Bác sĩ Đinh Viết Hưng mổ cho chị T. đang làm ở bệnh viện nào và có chứng chỉ hành nghề về phẫu thuật thẩm mỹ không?
Giả mạo giấy phép ở Đồng Nai để hành nghề ở TP.HCM
Lúc 14g30 ngày 17/10, chị V.N.A.T. được bác sĩ Đinh Viết Hưng thực hiện phẫu thuật nâng ngực. Đến 15g20, cuộc phẫu thuật hoàn tất, chị T. được chuyển đến phòng nghỉ dưỡng dành cho khách hàng tại Bệnh viện Thẩm mỹ Emcas. Tuy nhiên, đến 20g45, chị T. sùi bọt mép và lập tức được đưa vào phòng hồi sức, đặt nội khí quản, cho thở máy, đồng thời đặt sonde tiểu, hút đàm nhớt.
|
Bệnh viện Thẩm mỹ Emcas, nơi xảy ra ca tử vong sau nâng ngực - Ảnh: Phạm An |
Sau đó, mạch và huyết áp của chị T. tụt dần, mạch cảnh khó bắt, mạch bẹn rõ nhưng rời rạc. Bệnh viện Thẩm mỹ Emcas đã xử trí xoa bóp tim ngoài lồng ngực, chích adrenaline (thuốc chống sốc) để duy trì mạch và huyết áp. Lúc 22g35, chị T. được chuyển sang Bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM để cấp cứu với chẩn đoán trụy mạch, suy hô hấp, sau đó chị tử vong.
Sau khi vụ việc xảy ra, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM lập hội đồng chuyên môn để đánh giá ca tử vong sau nâng ngực tại Bệnh viện Thẩm mỹ Emcas. Ngày 22/10/2019, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM gửi văn bản số 1572/Ttra nhờ Thanh tra Sở Y tế Đồng Nai xác minh thông tin người hành nghề.
Theo đó, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đề nghị phía Đồng Nai xác nhận việc điều chỉnh bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn khám, chữa bệnh ở lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ đối với ông Đinh Viết Hưng (sinh năm 1975, quê Nghệ An, ngụ tại P.Long Thạnh Mỹ, Q.9, TP.HCM).
Sau nhiều ngày thu thập tài liệu, phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM ghi nhận trong giấy phép hoạt động hành nghề của ông Đinh Viết Hưng, công tác tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức được ông Phan Văn Báu, nguyên Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, ký ngày 24/5/2013, ghi rõ chỉ được phép khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa chấn thương chỉnh hình, chứ không liên quan đến phẫu thuật thẩm mỹ. Nhưng để thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ, ông Hưng có gửi Sở Y tế TP.HCM quyết định mở rộng chuyên môn ở lĩnh vực thẩm mỹ do Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cấp.
|
Chứng chỉ hành nghề của ông Đinh Viết Hưng do Sở Y tế TP.HCM cấp là chấn thương chỉnh hình |
Phản hồi Sở Y tế TP.HCM, bác sĩ Nguyễn Mạnh Dũng, Chánh thanh tra Sở Y tế Đồng Nai, cho hay qua kiểm tra, rà soát hồ sơ của các cá nhân xin cấp chứng chỉ hành nghề, xin cấp bổ sung phạm vi hành nghề thuộc lĩnh vực khám, chữa bệnh không có hồ sơ Đinh Viết Hưng. Đối với quyết định số 009047/QĐ-SYT ngày 20/4/2017 của Sở Y tế Đồng Nai cấp cho ông Đinh Viết Hưng là giả mạo.
Cụ thể, số được cấp trong quyết định cấp bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn (số 009047) được lấy y nguyên số quyết định đã được Sở Y tế TP.HCM cấp trong chứng chỉ hành nghề cho ông Đinh Viết Hưng (số chứng chỉ 009047/HCM-CCHN). Việc cấp số trong quyết định bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn cho người hành nghề của Sở Y tế Đồng Nai được cấp số quyết định riêng, không trùng với số cấp trong chứng chỉ hành nghề.
