Bác sĩ mạnh dạn áp dụng kỹ thuật mới, người mẹ may mắn giữ lại được thai nhi

22/01/2019 - 13:38

PNO - Một phụ nữ ở Phú Yên đã không phải bỏ thai nhờ kỹ thuật EXIT lần đầu tiên áp dụng thành công tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) cho trường hợp thai nhi bị hẹp đường thở.

Ca mổ bắt con vừa mới thực hiện vào ngày 21/1 tại Bệnh viện Từ Dũ đã mang lại niềm hạnh phúc được làm mẹ cho chị N.T.T.P. ( 30 tuổi, Phú Yên). Một bé gái nặng 3,4 kg chào đời trong sự chào đón của ê kíp bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi đồng 1.

Cháu bé được phát hiện bị bướu bạch huyết dưới cằm vào lúc 19 tuần tuổi. Dị tật này trước đây thường dẫn đến phương án hủy thai.

Tuy nhiên, các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ quyết định áp dụng kỹ thuật EXIT để giữ con lại cho chị N.T.T.P. Kỹ thuật EXIT được gọi nôm na là điều trị ngoài tử cung trước khi chuyển dạ sinh, được áp dụng thành công ở Mỹ, Anh, Tây Ban Nha từ năm 2013.

Bac si manh dan ap dung ky thuat moi, nguoi me may man giu lai duoc thai nhi
Ca mổ bắt con và đặt ống nội khí quản cho sản phụ N.T.T.P. tại BV Từ Dũ ngày 21/1. Ảnh: BV Từ Dũ

Đây là lần đầu tiên kỹ thuật EXIT được áp dụng để cứu thai nhi bị khối bướu chèn đường thở. Tại thời điểm phẫu thuật, khối bướu bạch huyết của thai nhi đã phát triển dài khoảng 10 cm. Khối bướu phát triển lan vào khoang cảnh, khoang sau hầu, khoang cổ sau, khoang dưới hàm, khoang dưới lưỡi bên trái. Khối bướu cũng đẩy lệch khí quản sang phải khiến các bác sĩ không quan sát được khí quản vùng hầu họng.

Trước khi tiến hành kỹ thuật EXIT, một lực lượng các bác sĩ giỏi của Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) được mời sang để phối hợp với các bác sĩ sản của Bệnh viện Từ Dũ. 

Các bác sĩ cho biết đặt nội khí quản trong cấp cứu là chuyện không quá khó. Nhưng trong trường hợp thai nhi bị khối bướu chèn đường thở, việc đặt nội khí quản đòi hỏi phải có kinh nghiệm của bác sĩ chuyên khoa nhi. Vì thế, người được chọn để thực hiện việc đặt ống nội khí quản là một bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng 1 có kinh nghiệm trên 20 năm.

Trong khi chờ bác sĩ chuyên khoa nhi đặt ống nội khí quản, các bác sĩ sản khoa phải làm tốt nhất công việc của mình: đó là giữ cho nhau chưa vội bong ra để còn nguồn cung cấp oxy cho em bé. Đây là việc làm vốn trái ngược trong sản khoa. Vì thông thường, sau khi em bé ra ngoài tử cung, các bác sĩ sản khoa phải làm sao cho nhau thai bong càng sớm càng tốt để tránh mất máu cho người mẹ. Nếu thời gian bong nhau thai quá lâu, người mẹ sẽ chết vì mất máu.

Bac si manh dan ap dung ky thuat moi, nguoi me may man giu lai duoc thai nhi
Bác sĩ Phan Thanh Bình thăm khám cho chị N.T.T.P. sau ca mổ dùng kỹ thuật EXIT thành công

Sau khi mổ bắt em bé ra ngoài, em bé với khối bướu to vùng cổ, được đặt trên bụng mẹ và được đặt ống nội khí quản ngay lập tức.

Sự phối hợp giữa hai chuyên khoa sản nhi diễn ra nhịp nhàng, khớp từng phút. Mất 8 phút để đặt ống nội khí quản (trong khi thời gian trung bình để đặt là 1,5 phút). 2 phút sau đó, nhau thai bong ra. Như vậy, các bác sĩ sản khoa đã kéo dài thời gian bong nhau thai lên đến 10 phút, trong khi bình thường sau khi sinh từ 3-5 phút, nhau thai phải bong ra ngoài.

Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cho biết với kỹ thuật EXIT được áp dụng thành công, sẽ giữ lại được nhiều thai nhi bị một số dị tật. Sau khi sinh, các bác sĩ sẽ sửa chữa dị tật cho các bé và có thể các bé sẽ phát triển như bình thường sau này.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI