PNO - Tết về, khi chúng ta đang nôn nao với những chuyến đi chơi, đoàn tụ bên gia đình thì các y, bác sĩ vẫn đang chiến đấu trên “mặt trận COVID-19”.
Tôi gặp bác sĩ Ngô Đức Hùng (Trung tâm Cấp cứu A9 - Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) vào buổi chiều ở TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang vào một ngày cuối năm. Bác sĩ Hùng vừa trở về từ cuộc họp ở cơ sở chống dịch tuyến xã, còn chưa kịp trút bỏ những mệt mỏi sau một ngày dài, liền ngồi vào bàn tranh thủ trò chuyện để tôi kịp lên xe quay về lại Sài Gòn trong đêm.
Cố gắng đến cùng vì điều nên làm
Bác sĩ Ngô Đức Hùng |
Phóng viên: Tôi nhớ lần đi chống dịch đầu tiên của anh trong năm nay, tôi đã nhắn nhủ anh giữ gìn sức khỏe, đừng để lao lực. Bây giờ, chúng ta lại gặp nhau vào dịp cuối năm ở một “điểm nóng” mới, hẳn có thể gọi năm 2021 của anh là “năm dịch vật” rồi?
Bác sĩ Ngô Đức Hùng: Có thể gọi vui như vậy. 2021 quả là một năm quá vất vả! Tôi đi chống dịch, rời khỏi nhà từ mùng Mười tết và chuẩn bị kết thúc một năm thì lại ở điểm dịch Châu Đốc - An Giang. 12 tháng thì hết 3/4 là ở giữa tâm dịch, di chuyển từ điểm dịch này đến điểm dịch khác, khoảng giữa là thời gian cách ly y tế theo quy định nên gần như cách ly với thế giới bên ngoài.
* Chính bởi những vất vả đó nên xã hội mới trân trọng vinh danh các nhân viên y tế như anh bằng hai chữ “anh hùng” trong cuộc chiến chống dịch tàn khốc này?
- Xin đừng bắt nhân viên y tế làm anh hùng, bởi sự ghi danh đó không giúp chúng tôi sống tốt được. Nhân viên y tế đi chống dịch cũng có gia đình, họ cũng có quyền lợi của họ và họ cũng mệt mỏi. Lúc mệt, họ có quyền được từ chối những điều họ không muốn làm. Nên nếu ghép họ vào danh hiệu “anh hùng” thì quá sức mệt mỏi. Chẳng ai muốn điều đó, ngay cả bản thân tôi.
Tôi chỉ là người bình thường và tôi làm những công việc này vì tôi thấy mình cần phải có trách nhiệm với xã hội. Thấy việc mình đóng góp có ý nghĩa cho người dân ở những nơi mình đến thì tôi làm. Chúng tôi không đi làm vì mong muốn được ghi nhận công lao. Ghi nhận làm gì bởi điều đó không mang lại giá trị gì cả. Giá trị thực sự nằm ở việc mình làm vì mình cảm thấy thanh thản, vui và có ích.
* Tôi thấy nhân viên y tế vẫn có được quyền lợi của “người hùng chống dịch” và nhận được nhiều sự quan tâm từ xã hội?
- Bản thân các nhân viên y tế cũng có gia đình. Muốn họ yên tâm làm việc và cống hiến thì trước hết gia đình của họ phải được ổn định. Không ai có thể hít không khí mà sống. Thế nhưng, khi nhân viên y tế đi tham gia chống dịch, một số viện vẫn giữ nguyên mức lương; một số khác thì lương chuyển về mức cơ bản, các phần phụ cấp được tính về phần chống dịch.
“Ai cũng có một gia đình và nhà là nơi bình yên để dừng chân mỗi khi gặp trắc trở. Thế nên đừng bắt nhân viên y tế làm anh hùng, gánh trách nhiệm với xã hội và phải hy sinh cuộc sống riêng, không được đòi hỏi. Họ làm vì đó là trách nhiệm và lương tâm mỗi người và vì đó là những việc tử tế họ nên làm, vậy thôi”. |
Đến nay, có rất nhiều nơi nhân viên y tế vẫn phải chờ đợi, chưa biết bao giờ mới lĩnh được tiền. Nhiều bạn phải vay tiền gia đình để trang trải khi tham gia làm việc. Nếu chẳng may ai bị nhiễm COVID-19 trong quá trình làm việc liền bị chuyển sang chế độ người bệnh. Tất cả sự ghi nhận chỉ là sự cố gắng. Vậy nên, dù có yêu nghề đến mấy, chỉ nói thôi thì không đủ. Đó cũng là một trong nhiều lý do khiến thời gian qua nhiều nhân viên y tế bỏ việc.