Ngoài ra, tại mục “xét đề nghị của Trưởng phòng Nghiệp vụ Sở Y tế Đồng Nai” tại thời điểm như trong quyết định (ngày 20/4/2017), việc thẩm định xét hồ sơ của Sở Y tế Đồng Nai được giao cho Trưởng phòng Quản lý hành nghề, chứ không phải Trưởng phòng Nghiệp vụ như trong quyết định. Bởi đến tháng 5/2019, Sở Y tế Đồng Nai mới tiến hành sáp nhập các phòng chuyên môn nghiệp vụ của sở thành Phòng Nghiệp vụ.
Trong việc soạn thảo và ban hành văn bản, Sở Y tế Đồng Nai cũng quy định trong tất cả các văn bản của các phòng ban chuyên môn của sở, trước khi trình giám đốc sở ký phải có chữ ký nháy của trưởng phòng ở dòng cuối cùng của văn bản. Tuy nhiên, trong bản quyết định “giả” hoàn toàn không có chữ ký nháy của Trưởng phòng Quản lý hành nghề vào thời điểm như trong quyết định.
Còn con dấu và chữ ký của bác sĩ Huỳnh Minh Hoàn (Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai lúc bấy giờ) cũng hoàn toàn giả mạo. Trước tình hình này, Thanh tra Sở Y tế Đồng Nai kiến nghị Thanh tra Sở Y tế TP.HCM có biện pháp xử lý đối với đối tượng có hành vi giả mạo theo đúng quy định.
|
Đồng Nai kiến nghị TP.HCM có biện pháp xử lý đối với đối tượng có hành vi giả mạo theo đúng quy định. |
Bác sĩ giả chứng chỉ hành nghề không hiếm
Bác sĩ Lê Quang Ánh, Trưởng phòng Nghiệp vụ Sở Y tế Đồng Nai, cho biết: “Nạn làm giả chứng chỉ hành nghề không hiếm. Việc cấp chứng chỉ hành nghề phải tuân theo biểu mẫu chung của Bộ Y tế nhưng sở y tế của mỗi tỉnh sẽ đặt in riêng để sử dụng cho tỉnh mình.
Số seri của chứng chỉ hành nghề cũng được thống nhất từ Bộ Y tế nhưng chỉ những người làm ở bộ phận cấp chứng chỉ hành nghề mới rành về vấn đề này. Do đó, ngay khi nhìn qua chứng chỉ hành nghề do sở mình cấp, chúng tôi sẽ nhận ra ngay là thật hay giả. Ngay cả chứng chỉ hành nghề do địa phương khác cấp, chúng tôi cũng nhận ra do nhìn mẫu lạ hoặc cách ghi lạ”.
Thực tế, theo bác sĩ Ánh, những chuyên khoa “hot” như phẫu thuật thẩm mỹ sẽ có những đường dây làm giả chứng chỉ hành nghề hoặc những người mong muốn làm giả để “đốt cháy” giai đoạn do chưa đủ tiêu chuẩn để cấp chứng chỉ hành nghề.
Khi có chứng chỉ hành nghề giả này và hành nghề, bản thân người đó sẽ kiếm được “bộn tiền” nên người hành nghề vẫn muốn làm. Nhưng ít nhất, những người này vẫn là bác sĩ và ở các chuyên khoa ngoại khác.
|
BV Thẩm mỹ Emcas luôn tự tin giới thiệu nơi duy nhất Việt Nam cam kết nâng ngực không đau |
Thời gian qua, Sở Y tế Đồng Nai ít gặp vì người làm giả chứng chỉ hành nghề thường sẽ hành nghề ở địa phương khác. Mới đây, Sở Y tế TP.HCM đã gửi văn bản nhờ xác minh trường hợp sử dụng chứng chỉ hành nghề bổ sung phạm vi hoạt động giả. “Ngay khi nhận được hồ sơ xác minh, chúng tôi đã nhận ra ngay là giả mạo”, bác sĩ Ánh cho biết.
