|
Ngày 14/11, bác sĩ Lương Lễ Hoàng qua đời sau thời gian điều trị COVID-19 |
Ông luôn xuất hiện trước ống kính truyền hình, hay những trang viết với tinh thần rất vui tươi, lạc quan, dí dỏm. Có một điều thật lạ ở ông, là một bác sĩ nổi tiếng, nhưng ông luôn khuyên mọi người “làm sao để ít gặp thầy thuốc nhất”.
Ông cũng chính là vị bác sĩ gần 30 năm qua miệt mài truyền đi thông điệp: phòng bệnh bao giờ cũng an toàn, hiệu quả và ít tốn kém hơn chữa bệnh. Phòng bệnh mà không cần dùng thuốc thì tốt hơn phải trông cậy vào thuốc và mỗi người đều có khả năng tự chữa lành, người thầy thuốc tốt nhất của mỗi người luôn là chính mình
Tôi có cơ hội làm việc với ông lần đầu tiên vào năm 2016 khi tôi mới tập tễnh làm phóng viên mảng y tế. Tôi gọi điện xin phỏng vấn ông về "vấn nạn stress ở người trẻ". Khi biết tôi là lính mới, ông đã nhiệt tình trả lời, diễn giải bằng ngôn ngữ dễ hiểu nhất, hạn chế dùng thuật ngữ y khoa cao siêu để tôi có thể tiếp cận, lĩnh hội được nhiều kiến thức.
Không chỉ trả lời phỏng vấn, mà khi viết báo, trao đổi với bệnh nhân, tư vấn sức khỏe trên truyền thông, bác sĩ Lương Lễ Hoàng luôn chọn cách viết, nói, ví von gần gũi, dễ hiểu để từ một người trí thức đến bác nông dân, chị công nhân đều có thể hiểu thông biết thạo thông điệp ông truyền tải, để chăm sóc sức khỏe bản thân.
Trên website Lương Lễ Hoàng của ông, ngay trang chủ có mục Y học trong tầm tay và trong mục Bài viết mới có tiêu điểm Y khoa ai đọc cũng hiểu - nơi đó lưu giữ cả ngàn bài viết phổ biến sức khỏe đến người dân của ông.
Thú thật, tôi từng thắc mắc một bác sĩ giỏi như ông, am tường Đông Tây y, sao không tận dụng hái ra tiền từ việc chữa bệnh mà ông lại dành nhiều thời gian, tâm sức phổ biến sức khỏe cho người dân - mà rất nhiều chương trình ông làm hoàn toàn không lấy thù lao, rồi khám bệnh miễn phí. Tuy nhiên, sau những lần tiếp xúc, xem ông trò chuyện trong các chuyên đề về sức khỏe, cũng như nghe được những người từng đọc, từng xem bài viết, chương trình tư vấn của ông, bệnh nhân từng được ông chữa bệnh, tôi đã có câu trả lời.
Bệnh nhân của ông nhiều ít tôi không biết, nhưng tôi biết ông có cộng đồng của mình ở khắp mọi miền Tổ quốc và cả Việt kiều khắp nơi trên thế giới. Chị gái tôi, một nông dân chính hiệu ở cù lao Ông Chưởng, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang hay khoe với tôi “nhờ bác Hoàng mà chị ngủ ngon, nhờ bác Hoàng mà chị đỡ đi bác sĩ, nhờ bác Hoàng mà chị bớt lo…”.
Hóa ra, chị tôi là fan của chương trình Y khoa vui vẻ và những buổi tư vấn sức khỏe của bác sĩ Lương Lễ Hoàng trên các đài phát thanh, truyền hình. Chị kể: "Bác Hoàng nói lo âu tự nó cũng là căn bệnh trầm kha nên giờ chị không thèm lo nữa, tới đâu hay tới đó. Ngộ thiệt, từ đó bệnh đau bao tử của chị đã bớt hẳn, không còn phải uống thuốc mỗi ngày, cũng như không còn cảnh cái gì cũng sợ".