* Có vẻ “năng lực tử tế” của anh cao nên anh vẫn đang ở tâm dịch vào những ngày cuối năm như thế này?
- Tôi tự cho mình là người may mắn khi đi chống dịch thường có rất nhiều bạn bè và hậu phương hỗ trợ. Trước hết là hỗ trợ về mặt tinh thần, sau đó là hỗ trợ về trang thiết bị chống dịch. Nhờ có đội hậu cần nhanh nhạy lo giúp nên tôi mới yên tâm mà đi làm việc tử tế.
Những hy vọng từ trong đau thương
* Vậy chiến tuyến Châu Đốc so với Sài Gòn có nhiều khác biệt không, thưa anh?
- Mỗi nơi có một nét văn hóa và thói quen làm việc khác nhau. Việc áp dụng máy móc các quy trình từ nơi này vào nơi khác luôn khó khăn và gặp rất nhiều vướng mắc. Sự khác biệt này đến từ nền tảng mà địa phương xây dựng từ trước, việc của mình là làm sao điều chỉnh được quy trình và thói quen công việc để hài hòa, mục tiêu cuối cùng là đạt được hiệu quả đặt ra. Quan trọng nhất là khi chúng tôi rút đi, địa phương hoàn toàn làm chủ việc của mình.
Khi đến đây, các nhân viên y tế đều rất mong muốn thay đổi và sẵn sàng làm việc. Họ đều là những người trẻ nhiệt huyết. Sau hai tuần liên tục cùng thảo luận và hợp tác, cuối cùng, chúng tôi cũng đưa ra được phác đồ và quy trình làm việc phù hợp với tất cả mọi người.
* Người ta vẫn bảo trong mọi cuộc chiến, điều quan trọng nhất vẫn là con người. Có vẻ điều đó đúng khi cử một “chiến tướng” như anh ra chiến trường?
- Đoàn chúng tôi vào đây tổng cộng 30 người, chia làm ba hướng phụ trách ba vùng. Đội tôi phụ trách một vùng của An Giang. Rất may là tôi có các đồng đội cũng là những người trẻ “cứng” về chuyên môn, hăng hái và nhiệt tình. Nhiều lúc tôi còn phải hãm các bạn lại vì các thay đổi phải tiến hành từng bước để đảm bảo sự thích ứng cho mọi người.
"Không ai dại mà nhảy vào tâm dịch hòng mong kiếm tiền, bởi bạn phải đối diện với bệnh tật và cái chết, đó không phải trò đùa. Bản thân tôi chưa bao giờ để tâm đến những lời lẽ tiêu cực của dư luận bởi mình làm tốt hay không tự lòng mình biết, đâu phải làm theo lời người khác cho đẹp lòng. Việc tiêu cực hóa suy nghĩ sẽ khiến chúng ta có cái nhìn xấu vào xã hội. Tôi vẫn luôn nói với mọi người rằng xung quanh mình luôn có nhiều người tốt. Muốn tích cực hơn thì cứ đóng mạng xã hội và đi ra ngoài, còn chúng tôi làm vì lương tâm của mình, vì muốn sống cuộc đời tử tế." Bác sĩ Ngô Đức Hùng |
Nếu thay đổi quá nhanh, quá nhiều sẽ có nguy cơ phá vỡ tính ổn định, vô tình gây áp lực khiến các đồng nghiệp địa phương không thay đổi kịp.
Điều chỉnh mỗi hôm một ít, kết quả chưa thể nhìn thấy ngay nhưng sau một tuần đã có sự thay đổi. Nhiệm vụ là thay đổi, xây dựng quy trình, từ đó tuân thủ chặt chẽ, sẽ giúp bác sĩ không bỏ sót vấn đề và chỉ sau một tuần, tỷ lệ tử vong giảm dần.
* Anh đã chứng kiến nhiều trường hợp nhân viên y tế bỏ việc trong thời gian qua. Vậy còn anh thì sao? Có bao giờ anh nghĩ đến chuyện “thanh thản bỏ nghề”?
- Hiện tại, việc tôi làm chính là để tích lũy kiến thức chuyên môn, tôi làm việc vì lương tâm và trách nhiệm của chính mình.
* Đây có phải là lần đầu anh đến Châu Đốc?
- Có vài lần tôi đi giảng bài cho địa phương và đi qua đây. Tôi rất thích không khí bình yên, mến khách và cảnh quan thật đẹp của Châu Đốc và ước ao một ngày nào đó sẽ đến trong tâm thế khách du lịch. Hiện tại, hầu hết thời gian tôi làm việc trong các khu điều trị COVID-19, không bước chân ra đường. Thay vì nhìn thấy rừng tràm cùng những cánh cò yên bình, quanh tôi chỉ toàn bệnh nhân và những buổi họp. Giữa mơ ước và hiện thực vô cùng khác nhau.
