc con sẽ cảm thấy có lỗi với con và bù đắp bằng cách mua rất nhiều đồ chơi đắt tiền cho bé. Người cha không trực tiếp nuôi con sẽ mua nhiều quần áo, thức ăn hoặc dễ dãi hơn với con”.
Đừng cố bù đắp bằng vật chất
Vì vô tình, nhiều cha mẹ đã làm điều không tốt cho con sau ly hôn. Vậy cha mẹ nên như thế nào, thưa bà?
Tuyệt đối tránh bù đắp cho con bằng vật chất, thức ăn hoặc đặc quyền. Theo tôi, tốt nhất là bù đắp bằng chính tình yêu thương và sự chăm sóc từ những người thân yêu, tình thương và lắng nghe, để trẻ hiểu cảm xúc của chúng có giá trị. Điều quan trọng hơn, bù đắp bằng yêu thương sẽ giúp trẻ tin tưởng rằng, ly hôn chỉ là chấm dứt quan hệ vợ chồng, còn tình yêu thương giữa cha mẹ với con cái, cũng như tình cảm họ hàng ruột thịt, không bị mất đi.
Trẻ cũng bắt đầu quan tâm tới những vấn đề công bằng như ai đáng trách, ai có lỗi. Lúc này con cái phải tập để hiểu được rằng, cha mẹ cũng có thể mắc sai lầm và các con giúp cha mẹ sửa chữa lỗi lầm, đừng bi kịch hóa hoàn cảnh của mình.
|
Ảnh minh họa |
Nếu trẻ có biểu hiện nuôi hy vọng gia đình đoàn tụ, hãy nhắc nhở con về thực trạng. Ly hôn là một khủng hoảng gia đình, song nếu cùng hợp tác với nhau thì cả hai có thể tiếp tục là cha mẹ tốt. Nhu cầu của trẻ luôn phải đặt lên hàng đầu, cha mẹ đừng vì hiếu thắng mà quên đi lợi ích của trẻ.
* Bà có thể cho biết những “sang chấn” nào trẻ sẽ tiếp tục gặp phải khi chúng cảm thấy những nỗ lực bù đắp của cha mẹ là vô nghĩa?
- Điều tệ hại nhất là trước và trong khi ly hôn, các bậc cha mẹ thường gây gổ, chửi bới, thậm chí còn đập phá đồ đạc, hành hạ, ngược đãi nhau trước mặt con cái. Họ đã biến gia đình thành “địa ngục” khiến con trẻ phải chứng kiến biết bao điều xấu xa, tệ hại của người lớn. Điều này ảnh hưởng lớn đến sự hình thành nhân cách của trẻ.
Trẻ sẽ trục trặc trong quan hệ bè bạn, thấy cô đơn, khổ sở, bực bội, có hành vi chống đối và những triệu chứng như đau bụng, đau đầu, lo lắng, lãnh đạm, buồn bực hoặc “đeo bám nhằng nhẵng” người nuôi dưỡng. Đến giai đoạn trưởng thành, trẻ thường có hai xu hướng. Một là rất quan tâm gia đình vì hiểu rõ những đau khổ, khó khăn đã phải trải qua trước đó. Hai là chính họ lại ly hôn như cha mẹ trước đây do sẵn có các suy nghĩ tiêu cực nên không giữ được hạnh phúc. Đặc biệt, họ có xu hướng tìm chỗ dựa ở người khác hoặc không tin tưởng vào tình yêu, lo sợ bị phản bội.
Ly hôn không phải là kết thúc
* Vậy trẻ cần gì nhất ở cha và mẹ một khi họ đã không còn là của nhau, thưa bà?
- Theo tôi, ly hôn là một quyết định gây stress cho cả cha mẹ và con cái. Phản ứng của trẻ luôn khác với người lớn và đa dạng theo từng lứa tuổi. Trẻ cần thời gian riêng với cha hoặc mẹ để tự khẳng định rằng vẫn được yêu thương.
Trẻ cần cả hai giữ thái độ cởi mở, bình tĩnh và trung thực để tháo gỡ mọi băn khoăn thắc mắc, để tin chắc cha mẹ sẽ giúp mình vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Chúng ta cần gạt bỏ sự tức giận hay oán trách ra khỏi các cuộc trò chuyện, nhấn mạnh rằng con không phải nguyên nhân khiến gia đình đổ vỡ.
|
Ảnh minh họa |
* Trong thực tế, có những trường hợp một phía giành được quyền nuôi con và cản trở phía còn lại trong việc thăm nom, chăm con. Hành vi đó sẽ gây những hệ lụy nào nữa, thưa bác sĩ?
- Sau ly hôn, nhiều người nhận thức về nghĩa vụ, trách nhiệm đối với con khá sai lầm, lệch lạc. Một số nghĩ ly hôn là hết, là chấm dứt tất cả thành ra thiếu trách nhiệm với con, không tới thăm, chăm sóc, không cấp dưỡng nuôi con.
Người nhận nuôi con thì gây khó khăn, cản trở hoặc cấm đoán người kia tới thăm nom, chăm sóc con. Thậm chí có người còn thù hằn, cay cú người đã gây đau khổ cho mình nên thường đổ lỗi, kể tội đối phương. Có người gieo vào tâm trí trẻ hình ảnh xấu xa, lệch lạc về cha mẹ chúng. Cá biệt, có trường hợp xin xóa họ tên cha mẹ ruột trong khai sinh con, đổi từ họ cha sang họ mẹ. Họ muốn trả thù đối phương, khiến cả đời phải khổ tâm vì phải xa con, bị con cái căm ghét và ruồng bỏ.
Trẻ trở nên mặc cảm, ngại tiếp xúc với xã hội, hoặc trở nên phá phách để thu hút sự quan tâm của cha mẹ. Thực tế đã xảy ra những chuyện đau lòng với những đứa trẻ không được học cách ứng phó với tình huống bất hạnh ập tới trong đời chúng như chấn thương tâm lý, bị dụ dỗ, xâm hại, lừa gạt...
* Xin cảm ơn bà.
Quốc Ngọc (thực hiện)