Trao sức mạnh cho bệnh nhân, sức mạnh phòng bệnh và tự chữa lành của mỗi người, đó là điều tôi cảm nhận rõ qua những bài viết của ông. Đó cũng là thái độ khiêm nhường của một bác sĩ - người nắm giữ chuyên môn nhưng luôn nhấn mạnh sức mạnh của tinh thần trong điều trị - một điều mà người “ngoại đạo” nào cũng có.
Chị Nguyễn Như H., 32 tuổi, ở Q.4, TPHCM là người trải nghiệm rõ điều này. Chị thường xuyên bị đau vai gáy và mất ngủ. Tình cờ đọc được bài viết Nhờ "bà tám" giải lao của BS Lương Lễ Hoàng, chị làm theo hướng dẫn đơn giản: giải lao giữa những giờ làm việc, mỗi khoảng nghỉ dưới 15 phút, ngày thực hiện 2 lần.
Bác Hoàng viết: "Dấu hiệu cho thấy bạn nằm trong tầm nhắm của stress là cảm giác mỏi sau gáy trong lúc làm việc. Đó là lúc bạn cần nghỉ giải lao". Chị H. áp dụng cách này và hiệu quả không ngờ.
"Tôi bị thuyết phục khi đọc ví von rất vui của bác: cuộc đời nào cũng là bể khổ. Bơi hoài tránh sao không vọp bẻ. Tại sao không vớ mảnh bè nào đó để thả nổi ít phút dưới trời xanh lồng lộng cho bớt cay đắng đời người", chị H. chia sẻ.
|
Bác sĩ Lương Lễ Hoàng - Ảnh: Alobacsi |
Thật sự, những kiến thức y khoa, những bài viết của BS Lương Lễ Hoàng không chỉ giúp nhiều người nhận ra khả năng tự chữa lành của bản thân, phòng bệnh, hay bệnh nhân tìm thấy "phác đồ điều trị" đơn giản, mà còn truyền cảm hứng, lan tỏa tinh thần mang y học thường thức đến nhiều người, qua đó giúp người dân tăng cường kiến thức, sức khỏe để phòng chống bệnh tật.
Chị Nguyễn Thị Hà, nhân viên của một công ty truyền thông nổi tiếng đã bỏ ngang công việc với mức lương vài chục triệu đồng/tháng để cắp cặp đi học vỡ lòng về y học cổ truyền. Sự rẽ hướng này đến từ những người thầy thuốc mà chị quý mến, trong đó có những bài viết của BS Lương Lễ Hoàng.
Hiện nay, chị Hà đã học xong khóa trung cấp y học cổ truyền và đang làm việc tại một bệnh viện lớn. Điều đặc biệt, chị Hà cũng đang chập chững đi theo con đường của BS Lương Lễ Hoàng: viết những bài hướng dẫn cách phòng bệnh.
Tôi tin, những dự định, những điều ấp ủ còn dang dở về chăm sóc sức khỏe cộng đồng của BS Hoàng rồi đây sẽ được đồng nghiệp, hay nhiều thế hệ sinh viên ngành y tiếp nối.
Nhiều năm qua, dù xuất hiện trên truyền thông, trong hội thảo hay đối diện bệnh nhân, BS Lương Lễ Hoàng bao giờ cũng nói về sức mạnh của tinh thần trong việc phòng chống và cả điều trị bệnh. Thông điệp của ông là: phải giữ tinh thần khỏe mạnh, lạc quan, vui vẻ, tránh căng thẳng, lo âu.
Mọi sự xuất hiện của ông đều gợi nhắc về việc giữ một tinh thần khỏe mạnh, lạc quan cùng sự tin yêu cuộc sống. Và bây giờ, sự ra đi của ông cũng gợi nhớ về điều đó. Mong rằng những thế hệ người Việt sẽ chú trọng liều thuốc bên trong này để không ngừng chăm chút nó, như cách mà cộng đồng đang nhắc tên ông.
Kính tiễn TS.BS Lương Lễ Hoàng, vị bác sĩ mà nhiều người gọi nửa vui nửa thật: chuyên khoa... dân.
Thùy Dương