Làm một người bình thường tử tế
* Vậy bây giờ, cứ vờ như chúng ta ở trong một thế giới song song, anh là một bản thể không phải bác sĩ. Anh sẽ là gì?
- Tôi là một người bình thường với đầy đủ hỉ nộ ái ố và sống bằng cảm tính. Còn với cương vị là bác sĩ, tôi phải sống bằng lý trí để xử lý công việc và các tình huống phát sinh. Làm công việc phải tiếp xúc với nhiều cái chết và mất mát là điều cực kỳ khủng khiếp. Hình ảnh khi đi vào khu COVID-19, nhìn thấy người nhà bệnh nhân lặng lẽ chờ đợi giữa những chiếc hòm gây ra cảm xúc vô cùng nặng nề, tác động đến rất nhiều người.
Hình ảnh đó chính là thực tế chúng tôi phải đối mặt. Phải cố gắng đừng để hình ảnh đó lặp lại. Nếu lúc đó chúng tôi để cảm xúc đè nặng lòng mình thì sẽ không còn sức để làm tiếp.
* Trên mạng xã hội, tôi thấy anh rất “bông phèn” và tôi cũng bắt gặp không ít bài viết cảm tính khiến nhiều người cảm thấy “hụt hẫng”…
- Nhiều người kỳ vọng vào tôi quá nhiều nên dễ khiến bản thân thất vọng. Với tôi, mạng xã hội là nơi để thoải mái chia sẻ quan điểm cá nhân, để sống thoải mái bằng chính con người mình chứ không phải để làm vừa lòng người khác.
Tôi luôn kiểm soát, biết mình là ai và giữ để không bị cuốn theo những “cơn bão” của mạng xã hội. Tôi không đại diện cho thứ gì đó để phát ngôn tạo xu hướng, tôi chỉ viết ra những suy nghĩ của mình. Điều tôi nói đúng hay không tùy theo cách bạn nhìn nó theo hướng nào. Có người thấy không đúng thì đó là chuyện của họ. Việc tự ép mình vào chiếc khuôn đạo mạo không phải là mình, tôi không làm được.
* Năm cũng hết rồi. Điều gì ở các tâm dịch khiến anh nhớ nhất?
- Đáng nhớ nhất với tôi vẫn là 70 ngày chống dịch ở Sài Gòn, những mất mát mà chúng tôi chứng kiến, số lượng giấy báo tử mà tôi và các thầy ký… Những đau thương trong thời gian đó đủ cho cả một đời người.
Tiếp đến là đợt đi chống dịch ở Bắc Giang. Ngồi trên xe, nhìn qua cửa sổ, đi ngang qua nhà và đi ngang qua mộ mẹ mà tôi không ghé vào. Hai năm liền đi chống dịch, tôi vẫn chưa thể về giỗ mẹ hay thăm mộ mẹ. Cứ khu vực này hiệu quả thì phải đi tiếp chỗ kia, không có thời gian để quay về.
Với bác sĩ Ngô Đức Hùng, mạng xã hội là nơi để thoải mái chia sẻ quan điểm cá nhân, để sống thoải mái bằng chính con người mình |
* Tôi từng ấn tượng với đoạn văn anh viết về mẹ anh những ngày cuối đời; đó là ngày cận tết, tóc mẹ lưa thưa, già ngồi chải tóc cho mẹ. Tôi vẫn nghĩ đó là một hình ảnh đẹp và đau lòng. Đến giờ, anh đã nguôi ngoai?
- Hối tiếc lớn nhất trong cuộc đời tôi là không được nhìn mặt mẹ lần cuối. Nhưng theo thời gian, tôi đã quen với nỗi buồn đó. Thậm chí, khi đi chống dịch đợt này, tôi cũng không chắc mình có kịp về để giỗ mẹ không, nhưng tôi nghĩ gia đình sẽ thông cảm cho mình vì gia đình đều biết mình sống như thế nào, tình cảm mình dành cho gia đình ra sao.
* Chuỗi vòng quay chống dịch, cách ly “hết cả thanh xuân” không làm anh nao núng khi xuân đang về chứ?
- Chúng tôi luôn đi chống dịch trong tâm thế không biết khi nào về. Thế nên, dù phải cách ly cũng là một điều thực sự hạnh phúc sau khi trở về từ các tâm dịch. Lúc ấy, mình chỉ một mình trong nhà, chỉ ngồi một chỗ cũng đã thấy bình yên.
