Tham dự cuộc thảo luận, đại biểu Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương trăn trở về những bất cập của ngành y tế liên quan đến bảo hiểm y tế dành cho người nghèo và việc triển khai xây dựng y tế thông minh trên địa bàn thành phố.
|
Đại biểu Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương trăn trở nhiều nội dung liên quan đến ngành y thành phố |
Cụ thể, đại biểu Hoàng Thị Diễm Tuyết chia sẻ, lâu nay TPHCM đều có chính sách bảo hiểm y tế cho hộ nghèo và cận nghèo. Tuy nhiên, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam vừa ban hành công văn để thực hiện Nghị định số 07 (áp dụng từ ngày 1/1/2022), có sự thay đổi về tiêu chuẩn, thu nhập của đối tượng được bảo hiểm xã hội chi trả, cụ thể là hộ nghèo.
“Trước đây mình chi trả cho đối tượng nghèo có thu nhập 700 ngàn đồng/người tháng tại khu vực nông thôn và 900 ngàn đồng/người/tháng tại khu vực thành thị. Tuy nhiên với quy định mới, người thuộc hộ nghèo khu vực thành thị phải từ 2 triệu đồng trở lên, như vậy người dân có thu nhập dưới 2 triệu đồng - 900 ngàn đồng/ tháng sẽ không được bảo hiểm y tế chi trả. Như vậy, số bệnh nhân khó khăn có thu nhập trong khoản này khi vào bệnh viện sẽ gia tăng nhiều và mang gánh nặng chi trả các dịch vụ y tế” - đại biểu Hoàng thị Diễm Tuyết nói.
Theo bà Hoàng thị Diễm Tuyết, các bệnh viện hiện tại đều có chính sách chủ động miễn giảm chi phí dịch vụ y tế cho các bệnh nhân nghèo, cận nghèo hay bệnh nhân không đủ tiền chi trả. “Và chi phí hỗ trợ, chia sẻ này chúng tôi sử dụng từ thu nhập của nhân viên y tế từ nguồn chênh lệch thu chi” - bà Hoàng Thị Diễm Tuyết khẳng định, đồng thời cho biết vô hình trung sự chia sẻ này đã làm giảm đi thu nhập của nhân viên y tế vốn đã rất khó khăn.
Bà nói: “Do đó, tôi mong có sự quan tâm đối với chính sách hỗ trợ cho người dân, nhất là người dân ở thành phố lớn như TPHCM vốn có mức sống cao, để giúp họ đỡ gánh nặng lúc ốm đau bệnh tật, cũng là hỗ trợ cho bệnh viện vơi gánh nặng lẫn không làm giảm thu nhập của nhân viên y tế”.
Trước mắt, đại biểu Hoàng Thị Diễm Tuyết mong UBND các quận, huyện rà soát chính xác đối tượng cần được nhận hỗ trợ bảo hiểm y tế, để giảm trường hợp khi vào bệnh viện, họ vừa không có tiền vừa không có bảo hiểm y tế sẽ rất khổ.
Thêm một vấn đề, theo Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương là hiện nay, TPHCM đang xây dựng thành phố thông minh, đồng nghĩa phải có y tế thông minh - vốn không chỉ khẳng định tính hiện đại của thành phố mà còn khẳng định đẳng cấp an sinh xã hội của người dân tại TPHCM.
Đề án y tế thông minh đã được thành phố phê duyệt, tuy nhiên hiện nay các cơ sở y tế vẫn chưa được đầu tư đúng mức về hạ tầng công nghệ thông tin. Một trong những lý do lớn nhất là hơn 90% các bệnh viện đang tự chủ tài chính và từ năm 2017, thành phố không phải chi ngân sách để các bệnh viện chi trả chi thường xuyên; do đó các bệnh viện không có nguồn vốn để đầu tư hạ tầng.
Qua đó, bà đề xuất: “Nên chăng thành phố lấy ngân sách trước đây chi cho các bệnh viện về chi thường xuyên để đầu tư lại cho các cơ sở y tế. Từ đó, các cơ sở có vốn và cơ hội đầu tư hạ tầng, phát triển y tế thông minh”.
Còn với các cơ sở bệnh viện may mắn có nguồn quỹ phát triển sự nghiệp, theo đại biểu Hoàng Thị Diễm Tuyết, cũng không thể đầu tư do vướng các quy định về Luật đầu tư công. Điều này dẫn đến khi nộp kế hoạch triển khai y tế thông minh cho đến khi được sử dụng quỹ thì các yếu tố trong kế hoạch đã lỗi thời, phải quay lại điều chỉnh và cuối cùng, không giải quyết được gì.
|
Ông Nguyễn Anh Dũng - Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM chia sẻ tại buổi thảo luận |
Tại cuộc thảo luận, ông Nguyễn Anh Dũng - Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM chia sẻ, đề án y tế thông minh được ban hành vào năm 2021, đến 7/2022 thì UBND TPHCM ban hành kế hoạch triển khai. Quá trình thực hiện, trong những tháng vừa qua HĐND TPHCM đã có giám sát, ghi nhận nỗ lực nhưng còn nhiều khó khăn, thách thức trong thực hiện.
“Với các cơ sở khám chữa bệnh công lập, việc triển khai đầu tư hạ tầng thì theo đề án là từ nguồn vốn sự nghiệp do các đơn vị tự chủ. Tuy nhiên, hiện các đơn vị đều gặp khó về vốn đầu tư, nhất là trong và sau đại dịch COVID-19 cũng như gặp khó về thủ tục đầu tư công” - ông Nguyễn Anh Dũng nói.
Dẫn chứng khó khăn về vốn, ông Nguyễn Anh Dũng khẳng định lĩnh vực y tế công lập giảm mạnh về nguồn thu. Cụ thể, năm 2019 thu tổng 34 ngàn tỷ đồng nhưng năm 2021 giảm mạnh. Hai tháng 8,9/2022 dù có phục hồi nhưng vẫn giảm hơn 10% so với năm 2019. Ngoài ra, ngành y tế còn gánh nhiều chi phí phát sinh về vận hành, chi tiêu, nhân sự đang ngày càng tăng trong khi giá thu thì ổn định, lại không đủ bao phủ.
Theo ông Nguyễn Anh Dũng, vừa qua Sở Y tế TPHCM đã phối hợp Sở Tài chính TPHCM xem xét, đánh giá, để qua đó các đơn vị không đảm bảo thu chi thì được giải quyết bổ sung, nhất là các đơn vị không có thu nhập tăng thêm.
T.Dân - S.Vinh