Bác sĩ Lý Văn Lượng: Bài học từ sự tổn thương và chịu đựng

04/04/2020 - 18:31

PNO - Gần một tháng sau khi ông chết, ngày 5/3/2020, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc đã tuyên dương bác sĩ Lý Văn Lượng, là “cá nhân tiên tiến”, một trong tám người đầu tiên cảnh báo về dịch bệnh COVID-19.

Mỗi giờ, tin tức đại dịch dồn về, đầy ắp trên các mặt báo. Toàn là những tin chấn động. Những tin hàng ngàn người chết, những thành phố vắng lặng vì người dân không ra đường… làm người ta dễ quên đi cái khởi đầu rất mơ hồ của căn bệnh này.

Người dân Trung Quốc đặt vòng hoa tưởng nhớ bác sĩ Lý Văn Lượng - Ảnh: New York Times
Người dân Trung Quốc đặt vòng hoa tưởng nhớ bác sĩ Lý Văn Lượng - Ảnh: New York Times

Khi chưa có ai biết nó là gì, một bác sĩ đã nhìn thấy nó. Như một ẩn dụ, “người nhìn thấy” là một bác sĩ nhãn khoa. Điều mà ông nhìn thấy và cảnh báo với nhóm chuyên môn của mình ngay lập tức bị dập đi, ông bị coi là một kẻ bịa đặt gây “xáo trộn nghiêm trọng trật tự xã hội”. Và như một ẩn dụ cay đắng cuối cùng, “người nhìn thấy” bị nhiễm chính căn bệnh ấy và chết, để lại mẹ già, đứa con 5 tuổi cùng người vợ đang mang thai.

Số phận nhân loại đôi khi được đặt trước những khúc quanh không thể thấy trước. Trong hoàn cảnh đó, quyết định lên tiếng cảnh báo về điều mà mình nhìn thấy có thể đồng nghĩa với cái chết. Chết vì thấy những điều đám đông không thấy, chết vì đi trước, chết vì đơn độc. Người cũng đã chết rồi, bây giờ cũng khó nói rằng đó có là chọn lựa chủ động hay không. Chỉ có thể nói rằng, ngay cả cái chết ấy có thể cũng là một phần của những điều đã được nhìn thấy.

Gần một tháng sau khi ông chết, ngày 5/3/2020, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc đã tuyên dương ông, bác sĩ Lý Văn Lượng, là “cá nhân tiên tiến”, một trong tám người đầu tiên cảnh báo về dịch bệnh COVID-19.

Khoảng thời gian ngắn ngủi trên, bệnh dịch mà ông nhìn thấy đã kịp biến thế giới thành một bãi chiến trường. Số phận của ông và số phận hàng triệu người khác đã bị cơn đại dịch tràn qua, nhưng tiếng nói cảnh báo đầu tiên ấy đã không tắt lịm. Sở Lao động và Xã hội Vũ Hán đã gọi cái chết của bác sĩ Lý là “sự hy sinh vì công vụ”.

Nỗi oan của người đi đầu, người nhìn thấy, người cảnh báo đã được làm sáng tỏ. Cái chết của bác sĩ Lý là cái chết dự báo và thức tỉnh nhận thức của cộng đồng. Trong đại dịch này, mỗi người bệnh trong phút lâm chung cô độc không có người thân bên cạnh, không một lời chia tay với thế gian, không ai tiễn đưa thương tiếc… Ngẫm lại, khoảng không giữa những bộ đồ bảo hộ kín mít, sự im lặng lo ngại sau chiếc khẩu trang và giãn cách xã hội bắt buộc, sự bất lực của cả người sống và người chết đã khiến nhân loại vỡ ra rất nhiều điều.

Rằng chân lý vẫn chưa bao giờ chỉ thuộc về đám đông và kẻ mạnh. Dù chỉ là một tiếng nói cảnh báo yếu ớt, dù bị vùi dập bưng bít, dù sự im lặng của cõi chết đã chặn đứng những thanh âm cuối cùng, chân lý vẫn không bao giờ bị che lấp.

Thời gian để công nhận chân lý, trong quá khứ, đã có lúc phải tính bằng hàng trăm năm. Hôm nay, khoảng thời gian đó là một tháng. Đã là một thay đổi ghê gớm kể từ khi con người sở hữu công nghệ, nhưng nếu thấy rằng khoảng thời gian đó biến một lương y đầy trách nhiệm thành một người chết, thì dẫu người chết ấy có là một “cá nhân tiên tiến”, bài học cũng vẫn là quá đắng cay.

Chúng ta sẽ dạy thế nào về bài học ấy cho những đứa trẻ con đang phải ở yên trong nhà suốt mấy tháng nay khi trường học đóng cửa vì dịch bệnh? Dạy rằng hãy lắng nghe mỗi con người, lắng nghe một cách thực sự? Dạy rằng chúng ta phải luôn tỉnh táo để chân lý không phải mất một thời gian mới được công nhận?

Mỗi một ngày đi qua hôm nay đều có bao nhiêu bài học. Chẳng biết trong nỗ lực “giảm tải chương trình” của cơ quan chức năng vừa công bố, có hướng dẫn nào để những thế hệ tương lai học được những bài học sâu sắc này, những bài học từ sự tổn thương và chịu đựng ở tầm nhân loại?

Hoàng Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI