Tòa án nhân dân TP.HCM xét xử ông Trần Hiệp Thuần (56 tuổi, nguyên bác sĩ Trung tâm Y tế Quận Tân Bình) về tội Mua bán trái phép chất ma túy.
Cách đây 2 năm, vào chiều 4/7/2015, công an bắt quả tang ông Thuần đang bán thuốc có chứa morphine (một dạng chất ma túy) trước cổng Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) cho người nghiện có tên Nguyễn Hoàng Lân.
|
Bác sĩ Trần Hiệp Thuần tại bị đưa ra xét xử tại Toàn án nhân dân TP.HCM ngày 12/7/2017 |
Công an thu giữ 10 ống bơm tiêm chứa chất không màu, thể tích 30 ml, dung dịch có chứa thành phần morphine với nồng độ morphine trung bình là 0,04 mg/ml.
Ngoài ra, ông Thuần còn bán cho các con nghiện ở các tỉnh Long An, Đắk Lắk, Phú Yên với hàng ngàn ống thuốc chứa morphin. Số thuốc này ông Thuần khai mua từ người quen, người này mua lại từ một thương binh (bị mất hai chân, chấn thương sọ não) được cấp miễn phí để trị bệnh, với 5 ngày là 400 lọ.
Vị bác sĩ này khai nhận từ tháng 9/2014 đến khi bị bắt, đã mua 2.428 lọ thuốc có nhãn hiệu morphine (loại 1ml) với giá 36.000 đồng/lọ. Toàn bộ số thuốc này, ông Thuần dùng để pha trộn với các lọ thuốc hiệu dimedrol loại 1ml/lọ rồi cho vào các ống bơm tiêm để bán cho người nghiện tự tiêm chích thay thế việc sử dụng ma túy.
Từ khi bị bắt cho đến lần ra tòa án vào ngày 12/7 vừa qua, ông Thuần và gia đình liên tục kêu oan với lý do, dù không được cấp phép điều trị cai nghiện dưới hình thức tư nhân nhưng các gia đình có con bị nghiện có nhu cầu bức thiết để cai nghiện. Vì vậy, ông giúp họ cắt cơn, phù hợp với lộ trình điều trị cai nghiện ngoại trú…
Dùng morphine để cai nghiện?
Trao đổi với Báo Phụ Nữ TP.HCM, bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển, chuyên khoa về tâm thần kinh, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, cho rằng: “Lúc tôi đi học về cai nghiện ở Thái Lan năm 2001 và Bỉ năm 2007, ở nước sở tại, họ dùng morphine với mục đích giảm liều bậc thang nhằm giảm nhẹ hội chứng cai rất khó chịu và khổ sở.
Nhưng ở Việt Nam, luật cấm sử dụng morphine trong phương pháp cai nghiện ma túy. Nghị định của Thủ tướng và các thông tư, phác đồ cai nghiện ma túy của Bộ Y tế… đều cấm dùng chất thay thế tương tự heroin.
Hiện nay phương pháp cai nghiện tốt nhất và kinh tế nhất hiện nay đó chính là uống Methadone. Là bác sĩ phải hiểu những gì không được làm cả về chuyên môn lẫn luật pháp”.
Ngay cả các cơ sở được phép điều trị cai nghiện hiện nay như: Trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện ma túy Thanh Đa, Cơ sở xã hội Bình Triệu... cũng cho biết trong các phương pháp cai nghiện họ đang áp dụng đều không sử dụng morphine.
|
Morphine là một chất gây nghiện nhưng được sử dụng trong y tế để làm thuốc giảm đau |
Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện ma túy Thanh Đa (Bình Thạnh, TP.HCM) phân tích: “Đúng là có phương pháp sử dụng morphine để giảm liều từ từ, nhưng cái này cai nghiện rất lâu, rất tai hại nên Bộ Y tế mới cấm sử dụng morphine trong cai nghiện. Hiện tại thiếu gì cách cai nghiện mà dùng morphine!”
Cũng theo bác sĩ Duy, có nhiều thuốc khác điều trị chứ không phải là morphine. Nếu giảm liều từ từ thì hiện nay dùng methadone là tốt nhất.
"Dùng morphine để giảm liều từ từ là rất dở. Ngay cả trong việc sử dụng morphine để cấp cứu khi người nghiện lên cơn cũng khó có tác dụng vì hàm lượng morphine quá thấp so với hàm lượng heroin trong cơ thể người nghiện. Họ có thể sử dụng heroin với hàm lượng gấp mấy chục lần hàm lượng morphine", bác sĩ Duy khuyến cáo.