Để có được chứng chỉ hành nghề, nhân viên y tế cũng phải tuân theo những tiêu chuẩn nhất định và không phải ai cũng đạt yêu cầu. Tính từ khi nộp đầy đủ hồ sơ ở Trung tâm hành chính công của tỉnh Đồng Nai, 24 giờ sau, hồ sơ đó sẽ “có mặt” tại Phòng Nghiệp vụ của Sở Y tế để xử lý cấp chứng chỉ hành nghề.
Từ đó, phòng sẽ lập tổ thư ký để xét điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề. Việc xét hồ sơ này căn cứ vào văn bằng chuyên môn (đại học, cao đẳng, trung cấp hoặc sơ cấp…), kèm theo là xác nhận thực hành tại các cơ sở y tế mà sở y tế quy định.
Trong đó, bác sĩ phải thực hành 18 tháng; y sĩ thực hành 12 tháng; điều dưỡng, kỹ thuật viên, nữ hộ sinh thực hành chín tháng… tại bệnh viện và một số giấy tờ khác. Khoảng thời gian từ khi nộp hồ sơ đến khi nhận được chứng chỉ hành nghề là hai tháng.
|
Bác sĩ Đinh Viết Hưng tiếp tục dính vào vụ kiện hút mỡ bụng cho phụ nữ có thai |
Để làm rõ việc tại sao để người có chứng chỉ hành nghề giả làm việc tại Bệnh viện Thẩm mỹ Emcas thì đại diện cơ sở này từ chối trả lời báo chí bất cứ câu hỏi nào liên quan đến ca tử vong. Trong khi đó, thông cáo báo chí của bệnh viện này về sự cố ca phẫu thuật nêu rõ: ông Đinh Viết Hưng có chứng chỉ hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ và có hợp đồng hợp tác chuyên môn với bệnh viện từ năm 2016.
Vấn đề đặt ra là Sở Y tế TP.HCM sơ hở, để xảy ra ca tử vong mới đi rà soát chứng chỉ hành nghề. Với những cơ sở coi thường pháp luật, liệu việc xử phạt, đóng cửa tạm thời có làm an lòng dân, nhất là nơi này liên tiếp xảy ra ca tử vong?
Theo hồ sơ Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cung cấp, đối tượng làm giả điều chỉnh bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn khám, chữa bệnh là ông Đinh Viết Hưng. Trong chứng chỉ hành nghề do Sở Y tế TP.HCM cấp tháng 5/2013 (số chứng chỉ: 009047), ông Hưng có phạm vi hoạt động chuyên môn là khám, chữa bệnh chuyên khoa chấn thương chỉnh hình. Đến tháng 4/2017, bác sĩ này làm thêm chứng chỉ bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn về tạo hình - thẩm mỹ nhưng chứng chỉ bổ sung này được xác định là giả mạo. |
Bác sĩ Đinh Viết Hưng tiếp tục dính vào vụ kiện hút mỡ bụng cho phụ nữ có thai Ngày 31/10, khách hàng Đ.T.N.A. (28 tuổi, TP.Hà Nội) tố cáo Thẩm mỹ viện Sophie International (P.Tân Định, Q.1, TP.HCM) đưa chị tới Bệnh viện Thẩm mỹ Emcas hút mỡ bụng, sau đó mới phát hiện có thai 4 tuần. Đại diện Bệnh viện Thẩm mỹ Emcas gửi thông cáo báo chí khẳng định, chị Đ.T.N.A. là khách hàng của bác sĩ Đinh Viết Hưng. Theo xét nghiệm trước mổ là do bác sĩ trực tiếp phẫu thuật chỉ định. Với trường hợp chị A., bác sĩ Đinh Viết Hưng không cho khách hàng làm xét nghiệm về thai. Theo bác sĩ Hưng, bệnh nhân xác nhận không có thai. Tuy nhiên, Bệnh viện Thẩm mỹ Emcas vẫn tiến hành siêu âm bụng, có khảo sát lòng tử cung ngày 27/9. Lúc này, nếu có thai thì khoảng 2-3 tuần, cho nên siêu âm không phát hiện túi thai. |
Lan Phi