* Người ta bảo anh sống nhờ bán sách, bất kể anh có nói gì đi nữa? - Sách chỉ là nơi tôi viết để xả stress. Người ta luôn có nhiều lý do để lý giải cho những điều họ nghĩ, tôi không để tâm đến điều đó. * Nhưng anh nhận được nhiều điều từ sách đấy chứ? - Đúng, sách mang đến cho tôi nhiều điều tốt lành, đồng thời sách cũng lấy đi của tôi nhiều thứ. * Đó là…? - Sự tự do. Tôi thích đi du lịch một mình và không ai biết mình là ai. Dù tôi chưa phải là người nổi tiếng nhưng cũng được biết đến nhiều. Khi đến nơi nào đó, có người nhận ra thì sẽ đến hỏi han, chụp ảnh cùng và điều đó khiến tôi mất tự nhiên, cảm thấy ngại ngùng và bất tiện, mất tự do. * Nhưng anh sẽ vẫn viết tiếp chứ? - Chắc chắn. Nhất là những câu chuyện trong cơn đại dịch này, tôi sẽ viết tiếp và viết về những điều tử tế. * Người ta bảo trong cuộc chiến chống COVID-19 trên toàn cầu, thứ thiếu duy nhất chính là sự thật, anh nghĩ sao? - Sự thật luôn bị ảnh hưởng bởi cảm xúc và góc nhìn của người viết ra nó. Vì vậy, chỉ có thời gian mới trả lời được sự thật là gì bởi mỗi câu chuyện đặt vào mỗi tình huống thì chỉ là hiện tượng, không thể phán xét. Đó là điều tương lai và lịch sử sẽ trả lời. * Anh mong chờ gì ở cái tết 2022? - Một cái tết thanh thản không phải suy nghĩ gì nữa. Được đi lang thang và được check-in ở một đất nước mới hay một vùng đất mới. |
* Cảm ơn anh đã chia sẻ.
Uyên Bùi (thực hiện)
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Chia sẻ bài viết: |
Sau khi tập luyện với cường độ cao, nam huấn luyện viên thể hình bị khó thở, đau tức ngực và được đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Rối loạn lo âu hoảng sợ hay stress cấp tính làm cho người bệnh cảm thấy hoảng loạn.
Người đàn ông lái máy xúc (36 tuổi) ở Thanh Hóa phải thở máy, lọc máu liên tục sau nhiều ngày sốt cao không giảm.
Bé gái 10 tuổi ở Phú Thọ nhập viện trong tình trạng men gan tăng cao gấp 70 lần so với bình thường bởi hội chứng hiếm gặp và nguy hiểm.
Sau khi Báo Phụ nữ TPHCM đăng tải loạt bài viết "Hãi hùng nước sinh hoạt ở chung cư", cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra.
Lãnh đạo TP cho phép Sở Y tế thành lập Hội đồng thẩm định phương án giá gồm thành viên là đại diện của Sở Y tế, Sở Tài chính, BHXH TP...
Đây là chỉ tiêu mà Bộ Y tế đặt ra đến năm 2025 nhằm phòng, chống kháng thuốc.
Khi bác sĩ của bệnh viện tới cấp cứu, bé trai 7 tuổi (Phú Thọ) bị cửa cuốn kẹp vào cổ đã ngừng tuần hoàn.
Ngày 18/11, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết vừa tiếp nhận 1 bệnh nhân nguy kịch vì mất nửa lượng máu trong cơ thể do bệnh sốt xuất huyết.
Trước thực trạng quản lý, kiểm định nước sinh hoạt ở chung cư còn nhiều bất cập khiến chất lượng nước chưa bảo đảm, các chuyên gia đã đề xuất giải pháp.
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, nhồi máu cơ tim có thể dẫn đến tử vong.
Chiều 15/11, lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế thông tin, đội ngũ y bác sĩ đã cứu sống một trẻ sơ sinh bị vàng da tan máu nặng, hiếm gặp.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết phát triển chuyên sâu y dược cổ truyền thuộc định hướng phát triển của ngành y tế TPHCM.
Theo chuyên gia, mua bán thuốc online là xu hướng tất yếu, không thể tư duy "không quản được thì cấm" mà phải có hành lang pháp luật để quản lý.
Nam bệnh nhân chi 20 triệu đồng để hút mỡ bụng và bị nhiễm trùng dương vật phải vào bệnh viện cấp cứu.
Sở Y tế TPHCM đang phối hợp với Công an TP Thủ Đức làm rõ vụ người phụ nữ tử vong nghi do bị sốc phản vệ.
Sản phụ mắc sốt xuất huyết nhập viện trong tình trạng vỡ ối sớm và tiểu cầu hạ thấp nghiêm trọng đe dọa tính mạng cả mẹ và con.
Giá khám chữa bệnh giữ nguyên cơ cấu và định mức ban hành nhưng điều chỉnh yếu tố tiền lương từ mức 1,8 triệu đồng sang 2,34 triệu đồng.