Và khi đã lên cơn thì có dùng morphine cũng không có cắt cơn được. Khi đã xuất hiện hội chứng cai thì chích 1- 2 ống morphine cũng không ăn thua. Morphine nếu dùng trong bệnh viện để chữa bệnh là ma túy hợp pháp, còn sử dụng trái phép thì đó là ma túy bất hợp pháp.
Thậm chí, ông Lê Bá Hoàng, Giám đốc Cơ sở xã hội Bình Triệu khẳng định: “Trong cơ sở cai nghiện này không hề có một lọ morphine nào cả. Nơi này chỉ cai nghiện bằng phương pháp dùng thuốc an thần kinh”.
Hành vi này bán morphine cho người nghiện của ông Thuần bị các đồng nghiệp bác sĩ đánh giá là quá thất đức.
Có thể giết bệnh nhân bằng morphin
Bác sĩ Trần Minh Khuyên, Trung tâm Y tế Quận 3 (TP.HCM) cho biết morphine là chất gây nghiện nên nếu người nghiện tự tiêm vào người để cho qua cơn vật vã thì có thể dẫn đến tình trạng đột tử do quá liều.
Do là chất gây nghiện nên sau vài lần tiêm vào người thì những lần sau, morphine phải được tiêm với liều lượng lớn hơn trước nhiều lần. Khi lượng morphine tăng cao trong người, dẫn đến tình trạng ngộ độc morphine và con người tử vong do suy hô hấp. Lúc này, người nghiện không phải chết vì heroin mà là chết vì morphine.
|
Mẫu đăng ký chữ ký mẫu của bác sĩ khi kê đơn thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng thần |
Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Quận Thủ Đức TP.HCM nhận định: “Thông tư số 05/2016/TT-BYT ngày 29/02/2016 quy định về kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú dù không ghi rõ lượng tối đa morphine được kê toa cho bệnh nhân nhưng các bác sĩ không bao giờ cho nhiều lượng morphine đến như vậy. Nếu bệnh nhân có nhu cầu sử dụng nhiều morphine đến như vậy thì phải cho nhập viện theo dõi ngay.
Nếu sử dụng quá liều morphine có thể làm người dùng bị buồn nôn, ói mửa đến ảo giác, co giật, suy hô hấp. Ngay cả bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối nếu không hiệu quả với thuốc giảm đau thông thường như paracetamol mới dùng đến morphine”.
|
Mức độ gây nghiện của morphine chỉ xếp sau heroin |
Còn bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển cho biết : “Morphine được Bộ Y tế xếp vào nhóm độc nghiện và bác sĩ chỉ được kê toa 5 ngày. Nếu so về mức độ nghiện thì chỉ có yếu hơn so với heroin. Trước kia, trong chiến tranh, đã từng xuất hiện tình trạng các thương binh bị nghiện morphine sau khi được tiêm morphine để giảm đau nhiều lần và không có kiểm soát.
Có lúc họ sử dụng lựu đạn để uy hiếp bác sĩ phải tiêm morphine cho họ. Tuy nhiên, hiện nay con nghiện chỉ sử dụng heroin vì rẻ hơn và tiện lợi hơn. Tôi không tin có bác sĩ nào dám kê 80 ống morphine/ngày, kê 5 ống morphine/ngày là đã run tay rồi.
Dù Bộ Y tế Việt Nam không giới hạn hàm lượng morphine được kê đơn nhưng trong dược lý học của morphine ghi rõ liều gây chết là 100mg tức 10 ống (10mg/ống). Thường thì bác sĩ chỉ cho từng ống một, nếu chưa đáp ứng mới tăng dần”.
Morphine là một loại thuốc giảm đau gây nghiện, có tên khoa học là 7,8-dehydro-4,5-epoxy-3,6- dihydroxy-N-methylmorphinan được lấy ra từ nhựa quả thuốc phiện.
Thông tư liên tịch số 17-2007 Bộ Công an-VKSND Tối cao-TAND Tối cao-Bộ Tư pháp ghi rõ: Chất gây nghiện, chất hướng thần chính là chất ma túy. Còn thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần chỉ được chứa một hàm lượng nhỏ chất ma túy dùng để chữa bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy cho rằng vụ bác sĩ Thuần có đến hơn 2.400 lọ morphine như vậy cho thấy có quá nhiều kẽ hở từ chỗ bào chế đến nơi bán, qua bệnh viện: “Đâu phải dễ mà morphine lọt ra bên ngoài như vậy. Cần phải làm rõ trách nhiệm nơi nào để lọt morphine ra bên ngoài. Nếu bán ngoài chợ đen thì có thể là ăn cắp từ cơ sở sản xuất dược hoặc bác sĩ kê toa ẩu...”
|
Hiếu Nguyễn